Ma quái cáp treo Sơn Đoòng : có nên tin chính quyền Quảng Bình ? (VNTB, 30/01/2018)
Luôn trong trạng thái cảnh giác #savesondoong vẫn là một điều cực kỳ cần thiết trong tình trạng, tỉnh Quảng Bình vẫn đang tìm mọi cách hiện thực hóa ‘chủ trương’ đẩy mạnh du lịch tại hang Sơn Đoòng.
Và vào ngày 26/01, tin liên quan đến động Sơn Đoòng đang lan truyền trong mạng xã hội Việt Nam, theo đó, báo động Tập đoàn FLC đang âm thầm khảo sát làm cáp treo vào hang động này.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình luôn kiên trì và bằng mọi cách hiện thực hóa việc khai thác ‘mỏ vàng’ Sơn Đoòng, trong đó bao gồm việc vận động thành công việc xây dựng cáp treo Hang Én.
Tối cùng ngày, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã phủ nhận tin tức đó với báo Tuổi Trẻ, và khẳng định : Sơn Đoòng không phù hợp với kiểu làm du lịch đại trà, nên không có chuyện làm cáp treo vào đó đâu.
Cũng theo tin Tuổi Trẻ đưa, ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cũng khẳng định đến thời điểm này tỉnh Quảng Bình chưa hề có ý định làm cáp treo vào Sơn Đoòng.
Đây không phải là lần đầu tiên tỉnh Quảng Bình lên tiếng về Sơn Đoòng, tuy nhiên có vẻ như giữa ‘không có chuyện làm cáp treo’ đến ‘chưa hề có ý định’ là khả năng dẫn đến ‘có thể làm’ trong tương lai. Ít nhất, giữa hai quan điểm thì, Giám đốc Sở về mặt thẩm quyền vẫn cao hơn Giám đốc ban quản lý Vườn QG Phong Nha – Kẻ Bàng.
Tỉnh Quảng Bình tính đến thời điểm hiện nay luôn trong trạng thái ‘thập thò’ trong việc sử dụng động Sơn Đoòng trong khai thác du lịch. Mặc dù luôn khẳng định ‘không đại trà’, tuy nhiên, tỉnh này lại luôn ‘có chủ trương mời gọi đầu tư’, tất nhiên trong đó có cả cáp treo.
Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng 5/2017, khi trả lời báo chí, ông Nguyễn Hữu Hoài – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết : tỉnh có chủ trương sẽ mời gọi đầu tư cáp treo, hiện chỉ dừng ở mức chủ trương khảo sát.
Và quan điểm người đứng đầu tỉnh là ‘khảo sát xây dựng cáp treo chưa có gì ghê gớm, làm cáp trao cũng tốt, vẫn đề quan trọng là bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường’.
Bản thân FLC – đơn vị đang nổi trong mấy ngày qua cũng từng khẳng định trong năm 2017 rằng, đầu tư cáp treo Sơn Đoòng là ‘chủ trương, mong muốn của tỉnh Quảng Bình’, và riêng doanh nghiệp này đã mời không dưới 3 lần.
Lý do, vì lãnh đạo tỉnh không muốn ‘phí’ tiềm năng du lịch của hang động này, từng được Chánh văn phòng UBND tỉnh Trương An Ninh coi là ‘mỏ vàng’ để phục vụ.
Thành ra, sau hồi thương thuyết, thì tỉnh Quảng Bình và Chính phủ Việt Nam cũng đã đi đến sự thống nhất về chủ trương làm cáp treo vào hang Én vào tháng 08/2017.
Hang Én - vùng lõi của Sơn Đoòng (mặc dù từ khu vực này vào cái gọi là ‘hang Sơn Đoòng’ còn khoảng 3,5km). Và ai muốn đi Sơn Đoòng đều phải trải qua tại hang Én, điểm vòm hang cao – vốn nổi tiếng trong ảnh và video giới thiệu về Sơn Đoòng cũng là nằm trong cung hang Én.
Đến ngày 07/01/2018, trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình tiếp tục khẳng định : Nếu có làm thì làm cáp treo vào Phong Nha - Kẻ Bàng, chứ không phải vào hang Sơn Đoòng như mọi người vẫn tưởng.
Và với tập đoàn FLC, trước đó thì bày tỏ là ‘có ý định’ nhưng sau đó dừng lại ‘ở ý định khảo sát’.
Ngoài ra, trong thông cáo mới nhất liên quan đến 'tin đồn' trên mạng xã hội, tập đoàn FLC cho hay, ‘việc thực hiện nghiên cứu, khảo sát xung quanh hang Sơn Đoòng theo lời mời của tỉnh Quảng Bình đã kết thúc từ tháng 5 năm ngoái’ và ‘bất kỳ ý tưởng, dự án khai thác du lịch nào xung quanh Sơn Đoòng chỉ được thực hiện khi có sự chấp thuận từ Unesco’.
Điều đó cho thấy rằng, hành trình tiếp cận Sơn Đoòng hiện nay không nằm ở phía FLC, mà chủ yếu là nằm ở tham vọng của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Bởi cả hành trình dài nêu trên đã cho thấy, lãnh đạo tỉnh luôn kiên trì và bằng mọi cách hiện thực hóa việc khai thác ‘mỏ vàng’ Sơn Đoòng theo hướng vệt dầu loang, trong đó bao gồm việc vận động thành công việc xây dựng cáp treo Hang Én.
Do đó, thông cáo FLC chưa chấm dứt, nó giống như việc Sun-group trước đó phải dừng trước áp lực dư luận. Bởi nếu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tiếp tục giữ chủ trương, thì không phải FLC, mà sẽ xuất hiện nhiều nhà đầu tư mới tìm cách tiếp cận bằng được Sơn Đoòng.
Việc tiếp tục theo dõi động Sơn Đoòng, bao gồm việc tiến hành triển lãm thực tế ảo tại S.Hub Sài Gòn cho những người trẻ trải nghiệm về hang động Sơn Đoòng, cũng như hơn 52.000 chữ ký thỉnh nguyện thư nhằm cứu lấy Sơn Đoòng thoát khỏi dự án cáp treo là những hoạt động tích cực, giúp tập trung dư luận nhằm ‘giám sát’ từ xa, hướng tới sự bảo tồn kỳ quan thiên nhiên của dân tộc.
Luôn trong trạng thái cảnh giác #savesondoong vẫn là một điều cực kỳ cần thiết trong tình trạng, tỉnh Quảng Bình vẫn đang tìm mọi cách hiện thực hóa ‘chủ trương’ đẩy mạnh du lịch tại hang Sơn Đoòng.
Ánh Liên
******************
Quảng Bình : Người dân xã Quảng Hải biểu tình đòi bồi thường Formosa (CaliToday, 29/01/2018)
Thảm họa môi trường biển miền Trung do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra vào hồi đầu tháng 04/2016, đến nay cứ tưởng công tác giải quyết đền bù cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng đã giải quyết xong. Tuy nhiên, mới đây có khoảng hơn 1000 người dân ở xã Quảng Hải,tỉnh Quảng Bình lại biểu tình mấy ngày liền hòng yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết việc đền bù thỏa đáng…
Người dân xã Quảng Hải biểu tình đòi bồi thường Formosa (ảnh : Facebook Ant Nguyễn Toàn)
Biểu tình đòi bồi thường Formosa
Tại Việt Nam vào những ngày này, hàng triệu người dân sống trong bầu không khí hết sức cuồng nhiệt giống như "lên đồng" trước thành tích Á quân của đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam tại giải bóng đá "Vòng chung kết U23 Châu Á 2018", thì tại xã Quảng Hải, tỉnh Quảng Bình theo một số video clip do người sinh hoạt mạng đăng tải lên mạng xã hội Facebook cho biết, vào ngày 22/01/2018 có hơn 1000 người dân đã tiến hành biểu tình liên tiếp mấy ngày liền hòng yêu cầu nhà cầm quyền địa phương giải quyết việc đền bù thỏa đáng về thảm họa môi trường biển miền Trung do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra vào hồi đầu tháng 04/2016. Trước thông tin này, Cali Today liên lạc một giáo dân tên Luật ở xã Quảng Hải để hỏi tình hình thì được ông Luật xác nhận thông tin mạng xã hội lan tải là có thật. Ông Luật nói :
"Trong vấn đề đền bù của Nhà nước như thế nào đó tôi cũng không rõ lắm… đúng rồi. Họ đòi đền bù theo vấn đề bên Formosa"
Thảm họa môi trường biển miền Trung do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra vào hồi đầu tháng 04/2016, vài tháng sau tức là vào ngày 29/09, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ký thay Thủ tướng Chính phủ vào Quyết định số : 1880/QĐ-TTg về việc "Ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển".
Theo Quyết định 1880/QĐ-TTg thì đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, bao gồm : Khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối, hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch, thương mại ven biển và thu mua, tạm trữ thủy sản.
Cũng theo Quyết định 1880/QĐ-TTg, nguồn kinh phí thực hiện bồi thường thiệt hại được sử dụng từ nguồn kinh phí do Công ty Formosa Hà Tĩnh bồi thường là 500 triệu USD.
Ngay sau có Quyết định 1880/QĐ-TTg cũng như trước áp lực xuống đường của người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của thảm họa môi trường Formosa Hà Tĩnh, nhà cầm quyền địa phương ở một số nơi trong đó có tỉnh Quảng Bình phải nhanh chóng giải quyết chi tiền đền bù cho người dân.
Khi được hỏi, nếu người dân ở Quảng Bình đã nhận được khoản tiền bù Formosa Hà Tĩnh thì tại sao bà con xã Quảng Hải mấy ngày qua lại còn xuống đường biểu tình ? Ông Luật cho Cali Today biết, thành phần người biểu tình chủ yếu là những lao động giản đơn, không được giải quyết đền bù dù có bị ảnh hưởng thiệt hại sau thảm họa môi trường Formosa Hà Tĩnh. Thành phần lao động giản đơn này, một số nơi cũng được giải quyết hưởng đền bù bằng chứng ông Luật cho biết là có hai xã ở lân cận xã Quảng Hải :
"Thành phần lao động đơn giản như những xã lân cận, thậm chí có xã ở gần vùng núi cũng có mà ở đây là Quảng Hải ở cồn đảo mà lại không có. Giờ dân họ đòi hỏi…".
"Có rồi. Cũng có. Vừa rồi hình như có năm hoặc ba người gì đó thôi… Toàn tỉnh Quảng Bình theo tôi biết có thôn, xã thành phần lao động đơn giản cũng được giải quyết số tiền của lao động đơn giản".
Theo ông Luật, mỗi lao động đơn giản được giải quyết 8,5 triệu đồng, người dân xã Quảng Hải không được giải quyết nên đã xuống đường đòi hỏi quyền lợi.
"Trước đây người dân mình không biết. Nhà nước giải quyết cho bao nhiêu thì người dân mình lặng lẽ nhận chừng ấy thôi. Nhưng mới đây, xã ở hai bên lân cận xã Quảng Hải những lao động đơn giản lại nhận được tiền đền bù khoản tiền 8,5 triệu đồng nhưng xã Quảng Hải lại không có".
Tuy vậy, mấy ngày biểu tình vừa qua, nhà cầm quyền địa phương đã thông báo cho người dân xã Quảng Hải biết là không có đền bù thêm.
"Họ vẫn trả lời giống như cũ. Họ nói trả lời cho dân gặp tại trụ sở Ủy ban nhưng giờ họ đã lên loa thông báo là không có đền bù thêm" - lời của ông Luật.
Ngoài ra, ông Luật còn cho Cali Today biết thêm, xã Quảng Hải thông báo là có 700 đơn chưa giải quyết đền bù và trong số đơn này có số bà con làm đơn cũng lâu rồi.
Thiên Hà
****************
Sài Gòn có hàng loạt cây cầu chờ sập (Người Việt, 29/01/2018)
Tuy là thành phố lớn nhất nước nhưng cơ sở hạ tầng đặc biệt là giao thông của Sài Gòn được coi là "tồi tệ" với khoảng 200 cây cầu yếu, chờ sập bất cứ lúc nào.
Cầu Long Kiểng bị sập do xe chở quá nặng đi qua. (Hình : VnE)
VnExpress hôm 29 tháng Giêng dẫn lời ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở Giao thông vận tải Sài Gòn, nói rằng "hiện các trục đường chính có 30 cầu yếu. Còn nếu tính cả trong các khu dân cư thì hiện có khoảng 200 cầu yếu và 55 cầu không đồng bộ tải trọng".
Vẫn theo lời ông Cường, "Trước mắt vẫn khai thác hiệu quả hạ tầng hiện hữu nhưng vẫn phải bảo đảm tuyệt đối an toàn và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân".
Vụ tai nạn mới nhất là sập cầu Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè, 10 ngày trước. Nhịp cầu bị gãy được thay, đồng thời gia cố lại các trụ mống để đảm bảo sử dụng lâu dài.
Cầu Long Kiểng là nơi đi lại của người dân từ huyện Nhà Bè, Long An vào trung tâm thành phố hoặc từ trung tâm thành phố trở về nhà. Nhiều ngày qua, người dân phải đi đường vòng xa hơn cả chục km.
Cầu Rạch Dơi đã được sửa chữa nhiều lần nhưng người dân vẫn lo lắng mỗi khi đi qua. (Hình : VnE)
VnExpress ghi nhận, "Trên đường Lê Văn Lương thuộc xã Nhơn Đức đi Cần Giuộc (Long An), ngoài cầu Long Kiểng mới bị sập còn nhiều cầu sắt cũ khác như cầu Rạch Đĩa 1, Rạch Tôm, Rạch Dơi cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Các cây cầu này đều được xây dựng từ trước năm 1975. Chỉ cần một xe máy chạy qua, cầu đã rung bần bật".
Tại cầu Rạch Dơi, nhiều chân cầu bằng trụ sắt gỉ sét, một số nơi thủng lỗ chỗ. Dù cầu đã xuống cấp nhưng xe tải liên tục lưu thông ; phía dưới là ghe tàu, sà lan chất đầy cát không ngớt qua lại.
Còn cầu Rạch Tôm mỗi lần có xe tải chở hàng chạy qua lại rung lắc mạnh, phát ra những tiếng kêu lớn.
Tương tự là cầu Phước Lộc 1 nối hai xã Phước Lộc và Phước Kiểng. Bề ngang cầu chỉ khoảng 2m, vừa đủ hai xe máy đi ngược nhau.
Và không chỉ ở huyện Nhà Bè mà ở nhiều nơi khác cũng còn hàng loạt cây cầu yếu, nguy cơ sập bất cứ lúc nào như : Bà Hom (Tỉnh lộ 10, quận Bình Tân), Xáng Dọc (đường Vườn Thơm), Thanh Niên (bắc qua Kênh Xáng Ngang, huyện Bình Chánh ), Thi Đua (Tỉnh lộ 9, huyện Củ Chi)… (KN)
************************
Bị tù oan, chết đã 5 năm, mới được công an xin lỗi (Người Việt, 29/01/2048)
Công an đem giấy thông báo "Đình chỉ điều tra" đến cho một người đã chết cách đây 5 năm ở Bắc Giang, trong khi có tin một gia đình có 8 người bị tù oan ở Tây Ninh.
Công an trao quyết định "đình chỉ bị can cho con trai ông Sường". (Hình : VnE)
Một số báo tại Việt Nam cho hay đại diện công an tỉnh Bắc Giang đã đến nhà ông Mưu Quý Sường để trao giấy "Đình chỉ điều tra" và tổ chức xin lỗi công khai đã quy chụp cho ông tội giết vợ trong một vụ án từ 40 nước trước, bỏ tù ông dù không có phiên tòa nào được mở ra xử ông về tội giết người.
Sự oái oăm là ông Sường đã qua đời từ năm 2013 vì bệnh ung thư. Trước đó, ông đã đi kêu oan khắp nơi không có kết quả. Ông dặn dò con và bà vợ kế "tiếp tục kêu oan và mong có ngày con cháu không phải mang tiếng với người đời".
Theo hồ sơ vụ án, VnExpress thuật lại tóm tắt, "Tháng Chín, 1977, thi thể vợ ông Sường được phát hiện ở con suối gần nhà. Gia đình cho rằng bà bị ngã trong lúc đi qua cầu tre ra đồng. Gia đình chưa kịp tổ chức đám tang thì ông Sường bị công an bắt vì nghi giết vợ, dựng hiện trường giả".
"Ông Sường bị giam hơn 7 năm và không có phiên tòa nào được mở. Trong thời gian này, trong buồng giam xảy ra vụ phạm nhân đánh nhau và ông bị phạt bốn năm tù. Thụ án xong hình phạt này, ông Sường được về nhà sau hơn 11 năm bị bắt".
Ông liên tục kêu oan sau đó rồi qua đời do tuổi già và mắc ung thư các đây 5 năm. Đến bây giờ, cái tờ giấy vô dụng "Đình chỉ điều tra" của công an tỉnh Bắc Giang mới xác định hành vi "không cấu thành tội phạm giết người" của ông Mưu Quý Sường.
Công an cộng sản Việt Nam luôn luôn có thói quen tra tấn nhục hình nghi can để ép nhận tội. Mỗi năm đều có hàng chục người chết vì bị tra tấn ép cung chỉ vài giờ hay một hai ngày vừa bị bắt. Nhiều người bị tra tấn khủng khiếp quá đã đành nhận tội giết người và bị kết án tử hình. Những năm gần đây, một số trường hợp được luật sư và gia đình ráo riết kêu cứu mới được giải oan nhưng một số trường hợp vẫn còn đang chờ bị hành hình như Hồ Duy Hải.
Các chứng cứ từ dấu vân tay, vật chứng đến nhân chứng đều xác định Hồ Duy Hải không phải là thủ phạm nhưng anh ta vẫn đang chờ bị hành quyết không biết lúc nào. Mẹ của Hồ Duy Hải kiên nhẫn mang đơn kêu oan cho con đi gõ khắp các cửa nhưng chưa thấy kết quả gì chắc chắn.
Trong khi công an Bắc Giang tổ chức "xin lỗi" một người đã bị bỏ tù oan ở Bắc Giang dù ông ta đã chết được 5 năm, thì tại Tây Ninh, tờ Người Lao Động cho hay một gia đình có 8 người đã bị bỏ tù oan mà chỉ có 1 trong 8 người bị giam oan được bồi thường với số tiền ít ỏi sau khi được "đình chỉ điều tra vụ án".
Ông Nguyễn Văn Dũng (thứ tư, từ trái sang) và người thân trình bày vụ việc với phóng viên báo Người Lao Động. (Hình : Người Lao Động)
Theo ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, kể lại trên tờ Người Lao Động, "Tháng Bảy, 1979, ông từ chiến trường Cambodia về nước kết hợp thăm gia đình. Được ít ngày, ông Dũng bị lực lượng chức năng xã Đôn Thuận (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) bắt vì nghi cướp tài sản".
Khoảng thời gian đó xảy ra vụ cướp có võ khí tại nhà ông Nguyễn Văn Dơ (ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận). "Do ông Dơ báo trong đám cướp ngoài súng M16, súng ngắn còn có con dao trắng thường sử dụng bán bánh mì. Nghi vấn Hồ Long Chánh có con dao loại này, công an bắt ngay Chánh để điều tra. Chánh khai thêm Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Chiến (anh ruột ông Dũng), Nguyễn Thành Nghị và Nguyễn Văn Dũng (con ông Nghị). Chính quyền xã đã bắt tiếp số người này", báo Người Lao Động thuật lại theo lời kể.
Tờ Người Lao Động kể tiếp : "Sau khi bị đưa về công an huyện và bị dùng nhục hình buộc phải nhận tội cướp tài sản đem về cho vợ con họ cất giấu, cơ quan điều tra lại bắt tiếp bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (chị ông Dũng), Nguyễn Thị Lan (vợ ông Chiến) cùng Nguyễn Thị Kim Chung (con ông Chiến, lúc đó được 2 ruổi rưỡi), Võ Thị Thương (vợ ông Nghị) và cũng dùng nhục hình buộc họ phải nhận có cất giấu tài sản cướp được. Tuy nhiên, nhiều lần đến kiểm tra, công an không thu được gì là tang vật của vụ án nên ngày 11 tháng Năm, 1983, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh đình chỉ điều tra vụ án".
Sau khi có "Quyết định đình chỉ điều tra", ông Dũng "gõ cửa khắp nơi từ địa phương lên trung ương để kêu oan". Mãi đến tháng Tư, 2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh mới mời ông Dũng lên làm việc liên quan đến việc bồi thường nhưng "chỉ đồng ý bồi thường với số tiền gần 600 triệu đồng".
Ngoài ông Dũng, tất cả những người khác đều không được bồi thường gì dù bị khiếu nại.
"Tôi bị bắt giam oan, bị dùng nhục hình để buộc nhận tội. Danh dự nhân phẩm của tôi bị chà đạp, gia đình ly tán, mất cơ hội làm quân nhân, công dân tốt. Thế nhưng, sau khi được giải oan và hơn 34 năm gõ cửa khắp nơi, tôi chỉ nhận được chừng đó tiền. Họ còn nói chỉ bồi thường nhiêu đó, nếu không đồng ý thì kiện ra tòa", ông Nguyễn Văn Dũng được tờ Người Lao Động dẫn lại lời nói. (TN)
************************
Việt Nam xin ngân hàng Mỹ cứu dự án nhiệt điện (Người Việt, 28/01/2018)
Dự trù phát điện từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn còn xây dựng dở dang vì thiếu vốn, dù đã có ngân hàng Nga tài trợ một phần. Nay có tin Hà Nội đang cần cả ngân hàng Mỹ tiếp tay.
Nông dân xịt thuốc trừ sâu trên ruộng lúa gần nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 xây dựng dở dang ở tỉnh Sóc Trăng. (Hình : New York Times)
Dự án nhà máy nhiệt điện chạy than có tên là Long Phú 1, đặt tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhiều tai tiếng làm chủ đầu tư. Nhà máy gồm 2 tổ máy, công suất tổng cộng 1,200 MW, chạy than nhiều phần nhập khẩu từ Indonesia hoặc Úc. Vốn đầu tư ban đầu dự trù $1/2 tỷ.
Khi bắt đầu khởi công dụ án đầu năm 2011, tin tức lúc đó đăng tải cho biết PVN "chỉ định thầu" làm "tổng thầu" cho công ty con của mình là tổng công ty cổ phần Dịch Vụ Kỹ Thuật Dầu Khí Việt Nam (PTSC).
Cũng như bao dự án khác tại Việt Nam, giữa tháng Bảy, 2011, PTSC Power đã "tổ chức ký giao ước thi đua hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm 2011 nhằm tạo tiền đề vững chắc cho các năm tiếp theo, quyết tâm nỗ lực hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động đảm bảo chất lượng và tiến độ kế hoạch được giao".
Tuy vậy, vì "vừa làm vừa học" chương trình xây dựng nhiệt điện Long Phú 1 ì ạch mấy năm vẫn chẳng di tới đâu, phải bán cái lại cho nhà thầu Nga, Liên Danh Power Machines (Liên bang Nga) – BTG (Slovakia) – PTSC, trong đó, công ty Power Machines là thành viên chủ chốt chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng của dự án. Sự điều phối và kế hoạch mới được thay đổi cho dự án Nhiệt Điện Long Phú 1 là phát điện tổ máy 1 vào năm 2018, tổ máy 2 vào năm 2019.
Theo báo cáo của PVN, "tới hết tháng 6 năm 2016, tiến độ tổng thể thực hiện Hợp Đồng EPC đạt khoảng 24,4%. Nguyên nhân được PVN cho biết là do công tác mua sắm thiết bị của nhà thầu Power Machines và một phần của công tác thiết kế", bản tin ngày 6 tháng Tám, 2016 của PVN.
Phối cảnh trung tâm Điện lực Long Phú. (Hình : PVN)
Không những vậy "nguy cơ chậm tiến độ tại Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 vẫn hiển hiện, bởi công tác thu xếp vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (ECA) cho phần hàng hóa xuất xứ từ Nga đang gặp nhiều khó khăn vì các ngân hàng, tổ chức tín dụng cơ bản không chào thu xếp vốn cho phần hàng hóa xuất xứ từ Nga". Và "… sự phối hợp của nhà thầu Power Machines với PTSC và các nhà thầu trong nước tuy có cải thiện, nhưng do công tác thiết kế và mua sắm chủ yếu thực hiện tại Ấn Độ và Nga, nên ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến sự phối hợp và tiến độ xử lý công việc chung của Liên danh tổng thầu".
Theo tin của New York Times ngày 26 tháng Giêng, 2018, chủ đầu tư nhiệt điện Long Phú 1 tức PVN đã nộp đơn xin Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu của chính phủ Mỹ (Export-Import Bank of the United States) tài trợ cho dự án nói trên. Nếu được chấp thuận, người thọ thuế của Mỹ sẽ chịu trách nhiệm cho số tiền hàng trăm triệu đô la để mua máy móc và các trang thiết bị cho nhà máy do hãng General Electric chế tạo.
Hiện chưa có tin cho biết Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Mỹ có chấp thuận tài trợ hay không trong khi Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu của chính phủ Anh quốc đã từ chối.
Một điểm tế nhị khác, nếu chấp thuận có nghĩa là ngân hàng của chính phủ Mỹ tham dự tài trợ cho một dự án đang được một ngân hàng quốc doanh của Nga tài trợ vốn từng bị chính phủ Mỹ cấm vận từ năm 2014 khi xảy ra chuyện Nga cướp một phần đất Ukraine.
Theo báo New York Times, trong một bản thông cáo, Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Mỹ cho hay "đang cứu xét đơn (của Việt Nam) rồi sẽ quyết định căn cứ theo luật lệ quốc tế và chính sách về bảo vệ môi trường" của ngân hàng.
Người dân sống lân cận các nhà máy nhiệt diện chạy than của Việt Nam điêu đứng mọi mặt vì ô nhiễm môi trường. Các lời kêu ca của họ và cả những cuộc biểu tình chống đối cũng không có kết quả.
Nếu đơn xin vay tiền bị Mỹ từ chối, dự án nhiệt điện Long Phú 1 có thể cũng "đắp chiếu" như nhiều đại dự án khác của PVN mà nhà cầm quyền Việt Nam hiện vẫn không biết giải quyết ra sao. (TN)
Việt Nam triển khai thêm dự án nhiệt điện tại Vũng Áng (BBC, 18/01/2017)
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1
Bộ Công Thương vừa ký thỏa thuận đầu tư dự án một nhà máy nhiệt điện trị giá 2,2 tỉ USD tại Vũng Áng.
Dự án BOT được mô tả là được thảo luận "suốt 8 năm qua" với đối tác phía Nhật Bản là Tập đoàn Mitsubishi.
Nhiệt điện Vũng Áng 2, xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, theo dự kiến sẽ vận hành lần lượt hai tổ máy vào năm 2021 và 2022 và khi đi vào vận hành nhà máy sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu.
Việt Nam nhập khoảng hơn 10 triệu tấn than trong 10 tháng đầu năm 2016, cao gấp nhiều lần so với kế hoạch nhập 3 triệu tấn của Bộ Công Thương trong năm 2016, theo truyền thông trong nước.
Ngoài dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2, được biết Tổng cục Năng lượng đang được Bộ Công Thương giao quản lý và triển khai đàm phán 17 dự án BOT nguồn nhiệt điện khác với tổng công suất khoảng 23.000MW, theo Thời báo Kinh tế Việt Nam.
Báo này cho biết hiện cả nước có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than với lượng tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than mỗi năm, và lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.700 triệu tấn hàng năm.
Vũng Áng, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Formosa Hà Tĩnh là một số nhà máy được mô tả là đã đi vào vận hành nhưng chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Bộ Công Thương trước đó ban hành danh sách các dự án "có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao" gồm nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh.
Thực trạng ô nhiễm môi trường tại các dự án nhiệt điện than là vấn đề Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công thương giải trình vào tháng 11/2016.
***********************
Xây nhà máy điện chạy bằng than ở Vũng Áng (RFA, 18/01/2017)
Khói được thải ra từ một nhà máy điện chạy bằng than ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc hôm 25/4/2014.AFP photo
Một nhà máy nhiệt điện sử dụng than với tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ USD sẽ được xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng Hà Tĩnh. Tin từ Việt Nam ghi nhận hôm 18/1.
Tổng Cục Năng lượng thuộc Bộ Công thương vừa ký thỏa thuận BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 công suất đợt đầu 1.200MW. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Nhiệt điện Vũng Áng 2 và đối tác nước ngoài Tập đoàn Mitsubishi Nhật Bản. Theo kế hoạch, nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 sẽ phát điện vào năm 2021 và sử dụng nguồn than nhập khẩu.
Nhiệt điện chạy bằng than được cho là gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Hiện nay trên cả nước có 20 nhà máy điện chạy than đang vận hành với tổng công suất lắp máy hơn 13.000 MW. 20 nhà máy nhiệt điện vừa nói sử dụng khoảng 45 triệu tấn than mỗi năm. Lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15 triệu tấn/năm.
***********************
Mỗi năm hàng chục ngàn người chết do ô nhiễm khí than tại Việt Nam (RFA, 17/01/2017)
Quảng Ninh báo động đỏ về ô nhiễm. Ảnh minh họa
Một báo cáo mới được công bố gần đây của Đại học Harvard và tổ chức Greenpeace International cho biết khí thải từ đốt than ở các nước Đông Nam Á sẽ tăng gấp 3 lần từ nay cho đến năm 2030 và khiến hàng chục ngàn người chết mỗi năm trong khu vực, chủ yếu tại các nước Indonesia và Việt Nam.
Thông báo của Greenpeace đưa ra hồi tuần trước cho biết nếu những nhà máy than đang trong kế hoạch được Đài Loan, Nhật Bản và Nam Hàn tiến hành xây dựng theo dự kiến ở khu vực Đông Nam Á thì mỗi năm sẽ có khoảng 70.000 người chết vì ô nhiễm than. Con số này hiện nay được ước tính là 20.000 người.
Việt Nam hiện có nhu cầu về điện năng rất lớn với dự đoán nhu cầu tăng khoảng 13% mỗi năm để đáp ứng mức tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,5 đến 7 % trong vòng 4 năm tới. Chính phủ Việt Nam mới đây đã giảm chỉ tiêu điện năng từ các nhà máy nhiệt điện từ 56,5% xuống còn 53,2% tổng lượng điện từ nay đến năm 2030 và bỏ 17 nhà máy điện chạy bằng than cỡ lớn.