Việt Nam trong danh sách hạn chế hoặc thù nghịch với tôn giáo
VOA, 05/10/2017
Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia hoặc kiểm soát chặt chẽ đối với những định chế tôn giáo hoặc thực sự thù nghịch đối với tôn giáo, theo một phúc trình của Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Washington vừa công bố.
Nữ sinh Rohingya theo Hồi giáo trong lớp học kinh Quran tại trại tị nạn Kutupalong ở Bangladesh ngày 24/9/2017.
Trong danh sách, ngoài Việt Nam còn có Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên và một vài nước Cộng hòa thuộc Xô Viết cũ.
Theo Pew, tại các nước này, "chính phủ tìm cách kiểm soát việc hành đạo, việc thể hiện tín ngưỡng nơi công cộng và kiểm soát hoạt động chính trị của những tổ chức tôn giáo".
Vẫn theo cuộc khảo sát của Pew, hầu hết 43 nước có quốc giáo đều ở Trung Đông và Bắc Phi với đa số theo Hồi Giáo.
Cứ 5 nước thì có hơn 1 nước có quốc giáo chính thức, đa số là những nước Hồi Giáo. Tỷ lệ các nước có một tôn giáo được tôn sùng là 1/5.
53% các quốc gia không có tôn giáo chính thức hay tôn giáo được ưa chuộng, và 10 nước (5%) thù ghét tôn giáo.
Hầu hết 43 nước có quốc giáo thuộc vùng Trung Đông và Bắc Phi, với một nhóm nhỏ tại Bắc Âu. Hồi Giáo là tôn giáo chính thức của 27 nước tại Châu Á và tiểu vùng Sahara Châu Phi cũng như Bắc Phi và Trung Đông.
13 nước-trong đó có 9 nước tại Châu Âu- là những nước chính thức theo Cơ Đốc Giáo, hai nước (Bhutan và Campuchia) có quốc giáo là Đạo Phật, và Israel chính thức là một quốc gia Do Thái giáo. Không có quốc gia nào quốc giáo là Hindu.
Phúc trình của Pew nói : "Trong một số trường hợp, quốc giáo phần lớn đóng vai trò nghi lễ".
"Thêm vào đó những quốc gia với những tôn giáo được nhà nước hỗ trợ thường có khuynh hướng có những qui định khắc nghiệt về việc hành đạo, trong đó có việc hạn chế hay cấm những tổ chức tôn giáo thiểu số".
Cơ Đốc Giáo là tín ngưỡng được ưa chuộng của 28 trong số 40 quốc gia có một tôn giáo được ưa chuộng.
(Nguồn The Guardian/PEW)
**********************
Đề nghị dừng nhận chìm bùn thải xuống biển Bình Thuận (RFA, 05/10/2017)
Tỉnh Bình Thuận đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các ban ngành có liên quan dừng việc nhận chìm 2,4 triệu m3 bùn thải ngoài khơi tỉnh này.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 RFA
Số bùn thải này là của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân nạo vét từ cảng tiếp nhận than của Trung tâm này. Giấy phép cho việc đổ bùn này đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường đồng ý hồi năm 2014, và hồi tháng 5 năm nay đã được Bộ Công thương phê duyệt.
Xin nhắc lại là hồi tháng Sáu năm nay, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đã cấp giấy phép đổ 1 triệu m3 bùn thải xuống biển gần khu bảo tồn Hòn Cau. Tuy nhiên do sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, báo chí, và các nhà khoa học, kế hoạch này bị hủy bỏ.
Trong kiến nghị của Tỉnh Bình Thuận gửi lên cấp trên cũng đề nghị đưa Trung tâm điện lực Vĩnh Tân vào diện kiểm soát đặc biệt về môi trường, vì cho rằng các hoạt động của các nhà máy điện chạy than sẽ gây ảnh hưởng rất lớn về môi trường cho Tỉnh Bình Thuận.
**************************
Cà phê hòa tan của VinaCafe tại Mỹ bị thu hồi (RFA, 05/10/2017)
Sản phẩm cà phê hòa tan Wake-up của Vinacafe bị thu hồi do có chứa các chất gây dị ứng từ sữa.
Một cảnh trong phim quảng cáo của sản phẩm cafe Wake-up Ảnh chụp từ YouTube
Mạng VNEconomy vào ngày 4 tháng 10 loan tin dẫn thông báo trên trang mạng của Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết Công ty Hong Lee Trading Inc., trụ sở đặt tại New York yêu cầu những đại lý phân phối ở New York, New Jersey và Connecticut thu hồi sản phẩn vừa nêu.
Theo FDA, cho đến nay chưa có báo cáo nào về ca bệnh hoặc dị ứng liên quan đến sản phẩm Wake-up.
Phản hồi về thông tin này, VinaCafe cho biết sản phẩm của công ty luôn đạt chuẩn kinh doanh và xuất khẩu tại thị trường Mỹ theo tiêu chuẩn FDA.
Wake-up cà phê là một loại sản phẩm cà phê hòa tan của công ty VinaCafe của Việt Nam. Hiện nay, sản phẩm của VinaCafe được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Canada…Năm 2016, doanh thu xuất khẩu của thương hiệu này là 219 đồng, chiếm 7% tổng doanh thu bán hàng của công ty.
********************
Thêm ngư dân Việt được Indonesia trả về nước (RFA, 04/10/2017)
Indonesia vào ngày 4 tháng 10 cho trả thêm 239 ngư dân Việt Nam bị cơ quan chức năng Jakarta bắt giữ với cáo buộc đánh bắt hải sản lậu trong vùng biển của Indonesia.
Hải quân Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc (bên phải) ở Natuna hôm 21/6/2016 AFP
Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội cho biết như vừa nêu, nói rõ số gần 240 ngư dân Việt Nam được đưa về nước trên một tàu tuần duyên của Việt Nam sang để chở họ về. Tàu xuất phát từ thành phố Batam, thuộc quần đảo Riau.
Như vậy đây là đợt thứ hai trả về Việt Nam nhóm ngư dân đông đảo sau lần vào ngày 9 tháng 6. Lúc đó có gần 700 ngư dân Việt Nam được phía Indonesia trả về.
Ngoài việc bắt giữ ngư dân nước ngoài bị cho là đánh cá lậu trong vùng biển của minh, Indonesia gần đây áp dụng biện pháp cho nổ và đánh đắm tàu của những ngư dân nước ngoài bị bắt.
Một số ngư dân Việt bị bắt khi trở về cho rằng họ chưa đi vào vùng biển của Indonesia nhưng lực lượng chấp pháp của nước này vẫn bắt họ.
Vào tháng 7 và tháng 8 vừa qua lãnh đạo Việt Nam sang thăm Indonesia. Vấn đề hàng hải và đánh bắt thủy hải sản là một trong những nội dung được hai phía thảo luận.
Trong chuyến thăm Indonesia vào tháng 8 của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng cộng sản Việt Nam, hai phía thỏa thuận đẩy nhanh quá trình đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế, vùng đánh bắt và hạn chế đánh bắt trái phép.