Bốn người Việt, trong đó có một cựu cán bộ công an, vừa bị kết án hàng chục năm tù trong vụ án lừa đảo qua mạng do Bộ An ninh Nội địa Mỹ bắt đầu điều tra cách đây bảy năm.
Theo thông tin từ văn phòng Điều tra của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (HSI) gửi cho VOA hôm 9/10, một tòa án nhân dân ở Hà Nội đã kết án tổng cộng 60 năm tù đối với 4 đối tượng vi phạm luật Việt Nam liên quan đến lừa đảo tài chính, tham nhũng công và rửa tiền.
Trong số 4 người bị kết án có Trần Xuân Hưởng, mà theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, là một quan chức thực thi pháp luật của Bộ Công an.
Đưa tin về vụ việc này, báo Pháp luật Việt Nam cho biết Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội hôm 23/9 tuyên phạt Trần Xuân Hưởng, 35 tuổi, nguyên cán bộ Công an thành phố Hà Nội, 17 năm tù về tội "sử dụng mạng máy tính, mạng internet để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".
Hai người khác cùng tham gia nhóm này là Lê Thành Tiến Sĩ, 31 tuổi, ngụ tại Cần Thơ, và Mai Quang Thanh, 36 tuổi, ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, một người bị tuyên án 15 năm tù. Người còn lại, Nguyễn Hồng Thanh, 31 tuổi, ngụ tại Quảng Ngãi, nhận bản án 13 năm tù cùng về tội danh trên.
Vào tháng 7/2012, Bộ An ninh Nội địa Mỹ mở cuộc điều tra về nhóm tội phạm sống ở Việt Nam sử dụng thẻ "Gift card" của trang web mua bán hàng trực tuyến Amazon.com có nguồn gốc bất hợp pháp để thu lợi bất chính.
Điều tra của Bộ an ninh Nội địa Mỹ cho thấy thất thoát của các nhà bán lẻ Mỹ do nhóm tội phạm này gây ra lên đến hơn 100.000 USD. Vụ lừa đảo này đã gây thiệt hại cho khoảng 15 nhà bán lẻ ở Mỹ và 65 thể chế tài chính ở 9 quốc gia.
Cơ quan điều tra của Bộ an ninh Nội địa Mỹ ở Thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp tất cả các thông tin về 4 đối tượng trên cho Bộ Công an Việt Nam. Trong hơn 4 năm sau đó, HSI đã phối hợp và cung cấp cho Bộ Công an Việt Nam các bằng chứng tài liệu bao gồm các nội dung tài khoản email, hồ sơ tài chính và các thông tin hỗ trợ khác.
Theo thông tin từ tài liệu của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an Việt Nam được báo Pháp luật đăng tải, vào năm 2012 Cảnh sát ở bang Kansas của Mỹ điều tra đối tượng tên Colin Lee Custard trú tại Hoa Kỳ có hành vi mua thẻ của người tên "Huong" ở Việt Nam. Bộ An ninh Nội địa Mỹ đề nghị Bộ Công an Việt Nam điều tra làm rõ hành vi của người tên "Huong" và các đối tượng liên quan ở Việt Nam.
Theo kết quả điều tra, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2013, Trần Xuân Hưởng, có tên "Huong" cùng 3 người kể trên có hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, ông Hưởng tham gia một số diễn đàn trên mạng internet và dùng nhiều hộp thư điện tử để thu mua thẻ "Gift card" sau đó bán cho các đối tượng ở nước ngoài để kiếm lời.
Theo báo Pháp Luật, cơ quan chức năng xác định rằng ông Hưởng mua bán 5.539 thẻ với giá trị hơn 355.671 USD.
Mai Quang Thanh là người giúp ông Hưởng bán thẻ và hưởng 8-21% giá trị thực của thẻ còn ông Hưởng thu lợi từ 5-10% lợi nhuận. Ông Thanh lưu trữ gần 1.900 mã thẻ có tổng giá trị hơn 117.000 USD.
Do không xác định được cụ thể số lượng, giá trị của thẻ "Gift card" và hàng hóa nên cơ quan điều tra xác định số tiền chiếm đoạt và hưởng lợi của ông Hưởng và đồng phạm dựa trên cơ sở số tiền họ nhận được khi bán hoặc chia lợi nhuận theo % giá trị thực của thẻ "Gift card", theo báo Pháp Luật. Trong đó, ông Hưởng đút túi 1,2 tỷ đồng, Mai Quang Thanh là 119 triệu đồng, Nguyễn Hồng Thanh là 179 triệu đồng, và ông Sĩ là 1,3 tỷ đồng.
Hồi tháng 5 vừa qua, các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ vừa phá vỡ một đường dây lớn làm kết hôn giả ở Houston, Texas, do người gốc Việt cầm đầu để giúp người Việt Nam có được thẻ xanh một cách bất hợp pháp.
********************
Mỹ phá đường dây kết hôn giả lấy thẻ xanh do người Việt cầm đầu (VOA, 14/05/2019)
Các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ vừa phá vỡ một đường dây lớn làm kết hôn giả ở Houston, Texas, do người gốc Việt cầm đầu để giúp người Việt Nam có được thẻ xanh một cách bất hợp pháp.
Các cuộc hôn nhân giả để làm thẻ xanh cho những cặp "vợ chồng hờ" trong một đường dây lừa đảo lớn do người gốc Việt tổ chức ở Houston, Texas, vừa bị phanh phui. (Ảnh từ trang web của ICE)
Theo thông báo của Cơ quan Hải quan và Di trú, gọi tắt là ICE, đưa ra chiều 13/5, một đại bồi thẩm đoàn liên bang đã khởi tố 96 người tham gia vào các hoạt động của đường dây này ở Houston và Việt Nam.
Người chủ mưu của đường dây này là Ashley Yen Nguyen, còn được biết là Duyen – 53 tuổi, sống ở Houston, theo thông cáo của ICE.
Các công tố viên cho biết bà Yen Nguyen điều hành tổ chức có trụ sở ở Houston từ căn nhà của bà ở High Star Drive và có những người cộng sự giúp điều hành hoạt động này trên khắp bang Texas và ở Việt Nam.
Đường dây này dựng ra các vụ kết hôn giả để giúp những người muốn vào Mỹ xin giấy thường trú nhân bằng các chứng từ giả mạo đó, theo các công tố viên.
"Vụ bắt giữ này đánh dấu đỉnh điểm của một cuộc điều tra kéo dài cả năm trời của các cơ quan thực thi pháp luật về một trong những âm mưu lừa đảo hôn nhân lớn nhất từng được ghi nhận ở khu vực Houston", theo đặc vụ tham gia cuộc điều tra Mark Dawson của HIS Houston. "Bằng cách cùng phối hợp với các đối tác từ nhiều cơ quan thực thi pháp luật, chúng tôi đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng chúng tôi kết hợp chặt chẽ với nhau trong các nỗ lực triệt phá các tổ chức tội phạm tìm cách lách luật của Hoa Kỳ bằng cách lừa đảo".
Theo Luật sư di trú Khanh Phạm, hiện làm việc ở Houston và biết rõ về vụ việc, nghi phạm chủ mưu Yen Nguyen đã "lôi kéo những người Mexico và Mỹ da trắng làm đám cưới với những người Việt Nam".
Trang tin tức Khou 11 của Houston cho biết khoảng một nửa trong số 96 người bị khởi tố là những người nhập cư Việt Nam không có giấy tờ trước khi tham gia đường dây này để làm kết hôn giả. Một nửa còn lại là những người có quốc tịch Mỹ được tuyển dụng để kết hôn với những người Việt.
Cho tới ngày 13/5, có tất cả 50 người đã bị bắt giữ và khởi tố với 206 tội danh. Hồ sơ truy tố hiện vẫn còn giữ kín đối với những người bị truy nã nhưng chưa bị bắt.
Bà Yen Nguyen, cùng chồng và hàng chục bị cáo khác, đã có mặt tại tòa hôm 13/5, theo ABC.
"Kết hôn giả là một tội nghiêm trọng", theo ông Tony Bryson, giới chức của Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS).
Thông báo của ICE nói rằng những cá nhân làm kết hôn giả nhằm mục đích lách luật di trú của Mỹ, họ không sống với nhau, và điều đó trái với những gì họ khai trong các giấy tờ chính thức nộp cho USCIS.
Theo bản cáo trạng, mỗi người tham gia kết hôn giả ký một thỏa thuận với bà Yen Nguyen, và họ phải trả từ 50.000 USD đến 70.000 USD để trở thành thường trú nhân ở Mỹ.
"Những người Việt tham gia kết hôn giả gồm những người đã qua (Mỹ) đang muốn xin thẻ xanh, những người làm đám cưới ở Việt Nam để được đưa qua (Mỹ), và làm fiance visa (thị thực theo diện hôn phu) ở Việt Nam để qua Mỹ", theo Luật sư Khanh, người cho biết đây là 3 con đường qua Mỹ được thực hiện trong vụ lừa đảo này.
Hồ sơ truy tố cũng nói rằng đường dây này giả mạo hồ sơ thuế, điện nước và hồ sơ làm việc để chắc chắn rằng USCIS sẽ chấp thuận hồ sơ giả mạo xin làm thường trú nhân.
Một luật sư người Việt bị bắt trong vụ này có tên Trang Le Nguyen, còn được biết với tên Le Thien Trang, sống ở Pearland, Texas. Luật sư 45 tuổi này bị kết tội cản trở quá trình thực thi pháp luật, tác động đến nhân chứng, nạn nhân hoặc người mật báo. Mức án tối đa cho mỗi tội danh này là 10 năm tù.
Các tội liên quan đến làm hồ sơ giả, ảnh hưởng đến các nhân chứng, nạn nhân và người mật báo có thể nhận bản án lên đến 20 năm tù theo luật liên bang Mỹ.
"Những người đã có thẻ xanh qua hệ thống này rồi thì trong tương lai sẽ bị Bộ Tư pháp và Sở Di trú trả lại hồ sơ và nếu họ không chứng minh được rằng cuộc hôn nhân của họ là thật thì họ sẽ bị thu hồi thẻ xanh và bị trục xuất ra khỏi Mỹ", Luật sư Khanh cho VOA biết.
Ông Khanh lo ngại rằng vụ việc này sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của những người gốc Việt hành nghề luật ở Houston và Texas nói chung.
"Cộng đồng luật sư người Việt (ở Houston) làm việc cực khổ mới có được tiếng tăm và tạm ổn. Nay tự nhiên có một người làm như vậy thì người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ mình làm ăn không đúng đắn. Có rất nhiều luật sư nên này lo lắng về vấn đề đó", theo Luật sư Khanh.
Vị luật sư này cũng cho rằng điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng người Việt khi "sở di trú có thể sẽ làm khó dễ hơn cho người Việt trong lúc làm giấy tờ".
https://youtu.be/SxOzJCSO_os?list=PL231429C17BE39E34
51 năm sau, đứa trẻ mồ côi thành tướng…
Trân Văn, VOA, 08/06/2019
Một số người Việt đang chia sẻ tin Đại tá Nguyễn Từ Huấn của Hải quân Mỹ vừa trở thành Phó Đề đốc (Rear Admiral lower half – RDML) trên mạng xã hội. Một số người khác thì bán tín, bán nghi vì chưa thấy thông tin này trên hệ thống truyền thông Mỹ.
Đại tá Hải quân Nguyễn Từ Huấn được gắn huy hiệu trong một sự kiện ở thủ đô Washington, ngày 8 tháng 1, 2018.
Ngày 6 tháng 6, trang facebook dành cho thân hữu và gia đình của Hội Quân nhân Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Uniformed Services Association - VAUSA) đã gửi lời chúc mừng Đại tá Huấn (1).
Tìm kiếm kỹ hơn, có thể thấy đề nghị chỉ định Đại tá Huấn làm Phó Đề đốc trên trang web của Quốc hội Hoa Kỳ. Đề nghị đã được Tổng thống chuyển cho Thượng viện Hoa Kỳ ngày 5 tháng 6 và đang được Ủy ban Quân vụ Thượng viện xem xét (2).
Nói cách khác, nếu không có gì thay đổi, cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ có thêm một vị tướng sau những : Lương Xuân Việt (Thiếu tướng Lục quân), William H. Seely III (Chuẩn tướng Thủy quân lục chiến), Châu Lập Thể Flora (Chuẩn tướng Lục quân).
***
Trên Internet không có nhiều thông tin về Đại tá Huấn song ít nhất qua Internet cũng có thể biết, Đại tá Huấn làm việc tại Bộ Tư lệnh Hệ thống Kỹ thuật Hải quân Mỹ - Naval Sea Systems Command – NAVSEA).
Năm ngoái, Đại tá Huấn được NAVSEA và Bộ Tư lệnh Hệ thống Hải chiến - Chiến tranh Không gian (Space and Naval Warfare Systems Command - SPAWAR) chọn trao phù hiệu Engineering Duty Officer Qualification (phù hiệu EDO) (3).
Tạm dịch EDO là Sĩ quan Thường vụ Kỹ thuật vận hành. Trong Hải quân Mỹ, phù hiệu EDO là bằng chứng, chứng tỏ khả năng đặc biệt của một sĩ quan Hải quân. Theo Wikipedia thì Hải quân Mỹ chỉ có chừng 800 sĩ quan mang phù hiệu này (4).
Các EDO là những sĩ quan giữ vai trò trụ cột cả về thiết kế, mua sắm, đóng, bảo trì, sửa chữa, chuyển đổi, thanh lý tất cả các loại tàu của Hải quân Mỹ (chiến hạm, tàu ngầm, hải vận hạm, hàng không mẫu hạm), lẫn trang bị các hệ thống (vũ khí, liên lạc, mạng máy tính, mạng kiểm soát và vận hành) trên những tàu này.
Nhìn một cách tổng quát, các EDO của Hải quân Mỹ là những cá nhân thật sự xuất sắc về tri thức, kỹ năng, giàu kinh nghiệm, sau khi trải qua một tiến trình thẩm định kỹ lưỡng, được xác nhận là đủ tư cách nắm giữ vai trò chỉ huy hoặc là cố vấn về tất cả các khía cạnh liên quan đến kỹ thuật của các phương tiện thuộc Hải quân Mỹ (5).
Theo hệ thống truyền thông quân đội Mỹ, dịp 30 tháng 4 vừa qua, Captain (cách mà lực lượng hải quân và tuần duyên Mỹ gọi những sĩ quan mang cấp bậc đại tá) Huan Nguyen đến Guam, tham dự lễ khánh thành Đài tưởng niệm "Lone Sailor" (6).
Đài tưởng niệm "Lone Sailor" vừa là biểu tượng liên kết giữa Hải quân và Hàng hải, vừa ghi lại sự kiện Guam đã từng là nơi trú thân của hàng chục ngàn người Việt phải bỏ xứ tha hương khi quân đội miền Bắc Việt Nam tràn vào Sài Gòn.
Hồi 30 tháng 4 vừa qua, Captain Huan Nguyen đến Guam không chỉ nhằm đại diện Hải quân Mỹ mà còn vì là một trong hàng chục ngàn người Việt từng được Hải quân Mỹ vớt trên biển cách nay 44 năm, rồi đưa đến Guam…
Hôm ấy, ông đại tá hải quân này kể rằng, 44 năm trước, khi đến Guam, ông là một thiếu niên 14 tuổi, đơn độc vì cha, mẹ, anh, chị, em đều đã bị giết,… nước Mỹ đã tiếp nhận những kẻ xa lạ như ông, cho ông hy vọng, cơ hội...
Trên Internet có một trang web do Daniel Pham lập ra và điều hành với tham vọng chia sẻ những điều tốt để hình thành tính cách tốt, giúp cuộc sống tốt hơn. Daniel Pham còn là tác giả Great Quotes và theo những gì Daniel chia sẻ thì Captain Huan Nguyen từng viết vài dòng, trong đó trích dẫn nguyên văn tâm tình của Nguyễn Bá Học : "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông" để khuyến khích Daniel tiếp tục theo đuổi ước vọng của chàng trai này (6).
***
Cũng tuần này, khi bàn về hòa giải dân tộc, một số người Việt chia sẻ với nhau tấm ảnh Saigon Execution (Hành quyết tại Sài Gòn) do Eddie Adams chụp tại Sài Gòn vào Tết Mậu Thân năm 1968 đã được chỉnh sửa lại.
Saigon Execution từng được hệ thống truyền thông phương Tây và hệ thống tuyên truyền của khối Cộng sản sử dụng như một bằng chứng tố cáo "tội ác Mỹ Ngụy", sự "phi nghĩa" của cuộc chiến chống cộng sản miền Bắc xâm chiếm miền Nam.
Trong Saigon Execution, người ta có thể thấy ông Nguyễn Ngọc Loan, lúc đó là Chuẩn tướng Tư lệnh Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa, dùng súng ngắn bắn vào đầu một tù binh Việt Cộng mặc thường phục và hai tay đang bị trói !
Năm 1969, Saigon Execution đã giúp Eddie Adams nhận giải Pulitzer về ảnh báo chí chụp tại hiện trường… Saigon Execution từng làm tướng Loan và chính thể Việt Nam Cộng hòa bị chỉ trích kịch liệt vì... vô nhân đạo – bắn một tù binh đã bị vô hiệu hóa.
Tuy nhiên theo thời gian, sự thật tưởng vậy mà không phải vậy...
Một số cựu chiến binh cộng sản bảo "nạn nhân" là Nguyễn Văn Lém, còn được gọi là Bảy Lốp (7), số khác bảo "nạn nhân" là Lê Công Nà (8). Còn chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ dùng Saigon Execution để tố cáo "tội ác Mỹ Ngụy", nêu cao "chính nghĩa" của cuộc chiến "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" chứ chưa bao giờ chính thức xác định danh tính, thân thế - sự nghiệp của "nạn nhân".
Vì sao ? Có thể vì làm như thế sẽ khó giải thích tại sao "nạn nhân" lại tham gia vào việc biến thủ đô của một quốc gia có chủ quyền thành mặt trận, giết nhiều thường dân, trong đó có gia đình một trung tá tên là Nguyễn Tuấn – Chỉ huy trưởng Trường Thiết giáp, tọa lạc tại Gò Vấp, nên mới bị tướng Loan hành quyết ngay tại mặt trận.
Năm ngoái – nhân dịp 50 năm xảy ra sự kiện Tết Mậu Thân, ông Hoàng Tất Thắng đã sưu tầm nhiều tài liệu, nhân chứng, thực hiện bài viết "Một thời điểm : Hai tấm hình - hai số phận và tội ác của truyền thông thiên tả" (9).
Chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ dựa vào "Saigon Execution" của AP mà lờ đi nhiều hình ảnh khác cũng trên AP về Tết Mậu Thân ngay tại Sài Gòn. Chẳng hạn tấm ảnh minh họa cho sự kiện Trung tá Nguyễn Tuấn bị chặt đầu, vợ (Từ Thị Như Tùng) và sáu đứa con bị bắn bằng tiểu liên, chỉ có một bé trai may mắn trốn thoát.
Nguyễn Văn Lém – Bảy Lốp hay Lê Công Nà chính là chỉ huy vụ thảm sát đó và nhiều vụ thảm sát khác ở Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân… Năm 1998, sau khi tướng Loan qua đời, Eddie Adams viết trên Time số ra ngày 27 tháng 7 về "Saigon Execution" : Tấm ảnh đó có hai người bị giết, tên Việt Cộng bị ông tướng bắn và ông tướng bị tôi giết bằng máy ảnh của tôi. Dù không có ý đồ ngụy tạo nhưng đôi khi một tấm ảnh có thể nói dối. Tôi xin lỗi…
Chẳng phải Sài Gòn, những cuộc thảm sát đã xảy ra tại nhiều nơi ở miền Nam trong Tết Mậu Thân 1968. Bé trai con của Trung tá Nguyễn Tuấn, không chỉ đội tang cha, mẹ, anh, chị, em. Đứa bé trai ấy còn đội thêm tang cậu ruột : Thiếu tá Từ Tôn Khán (Tỉnh đoàn trưởng Xây dựng nông thôn tỉnh Quảng Nam, về Huế ăn Tết với đại gia đình, bị các đồng chí của những Nguyễn Văn Lém – Bảy Lốp, Lê Công Nà dùng cha mẹ già uy hiếp buộc ra hàng rồi bị đập đầu bằng búa bửa củi...) và những người thân khác.
Hồi đầu tuần, ai đó đã chỉnh sửa "Saigon Execution" – thay khẩu súng trên tay tướng Loan bằng một bông hoa tím. Một số người đã chuyển "Saigon Execution" được chỉnh sửa như một đề nghị xóa bỏ hận thù. Có khá nhiều người không tán thành, không phải vì cố chấp mà vì chính quyền cộng sản Việt Nam vừa kêu gọi hòa giải, vừa xem những Nguyễn Văn Lém – Bảy Lốp, Lê Công Nà là anh hùng, hữu công, qua đó phải tri ân đảng (10)…
Đứa trẻ may mắn trốn thoát khỏi cuộc thảm sát cách nay 51 năm, may mắn trốn thoát thêm một lần nữa cách nay 44 năm sắp trở thành một vị tướng của Hải quân Mỹ. Ngẫu nhiên cả hai sự kiện chỉnh sửa "Saigon Execution" và Tổng thống Mỹ đề cử Nguyễn Từ Huấn làm Phó Đề đốc Hải quân Mỹ diễn ra trong cùng một tuần. Cuộc đời đúng là đầy bất ngờ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/06/2019
Chú thích :
(1) https://www.facebook.com/VAUSAFAMILY/posts/2344136569190363
(2) https://www.congress.gov/nomination/116th-congress/841/
(3) https://www.navy.mil/submit/display.asp?story_id=104396
(4) https://en.wikipedia.org/wiki/Engineering_duty_officer
(5) https://www.dvidshub.net/news/320205/guam-lone-sailor-statue-plaques-dedicated
(6) http://www.tinhcachtot.com/vn/news/nhan-xet/a-great-note-from-huan-nguyen-captain-of-us-navy/
(7) https://vi.wikipedia.org/wiki/ Nguyễn_Văn_Lém
(8) https://vi.wikipedia.org/wiki/ Lê_Công_Nà
(9) http://danlambaovn.blogspot.com/2018/08/mot-thoi-iem-hai-tam-hinh-hai-so-phan.html
(10) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2124729627638066&set=a.572770479500663&type=3&theater
(11) https://nsvietnam.blogspot.com/2018/08/cau-be-song-sot-trong-vu-bay-lop-tan.html
**********************
Một chuẩn tướng Mỹ gốc Việt được đề cử thăng cấp thiếu tướng (Người Việt, 08/06/2019)
Ông Lập Thể Flora, chuẩn tướng Lục Quân Hoa Kỳ, vừa được đề cử thăng cấp thiếu tướng hôm Thứ Tư, 5 tháng Sáu, theo danh sách của Ủy Ban Quân Lực Thượng Viện Hoa Kỳ, mã số PN840.
Chuẩn tướng Lập Thể Flora. (Hình : Virginia National Guard)
Theo trang nhà của Vệ Binh Quốc Gia Hoa Kỳ, vị chuẩn tướng gốc Việt này hiện là phụ tá chỉ huy lực lượng Vệ Binh Quốc Gia tiểu bang Virginia, đóng tại Sanston, nằm ở phía Đông thủ phủ Richmond, từ tháng Năm, 2016 đến nay.
Từ tháng Tám, 1988, ông công tác tại nhiều đơn vị Lục Quân và Vệ Binh Quốc Gia khắp tiểu bang Virginia, qua nhiều chức vụ và cấp bậc khác nhau.
Ngoài ra, ông từng tham gia một số chiến trường ở ngoại quốc.
Từ tháng Chín, 2001 đến tháng Tư, 2002, ông là thiếu tá phụ trách huấn luyện và tác chiến cho Sư Đoàn 29 Bộ Binh Mỹ ở Bosnia.
Từ tháng Tám, 2006 đến tháng Chín, 2007, ông là trung tá chỉ huy một đơn vị Bộ Binh Mỹ tại Kosovo.
Từ tháng Chín, 2011 đến tháng Tám, 2012, ông là đại tá chỉ huy của lực lượng mặt đất của Lục Quân Quốc Gia Afghanistan.
Chuẩn Tướng Flora tốt nghiệp trung học Cave Spring, Roanoke, Virginia, năm 1983.
Sau đó, ông tốt nghiệp cử nhân sinh học tại Virginia Military Institute, Lexington, Virginia, và tốt nghiệp cao học nghiên cứu chiến lược tại United States Army War College, Carlisle, Pennsylvania.
Ngoài ra, ông cũng được huấn luyện quân sự qua hai chương trình "Army Senior Leader Development Program-Basic" (ASLDP-B) và "Dual Status Commanders Course" (NORTHCOM).
Trên trang Facebook của mình, Chuẩn Tướng Lập Thể Flora cho biết ông từng làm việc tại ba công ty ITT Night Vision, ITT Exelis, và Puolustusvoimat.
Chuẩn tướng Lập Thể Flora cùng vợ và con gái. (Hình : Facebook Lapthe Flora)
Theo Wikipedia, Chuẩn Tướng Châu Thể Lập có tên Việt Nam là Châu Lập Thể, sinh năm 1962 tại Việt Nam, và là con trai của một binh sĩ Hải Quân QLVNCH, hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam, khi ông Thể mới 2 tuổi. Mẹ ông phải nuôi tất cả sáu người con.
Năm 11 tuổi, ông phải đi làm trong một xí nghiệp để giúp gia đình.
Năm 1980, năm năm sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, ông cùng một số anh em trốn lên rừng và sau đó vượt biên bằng đường biển, được một chiếc tàu cứu, và vào một trại tị nạn ở Indonesia.
Một năm sau, ông được gia đình ông John và bà Audrey Flora nhận làm con nuôi và đưa về định cư tại Mỹ.
Ông Lập Thể Flora được thăng cấp chuẩn tướng vào ngày 23 tháng Năm, 2016.
Cũng như lần trước, sự thăng cấp lần này của Chuẩn Tướng Lập Thể Flora phải được Thượng Viện và tổng thống chuẩn thuận.
Nếu được chuẩn thuận, ông Lập Thể Flora sẽ là thiếu tướng gốc Việt thứ nhì trong quân đội Mỹ.
Hiện nay, người gốc Việt cao cấp nhất trong quân đội Hoa Kỳ là Thiếu Tướng Lương Xuân Việt. (Đ.D.)