Truyền thông nhà nước Việt Nam ra sức bôi nhọ Hội thánh Đức Chúa Trời (CaliToday, 25/04/2018)
Bất chấp cả quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, liên tục hơn cả tuần nay, truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam liên tục tung ra những luận điệu tuyên truyền nhằm bôi nhọ Hội thánh Đức Chúa Trời, một nhánh của đạo Tin Lành đang phát triển khá rầm rộ ở Việt Nam.
Một buổi hành lễ của các tín đồ Hội thánh Đức Chúa Trời. Ảnh : Internet
Bằng những ngôn từ hết sức cảm tính nhằm hù dọa người đọc, truyền thông nhà nước Việt Nam đã xúc phạm những người tham gia giáo phái này, như : Tham gia là người nghiện ma túy đá ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản ; người tham gia được cho uống nước màu đỏ rồi từ đó mê man, đi theo giáo phái một cách mù quáng đến mức tan cửa nát nhà… Nặng nề hơn, đồng loạt các tờ báo của nhà nước cộng sản Việt Nam đều gọi Hội thánh Đức Chúa Trời là "Tà đạo".
Mặc dù vậy, cũng chính trên truyền thông nhà nước lại thừa nhận giáo phái này xuất phát từ Nam Hàn hồi năm 1964, cho đến năm 1985 thì đã phát triển mạnh mẽ và ngày nay có mặt trên khắp 175 quốc gia trên thế giới. Cách thừa nhận này của truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam chẳng khác nào ngửa mặt lên trời rồi phun nước bọt. Vì nếu một giáo phái với đầy đủ những yếu tố "kinh hoàng" như tuyên truyền thì liệu có thể thu hút được tín đồ trên khắp 175 quốc gia trên toàn cầu ? Đó là chưa nói, tín đồ mà giáo phái này hướng đến là những người thuộc tầng lớp trí thức, trong đó có sinh viên.
Cho đến nay, chưa rõ giáo phái Hội thánh Đức Chúa Trời đã gây ra những hệ lụy gì, nhưng báo chí nhà nước Việt Nam đã kết án giáo phái này "mang lại những hậu quả xấu cho xã hội". Đó là lối kết án quy chụp chứ chẳng đưa ra được bất cứ bằng chứng xác thực nào.
Theo truyền thông nhà nước cộng sản, từ khoảng năm 2017, giáo phái này đã rất phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh phía Bắc, trong đó đáng kể nhất là ở Hải Phòng, Hải Dương… và mới đây là ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Các tín đồ của giáo phái Hội thánh Đức Chúa Trời ra sức thu nạp tín đồ. Họ đến các trường Đại học để lôi kéo sinh viên ; đến các gia đình để mở lời gia nhập. Trong số đó còn có những người lên Internet, thông qua Facebook để kêu gọi thêm tín đồ.
Vốn coi tôn giáo là "liều thuốc phiện ru ngủ nhân dân", nên trước sự mở rộng hoạt động của giáo phái Hội thánh Đức Chúa Trời, chính quyền Cộng sản không tìm được phương cách hóa giải, họ bèn dùng đến phương cách hạ sách là bôi nhọ giáo phái này. Và công cụ để thực hiện nhiệm vụ bôi nhọ không ai khác chính là bộ máy tuyên truyền với hơn 1.000 tờ báo, truyền hình trên khắp cả nước. Cũng từ đó, hơn cả tuần nay từ truyền hình, phóng thanh cho đến báo giấy đều lặp đi, lặp lại những bài viết bôi nhọ giáo phái Hội thánh Đức Chúa Trời bằng những từ ngữ hết sức cảm tính.
Chưa hết, để ngăn chặn Hội thánh Đức Chúa Trời kết nạp tín đồ từ các sinh viên, các trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc đã phải ra thông báo khẩn nhằm cảnh báo sinh viên không được tham gia tổ chức tôn giáo này. Bên cạnh đó, Bộ giáo dục còn phối hợp với công an để quản lý sự việc và thường xuyên cho tổ chức các buổi hội thảo ở nhiều trường Đại học nhằm để sinh viên cảnh giác mà không theo Hội thánh Đức Chúa Trời.
Ông Nguyễn Minh Triết, con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời báo Tuổi Trẻ cho nói rằng, quan điểm của Hội Sinh viên là không nên tham gia Hội thánh Đức Chúa Trời. Ông Triết hiện đang là Trưởng Ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản, có thể do quá thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh nên luôn coi tự do tôn giáo, tín ngưỡng là kẻ thù, mà cố quên rằng, bất cứ ai cũng đều có quyền theo hoặc không theo tôn giáo nào. Miễn là tôn giáo họ theo không làm ảnh hưởng cho xã hội, cho những người xung quanh.
Ở Việt Nam có hai lần văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng bị xâm hại nghiêm trọng. Đó là vào thời kỳ Cải cách ruộng đất từ năm 1953-1956. Vào thời kỳ đó, rất nhiều chùa chiền, miếu mạo, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng bị đội quân "răng đen mã tấu" đập bỏ, bắt bớ và đàn áp. Cho đến nay, rất lễ hội, các truyền thống tốt đẹp có từ ngàn xưa vẫn chưa thể phục hồi. Lần thứ hai là sau năm 1975, khi Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm được miền Nam Việt Nam. Không chỉ quân-cán-chính Việt Nam Cộng Hòa bị bắt vào tù, mà sư sãi, linh mục hay mục sư, người đứng đầu các tổ chức tôn giáo cũng phải vào tù, nơi được gọi là "trại cải tạo". Rất nhiều người đã phải bỏ mạng chốn rừng thiêng, nước độc.
Qua những biến cố đó, đức tin nơi con người bị xuống cấp nghiêm trọng. Con người vừa khó khăn về đời sống vật chất, lại chẳng có chỗ bám víu về tinh thần nên đời sống đạo đức trở nên tha hóa. Xã hội Việt Nam hiện nay với những vụ án tàn độc, giết người không gớm tay, đạo đức suy đồi chính là hệ quả của những đợt "tàn sát" tôn giáo do chính quyền độc tài Cộng sản gây ra. Không có đức tin, con người dễ dàng ra tay tàn độc với đồng loại của mình. Vì họ không sợ phải bị trả giá.
Chống Hội thánh Đức Chúa Trời bằng cách bôi nhọ, tuyên truyền lếu láo hoặc sẽ có những cuộc bắt bớ trong tương lai là một việc làm quá ư xằng bậy của chính quyền cộng sản Việt Nam. Nó cho thấy tự do tôn giáo vốn là một quyền hiến định vẫn không được tôn trọng ở Việt Nam, mặt khác nó còn phơi bày bộ măt xảo trá của nhà cầm quyền Cộng sản khi luôn miệng nói rằng họ luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của dân chúng.
Người Quan Sát
*****************
Việt Nam lên tiếng vụ Mỹ trục xuất người gốc Việt (VOA, 25/04/2018)
Hà Nội lần đầu tiên chính thức phản hồi chuyện Hoa Kỳ tính trục xuất "hơn 8 nghìn người" gốc Việt mà "phần lớn là người tị nạn chiến tranh".
Một di dân bị lực lượng chức năng Hoa Kỳ bắt giữ.
Trong tuyên bố gửi riêng cho VOA tiếng Việt, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà, nói rằng "việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam là vấn đề quan trọng được Việt Nam và Hoa Kỳ thảo luận nghiêm túc".
Bà nói thêm rằng các cuộc thương thảo được thực hiện "trên cơ sở các thỏa thuận giữa hai bên, luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có Hiệp định ký năm 2008 giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam về việc nhận trở lại công dân Việt Nam, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phù hợp với quy định pháp luật của hai nước".
"Việt Nam đã và đang phối hợp với Hoa Kỳ trong vấn đề này", Phó Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói tiếp.
Vấn đề Mỹ trục xuất người gốc Việt do phạm tội ở Hoa Kỳ, dù râm ran lâu nay sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa ra các chính sách được coi là "cứng rắn" đối với các di dân, "nóng" trở lại sau khi ông Ted Osius, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, trong tháng này cho biết rằng ông "được yêu cầu phải thúc ép chính quyền Hà Nội nhận từ Mỹ hơn 8 nghìn người", mà theo ông, "phần lớn là người tị nạn chiến tranh từng sát cánh với Hoa Kỳ, trung thành với lá cờ của một quốc gia không còn tồn tại".
Nhà ngoại giao hiện là Phó Chủ tịch Đại học Fulbright của Mỹ ở Việt Nam nói rằng chính sách mà ông nói là "thụt lùi" sẽ "hủy hoại cơ hội thành công trong việc theo đuổi các mục tiêu khác của Tổng thống Trump trong quan hệ với Việt Nam : giảm thâm thủng thương mại, tăng cường quan hệ quân sự và đối phó với các mối đe dọa tới hòa bình khu vực, nhất là xuất phát từ Bắc Hàn".
Và theo ông, đó là giọt nước làm tràn ly, khiến ông "từ chức" tháng Mười năm ngoái, ít tuần trước khi sắp hết nhiệm kỳ năm ngoái.
Việc nhận trở lại người gốc Việt từ Hoa Kỳ từng là một trong các vấn đề chính được nêu lên trong tuyên bố chung Việt – Mỹ sau chuyến công du của người đứng đầu chính phủ Việt Nam tới quốc gia cựu thù.
"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ làm việc tích cực với phía Hoa Kỳ để sớm đưa trở lại những người Việt Nam đã nhận được lệnh phải rời khỏi Hoa Kỳ lần cuối lấy cơ sở là Hiệp định Việt Nam - Hoa Kỳ về nhận trở lại công dân năm 2008. Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ thành lập nhóm làm việc để trao đổi về vấn đề này", tuyên bố chung công bố ngày 31/5 năm ngoái có đoạn.
Trả lời Reuters mới đây, ông Osius nói rằng "một số ít" người gốc Việt, vốn được bảo vệ bởi hiệp định ký năm 2008, "không áp dụng đối với những công dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước ngày 12/7/1995, ngày mà hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao", đã bị đưa trở lại quốc gia Đông Nam Á.
Bài viết có tựa đề "‘Không nghề, không tiền’ : Cuộc sống ở Việt Nam của người bị Mỹ trục xuất" của hãng tin Anh sau đó đã được nhiều trang tin trong nước, trong đó có báo điện tử VnExpress đăng lại, thu hút nhiều bình luận của độc giả.
Reuters trích lời một số người đã bị trục xuất nói rằng họ gặp "khó khăn thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam" và rằng "các cán bộ công quyền nhìn họ với con mắt ngờ vực".
Hai người bị Mỹ trục xuất về Việt Nam, ông Bùi Thanh Hùng (trái) và ông Phạm Chí Cường (giữa) tại một quán cafe ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19/4/2018.
Những người được phỏng vấn còn nói rằng "họ nhận được ít sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam và đang chật vật tìm việc làm".
Trong email gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, VOA tiếng Việt cũng đã đặt câu hỏi về cách thức Việt Nam giúp đỡ những người đã bị trục xuất.
Hãng này trích số liệu của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ cho biết 138 người gốc Việt đã bị đưa từ Mỹ về Việt Nam kể từ năm 2015, hai năm trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Viễn Đông
*******************
Việt Nam đưa thép vào danh sách mặt hàng xuất khẩu chủ lực (RFA, 25/04/2018)
Thép là mặt hàng xuất khẩu mạnh của Việt Nam trong thời gian qua và sẽ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong các năm tới.
Một người đàn ông đạp xích lô chở các thanh thép trên đường phố Hà Nội hôm 8/6/2016 - AFP
Báo Vietnamnet trích lời ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết như vậy hôm 24/4.
Doanh thu xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2017 đã đạt hơn 3 tỷ đô la, tăng hơn 55% so với năm trước đó, chủ yếu là các sản phẩm thép, thép xây dựng, ống thép và thanh thép nhỏ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sáu cho biết dự đoán tăng trưởng ngành thép của Việt nam sẽ đạt mức 20 đến 22% trong năm nay.
Tuy nhiên, hiện thép Việt Nam vẫn gặp phải những khó khăn nhất định như cạnh tranh từ thép Trung Quốc và việc một số nước áp thuế chống phá giá lên thép xuất khẩu của Việt Nam, nhất là từ Mỹ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện các thị trường tiềm năng chính của Việt Nam là Đức, Mỹ, và Campuchia. Đức được coi là cửa mở cho thép Việt Nam vào thị trường EU.
******************
Việt Nam giảm diện tích trồng tiêu đen vì giá giảm (RFA, 25/04/2018)
Việt Nam có kế hoạch cắt giảm khoảng 26,7% diện tích trồng tiêu đen do giá tiêu trên thế giới đang có xu hướng giảm. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Nguyễn Nam Hải Chủ tịch hiệp hội hồ tiêu Việt Nam loan tin này hôm 24/4.
Một người nông dân thu hoạt hạt cà phê tại trang trại tư nhân ở huyện Chư Phu, tỉnh Gia Lai. Hình chụp hôm 12/3/2013 - AFP
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu tiêu đen lớn nhất thế giới, chiếm 60-65% thương mại toàn cầu và cung cấp gần một nửa sản lượng tiêu thụ hồ tiêu trên toàn thế giới.
Theo ông Hải, diện tích trồng tiêu sẽ giảm từ 150.000 ha xuống còn 110.000 ha trong những năm tới thông qua việc khuyến khích người dân địa phương trồng xen kẽ các loại cây trồng khác, tiến tới loại bỏ hẳn các trang trại tiêu kém chất. Trong giai đoạn 2013-2015 giá hồ tiêu trên thế giới tăng đã khiến người dân địa phương mở rộng trang trại của họ một cách không kiểm soát, từ 50.000 ha năm 2013 lên 150.000 ha hiện tại.
Tuy nhiên, theo thống kê chính thức của hải quan Việt Nam, mặc dù xuất khẩu tiêu đen trong quý 1 năm 2018 đã tăng lên 60.033 tấn, tương đương với mức tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu trong giai đoạn này lại giảm còn 221 triệu USD, tương đương mức giảm 31,4%.
Dự kiến, sản lượng xuất khẩu cho cả năm 2018 sẽ không thay đổi so với năm trước và duy trì ở mức 215.000 tấn.
Việt Nam hiện nay xuất khẩu các loại gia vị sang các thị trường chính là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc và Châu Âu.
*****************
Ban tư vấn Thủ tướng dự đoán kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,85% từ nay đến 2020 (RFA, 25/04/2018)
Ban Tư vấn của Thủ tướng chính phủ hôm 20 tháng 4 đưa ra dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng trung bình là 6.85% từ nay cho đến năm 2020.
Hình minh họa. Những người bán rau quả chuẩn bị cho buổi sáng bán hàng trên phố ở Hà Nội hôm 19/4/2018 - AFP
Phát biểu tại một buổi họp giữa Thủ tướng chính phủ và các thành viên ban, ông Vũ Viết Ngoạn, trưởng ban nói rằng những nỗ lực cải cách và các biện pháp tích cực đã giúp cải thiện đáng kể môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Ban Tư vấn đưa ra ba kịch bản tăng trưởng của Việt Nam từ 2018 đến 2020 với dự đoán tăng trưởng GDP các năm là 6,71%, 6,83% và 7,47% từng năm.
Theo các chuyên gia của ban, việc duy trì mức tăng trưởng đưa ra rất khó khăn. Việc tạo ra những động lực thúc đẩy tăng trưởng mới và đẩy mạnh năng suất lao động được coi là những yếu tố then chốt cho việc duy trì tăng trưởng.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) mới đây đưa ra dự đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2018 và 2019 là 6,6% và 6,5%. Theo đánh giá của IMF, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong năm ngoái, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 6.81%, cao hơn mức mà Quốc Hội đặt ra và là mức cao nhất trong vòng thập kỷ qua.