COP27 : Việt Nam vẫn 'nghiện' điện than dù đã cam kết Net Zero năm 2050
Chính phủ Việt Nam cam kết đưa chỉ số phát thải CO2 về 0 (net zero) vào năm 2050, nhưng đến nay chưa thấy công bố một lộ trình nào rõ ràng cho kế hoạch đầy tham vọng này trừ việc kêu gọi quốc tế rót tiền tài trợ để thực hiện nó.
Điện than là loại năng lượng 'bẩn' đóng góp hàng đầu vào việc tăng phát thải khí CO2.
Trao đổi với BBC News tiếng Việt, bà Flora Champenois từ tổ chức Global Energy Monitor cho hay ngành điện than của Việt Nam phát triển nhanh hơn hầu hết các quốc gia khác. Điện than là loại năng lượng 'bẩn' đóng góp hàng đầu vào việc tăng phát thải khí CO2.
Tại Thượng đỉnh khí hậu toàn cầu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập năm 2022, các nước đang tập trung bàn cách chuyển đổi sang các loại hình năng lượng sạch bền vững khác để tiến tới chấm dứt sử dụng điện than.
Còn tại COP26 diễn ra tại Glasgow năm 2021, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bất ngờ thông báo kế hoạch đầy tham vọng 'net zero' vào năm 2050. Việt Nam cũng ký kết tuyên bố toàn cầu chuyển đổi từ than sang năng lượng sạch, theo đó cam kết nhanh chóng tăng cường năng lượng tái tạo và không xây mới thêm nhà máy điện than nào.
Bùng nổ điện than tại Việt Nam
Dù cam kết và tuyên bố như vậy, Việt Nam hiện chỉ đứng sau Trung Quốc về điện than trong số các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong. Nhiều nhà máy điện than đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là do Trung Quốc đầu tư.
Việt Nam đã bổ sung 2/3 công suất điện than đang hoạt động hiện tại là 23 GW kể từ năm 2015, theo bà Flora Champenois.
Đến năm 2020, điện than của Việt Nam đã tạo ra năng lượng nhiều bằng tất cả các nguồn khác cộng lại. Điện than cũng thải ra 126 triệu tấn CO2, tương đương một nửa lượng khí thải của Việt Nam, theo Politico.
Lượng khí thải của Việt Nam cũng tăng lên trong các năm gần đây, trong khi khí thải của các nước láng giềng hầu như không thay đổi, hoặc giảm,
Bộ Công thương (MOIT) Việt Nam đã ban hành Kế hoạch phát triển năng lượng từ 2020-2030 (PDP) trong vài năm gần đây, trong đó có nhiều phiên bản đề xuất cắt giảm đáng kể lượng than đề xuất. Dự thảo PDP8 mới đây nhất dường như đã hủy bỏ một số dự án than, nhưng khoảng 8 GW than mới được đề xuất có thể vẫn còn cho đến năm 2030 - đây là những dự án chưa được xây dựng và sẽ tạo thêm thách thức cho Việt Nam trong việc đạt được mục tiêu ròng.
Trong PDP được công bố chỉ hai tháng trước COP26. Việt Nam lẽ ra là đã tăng gấp đôi công suất điện than vào 2030 và tăng hơn nữa trong 5 năm tiếp sau đó.
Năm 2010, Việt Nam ngừng xây các đập lớn, thay vào đó, bắt đầu tập trung phát triển điện than. Điều này được thể hiện trong PDP giai đoạn 2011-2020.
Số liệu từ Global Energy Monitor chỉ ra rằng từ 2010, ngành than Việt Nam đã nhận ít nhất 29 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài.
"Than là cách rẻ nhất và nhanh nhất để đáp ứng nhu cầu điện của Việt Nam", James Browning, Giám đốc Truyền thông của Global Energy Monitor, nói với Politico.
Nghiên cứu năm 2017 của Friedrich Ebert Foundation, một tổ chức phi chính phủ của Đức, cho thấy các xung đột lợi ích là rào cản cho việc chuyển đổi từ than sang các nguồn năng lượng phát thải thấp. "Khó để thuyết phục các công ty xây nhà máy điện than đừng có xây nữa. Họ có quyền lực rất lớn và có nhiều nhóm lợi ích đặc biệt", Brian Eyler nói với Politico.
Đầu tư của Trung Quốc
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc từng là các nhà đầu tư chính cho than Việt Nam nhưng hiện giờ đã rút lui.
Vào tháng 9/2021, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ chấm dứt xây dựng mới các dự án than ở nước ngoài, theo Energy Economics and Financial Anlysis.
Nói với BBC, bà Flora Champenois từ tổ chức Global Energy Monitor nhận định rằng, "dù vậy, tài trợ cho điện than có thể vẫn đến thông qua nhiều kênh khác nhau".
"Để kỷ nguyên điện than kết thúc, tất cả các kênh này phải đóng lại.
"Từ nay cho đến lúc đó, vẫn tiềm ẩn rủi ro của việc Việt Nam lập kế hoạch năng lượng để thúc đẩy các nhà máy điện than mới, làm trì hoãn quá trình chuyển đổi cần thiết sang các nguồn năng lượng sạch hơn".
Danh sách các dự án than tiềm năng khác nhau ở Việt Nam do Trung Quốc đầu tư mà hiện chưa bị hủy bỏ rõ ràng do bà Flora Champenois cung cấp cho BBC, bao gồm :
Theo Global Energy Monitor, Trung Quốc dẫn đầu trong danh cách các nước đầu tư vào điện than. Tiếp theo là Anh, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...
Việt Nam là nước nhận nhiều tiền đầu tư nước ngoài nhất cho phát triển điện than, theo sau là Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ...
Quốc tế rót tiền giúp Việt Nam 'cai nghiện' điện than
Dù chưa công bố kế hoạch, lộ trình cụ thể nào để cắt giảm điện, chính phủ Việt Nam vẫn quyết liệt kêu gọi các nước giàu rót tiền để thực hiện cam kết net zero.
Cụ thể mới đây, Việt Nam đã kêu gọi Vương quốc Anh, Liên Hiệp Châu Âu và nhóm G7 hỗ trợ chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến về năng lượng gió và mặt trời.
Bộ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh điều này tại phiên họp với Chủ tịch COP26, Alok Sharma - người đại diện Anh, EU và G7 - bên lề COP27 tại Egypt.
Tại cuộc này, ông Hà nói rằng 'chuyển đổi năng lượng' là 'nhân tố chính' cho Việt Nam để thực hiện net zero vào 2050 mà Hà Nội đã cam kết tại COP26.
Ông Hà cũng thừa nhận Việt Nam đang vấp phải nhiều khó khăn khi có nhiều nhà máy điện than đã xây dựng từ lâu.
Không thấy ông Hà đề cập đến các dự án điện than Trung Quốc tài trợ hiện chưa rõ có tiếp tục xây dựng trong bối cảnh nhu cầu về điện cho sản xuất ngày càng tăng tại Việt Nam.
Tin vui cho Việt Nam là G7 và các nước đối tác của nhóm này đã đề nghị số tiền tài trợ lên đến hàng tỷ USD cho Việt Nam và Indonesia và Ấn Độ, để 'cai nghiện' điện than.
Ba gói tài trợ này đã được thương thảo trong suốt năm 2022 và đã được 'làm mẫu' trước bằng gói 8,5 tỷ USD để đóng cửa ngành công nghiệp than tại Nam Phi.
Các đối thoại với Việt Nam và Indonesia đã đạt được bước tiến, với gói tài trợ tiền mặt ban đầu được đề nghị là khoảng 5 tỷ USD cho Việt Nam, theo báo cáo của văn phòng ngoại giao EU vào 24/10 gửi cho Politico.
Gói tài trợ bao gồm hỗ trợ tài chính công và tư, cùng hỗ trợ kỹ thuật.
Kế hoạch mua lại nhà máy điện than của Việt Nam để đóng cửa sớm, giảm ô nhiễm
RFA, 13/08/2021
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng HSCB và Công ty Bảo hiểm Prudential dự kiến công bố kế hoạch đầu tư mua lại các nhà máy nhiệt điện than ở Châu Á để đóng cửa sớm. Mục tiêu kế hoạch là để giảm ô nhiễm từ nhà máy điện than.
Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 ở Quảng Ninh. Reuters
Mạng báo Nikkei Asia loan tin ngày 13/8, dẫn lời Phó Chủ tịch ADB Ahmed Saeed trong một cuộc phỏng vấn cho biết như vừa nêu. Ông nói, sáng kiến bao gồm việc tìm kiếm các nhà máy nhiệt điện than tại Philippines, Việt Nam và Indonesia và cho ngưng hoạt động sớm một hoặc hai thập niên trước thời hạn tuổi thọ của chúng.
Theo Reuters, Công ty Đầu tư BlackRock và Ngân hàng Citi cũng tham gia dự án thí điểm. Các công ty sẽ đưa ra đề xuất vừa nêu tại hội nghị khí hậu COP26 của Liên Hiệp Quốc vào tháng 11 tới đây. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres gần đây kêu gọi tất cả các nhà máy than trên thế giới ngừng hoạt động vào năm 2040 để cắt giảm lượng khí thải carbon.
Theo tổ chức Carbon Tracker, 80% các nhà máy than mới được quy hoạch trên thế giới và 75% công suất than hiện có là ở Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Nhật Bản.
*******************
Sao chỉ giảm thuế cho báo chí mà không giảm thuế thu nhập cá nhân ?
RFA, 13/08/2021
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại phiên họp của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 mới đây, đã đề nghị bổ sung các cơ quan báo chí, nhà báo được gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế thu nhập của nhà báo và miễn tiền phạt chậm nộp thuế
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội tháng 5 năm 2021. AFP Photo
Trước đó, Bộ Tài chính Việt Nam cũng đã hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội các giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 Tuy nhiên, việc miễn giảm thuế thu nhập cá nhân các ngành nghề khác lại không được đề xuất trong đợt này.
Vì sao không hỗ trợ người dân bằng cách giảm thuế thu nhập cá nhân khi đời sống người dân ngày càng khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch ? Trong khi các cơ báo chí đều thuộc Nhà nước và có ngân sách hỗ trợ lại được giảm các loại thuế ?
Trả lời RFA hôm 13/8, chị Huỳnh Hằng, một người dân hiện sinh sống tại Đà Nẵng nói :
"Vấn đề là Nhà nước không hề lo cho đời sống nhân dân, kể cả người nghèo. Họ chỉ bảo vệ cho những gì sẽ hỗ trợ cho bộ máy công quyền, tất cả người dân đều bị bỏ mặc, dân tự cứu lấy mình Báo chí là cơ quan truyền thông của Đảng, thực chất họ luôn nói về những điều tốt đẹp, che đậy mị dân, họ được hưởng rất nhiều ưu đãi và thu nhập cao giảm thuế cho nhóm này cũng là một trong những sự bất công của xã hội đương thời".
Trước phản ánh của dư luận về việc ‘thu nhập giảm vẫn bị trừ thuế và không được đề xuất giảm thuế’ trong đó, nhiều người khi trả lời truyền thông cho rằng, trong dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ‘bỏ rơi’ người làm công ăn lương do không có đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân Vào ngày 12/8, Tổng cục Thuế cho biết, không đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân do đây là nhóm có thu nhập cao (!?)
Tổng cục Thuế giải thích, với quy định hiện hành này thì người lao động có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Nếu giảm thuế thu nhập cá nhân thì chỉ nhóm người có thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng được hưởng lợi, và cơ quan này cho rằng đó là nhóm có thu nhập cao.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lẫn Tổng cục Thuế đã không đưa ra giải pháp thuế khác để thay thế, nhằm hỗ trợ người dân.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA hôm 13/8, nhận định :
"Chính sách về hỗ trợ thuế thể hiện thiện chí của Chính phủ. Tuy vậy chính sách cụ thể hiện nay đang có các ý kiến khác nhau. Về việc hỗ trợ thuế với báo chí thì tôi hoan nghênh, bởi báo chí cũng gặp nhiều khó khăn, phát hành được ít, báo giấy bán còn ít hơn, còn báo điện tử thì không thu phí được và tiền quảng cáo thì giản nhiều Tôi thấy việc giảm thuế với báo chí cũng hợp lý. Còn về giảm thuế khác thì tôi thấy quan trọng là phải giảm thuế VAT, tức là thuế đánh vào các sản phẩm mua bán, trên cơ sở đó thì mới có tác động tích cực với người mua hàng. Còn hiện nay chỉ mới giảm một số mặt thuế và hiện các doanh nghiệp cũng có thảo luận và kiến nghị. Tôi hy vọng rằng Bộ Tài chính sẽ thảo luận thêm với các Hiệp hội, để thiện chí này của Chính phủ được thực hiện một cách có hiệu quả nhất".
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội ngày 29/7/2021. AFP Photo.
Còn Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, nguyên Phó trưởng ban Kế hoạch – Dự án và Phó trưởng ban Tư liệu của Đài truyền hình HTV Thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFA hôm 13/8 cho rằng, việc giảm thuế cho báo chí và các nhà báo mà không giảm thuế thu nhập cá nhân cho các ngành nghề khác thì thứ nhất tạo ra sự bất bình đẳng trong nghề nghiệp. Điều này cho thấy nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (cộng sản Việt Nam) hiện nay nhìn báo chí là công cục đắc lực phục vụ cho chế độ, còn các ngành nghề khác có lẽ là thấp kém hơn. Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nói tiếp :
"Thứ hai, việc này gây ra sự ấu trĩ trong đánh giá ngành nghề nào chịu tác động từ đại dịch có một không hai trong ít nhất là 100 năm qua. Sự ấu trĩ này diễn ra theo cách duy ý chí, mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không chịu nhìn vào thực tế là giá cả hiện nay của tất cả các loại hàng hóa, lương thực thực phẩm trong suốt hai ba tháng qua tăng lên rất cao, do quá trình phân phối gần như là bị chậm trễ ách tắt từ triển khai chỉ thị 16".
Thứ ba theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, là tâm lý của Tổng cục thuế cũng như Bộ Tài chính chạy theo chỉ tiêu. Hàng chục năm qua, việc chạy theo chỉ tiêu đã phản ánh đầu óc sơ cứng khi bỏ qua thực tế rằng việc chạy theo chỉ tiêu thu đủ thuế, đạt hoặc vượt trong tình hình hiện nay sẽ làm tổn thương nền kinh tế, mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có thể chưa tính trước được. Ông nói tiếp :
"Cái thứ tư, sự bất bình đẳng trong miễn giảm thuế phản ánh bản chất của chế độ độc đảng toàn trị, tức là họ nhìn tổng thể người dân không phải là đối tượng để phục vụ, mà để quản lý, nói nôm na là nhà nước cho gì hưởng nấy, cho ai hưởng thì hưởng, không cho thì thôi. Cái này làm cho người dân nhìn vào thấy nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tạo ra một sự bất công giữa các tầng lớp nhân dân, cũng như là các ngành nghề khác".
Nói tóm lại theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, việc miễn giảm thuế này lập lại một tình trạng đặt trưng của thời bao cấp, với tính chất ban phát, xin cho Ông nói tiếp :
"Vì vậy việc miễn giảm thuế hiện nay và hàng loạt các vấn đề khác cho thấy nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn duy trì triết lý ‘kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ của họ, cùng cái quyết tâm chính trị cộng thêm khả năng quản trị quốc gia của họ hầu như không đáng kể Thêm vào đó là nền văn hóa nông nghiệp lạc hậu và giáo dục phi triết lý, phi cứu cánh".
Tất cả những yếu tố đó theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nó tạo ra tình hình không riêng gì lĩnh vực thuế mà có thể nói toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam hiện nay mà Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng rất bi đát không chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Xã luận
Ngày 3/10 vừa qua, hai Bộ Công thương và Xây dựng đã phối hợp tổ chức một cuộc hội thảo tại Cần Thơ với chủ đề là nên hay không nên thiết lập thêm những nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây không phải là một cuộc hội thảo mà chỉ là một cuộc họp để thông báo một quyết định.
Các chuyên gia nước ngoài quan tâm tới việc sử dụng tro, xỉ của Nhà máy nhiệt điện ở đồng bằng sông Cửu Long.
Các quan chức nhà nước, một thứ trưởng Bộ Công thương, một thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện đã có ba cụm nhiệt điện than, từ đây tới 2020 sẽ xây thêm ba cụm nhiệt điện khác và từ năm 2020 đến năm 2030 sẽ có thêm 9 cụm nữa, nâng tổng công suất phát điện lên 18.225 MW, mỗi năm thải ra khoảng 13,67 triệu tấn tro, xỉ và thạch cao.
Việt Nam hiện đã có 21 cụm nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, thải ra hàng năm hơn 16 triệu tấn tro xỉ, và 12 cụm đang xây dựng và sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020. Tổng lượng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020 ước khoảng 22,6 triệu tấn. Nếu chế độ cộng sản vẫn còn cho tới năm 2030 để tiếp tục xây các nhà máy nhiệt điện than theo cùng một nhịp độ với đồng bằng sông Cửu Long, như họ dự tính thì vào năm 2030 sẽ có khoảng 70 cụm nhà máy nhiệt điện than thải ra khoảng 50 triệu tấn tro và xỉ mỗi năm.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện đã có ba cụm nhiệt điện than, từ đây tới 2020 sẽ xây thêm ba cụm nhiệt điện khác, và từ năm 2020 đến năm 2030 sẽ có thêm 9 cụm nữa, nâng tổng công suất phát điện lên 18.225 MW, mỗi năm thải ra khoảng 13,67 triệu tấn tro, xỉ và thạch cao.
Lập luận của chính quyền cộng sản, qua lời phát biểu của các quan chức, là một sự thách đố xấc xược với cả khoa học kỹ thuật lẫn trí tuệ, lẫn nhân dân Việt Nam. Họ nói rằng nhiệt điện than, mà cả thế giới kể cả Trung Quốc đang vất bỏ, là chọn lựa bắt buộc cho Việt Nam, vấn đề chỉ còn là làm thế nào để các nhà máy nhiệt điện than ít gây ô nhiễm nhất và họ đã tìm ra giải đáp.
Giải đáp đó là dùng khối tro xỉ thải ra để làm vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng. Họ nói rằng người nông dân miền Bắc đã sử dụng tro và xỉ để làm vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng từ thập niên 1960 và Bộ Tài nguyên và môi trường cũng "chưa bao giờ xác định" tro, xỉ và thạch cao thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than là chất thải nguy hại. Nhưng đã có những thử nghiệm khoa học nào, do những định chế khoa học nào thực hiện và trong bao nhiêu năm ? Vả lại "chưa xác định" cùng lắm cũng chỉ là chưa có kết luận. Như vậy là đủ để quyết định là có thể xây hàng loạt cụm nhà máy nhiệt điện than ? Thái độ này khiến người ta nhớ lại một sáng kiến của Đảng và Nhà nước cộng sản, chiếc hố xí hai ngăn không thối từng được khoe khoang trước đây. Người ta cũng chưa quên là khi vụ Formosa xẩy ra cũng cái Bộ Tài nguyên và môi trường vô dụng này đã tuyên bố cá chết là do thủy triều đỏ chứ không phải do nhà máy thép Hưng Nghiệp của Trung Quốc.
Điều mà người ta có thể thấy rõ là Châu Âu, dù trước đây từng dùng than làm nguồn năng lượng chính và đã tích lũy hàng ngàn triệu tấn tro-xỉ, chưa bao giờ dám nghĩ đến sử dụng chúng làm vật liệu xây dựng vì sự nguy hiểm của than quá rõ ràng.
Cũng nên nhắc lại thảm kịch amiante của Châu Âu. Chất amiante đã được sử dụng trong hơn một thế kỷ nhưng chỉ tới thập niên 1980 người ta mới có thể quả quyết rằng nó đã là nguyên nhân của nhiều loại bệnh ung thư. Nhưng đã quá trễ, cả triệu người đã hoặc sẽ thiệt mạng, đa số không biết rằng mình chết vì amiante. Bài học này cho thấy là người ta phải rất khiêm tốn và thận trọng trong những chọn lựa liên quan đến sức khỏe và môi trường. Chính quyền cộng sản quả nhiên không coi đất nước và mạng sống của người dân ra gì khi đùa với tro và xỉ than như vậy.
Nguồn ô nhiễm lớn nhất là khói nhả ra bầu trời, điều này các quan chức cộng sản không hề nói tới.
Tuy vậy tro và xỉ không phải là nguồn ô nhiễm lớn nhất của các nhà máy sử dụng than. Nguồn ô nhiễm lớn nhất là khói nhả ra bầu trời, điều này các quan chức cộng sản không hề nói tới. Khói bay đi chứ không chất đống như tro, xỉ và thạch cao nên không phải là một vấn đề cho chính quyền. Đó chỉ là vấn đề cho môi trường, cho sức khỏe và sinh mệnh của người dân mà thôi. Bầu trời Việt Nam sẽ đen nghịt, hàng triệu người sẽ chết vì ung thư, hàng triệu người khác sẽ yếu bệnh và tật nguyền. Chính quyền cộng sản đang chuẩn bị để hủy hoại đồng bằng sông Cửu Long, và đất nước nói chung.
Nhưng tại sao phải xây các nhà máy nhiệt điện than ?
Các quan chức giải thích : "Theo kinh nghiệm quốc tế, các nước đang phát triển bao giờ cũng phụ thuộc nhiệt điện than, khi nào trở thành nước phát triển, khi đó họ mới chuyển dần sang nguồn năng lượng khác".
Không thể vớ vẩn hơn. Trước khi phát triển họ không có internet và điện thoại di động, vậy bây giờ ta cũng phải bỏ internet và điện thoại di động ? Không chỉ vớ vẩn mà còn là một ngụy biện tùy tiện nơi những cấp lãnh đạo của một đảng đã từng hô hào tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội mà không cần kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.
Họ lý luận : "Các loại năng lượng tái tạo khác (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) chi phí đầu tư lớn và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên ; mà nếu quyết tâm đầu tư khai thác thì cũng chiếm tỉ trọng rất thấp, không đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế".
Vừa rất sai vừa rất gian trá. Thế giới đang sống một cuộc cách mạng năng lượng lớn. Năng lượng mặt trời vô tận vì chỉ một tuần lễ nắng đủ để cung cấp một khối năng lượng tương đương với trữ lượng của toàn bộ các mỏ than, dầu và khí đốt trên toàn thế giới. Các tiến bộ về kỹ thuật sản xuất và tàng trữ cũng đã khiến năng lượng mặt trời tiếp tục rẻ đi một cách nhanh chóng. Chỉ trong mười năm nữa giá điện nắng sẽ chỉ bằng một nửa giá điện sản xuất bằng than, trước khi xuống thấp hơn.
Liên Hiệp Châu Âu, mà tên gọi ban đầu là "Liên Hiệp Than và Thép Châu Âu", đã quyết định bỏ hẳn than từ hơn hai thập niên và đang tiến hành bỏ cả dầu lửa và khí đốt. Thành phố Paris, nơi không khí được coi là lành sạch, vừa quyết định sẽ cấm các xe chạy bằng Diesel trong vòng bẩy năm, và sẽ chỉ cho phép lưu hành các xe chạy bằng điện vào năm 2030.
Thời đại của than không phải là đang chấm dứt mà đã chấm dứt. Vấn đề của các quốc gia chỉ là lập một lịch trình để tháo gỡ và thay thế các nhà máy nhiệt điện than còn lại. Trung Quốc cũng đã hiểu rõ như vậy. Mười năm trước đây họ dự định xây dựng thêm hàng ngàn nhà máy nhiệt điện than, bây giờ họ tập trung đầu tư vào điện nắng và đẩy sang Việt Nam những thiết bị của các dự án mà họ không tiến hành nữa.
Không thể nghĩ là các quan chức cộng sản Việt Nam không hiểu. Họ thừa biết đầu tư vào điện nắng rẻ hơn, sạch hơn và là chọn lựa hiển nhiên, nhất là nước ta lại được thiên nhiên đặc biệt đãi ngộ về nắng. Họ thừa biết là phần lớn các nhà máy nhiệt điện than mà họ dự trù sẽ phải gỡ bỏ ngay khi mới đi vào hoạt động, thậm chí trước khi đi vào hoạt động. Họ đã chấp nhận để Việt Nam trở thành một bãi rác công nghiệp của Trung Quốc chỉ vì nhu cầu kéo dài chế độ. Họ phải duy trì một mức tăng trưởng kinh tế nào đó, dù chỉ là tăng trưởng giả tạo và độc hại, nhưng ngân khố đã trống rỗng, nợ công và nợ xấu đã chồng chất vì của cải của đất nước đã bị các quan chức tham nhũng vơ vét hết rồi. Giải pháp bắt buộc của họ là xây dựng những dự án với những thiết bị mà Trung Quốc vất bỏ. Họ không chỉ hủy hoại đất nước mà còn khiến chúng ta lệ thuộc hơn nữa vào Trung Quốc.
Câu hỏi phải được đặt ra là Đảng cộng sản sẽ còn hủy hoại đất nước bao lâu nữa trong cố gắng kéo dài sự hấp hối của chế độ ?
Câu hỏi cũng cần được đặt ra cho lương tâm của mọi người Việt Nam là chúng ta còn cam tâm để Đảng cộng sản hủy hoại đất nước đến bao giờ ?
Nguyễn Gia Kiểng
(14/10/2017)