Một phái đoàn Bộ Công an Việt Nam sang Thái Lan ‘thăm hỏi’ người tị nạn, giới hoạt động lo sợ
VOA, 13/04/2024
Một phái đoàn của Bộ Công an Việt Nam vừa sang Thái Lan và đến tận nơi ở trọ của những người đang tị nạn chính trị khiến một số người hoang mang và cảm thấy bất an trong khi đó chính quyền Việt Nam nói rằng họ sang đó để "thăm hỏi", "động viên những người di cư".
Thiếu tướng Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai "thăm, động viên" người tị nạn ở Thái Lan, ngày 14/3/2024. Facebook Công an huyện Krông Pa.
"Ông Rah Lan Lâm, giám đốc Công an tỉnh Gia Lai. Ông ấy cùng một đoàn từ Bộ công an Việt Nam, có cả người làm công tác dân vận, sang bên này và gặp nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và được những người này dẫn xuống nơi những người tị nạn đang ở", nhà hoạt động Lê Văn Thương trao đổi ý kiến với VOA về chuyến công tác của Bộ Công an vào tháng trước.
Ông Thương đang bị chính quyền Việt Nam truy nã với tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 109 Bộ luật Hình sự năm 2015, và đang lưu trú tại Thái Lan chờ tái định cư ở nước thứ ba.
Cổng thông tin của Công an Đắk Lắk tường thuật rằng đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam vào ngày 14/3 phối hợp với Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đến "thăm hỏi, tuyên truyền, vận động" người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan.
Trang này viết : "Tại buổi thăm gặp, đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam đã ân cần thăm hỏi nơi ăn ở, nơi làm việc, quá trình sinh sống của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, bên cạnh đó đoàn công tác đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con xa xứ".
Những người tị nạn nói với VOA rằng chuyến thăm này của công an và chính quyền Việt Nam là lời đe dọa đến sự an nguy của họ, những người đã chạy trốn sự đàn áp và bắt bớ của Hà Nội chỉ vì họ lên tiếng cho tự do, dân chủ, và nhân quyền.
"Họ nói rằng biết điều thì bây giờ nên quay về Việt Nam, rồi họ sẽ khoan hồng cho, còn không biết điều mà ở lại đây thì trong thời gian tới họ sẽ phối hợp với cảnh sát Thái Lan để bắt và đưa về Việt Nam thì lúc đó sẽ phạt tù rất nặng", vẫn lời ông Thương.
"Đây là một lời đe dọa trực tiếp đối với những người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan chứ không phải là một lời kêu gọi, vì những người dân tộc Montagnard theo đạo Tin lành không được phép thờ phượng tôn giáo mà họ chọn, quyền con người tại Việt Nam không được tôn trọng", ông Nguyễn Duy Chiến, người từng tị nạn chính trị ở Thái Lan và vừa sang Mỹ định cư, nêu nhận định cá nhân của ông với VOA.
Truyền thông trong nước dẫn lời Thiếu tướng Lâm nói với những người di dân tại Thái lan : "Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện và phối hợp với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), cơ quan chức năng của Thái Lan, để có biện pháp hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang sinh sống bất hợp pháp tại Thái Lan được đi định cư tại các nước thứ 3 nếu các nước tiếp nhận ; đồng thời sẽ tiếp nhận và tạo mọi điều kiện cho số này có nguyện vọng hồi hương ổn định cuộc sống, không xử lý hình sự…".
Trang Công an tỉnh Đắk Lắk viết : "Bà con người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan hãy trở về với Tổ quốc, với buôn làng, vì quê hương như ‘người mẹ’ luôn dịu dàng dang tay chào đón đứa con trở về, cùng với đó bà con trong nước không nghe lời kẻ xấu vượt biên trái phép để rồi ‘tiền mất, tật mang’".
Trang Mạch sống của tổ chức phi chính phủ BPSOS ở Mỹ, tổ chức có văn phòng hỗ trợ người tị nạn Việt Nam tại Bangkok, viết : "Hỏi han về tình hình và điều kiện sống ở Thái Lan, ông Rahlan Lâm tìm cách lôi kéo, thuyết phục người tỵ nạn hồi hương, hứa hẹn sẽ không truy tố, hứa hẹn sẽ cho tiền ăn trên đường về, sẽ đào tạo nghề, sẽ cung cấp đất đai".
"Nhiều người Thượng tị nạn rất lo lắng, vì không biết phái đoàn Bộ Công an Việt Nam sẽ làm gì đối với mình", trang Mạch sống dẫn lời nhà hoạt động Y Quynh Bdap, người đang tị nạn chính trị tại Thái Lan, nói. "Nhưng đa số người tỵ nạn cho rằng chắc chắn phái đoàn của Bộ Công an Việt Nam đang làm việc để tiếp tục phối hợp với chính quyền nước sở tại nhằm cưỡng bức người Thượng hồi hương và truy bắt những nhà hoạt động nhân quyền người Thượng".
Trước đó, ông Lù A Da, một nhà hoạt động nhân quyền người H'mong cho VOA biết rằng một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam đã vào trại giam "đe doạ" sẽ đưa ông về nước sớm. "Ông ấy vào nói rằng sẽ lo giấy tờ để đưa tôi về Việt Nam nhưng tôi từ chối", ông Da nói sau khi được chính quyền Thái Lan trả tự do vào đầu tháng 2/2024.
Hôm 12/4, truyền thông Việt Nam dẫn thông tin từ Bộ Công an cho hay trên địa bàn huyện Chư Pưh, Gia Lai, 6 người vượt biên sang Thái Lan vừa "may mắn được trở về với buôn làng" thông qua điều mà chính quyền gọi là "tự nguyện hồi hương".
VOA đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan để xác nhận việc trục xuất này, nhưng chưa được trả lời.
Kể từ đầu năm 2018 đến nay, chính phủ Thái Lan tăng cường siết chặt quản lý người nhập cư trái phép, xử phạt rất nặng đối với người dân Thái Lan sử dụng lao động bất hợp pháp, theo truyền thông Việt Nam.
Theo Liên minh Nhân quyền Người H'mong, hiện có khoảng 1.000 người H’mong đã đào thoát sang Thái Lan xin tị nạn. Ngoài ra, còn có hơn 1.500 người Thượng ở Tây Nguyên cũng đang sống ở quốc gia này, với hàng trăm người trong số họ vẫn chưa được cấp quy chế tị nạn.
Do chính phủ Thái Lan không phải là thành viên của Công ước Quốc tế về Người tị nạn nên những người tị nạn Việt Nam có nguy cơ bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vì "nhập cư bất hợp pháp", trong khi đó cuộc sống của họ rất khó khăn và không được phép đi làm hợp pháp.
VOA, 13/04/2024