Bộ An ninh Nội địa Mỹ giúp phá đường dây lừa đảo có cựu cán bộ công an ở Việt Nam (VOA, 10/10/2019)
Bốn người Việt, trong đó có một cựu cán bộ công an, vừa bị kết án hàng chục năm tù trong vụ án lừa đảo qua mạng do Bộ An ninh Nội địa Mỹ bắt đầu điều tra cách đây bảy năm.
Theo thông tin từ văn phòng Điều tra của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (HSI) gửi cho VOA hôm 9/10, một tòa án nhân dân ở Hà Nội đã kết án tổng cộng 60 năm tù đối với 4 đối tượng vi phạm luật Việt Nam liên quan đến lừa đảo tài chính, tham nhũng công và rửa tiền.
Trong số 4 người bị kết án có Trần Xuân Hưởng, mà theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, là một quan chức thực thi pháp luật của Bộ Công an.
Đưa tin về vụ việc này, báo Pháp luật Việt Nam cho biết Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội hôm 23/9 tuyên phạt Trần Xuân Hưởng, 35 tuổi, nguyên cán bộ Công an thành phố Hà Nội, 17 năm tù về tội "sử dụng mạng máy tính, mạng internet để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".
Hai người khác cùng tham gia nhóm này là Lê Thành Tiến Sĩ, 31 tuổi, ngụ tại Cần Thơ, và Mai Quang Thanh, 36 tuổi, ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, một người bị tuyên án 15 năm tù. Người còn lại, Nguyễn Hồng Thanh, 31 tuổi, ngụ tại Quảng Ngãi, nhận bản án 13 năm tù cùng về tội danh trên.
Vào tháng 7/2012, Bộ An ninh Nội địa Mỹ mở cuộc điều tra về nhóm tội phạm sống ở Việt Nam sử dụng thẻ "Gift card" của trang web mua bán hàng trực tuyến Amazon.com có nguồn gốc bất hợp pháp để thu lợi bất chính.
Điều tra của Bộ an ninh Nội địa Mỹ cho thấy thất thoát của các nhà bán lẻ Mỹ do nhóm tội phạm này gây ra lên đến hơn 100.000 USD. Vụ lừa đảo này đã gây thiệt hại cho khoảng 15 nhà bán lẻ ở Mỹ và 65 thể chế tài chính ở 9 quốc gia.
Cơ quan điều tra của Bộ an ninh Nội địa Mỹ ở Thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp tất cả các thông tin về 4 đối tượng trên cho Bộ Công an Việt Nam. Trong hơn 4 năm sau đó, HSI đã phối hợp và cung cấp cho Bộ Công an Việt Nam các bằng chứng tài liệu bao gồm các nội dung tài khoản email, hồ sơ tài chính và các thông tin hỗ trợ khác.
Theo thông tin từ tài liệu của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an Việt Nam được báo Pháp luật đăng tải, vào năm 2012 Cảnh sát ở bang Kansas của Mỹ điều tra đối tượng tên Colin Lee Custard trú tại Hoa Kỳ có hành vi mua thẻ của người tên "Huong" ở Việt Nam. Bộ An ninh Nội địa Mỹ đề nghị Bộ Công an Việt Nam điều tra làm rõ hành vi của người tên "Huong" và các đối tượng liên quan ở Việt Nam.
Theo kết quả điều tra, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2013, Trần Xuân Hưởng, có tên "Huong" cùng 3 người kể trên có hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, ông Hưởng tham gia một số diễn đàn trên mạng internet và dùng nhiều hộp thư điện tử để thu mua thẻ "Gift card" sau đó bán cho các đối tượng ở nước ngoài để kiếm lời.
Theo báo Pháp Luật, cơ quan chức năng xác định rằng ông Hưởng mua bán 5.539 thẻ với giá trị hơn 355.671 USD.
Mai Quang Thanh là người giúp ông Hưởng bán thẻ và hưởng 8-21% giá trị thực của thẻ còn ông Hưởng thu lợi từ 5-10% lợi nhuận. Ông Thanh lưu trữ gần 1.900 mã thẻ có tổng giá trị hơn 117.000 USD.
Do không xác định được cụ thể số lượng, giá trị của thẻ "Gift card" và hàng hóa nên cơ quan điều tra xác định số tiền chiếm đoạt và hưởng lợi của ông Hưởng và đồng phạm dựa trên cơ sở số tiền họ nhận được khi bán hoặc chia lợi nhuận theo % giá trị thực của thẻ "Gift card", theo báo Pháp Luật. Trong đó, ông Hưởng đút túi 1,2 tỷ đồng, Mai Quang Thanh là 119 triệu đồng, Nguyễn Hồng Thanh là 179 triệu đồng, và ông Sĩ là 1,3 tỷ đồng.
Hồi tháng 5 vừa qua, các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ vừa phá vỡ một đường dây lớn làm kết hôn giả ở Houston, Texas, do người gốc Việt cầm đầu để giúp người Việt Nam có được thẻ xanh một cách bất hợp pháp.
********************
Mỹ phá đường dây kết hôn giả lấy thẻ xanh do người Việt cầm đầu (VOA, 14/05/2019)
Các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ vừa phá vỡ một đường dây lớn làm kết hôn giả ở Houston, Texas, do người gốc Việt cầm đầu để giúp người Việt Nam có được thẻ xanh một cách bất hợp pháp.
Các cuộc hôn nhân giả để làm thẻ xanh cho những cặp "vợ chồng hờ" trong một đường dây lừa đảo lớn do người gốc Việt tổ chức ở Houston, Texas, vừa bị phanh phui. (Ảnh từ trang web của ICE)
Theo thông báo của Cơ quan Hải quan và Di trú, gọi tắt là ICE, đưa ra chiều 13/5, một đại bồi thẩm đoàn liên bang đã khởi tố 96 người tham gia vào các hoạt động của đường dây này ở Houston và Việt Nam.
Người chủ mưu của đường dây này là Ashley Yen Nguyen, còn được biết là Duyen – 53 tuổi, sống ở Houston, theo thông cáo của ICE.
Các công tố viên cho biết bà Yen Nguyen điều hành tổ chức có trụ sở ở Houston từ căn nhà của bà ở High Star Drive và có những người cộng sự giúp điều hành hoạt động này trên khắp bang Texas và ở Việt Nam.
Đường dây này dựng ra các vụ kết hôn giả để giúp những người muốn vào Mỹ xin giấy thường trú nhân bằng các chứng từ giả mạo đó, theo các công tố viên.
"Vụ bắt giữ này đánh dấu đỉnh điểm của một cuộc điều tra kéo dài cả năm trời của các cơ quan thực thi pháp luật về một trong những âm mưu lừa đảo hôn nhân lớn nhất từng được ghi nhận ở khu vực Houston", theo đặc vụ tham gia cuộc điều tra Mark Dawson của HIS Houston. "Bằng cách cùng phối hợp với các đối tác từ nhiều cơ quan thực thi pháp luật, chúng tôi đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng chúng tôi kết hợp chặt chẽ với nhau trong các nỗ lực triệt phá các tổ chức tội phạm tìm cách lách luật của Hoa Kỳ bằng cách lừa đảo".
Theo Luật sư di trú Khanh Phạm, hiện làm việc ở Houston và biết rõ về vụ việc, nghi phạm chủ mưu Yen Nguyen đã "lôi kéo những người Mexico và Mỹ da trắng làm đám cưới với những người Việt Nam".
Trang tin tức Khou 11 của Houston cho biết khoảng một nửa trong số 96 người bị khởi tố là những người nhập cư Việt Nam không có giấy tờ trước khi tham gia đường dây này để làm kết hôn giả. Một nửa còn lại là những người có quốc tịch Mỹ được tuyển dụng để kết hôn với những người Việt.
Cho tới ngày 13/5, có tất cả 50 người đã bị bắt giữ và khởi tố với 206 tội danh. Hồ sơ truy tố hiện vẫn còn giữ kín đối với những người bị truy nã nhưng chưa bị bắt.
Bà Yen Nguyen, cùng chồng và hàng chục bị cáo khác, đã có mặt tại tòa hôm 13/5, theo ABC.
"Kết hôn giả là một tội nghiêm trọng", theo ông Tony Bryson, giới chức của Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS).
Thông báo của ICE nói rằng những cá nhân làm kết hôn giả nhằm mục đích lách luật di trú của Mỹ, họ không sống với nhau, và điều đó trái với những gì họ khai trong các giấy tờ chính thức nộp cho USCIS.
Theo bản cáo trạng, mỗi người tham gia kết hôn giả ký một thỏa thuận với bà Yen Nguyen, và họ phải trả từ 50.000 USD đến 70.000 USD để trở thành thường trú nhân ở Mỹ.
"Những người Việt tham gia kết hôn giả gồm những người đã qua (Mỹ) đang muốn xin thẻ xanh, những người làm đám cưới ở Việt Nam để được đưa qua (Mỹ), và làm fiance visa (thị thực theo diện hôn phu) ở Việt Nam để qua Mỹ", theo Luật sư Khanh, người cho biết đây là 3 con đường qua Mỹ được thực hiện trong vụ lừa đảo này.
Hồ sơ truy tố cũng nói rằng đường dây này giả mạo hồ sơ thuế, điện nước và hồ sơ làm việc để chắc chắn rằng USCIS sẽ chấp thuận hồ sơ giả mạo xin làm thường trú nhân.
Một luật sư người Việt bị bắt trong vụ này có tên Trang Le Nguyen, còn được biết với tên Le Thien Trang, sống ở Pearland, Texas. Luật sư 45 tuổi này bị kết tội cản trở quá trình thực thi pháp luật, tác động đến nhân chứng, nạn nhân hoặc người mật báo. Mức án tối đa cho mỗi tội danh này là 10 năm tù.
Các tội liên quan đến làm hồ sơ giả, ảnh hưởng đến các nhân chứng, nạn nhân và người mật báo có thể nhận bản án lên đến 20 năm tù theo luật liên bang Mỹ.
"Những người đã có thẻ xanh qua hệ thống này rồi thì trong tương lai sẽ bị Bộ Tư pháp và Sở Di trú trả lại hồ sơ và nếu họ không chứng minh được rằng cuộc hôn nhân của họ là thật thì họ sẽ bị thu hồi thẻ xanh và bị trục xuất ra khỏi Mỹ", Luật sư Khanh cho VOA biết.
Ông Khanh lo ngại rằng vụ việc này sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của những người gốc Việt hành nghề luật ở Houston và Texas nói chung.
"Cộng đồng luật sư người Việt (ở Houston) làm việc cực khổ mới có được tiếng tăm và tạm ổn. Nay tự nhiên có một người làm như vậy thì người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ mình làm ăn không đúng đắn. Có rất nhiều luật sư nên này lo lắng về vấn đề đó", theo Luật sư Khanh.
Vị luật sư này cũng cho rằng điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng người Việt khi "sở di trú có thể sẽ làm khó dễ hơn cho người Việt trong lúc làm giấy tờ".
https://youtu.be/SxOzJCSO_os?list=PL231429C17BE39E34