Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

HRW : Việt Nam phải hủy bản án đối với Lê Đình Lượng (RFI, 17/10/2018)

Tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch (HRW) hôm qua, 16/10/2018, đã ra thông cáo yêu cầu Việt Nam hủy bỏ bản án nặng nề đối với nhà hoạt động Lê Đình Lượng và trả tự do ngay lập tức cho ông. Phiên xử phúc thẩm ông Lê Đình Lượng sẽ diễn ra ngày mai tại tòa án tỉnh Nghệ An.

vuan3

Nhà tranh đấu Lê Đình Lượng. Ảnh chụp màn hình : HRW

Trong phiên xử sơ thẩm ngày 16/08 vừa qua tại tòa án tỉnh Nghệ An, ông Lê Đình Lượng đã bị kết án án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế với tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", chiếu theo điều 79 Bộ luật hình sự năm 1999. Mặc dù gọi là phiên xử công khai, nhưng chỉ có vợ và em trai của bị cáo được vào dự. Các nhà ngoại giao ngoại quốc thì không được phép vào theo dõi phiên xử.

Trong bản thông cáo, ông Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách Châu Á của HRW, viết : "Án tù 20 năm đối với ông Lê Đình Lượng là một trong những bản án nặng nề nhất trong chiến dịch của chính phủ đàn áp các nhà hoạt động ôn hòa. Đây là một dịp để tòa sửa chữa sai lầm này, phân biệt rõ giữa một bên là việc chỉ trích chính phủ, và bên kia là những đe dọa thật sự đối với an ninh quốc gia".

HRW kêu gọi tòa phúc thẩm trả tự do ngay lập tức cho ông Lê Đình Lượng và các nhà hoạt động khác "đã bị cầm tù một cách sai trái" và cho phép họ bày tỏ một cách ôn hòa chính kiến của mình. Tổ chức nhân quyền của Mỹ nhắc lại rằng bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, nhiều tổ chức phi chính phủ đã từng kêu gọi chính phủ Việt Nam bảo đảm cho ông Lê Đình Lượng và các nhà hoạt động nhân quyền khác được xét xử công bằng theo đúng luật pháp Việt Nam và quốc tế.

******************

Việt Nam hãy hủy bản án 20 năm đối với nhà hoạt động Lê Đình Lượng (RFA, 17/10/2018)

Human Rights Watch vào ngày 17 tháng 10 cũng ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam hủy bỏ bản án hà khắc 20 năm đối với nhà hoạt động dân chủ và môi trường Lê Đình Lượng.

vuan1

Nhà hoạt động môi trường Lê Đình Lượng tại phiên toà xét xử ở Nghệ An hôm 16/8/2018 - AFP

Kêu gọi của Human Rights Watch được đưa ra một ngày trước phiên phúc thẩm dự kiến đối với ông này sẽ diễn ra vào ngày 18 tháng 10 tại Nghệ An.

Phó giám đốc Văn Phòng Châu Á của Human Rights Watch, ông Phil Robertson, nói rõ bản án 20 năm tù mà tòa sơ thẩm tuyên cho ông Lê Đình Lượng là một trong những bản án hà khắc nhất trong quá trình đàn áp của Việt Nam đối với những nhà hoạt động ôn hòa.

Human Rights Watch cho rằng đây là cơ hội để tòa án sửa chữa sai lầm bằng cách phân biệt giữa việc chỉ trích chính phủ với những đe dọa thực sự đối với an ninh quốc gia, và bảo vệ quyền tự do biểu đạt của con người.

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng, 53 tuổi, bị bắt vào tháng 7 năm ngoái với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ luật hình sự Việt Nam.

Tòa sơ thẩm tại Nghệ An vào ngày 16 tháng 8 vừa qua tuyên ông Lê Đình Lượng 20 năm tù giam.

******************

Yêu cầu khởi tố vụ một phụ nữ bị nói là tự sát trong đồn công an (RFA, 17/10/2018)

Sáng ngày 17/10, ông Nguyễn Trọng Chinh, chồng của bà Huỳnh Thị Nhung, chủ nhà nghỉ bị cho là đã dùng kéo tự đâm vào cổ dẫn đến tử vong trong đồn công an sau vài tiếng giam giữ đã chính thức gởi đơn đến Công an tỉnh Khánh Hòa đề nghị khởi tố vụ án chết người xảy ra tại trụ sở Công an Thị xã Ninh Hòa đêm 13/10.

vuan2

Bà Trịnh Kim Tiến cầm ảnh cha bị thiệt mạng do công an bạo hành, 2011. Hình minh hoạ. AFP

Đơn của gia đình bà Nhung, được nhà báo Hoàng Khương đăng tải trên trang Facebook cá nhân đề nghị làm rõ 4 nội dung như : nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của bà Huỳnh Thị Nhung, ai là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với cái chết của bà ; việc bắt giữ người có đúng trình tự pháp luật hay không, hoặc có dấu hiệu tội phạm của việc bắt giữ người trái pháp luật dẫn đến chết người không.

Gia đình nạn nhân cũng yêu cầu giám định ghi âm, ghi hình toàn bộ quá trình hỏi cung theo quy định tại khoản 6 Điều 183 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Theo trình bày của ông Chinh thì vào lúc 15 giờ ngày 13/10 cảnh sát hình sự công an thị xã Ninh Hòa ập vào nhà bắt bà Huỳnh Thị Nhung để xác minh, làm rõ một số dấu hiệu vi phạm pháp luật về ngành nghề kinh doanh nhạy cảm.

Đến 18 giờ cùng ngày, bà Nhung bị đưa về lấy lời khai tại trụ sở Công an Thị xã Ninh Hòa.

Báo Người lao động dẫn thông tin từ bác sĩ Lê Quang Lệnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa, cho biết khoảng 22 giờ 50 phút đêm 13/10, bà Huỳnh Thị Nhung được một nhóm người đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và cho biết nạn nhân tự sát bằng kéo.

Bác sĩ cho hay nạn nhân có 6 vết thương, trong đó có 3 vết thương vùng dưới ức, 2 vết vùng ngực và 1 vết thương sâu vùng cổ và tử vong sau khoảng 30 phút cấp cứu.

Mãi đến 8 giờ sáng ngày 14/10, gia đình nạn nhân mới được thông báo về cái chết của người thân.

Trước đó ngày 24/8, Đài Á Châu Tự Do loan tin về cái chết của một công dân Hà Nội tên là Hoàng Tuấn Long bị công an nói là "cắn lưỡi tự tử" sau một tuần lễ bị giam ở Trại tạm giam số 1, công an thành phố Hà Nội.

Cho đến hôm nay ngày 17/10, gần 2 tháng sau ngày xảy ra sự việc, gia đình ông Long vẫn chưa nhận được kết quả khám nghiệm pháp y từ bên quân đội, cũng như khởi tố vụ án từ Cơ quan cảnh sát điều tra.

Published in Việt Nam

Một phụ nữ chết ở đồn công an do ‘tự đâm vào cổ’ (RFA, 14/10/2018)

Một phụ nữ đã tử vong tại trụ sở công an thị xã Ninh Hoà tỉnh Khánh Hoà vào tối ngày 13/10 vừa qua khi công an đang lấy lời khai về việc kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Báo Người Lao Động và facebook người thân của người phụ nữ đưa tin này hôm 14/10.

chet1

Hình ảnh trên báo cáo của Human Rights Watch về vấn nạn chết trong đồn công an ở Việt Nam công bố năm 2014. Trong hình là gia đình nạn nhân Trịnh Xuân Tùng ở bên ngoài phiên toà xử viên công an đánh chết ông Tùng hôm 17/7/2012 ở Hà Nội - Hình minh hoạ. Courtesy Dân Làm Báo, Human Rights Watch

Cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ, Hoàng Khương viết trên trang Facebook cá nhân của mình rằng em họ của anh là cô Huỳnh Thị Nhung, 45 tuổi, ngụ tại Dục Mỹ, Ninh Sim, Ninh Hòa, Khánh Hòa, đã bị đưa về đồn công an thị xã lấy lời khai vào chiều 13/10 về việc kinh doanh nhà trọ có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đến 8 giờ sáng ngày 14/10, gia đình nhận được điện thoại từ Chủ tịch xã Ninh Sim cho biết chị Nhung đã chết tại cơ quan điều tra. Công an cho gia đình biết chị Nhung đã dùng kéo để sẵn trên bàn tự đâm nhiều nhát vào cổ và ngực của mình vào lúc 22 giờ đêm ngày 13/10.

Báo Người Lao Động trích lời của một lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân thị xã Ninh Hoà giấu tên xác nhận việc chị Nhung (báo không nói tên cụ thể, chỉ viết là HTN) đã tử vong khi công an mời về trụ sở làm việc vì có liên quan đến vấn đề kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Nguyên văn của vị lãnh đạo này được trích như sau : "Công an thị xã đã báo cáo sự việc vào tối 13/10. Sau khi phá án thì có mời bà chủ nhà về đồn công an thị xã Ninh Hoà để làm việc thì người này lấy kéo đâm vào cổ. Họ đưa ra bệnh viện nhưng máu ra nhiều quá nên tử vong. Huyện đã báo công an tỉnh hồi tối. Sáng nay đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và mời gia đình đến. Gia đình cũng đang chờ giám định kết quả’.

chet2

Ảnh chụp màn hình status đăng trên trang Facebook của nhà báo Hoàng Khương - Courtesy FB Hoàng Khương

Tuy nhiên, trên trang Facebook của phóng viên Hoàng Khương, chi tiết khám nghiệm tử thi có phần khác. Theo phóng viên Hoàng Khương, Chinh, chồng chị Nhung cho biết khi có mặt làm thủ tục kết thúc khám nghiệm tử thi, một vài vị công an ‘khuyên’ nên ký vào biên bản và sớm đưa xác về lo hậu sự, họ sẽ tha tội cho…

Báo Người Lao Động trích lời vị lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hoà cho biết chính quyền thị xã đã yêu cầu UBND xã Ninh Sim vận động gia đình bình tĩnh, có hướng xử lý phù hợp. Công an tỉnh đang điều tra, lỗi phải như thế nào thì đã có pháp luật.

Những trường hợp công dân chết trong đồn công an tại Việt Nam khá phổ biến những năm gần đây và gây bức xúc trong dư luận. Nhiều trường hợp được công an xác định là do tự sát nhưng người dân nghi ngờ điều này. Có những trường hợp công an đánh dân đến chết ở đồn công an đã bị đưa ra xét xử.

Trường hợp xét xử gần đây nhất là vụ xử 5 công an thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận bị cáo buộc đánh chết một công dân tại nhà giam giữ vào tháng 9 năm ngoái. Phiên toà hôm 13/9 vừa qua đã tuyên án 5 bị cáo này từ 3 đến 7 năm tù về tội dùng nhục hình.

Không có những thống kê chính xác gần đây về số người đã chết trong đồn công an ở Việt Nam. Một thống kê được Bộ Công an đưa ra trước đây cho biết từ năm 2011 đến 2014 đã có 226 người chết một cách bất minh ở nơi giam giữ. Truyền thông trong nước cho biết từ năm 2011 đến 2015, toà án ở Việt Nam đã xét xử sơ thẩm 10 vụ án dùng nhục hình.

*******************

Bài ‘Em dâu tôi chết tại trụ sở công an’ của nhà báo nổi tiếng bị xóa trên FB (Người Việt, 14/10/2018)

Lâu nay, những cái chết trong đồn công an liên tiếp diễn ra tại các địa phương, nhưng đây là vụ đầu tiên liên quan đến người nhà của một nhà báo được nhiều người biết.

chet3

Đồn Công an thị xã Ninh Hòa. (Hình : Google Map)

Hôm 14 tháng Mười, mạng xã hội rúng động khi nhà báo Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ thông báo trên trang cá nhân rằng em dâu của ông chết trong đồn Công an thị xã Ninh Hòa.

Tuy nhiên, chỉ một giờ sau, ông đưa cáo buộc "Status vụ việc về cái chết của em dâu tôi tại trụ sở công an đăng chưa đầy 1 tiếng đã bị xoá không còn dấu vết".

Một số Facebooker chia sẻ lại post nêu trên cũng cho biết bài của họ "không cánh mà bay". Tuy vậy, có suy đoán post này bị Facebook gỡ bỏ vì "vi phạm chính sách cộng đồng" do ông Hoàng Khương đăng kèm ảnh thi thể nạn nhân máu me khiến có thể bị báo cáo là "có yếu tố bạo lực".

Ông Hoàng Khương cho biết bà Huỳnh Thị Nhung, em dâu của ông, sau khi cùng chồng đi đám giỗ hôm 13 tháng Mười về thì bị một số công an viên ở thị xã Ninh Hòa "ập vào nhà mời đi làm việc về việc kinh doanh nhà trọ có dấu hiệu vi phạm pháp luật".

Ông Hoàng Khương kể lại trên trang cá nhân : "Vào 8 giờ sáng hôm 14 tháng Mười, chồng của Nhung nhận được điện thoại từ chủ tịch xã thông báo Nhung đã chết tại cơ quan điều tra Công an thị xã Ninh Hòa, hiện đang khám nghiệm tử thi".

"Khi gia đình em tôi có mặt tại trụ sở công an, một vài công an viên mặc thường phục lạnh lùng thông báo em dâu tôi đã tự sát vào lúc 10 giờ đêm 13 tháng Mười. Trong lúc đang lấy lời khai, Nhung được cho là đã chụp chiếc kéo để sẵn trên bàn và tự đâm nhiều nhát vào ngực, cổ… Khi có mặt làm thủ tục kết thúc công tác khám nghiệm tử thi, một vài công an viên ‘khuyên’ chồng của Nhung nên ký vào biên bản và sớm đưa xác về lo hậu sự, họ sẽ tha tội cho", ông Hoàng Khương viết.

chet4

Facebook của nhà báo Hoàng Khương. (Hình chụp lại từ màn hình)

Trong status đăng lại bài "Em dâu tôi chết tại trụ sở công an vì… tự đâm vào cổ", ông Hoàng Khương viết : "Thêm một cái chết đầy… kịch tính xảy ra tại trụ sở công an như biết bao vụ việc đã xảy ra. Lần này là Nhung, em tôi, người đàn bà quê lam lũ, ít học, hiền lành và là mẹ của đứa con… Có ai thống kê giùm trong 3 năm, 5 năm hay 10 năm trở lại đây đã có biết bao người đã chết tại trụ sở công an, nhà tạm giữ, tạm giam…".

Nhà báo Hoàng Khương, phụ trách mảng tin nội chính, từng được biết đến với nhiều bài viết về công an, vụ án… trên báo Tuổi Trẻ vài năm trước.

Trước đó, hôm 12 tháng Mười, website của Bộ Công an cho hay Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp thuộc Bộ này vừa tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về việc thực thi Công ước chống tra tấn của Liên Hợp Quốc.

Theo dự trù, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ cử đại diện trình bày và bảo vệ báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về tình hình thực thi Công ước chống tra tấn diễn ra vào giữa tháng Mười Một, 2018 tại Thụy Sĩ.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp được website của Bộ Công an cộng sản Việt Nam dẫn lời : "Đoàn công tác liên ngành sẽ thu thập các ý kiến phản biện đa chiều, kinh nghiệm của các chuyên gia để từ đó hoàn thiện hồ sơ, góp phần bảo đảm sự thành công của việc trình bày báo cáo của Việt Nam".

Hồi tháng trước, tòa án tại tỉnh Ninh Thuận tuyên tổng cộng 27 năm tù giam cho 5 người từng là công an viên tại Phan Rang–Tháp Chàm vì đã dùng nhục hình khiến một nghi phạm ma túy chết trong đồn công an.

Hồi cuối tháng Tám, ông Hoàng Tuấn Long ở Hà Nội được thông báo là đã qua đời ở Bệnh Viện Đa Khoa Hà Đông sau khoảng một tuần bị giam giữ. Người nhà nghi ngờ ông bị đánh chết trong trại tạm giam nhưng Công an phường Thổ Quan, quận Đống Đa thông báo ông Long "cắn lưỡi tự tử".

Theo một thống kê của Bộ Công an cộng sản Việt Nam được truyền thông trong nước trích dẫn, từ năm 2011–2014 đã có 226 người chết tại nơi giam giữ. Các báo Việt Nam cũng cho hay, từ năm 2011–2015, tòa án Việt Nam đã xét xử sơ thẩm 10 vụ án dùng nhục hình. (T.K.)

*******************

'Cần có giám sát khi dân làm việc với công an' (BBC, 15/10/2018)

Ý kiến luật sư sau vụ một phụ nữ ở Khánh Hòa chết trong đồn công an, cho rằng cần giám sát để đảm bảo minh bạch khi dân làm việc với chính quyền.

chet5

Luật sư cho rằng cần có camera giám sát hoặc có luật sư đi cùng khi dân làm việc với chính quyền để đảm bảo sự minh bạch và quyền lợi chính đáng của người dân (ảnh minh họa)

Thêm một vụ dân chết trong đồn công an

Nạn nhân là bà Huỳnh Thị Nhung (1973, ngụ Dục Mỹ, Ninh Xiêm, Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Ông Chinh, chồng bà Nhung nói với BBC hôm 15/10 rằng gia đình đã đưa bà Nhung về nhà để lo hậu sự. Ông Chinh cũng cho biết hiện tại gia đình quá bối rối và ông không muốn nói gì thêm.

Theo thông tin từ Facebook của nhà báo Hoàng Khương, anh họ ông Chinh, sự việc xảy ra hôm 13/10, khi công an thị xã Ninh Hòa "ập vào nhà" vợ chồng em ông.

Ông Khương viết trên Facebook : "Đến 15 giờ cùng ngày, em dâu tôi là Huỳnh Thị Nhung (1973, ngụ Dục Mỹ, Ninh Sim, Ninh Hòa, Khánh Hòa) bị đưa về trụ sở công an thị xã lấy lời khai về việc kinh doanh nhà trọ có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

8 giờ sáng hôm nay, 14/10, em họ tôi nhận được điện thoại từ chủ tịch xã Ninh Sim thông báo Nhung đã chết tại cơ quan điều tra Công an thị xã Ninh Hòa, hiện đang khám nghiệm tử thi.

Khi gia đình em tôi có mặt tại trụ sở Công an thị xã thì một vài vị công an mặt thường phục lạnh lùng thông báo em dâu tôi đã tự sát vào lúc 22 giờ. Trong lúc lấy lời khai, Nhung đã chụp chiếc kéo để sẵn trên bàn và tự đâm nhiều nhát vào ngực, cổ...

Thêm một cái chết đầy... kịch tính xảy ra tại trụ sở công an như biết bao vụ việc đã xảy ra. Lần này là Nhung, em tôi, người đàn bà quê lam lũ, ít học, hiền lành và là mẹ của đứa con... Có ai thống kê giùm trong 3 năm, 5 năm hay 10 năm trở lại đây đã có biết bao người đã chết tại trụ sở công an, nhà tạm giữ, tạm giam..".

Chính quyền nói gì ?

Ông Phan Văn Cường, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Khánh Hòa, nói với tờ Pháp Luật TP Hồ Chí Minh là "cơ quan điều tra đang làm rõ nguyên nhân cái chết của bà Huỳnh Thị Nhung".

"Công an thị xã Ninh Hòa mới báo cáo chung chung. Đương sự đến cơ quan công an làm việc, sau đó có xảy ra hiện tượng gì đó, được đưa đến bệnh viện cấp cứu, sau đó nạn nhân tử vong. Sự việc cũng như nguyên nhân tử vong chưa kết luận được. Hiện nay đang điều tra", ông Cường nói.

Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, thì cho biết bà Nhung được mời đến công an xã để làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật tại nhà nghỉ do bà Nhung kinh doanh.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo Lao Động, một lãnh đạo Hội đồng Nhân dân xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết : "Sau khi làm việc với công an thì bà Nhung nhìn thấy kéo cắt giấy trên bàn và đâm vào cổ, dẫn đến tử vong".

'Cần có giám sát khi dân làm việc với chính quyền'

Theo quy định hiện nay, trong quá trình làm việc, đối với các vụ việc cơ quan điều tra thực hiện thì trong quá trình lấy lời khai đều phải có camera theo dõi, luật sư Nguyễn Văn Quynh nói với BBC hôm 15/10.

"Nhưng thực tiễn thì đến thời điểm này nhiều cơ quan vẫn trang bị các hệ thống đó".

"Gần đây tôi có làm việc với cơ quan tỉnh Bình Dương trong vụ việc mà tôi đang đảm nhiệm, thì ở đó vẫn chưa có camera. Hỏi thì họ nói là vẫn chưa trang bị được".

"Tuy nhiên không có chế tài nào để xử lý các cơ quan không lắp camera".

Luật sư Quynh cũng cho hay, theo luật tố tụng hình sự, người dân khi được mời lên làm việc với chính quyền thì hoàn toàn có quyền mời luật sư đi cùng để đảm bảo quyền lợi của mình.

"Tuy nhiên cái vướng mắc hiện nay là có một số luật sư, dù đã làm đầy đủ các thủ tục cần thiết, thì sau đó lại công an lại không cho họ làm việc".

"Ví dụ gần đây ở Khánh Hòa có vụ việc chủ tịch xã đã đuổi luật sư ra ngoài, trong khi người dân mời luật sư đi cùng chỉ để tham dự một buổi hòa giải liên quan đến tranh chấp đất đai".

"Những vụ việc này cho thấy các cơ quan công quyền cũng chưa thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, dù được nhà nước giao phó".

Luật sư Quynh nói, theo luật hiện hành, nếu người dân chết trong đồn công an thì công an không chịu trách nhiệm liên đới nào cho tới khi nguyên nhân cái chết được làm rõ.

"Tôi cho rằng trên hết cả người dân và chính quyền đều phải thượng tôn pháp luật. Đối với người dân, không loại trừ có những trường hợp tự tử [trong đồn công an] do bức xúc. Nhưng những vụ việc như vậy cần được làm rõ và có kết luận cụ thể.

"Để đảm bảo có sự minh bạch, cần phải có sự giám sát trong quá trình dân làm việc với chính quyền. Ngoài việc có luật sư, hoặc do chính quyền chỉ định, hoặc do người dân lựa chọn, còn cần có các công cụ như camera giám sát, ghi âm, ghi hình", luật sư Quynh nói với BBC.

Vụ việc bà Nhung chết trong đồn công an chỉ là một trong số nhiều vụ việc tương tự gây bức xúc trong dư luận.

Theo một số liệu của Bộ Công an, từ năm 2011 đến 2014, có 226 người chết trong các trại tạm giữ, tạm giam, chủ yếu do tự sát và bệnh lý.

Published in Việt Nam