Phiên xử luật sư Nguyễn Văn Đài khiến quốc tế quan ngại (VOA, 04/04/2018)
Các tổ chức nhân quyền quốc tế ra thông cáo chung kêu gọi chính quyền Việt Nam bãi bỏ mọi cáo buộc và phóng thích ngay lập tức các nhà hoạt động nhân quyền thuộc Hội Anh Em Dân Chủ sắp sửa bị đưa ra xét xử về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân nhân".
Luật sư Nguyễn Văn Đài
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người sáng lập Hội, và cộng sự Lê Thu Hà cùng các thành viên khác của Hội bao gồm Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội và Nguyễn Bắc Truyển sẽ ra Tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 5 tháng 4. Nếu bị kết tội, họ có thể phải đối mặt với bản án từ 12 năm tù giam cho tới tù chung thân hoặc tử hình.
Tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) Debbie Stothard kêu gọi cộng đồng quốc tế thẳng thừng lên án "cuộc đàn áp không ngừng" của chính phủ Việt Nam nhắm vào xã hội dân sự.
"Việc câu lưu tiền thẩm kéo dài và tùy tiện đối với Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà đáng bị toàn thể cộng đồng quốc tế lên án", bà nói trong thông cáo chung.
Ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thu Hà bị giam giữ không thông qua xét xử kể từ tháng 12 năm 2015. Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội và Nguyễn Bắc Truyển bị bắt cùng lúc tại nhà riêng tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh Hóa vào tháng 7 năm 2017 và đã bị giam giữ từ đó.
Tháng 12 năm 2017, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ở Hà Nội loan báo Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn và Phạm Văn Trội bị cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" (trước đây là Điều 79, giờ là Điều 109 của Bộ luật Hình sự sửa đổi). Thông cáo nói các cáo buộc của Hà Nội nhắm vào những nhà hoạt động này bao gồm ủng hộ thiết lập một nền kinh tế thị trường tự do và một chính phủ dân chủ, kêu gọi các tổ chức quốc tế lên tiếng chống lại các vi phạm nhân quyền, và hỗ trợ pháp lý cho những người nông dân và nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thảm họa ô nhiễm Formosa.
Kể từ khi bị bắt giữ hơn hai năm trước, ông Đài không được gặp luật sư của mình, và vợ ông chỉ được phép thăm ông ba lần. Vào tháng 6 năm 2017, Nhóm Công tác của Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện tuyên bố việc giam giữ ông là tùy tiện và kêu gọi phóng thích ông. Các thành viên khác của Hội Anh Em Dân Chủ cũng không được gặp gia đình và luật sư cũng như không có cơ hội để chuẩn bị cho phần biện hộ của mình, thông cáo của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền nêu rõ.
Từ trái qua, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn và Nguyễn Minh Đức (Nguồn Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)
Thân nhân của các nhà hoạt động này hôm 3 tháng 4 cho VOA biết họ chưa được cấp giấy phép tham dự phiên tòa vào ngày 5 tháng 4.
"Phiên tòa này là một biểu hiện gây sốc của việc Việt Nam coi thường các nghĩa vụ có tính ràng buộc của mình theo các thỏa ước nhân quyền quốc tế mà nước này là một thành viên", ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) nói trong thông cáo chung.
"Đây là một sự thụt lùi mới đối với chế độ đàn áp của Hà Nội", ông nói.
Các tổ chức nhân quyền cho biết kể từ tháng 12 năm 2017, ít nhất 24 nhà hoạt động và những người bảo vệ nhân quyền đã bị kết án tù ở Việt Nam. Họ ước tính Việt Nam đang giam giữ ít nhất 130 tù nhân chính trị.
******************
Khắp nơi kêu gọi trả tự do cho 6 nhà bảo vệ dân chủ sắp ra tòa (RFA, 04/04/2018)
Một ngày trước phiên xử sơ thẩm các nhà hoạt động xã hội dân sự Hội Anh Em Dân Chủ một ngày, gần 50 tổ chức cùng ký vào một bản lên tiếng yêu cầu Tòa án Hà Nội xem xét đình chủ vụ án và trả tự do cho các nhà hoạt động dân sự trong vụ án này.
Sáu người sắp bị đưa ra xét xử. Photo : Hội anh em dân chủ
Phiên xử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 5/4/2018 tại Tòa án Nhân dân Hà Nội. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các nhà hoạt động xã hội dân sự Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức và Lê Thu Hà bị truy tố về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Trong số này, ngoài cô Lê Thu Hà, cả 5 người còn lại là những thành viên hoặc cựu thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ.
Theo bản lên tiếng, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao dành cho các bị cáo là sự sao chép sơ sài và nghèo nàn kết luật điều tra trước đó của công an, trong khi các chứng cứ đưa ra chỉ là sự suy diễn nhằm mục đích ghép tội.
Bản lên tiếng cũng khẳng định hoạt động được mô tả trong cáo trạng dành cho các nhà hoạt động là những điều bình thường của người dân được làm và được hiến pháp bảo vệ.
Ông Chris Hayes, một dân biểu Úc hôm 4/4 cũng ra bản thông cáo kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động xã hội Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức và Lê Thu Hà. Theo ông, những người này bị bắt theo những điều luật an ninh quốc gia mù mờ chỉ vì họ đã thực hiện các quyền tự do bày tỏ ý kiến và lập hội.
Vào tháng 11 năm ngoái, dân biểu Chris Hayes và dân biểu Tim Wilson cũng đã gửi thư cho Đại sứ Việt Nam tại Úc trong đó có nêu tên của cả 6 nhà hoạt động xã hội dân sự sắp bị xét xử, đề nghị Việt Nam tuân thủ các cam kết với quốc tế theo Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Dân biểu Chris Hayes cho biết ông sẽ tiếp tục theo dõi trường hợp của 6 nhà hoạt động dân sự để yêu cầu Hà Nội tôn trọng nghĩa vụ quốc tế và tôn trọng nhân quyền cơ bản của người dân.
Cũng trong ngày 4/4, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch đã ra thông cáo yêu cầu Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với sáu nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền về tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
Theo Human Rights Watch, những nhà hoạt động này đã thực hiện các hoạt động dân sự hợp pháp bao gồm các khóa học về nhân quyền, dân sự và dân chủ, các kỹ năng về an toàn và an ninh trên internet. Đây là những người đã tham gia và các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc và và nạn ô nhiễm môi trường.
Trong số 6 người sắp bị xét xử có luật sư nhân quyền, blogger Nguyễn Văn Đài và đồng sự là cô Lê Thu Hà bị bắt từ tháng 12 năm 2015. Cả hai người đã bị giam giữ suốt 20 tháng mà không được tiếp cận với luật sư của mình. 4 người còn lại bị bắt vào tháng 7 năm 2017.
Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại khu vực Châu Á, ông Brad Adams cho rằng, chính quyền Việt Nam lẽ ra phải cảm ơn những nhà hoạt động này vì những nỗ lực để cải thiện tình hình đất nước, thay vì bắt giữ và đem họ ra xét xử.
************************
Hôm 4/4 các tổ chức Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Ân xá Quốc tế, và Cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với các nhà vận động nhân quyền Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức, đồng thời phóng thích họ ngay lập tức.
Trong một thông cáo, ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói : "Tội duy nhất mà những nhà hoạt động nói trên phạm phải là đã vận động không mệt mỏi cho một nền dân chủ và bảo vệ các nạn nhân bị vi phạm nhân quyền. Chính quyền Việt Nam đáng lẽ cần cảm ơn họ vì những nỗ lực cải thiện tình hình đất nước, thay vì bắt giữ và đem họ ra xử".
Theo nghiên cứu mới nhất của Ân Xá Quốc Tế, công bố hôm 4/4, hiện có ít nhất 97 tù nhân lương tâm trong các trại giam ở Việt Nam, đa số phải sống trong các điều kiện tệ hại và bị ngược đãi. Danh sách này được công bố một ngày trước khi sáu nhà hoạt động bị đưa ra xét xử, trong đó có 5 người thuộc Hội Anh Em Dân chủ.
Các tổ chức nhân quyền đưa ra lời kêu gọi này một ngày trước khi Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội dự kiến xét xử các nhà tranh đấu cho nhân quyền vào ngày 5/4. Sáu nhà hoạt động bị cáo buộc tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79 của Bộ luật hình sự.
Ông James Gomez, Giám đốc Amnesty International tại Đông Nam Á tuyên bố : "Việt Nam là một trong những nhà tù tích cực nhất Đông Nam Á – một danh hiệu đáng xấu hổ. Cả 97 tù nhân lương tâm mà chúng tôi biết là những con người can đảm, đã bị giam cầm chỉ vì muốn thúc đẩy nhân quyền. Con số 97 này có thể thấp hơn so với thực tế".
Cũng trong ngày 4/4, cộng đồng người Việt Quốc gia thành phố Houston sẽ thực hiện một cuộc biểu tình trước tòa Tổng lãnh sự quán Việt Nam tai bang Texas.
Ông Đặng Quốc Việt, một thành viên của cộng đồng nói với VOA rằng cộng đồng lên tiếng phản đối phiên tòa ngày 5/4 và đồng hành cùng các nhà tranh đấu ở quê nhà.
"Cộng đồng sẽ tổ chức cuộc biểu tình trước tòa lãnh sự của Việt Nam. Tất cả các anh em tranh đấu chỉ vì lòng yêu nước và lên tiếng một cách rất ôn hòa, cũng như vận động cuộc dân chủ hóa Việt Nam một cách ôn hòa, nhưng ngược lại chính quyền Việt Nam lại đàn áp, bắt bớ, giam cầm và tuyên án nặng nề".
Danh sách 97 tù nhân lương tâm do tổ chức Ân xá Quốc tế đưa ra gồm có các nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và môi trường một cách ôn hòa, các blogger, luật sư ; nhiều người bị những bản án nặng nề. Theo Amnesty International, các tù nhân lương tâm bị giam trong những điều kiện tệ hại như biệt giam, bị từ chối cho gặp luật sư và thân nhân ; một số bị đánh đập.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, các nhà hoạt động trong Hội Anh em Dân chủ có nguy cơ đối mặt với những bản án nặng nề như chung thân, thậm chí tử hình.
Ông James Gomez kêu gọi Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho sáu nhà đấu tranh trên, đồng thời phóng thích toàn bộ các tù nhân lương tâm, hủy bỏ các đạo luật hình sự hóa các hoạt động tranh đấu ôn hòa.
Với các mục tiêu được ghi rõ là "bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận" và "vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam", Hội Anh em Dân chủ cung cấp một mạng lưới cho các nhà hoạt động cả trong và ngoài nước, những người muốn vận động cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam.
Ông Đặng Quốc Việt nói thêm rằng cuộc biểu tình ngày 4/4 tại Houston sẽ là tiếng nói kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ hơn về việc chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền và đàn áp các nhà tranh đấu.
"Chúng tôi nhận thấy trong thời gian vừa qua các nhà đấu tranh dân chủ như bà Trần Thị Nga, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… đã bị tuyên những bản án rất nặng nề. Chính các hành động đàn áp này mà cộng đồng người Việt tại Houston cần phải lên tiếng hỗ trợ cho những nhà đấu tranh dân chủ, và lên tiếng trước dư luận quốc tế về việc vi phạm nhân quyền để đất nước có thay đổi, có tự do dân chủ".
Theo Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, các thành viên của hội đã tổ chức các khóa tập huấn không chính thức về xã hội dân sự, nhân quyền và dân chủ, và các kỹ năng như an toàn và an ninh mạng Internet.
Tổ chức Nhân quyền cho biết các thành viên Hội Anh em Dân chủ tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường, và các hoạt động nhân đạo như giúp đỡ các nạn nhân bị thiên tai hay thương phế binh. Hội trợ giúp về pháp lý cho một số nhà hoạt động bị bắt và truy tố về các hoạt động dân chủ, và cùng ký các kiến nghị kêu gọi dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Họ đi thăm các gia đình tù nhân và can phạm chính trị để bày tỏ tình đoàn kết.
Cả sáu nhà hoạt động đã tham gia nhiều công việc liên quan tới nhân quyền, như vận động cho các nạn nhân, giảng bài về tiêu chuẩn nhân quyền, vận động cho tự do tôn giáo, và hỗ trợ các tù nhân chính trị và gia đình họ.
Ngoài ra, các nhà tranh đấu Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức cũng tham gia các nhóm xã hội dân sự khác để đấu tranh chống Formosa, một công ty thép Đài Loan đã thải độc xuống biển gây ra thảm họa môi trường quy mô lớn dọc bờ biển miền trung Việt Nam. Bốn người bị bắt vào tháng 7/2017.
Công an bắt giữ Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà vào tháng 12/ năm 2015 và cáo buộc họ tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 bộ luật hình sự. Cả hai người đều bị tạm giam gần hai mươi tháng mà không được tiếp xúc với nguồn hỗ trợ pháp lý.
Human Rights Watch nói chỉ trừ bà Lê Thu Hà, cả 5 người còn lại đã từng phải thụ án tù giam vì các hoạt động dân chủ và nhân quyền ôn hòa của mình.
Tối hôm 4/4, anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, con của ông Nguyễn Trung Tôn cho VOA biết có 8 cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam yêu cầu được dự phiên tòa nhưng vẫn chưa được phép, dù trước đó có tin đại diện sứ quán Mỹ, Úc, và EU sẽ được phép tham dự.
Hôm 4/4, bà Nguyễn Kim Thanh, vợ của ông Trương Minh Đức thông báo trên Facebok rằng tòa án Hà Nội đã đồng ý cho gia đình của các bị cáo được phép vào phòng xử án vào sáng 8 giờ ngày hôm sau.