VOA, 31/12/2020
Chính quyền Việt Nam vừa loan báo rằng các thông tin về nhân sự cấp cao của Đảng, bao gồm ‘tứ trụ’ và ban bí thư, là thông tin "tuyệt mật". Giới quan sát nhận định rằng việc quy định và phân loại như vậy là không minh bạch và đi ngược lại xu hướng của thế giới.
Vào tháng 11/2020, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký hai quyết định 1722/QĐ-TTg về danh mục bí mật nhà nước của Đảng và 1765/QĐ-TTg về danh mục bí mật nhà nước của Chủ tịch nước và cả hai quyết định này đều có hiệu lực ngay sau khi ban hành.
Cụ thể, các thông tin về bình chọn bộ tứ bao gồm các chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư, cũng như các thông tin về kỷ luật liên quan đến các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, kể cả không còn đương nhiệm, nếu chưa công khai, sẽ được xếp loại là "thông tin tuyệt mật".
Tương tự, các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước về xác định hay xử lý "đối tượng xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm an ninh quốc gia" cũng được xem là "tuyệt mật".
Chính quyền Việt Nam ra quyết định này chỉ vài tuần trước khi diễn ra Đại hội Đảng XIII, dự kiến tổ chức từ ngày 25/1 đến ngày 2/2/2021, theo đó các chức danh lãnh đạo chủ chốt sẽ được chính thức công bố.
Nhà báo tự do Đường Văn Thái hiện đang xin tị nạn chính trị tại Thái Lan nêu nhận định với VOA về hai quyết định này :
"Ông Phúc ký hai quyết định này đang vấp phải phản ứng của dư luận khi mà nhà nước đang rao giảng về công nghệ 4.0, vì các văn bản này trái với lòng dân và trái với chính các quy định của Đảng về việc Đảng đang công khai các góp ý văn bản, báo cáo, văn kiện Đại hội XIII và các thông tin này được công bố cho toàn dân biết".
Nhà báo Đường Văn Thái cho biết thêm :
"Việc này cho thấy nhà nước đang răn đe người dân, có thể nói là tuyên chiến với giới bất đồng chính kiến. Bởi lẽ hiện nay đã có Luật An ninh mạng, nay còn thêm hai quyết định này sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu, ảnh hưởng đến việc tham gia mạng xã hội của những người bất đồng chính kiến".
Từ Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài bình luận trên YouTube hôm 31/12 về quyết định của ông Phúc :
"Điều này xâm phạm nghiêm trọng quyền được biết, quyền được thông tin của công dân Việt Nam, theo Điều 25 Hiến pháp Việt Nam 2013".
Luật sư Đài cho rằng về mặt nguyên tắc thì tất cả các ứng cử viên cho các chức danh lãnh đạo đất nước thì mọi công dân đều có quyền biết để nhân dân theo dõi, giám sát, đánh giá, góp ý,… trước khi họ được chọn hay bầu cử.
Qua hai hội nghị 13 (tháng 10/2020) và 14 (tháng 12/2020), Trung ương khóa XII đã lần lượt bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Trung ương khóa XIII, gồm cả ủy viên chính thức và dự khuyết ; nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Tuy nhiên, thông tin về vấn đề nhân sự này vẫn chưa được tiết lộ.
Trang VnExpress cho biết Hội nghị Trung ương 15 sắp tới, dự kiến khai mạc ngày 15/1/2021, sẽ xem xét "nhân sự đặc biệt" để Trung ương "quyết định".
Nguồn : VOA, 31/12/2020
*******************
VOA, 31/12/2020
Quân đội Việt Nam vừa triển khai lắp đặt camera giám sát trên tuyến biên giới để chống xuất nhập cảnh trái phép giữa lúc xuất hiện ít nhất bốn trường hợp nhập cảnh lậu mang theo virus corona.
Hôm 30/12, TTXVN dẫn lời Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, cho biết Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo công ty Viettel và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trang bị hệ thống camera giám sát các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép ở biên giới, kết hợp các thiết bị để bảo vệ biên giới.
"Có một số tuyến biên giới cư dân hai bên sinh sống gần sát đường biên, đây chính là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đưa, dẫn người xuất, nhập cảnh trái phép, gây khó khăn rất lớn cho công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng Biên phòng", ông Lê Quang Đạo nói.
Hiện tại Bộ đội Biên phòng Việt Nam đang quản lý trên 5.000 km đường biên giới đất liền và trên 3.000km đường biên giới biển với 433 đồn biên phòng và trên 1.600 tổ, chốt.
Ông Đạo cho biết rằng việc lắp camera trên biên giới nhằm ngăn chặn triệt để hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, không để nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát, lây lan từ biên giới vào nội địa, nhất là vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Tuần này Việt Nam phát hiện bốn trong nhóm sáu người đi từ Myanmar qua ngõ Thái Lan, Campuchia nhập cảnh chui vào Việt Nam đã dương tính với Covid-19, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký công điện yêu cầu giới chức nhanh chóng truy vết những người tiếp xúc với bệnh nhân.
Hôm 29/12, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại một hội nghị trực tuyến rằng tình trạng xuất nhập cảnh bất hợp pháp diễn biến phức tạp khi trung bình mỗi ngày có hàng trăm người vượt biên.
Ông Lâm cho biết tính từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 14.000 người nhập cảnh bất hợp pháp, gây khó khăn cho các lực lượng trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Tính đến nay Việt Nam báo cáo có 1.465 ca nhiễm Covid-19 với 35 trường hợp tử vong.