Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam đối mặt với khủng hoảng thiếu điện (BBC, 07/10/2019)

Từ năm 2021, Việt Nam sẽ thiếu điện nghiêm trọng khi nhu cầu vượt quá tốc độ xây dựng các nhà máy điện.

thieu1

Thiếu điện có thể kìm hãm phát triển kinh tế của Việt Nam (Ảnh minh họa)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo về tình trạng thiếu điện có thể xảy ra vào 2021 và yêu cầu các quan chức khác đẩy nhanh các dự án nhà máy điện đang bị đình trệ, theo Financial Times.

Truyền thông Việt Nam hồi cuối tháng Chín cũng đồng loạt đưa tin về nguy cơ thiếu điện, trong khi hàng loạt dự án nhà máy điện bị chậm tiến độ.

Việc thiếu điện có thể là rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài, và thách thức vị thế của Việt Nam với vai trò là một trong những nước hưởng lợi nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, theo phân tích của Reuters.

Thiếu điện nghiêm trọng

Việt Nam có nguy cơ thiếu tới 6,6 tỷ kilowatt giờ vào năm 2021, thiếu 11,8 tỷ kWh năm 2022, và có thể thiếu tới 15 tỷ kWh năm 2023, theo Vietnam News.

Nhu cầu về điện ở Việt Nam đang tăng khoảng 9% mỗi năm, nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế - vốn chỉ tăng hơn 7% trong năm 2018, theo Financial Times.

Bồi thêm vào sự thiếu hụt này, nhiều dự án năng lượng ở Việt Nam đang bị chậm tiến độ, theo thông tin Bộ Công thương cung cấp cho Reuters.

Các dự án chậm tiến độ chủ yếu nằm ở khu vực phía Nam. Truyền thông nhà nước cho biết 47 trong số 62 dự án sản xuất điện của Việt Nam công suất 200 megawatt (MW) trở có nguy cơ bị chậm tiến độ, một số dự án chậm hơn hai năm so với kế hoạch.

Nguyên nhân thiếu điện là do thiếu kết nối giữa dự án điện và dự án đường giao thông, đất đai và phát triển đô thị.

Một số dự án khác thì lại do nhà thầu phải tìm chọn địa điểm mới để đặt trạm điện nhằm tránh dẫm lên các dự án đã có ở các vùng khác. Ngoài ra còn do vấn đề giải tỏa đất đai, do dân không chấp nhận tiền đền bù được đưa ra. Ngoài ra còn do thiếu nguyên liệu thô, như khí ga, để vận hành các nhà máy nhiệt điện, theo Vietnam Insider.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đảm bảo huy động đủ tiền từ các nguồn địa phương, và chính phủ giới hạn bảo lãnh cho các khoản vay nước ngoài, theo Bộ Công thương.

Việt Nam sẽ cần trung bình 6,7 tỷ đôla một năm để mở rộng công suất phát điện hàng năm thêm 10% từ năm 2016 đến năm 2030.

Ngân hàng Thế giới năm ngoái cho biết, Việt Nam cần đầu tư tới 150 tỷ đôla vào năm 2030 để phát triển ngành điện, gần gấp đôi 80 tỷ đô la chi cho ngành điện kể từ năm 2010.

Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào than đá, chiếm 38,1% công suất phát điện của đất nước, Bộ Công thương cho hay Việt Nam sẽ phải sử dụng 720 triệu tấn than trong nước cùng với 680 triệu tấn than nhập khẩu để cung cấp cho các nhà máy điện trong giai đoạn 2016-2030.

Việt Nam cũng sẽ phải nhập khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho các nhà máy điện của mình. Và tình trạng thiếu điện dự kiến sẽ giảm dần sau năm 2025 khi một số nhà máy điện chạy bằng khí mới được đưa lên mạng.

Tăng nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc

Để đối phó với khủng hoảng thiếu điện, Việt Nam hiện đang tìm nhiều cách, như phát triển năng lượng mặt trời, xem xét nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng, và nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, theo giới chức Việt Nam và theo các nhà phân tích trên Financial Times.

Một dự án điện mặt trời 391 triệu đô la, lớn nhất khu vực đông nam Á, bắt đầu vận hành ở Tây Ninh từ tháng 9/2019. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay hơn 4.000 hộ gia đình đã lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà, thu được khoảng 200MW. Khoảng 300MW nữa có thể được sản xuất vào cuối năm 2019.

Dù khen ngợi tốc độ phát triển năng lượng mặt trời của chính phủ Việt Nam, ông Gavin Smith, Giám đốc phát triển sạch của Dragon Capital tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng vẫn cần phải xem liệu nó có đủ để chống lại nguy cơ thiếu điện trong ba năm tới hay không, theo Financial Times.

Một quan chức Việt Nam xác nhận với Financial Times rằng có thể có nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng trong những tình huống không trông đợi, như khi các hồ chứa đập thủy điện khô cạn.

Một số công ty của Mỹ đang thúc đẩy bán khí hóa lỏng cho Việt Nam, như một cách để giảm thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ - một vấn đề căng thẳng với chính quyền của ông Trump.

Tuy nhiên, khí hóa lỏng sẽ không phải là một giải pháp đủ nhanh để giải quyết nguy cơ khủng hoảng năng lượng sắp xảy ra bởi vì Việt Nam cần xây dựng các nhà máy khí hóa lỏng.

Việt Nam cũng đã bàn bạc việc tăng nhập khẩu điện từ Lào, và Trung Quốc - mặc dù điều này được cho là nhạy cảm về mặt chính trị vào thời điểm này - khi căng thẳng giữa hai nước trên Biển Đông đang gia tăng - theo Reuters.

Tờ Vietnam News hồi tháng 7/2019 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Vượng rằng Việt Nam đang "xem xét nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc", nhưng rằng "đó chỉ là giải pháp tạm thời", rằng Việt Nam cần "thúc đẩy tiến độ của các dự án điện lớn hơn".

Trong khi đó, tờ VnExpress hồi tháng 7/2019 dẫn lời Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo Phương Hoàng Kim rằng Việt Nam dự kiến nhập khẩu 3.6 tỷ kWh năm 2021 và 9 tỷ kWh năm 2023.

Trang Xinhua của Trung Quốc thì dẫn lại Vietnam News Agency, rằng ông Lê Văn Lực, Cục phó Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho hay Việt Nam dự kiến lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên 3.000 megawatt (MW) vào năm 2025 và 5.000 MW vào năm 2030, từ mức hiện tại khoảng 1.000 MW.

Tuy nhiên thông tin nói trên hiện không thể tìm thấy trong các bài báo về nhập khẩu điện đăng trên Vietnam News Agency. Hiện chỉ còn lại các thông tin về nhập khẩu điện ở Lào.

Các báo Việt Nam khác cũng chủ yếu chỉ đề cập tới việc nhập khẩu điện từ Lào.

**********************

Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần : "Thực phẩm chức năng chỉ có giá trị tinh thần" (BBC, 06/10/2019)

Bác sĩ Mỹ gốc Việt Huỳnh Wynn Trần nói về con đường đến với nghề y tại Hoa Kỳ, thực trạng người Việt ưa dùng thực phẩm chức năng tại Mỹ và Việt Nam và cuốn sách vừa ra mắt.

thieu2

Thực phẩm chức năng có thị trường "màu mỡ nhất" là bệnh nhân bị ung thư.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC tại London, Phó Giáo sư Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần, từ Sài Gòn sang Hoa Kỳ định cư vào năm 1999, cũng bình luận về đề xuất đổi tên Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh thành 'Đại học Sức khỏe'.

BBCBác sĩ nghĩ gì về thực trạng người dân tại Việt Nam và người Việt tại nước ngoài dùng tràn lan thực phẩm chức năng ?

Huỳnh Wynn Trần : Đây là chủ để rất nóng. Người Việt tại California nói riêng và ở Việt Nam nói chung rất thích cái này. Chúng ta đều biết là thực phẩm chức năng là không có cơ quan nào kiểm duyệt. Tại sao, vì nó không phải là thuốc. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không kiểm duyệt và kiểm soát. Khi đã không phải là thuốc thì ai sản xuất cũng được. Do đó dẫn tới tình trạng rất bát nháo là nhà nhà làm, người người bán và thiên hạ thì mua tùm lum.

Thị trường tôi thấy "màu mỡ nhất" là ung thư. Đối với tôi người mắc ung thư là bệnh nhân đáng thương nhất. Mà những ông bán thực phẩm chức năng có thể làm những việc gọi là lừa đảo và họ nhắm vào thị trường này nhiều nhất. Và việc đó là không có gì tàn nhẫn hơn. Cá nhân tôi trong chuyến về Việt Nam năm ngoái nói tại một diễn đàn về ung thư thì có câu chuyện của một bác này nói phải bán nhà bán đủ thứ để mua thực phẩm chức năng. Và tôi biết là bác đó khó mà sống được lâu mà sao phải làm vậy. Thế thì có cái gì tệ hơn thế nữa.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại là thực phẩm chức năng có tác dụng về tâm lý. Đối với bệnh nhân ung thư và không chữa được nữa chẳng hạn thì đôi khi một chút tâm lý đó là cái mà họ cần. Cho nên tôi nói với bệnh nhân là nên nói chuyện với bác sĩ xem có nên uống cái này hay không. Vì những nghiên cứu cho thấy nó không có tác dụng về mặt lâm sàng, nhưng tinh thần thì có. Chữa ung thư không chỉ là bệnh nhân mà còn người trong gia đình. Nên người con mua được món quà đắt tiền biếu cha mẹ mình đang mắc bệnh thì cả hai phía đều thấy thế là được. Thì cái hay của thực phẩm chức năng là nó nằm ở chỗ đó.

BBCBác sĩ có thể chia sẻ về kinh nghiệm học ngành y tại Hoa Kỳ ?

Huỳnh Wynn Trần : Điểm đặc biệt nhất của ngành y tại Hoa Kỳ là chú trọng nhiều về bác sĩ nội trú. Tức là đào tạo sau đại học rất dài. Tức là bên Hoa Kỳ nhấn mạnh vào việc thực hành. Cái thứ hai là kỹ năng giao tiếp, chúng tôi được học từ trong trường cho tới lúc học nội trú. Bác sĩ thực ra là người tư vấn cho bệnh nhân, tức là phục vụ và làm tròn trách nhiệm của mình. Lấy chất lượng phục vụ làm thước đó. Chẳng hạn đối với bệnh phức tạp như ung thư thì bệnh nhân và bác sĩ có cái quyền quyết định chung. Nói cách khác đi là bệnh nhân có quyền quyết định. Tức là không thế ép bệnh nhân làm những việc họ không muốn.

Khi còn ở Việt Nam thì tôi học kiến trúc. Khi qua Mỹ tôi học tiếp kiến trúc và khi ra trường rồi và làm việc được hai năm thì mình mới thấy hình như mình không thích kiến trúc lắm. Khi nộp đơn vào trường y thì tôi không được vô liền. Đây là bài học tôi đúc kết trong cuốn sách của tôi ra mắt tại Việt Nam vào tuần này. Cuốn sách có tên là "Từ kiến trúc sư thành bác sĩ tại Hoa Kỳ' ra mắt ở Sài Gòn vào ngày 6/10 và Los Angles ngày 20/10/2019.

Trong cuốn sách tôi nói về việc học kiến trúc như thế nào và sau đó ra trường đi làm một thời gian và tôi không thích và tôi mới chuyển qua học bác sĩ. Tôi gặp thất bại nhiều lắm và tôi có thể nói 'Thất bại là bà nội của thành công chứ không phải là mẹ nữa'. Bài học tôi muốn chia sẻ với các bạn là một khi mình thích cái gì thì mình nên làm tới cùng.

Tôi hay nói với sinh viên của tôi rằng tôi không phải là người quá thông minh và xuất sắc. Nhưng cái tôi có là tôi lì lắm. Tôi mà thích cái gì là tôi sẽ làm và làm tới cùng. Bài học mà tôi muốn chia sẻ với các bạn ở Việt Nam là khi các bạn thấy ai thành công thì hãy nhớ rằng họ thất bại nhiều lắm và bạn đừng bỏ cuộc. Hy vọng các bạn sẽ tìm thấy hình ảnh của mình trong cuốn sách đó. Tôi viết sách không phải là về tôi đâu mà là về các bạn. Tôi nghĩ cuốn sách sẽ mang lại động lực cho các bạn. và nếu bạn đa mê học thuật và thích tìm hiểu thì bạn sẽ tìm thấy mình trong cuốn sách của tôi

Đôi khi mình bị lung lay và mệt mỏi thì mình chỉ cần một sự khuyến khích hoặc thúc đẩy của ai đó. Thế thì tôi hy vọng là cuốn sách của tôi sẽ giúp các bạn điều đó và các bạn sẽ thành công.

BBCBác sĩ bình luận gì vềviệc lãnh đạo ngành y tế Việt Nam đề xuất đổi tên Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thành 'Đại học Sức khỏe' ?

Huỳnh Wynn Trần : Thực ra hướng đi thì là đúng vì đa số trường y tại Mỹ là trường có nhiều ngành trong đó, tức là dạy chung bác sĩ với dược sĩ, nha sĩ...Tôi nghĩ cái tên không quan trọng mà chất lượng mới quan trọng, mô hình đào tạo thế nào mới quan trọng. Thì cái đó là cái tôi ủng hộ và Việt Nam nên làm vì Campuchia và Lào đã làm cái đó rồi. Thì đúng là người ta đang nghe quen như vậy thì nghe khác đi thì sẽ có phản đối. Nhưng tôi thấy cái tên mà nó có cái chữ y trong đó thì nghe hay hơn và "sang chảnh" hơn.

******************

Quy hoạch cán bộ sai phạm trong vụ Formosa vào vị trí vụ trưởng về môi trường (RFA, 07/10/2019)

Chuyên viên Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên Môi trường - ông Lương Duy Hanh, người từng bị cách chức vì những sai phạm liên quan đến Formosa vào tháng 6/2017, vừa được quy hoạch vào hai vị trí vụ trưởng của Tổng cục Môi trường.

thieu3

Ông Lương Duy Hanh và nhà máy gang thép Formosa tại Việt Nam. AFP/DAN VIET/ RFA Edited

Mạng báo Tuổi trẻ loan tin hôm 7/10 cho biết như vừa nêu.

Theo đó, ông Lương Duy Hanh, chuyên viên Vụ Pháp chế của Bộ Tài nguyên Môi trường đã được quy hoạch vào hai vị trí vụ trưởng Vụ Thẩm định và vụ trưởng Vụ quản lý chất thải, cả hai vụ thuộc Tổng cục Môi trường và được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà phê duyệt.

Ngoài ra, ông Lương Duy Hanh còn được quy hoạch vào vị trí vụ phó Vụ Khoa học công nghệ nhưng việc quy hoạch vào vị trí này đang thực hiện theo quy trình và chưa trình lãnh đạo của Bộ phê duyệt.

Ông Lương Duy Hanh đã từng bị xem xét trách nhiệm liên quan đến sự cố môi trường tại các tỉnh miền Trung xảy ra hồi năm 2016 khi công ty gang thep Formosa xả thải ra biển khiến cá chết hàng loạt. Với việc này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách toàn bộ chức vụ trong Đảng đối với ông Lương Duy Hanh vì những sai phạm liên quan môi trường, thiếu trách nhiệm, không giám sát công trình bảo vệ môi trường trong thời gian thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm của nhà máy. Sau khi kỷ luật của Ủy ban kiểm tra trung ương, vào tháng 6/2017 ông Hanh bị Bộ TNMT quyết định cách chức cục trưởng cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường và đồng thời chuyển ông về làm chuyên viên Vụ Pháp chế thuộc Bộ này.

Thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên hồitháng tư năm 2016 khiến cá, hải sản chết hằng loạt dọc theo bốn tỉnh miền Trung. Hằng ngàn chiếc tàu nằm phơi bờ không thể ra khơi đánh bắt cá và hải sản, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm ngàn người. 4 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế.

Sau sự cố, công ty Formosa đã chính thức lên tiếng xin lỗi và bồi thường 500 triệu đô la để khắc phục hậu quả.

****************

Cục trưởng mất chức vì Formosa được quy hoạch làm… Vụ trưởng (Dân Trí, 07/10/2019)

Ông Lương Duy Hanh từng bị cách chức Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) vì những vi phạm nghiêm trọng trong vụ Formosa Hà Tĩnh vào năm 2017, vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường quy hoạch vào 2 vị trí Vụ trưởng thuộc Tổng cục Môi trường.

thieu4

Cục trưởng mất chức vì Formosa được quy hoạch làm… Vụ trưởng

Theo quy hoạch cán bộ vừa được lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, ông Lương Duy Hanh - chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã được quy hoạch vào 2 vị trí thuộc Tổng cục Môi trường : Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường và Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải.

Ngoài ra, ông Lương Duy Hanh còn đang được làm quy trình để quy hoạch vào vị trí Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ thuộc Bộ này.

Trước đó, tháng 10/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, ông Lương Duy Hanh - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) thiếu trách nhiệm khi làm trưởng đoàn thanh tra đối với dự án Formosa Hà Tĩnh ; không tham mưu giám sát việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm.

Đánh giá những vi phạm của ông Lương Duy Hanh là nghiêm trọng, căn cứ Quy định số 263-QĐ/TW và Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lương Duy Hanh.

Đến ngày 20/6/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra thông báo về việc thi hành kỷ luật hành chính bằng hình thức cách chức Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường đối với ông Lương Duy Hanh và điều động ông Hanh về làm chuyên viên tại Vụ Pháp chế trực thuộc Bộ này.

Chiều nay, 7/10, một lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xác nhận với PV Dân trí thông tin quy hoạch lãnh đạo cấp Vụ đối với ông Lương Duy Hanh.

Theo vị này, ông Lương Duy Hanh bị kỷ luật và thi hành kỷ luật với thời hạn 1 năm. Chính vì thế đến nay thời hạn kỷ luật đã kết thúc từ lâu nên việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ông Hanh vào quy hoạch cán bộ hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành (!).

Thế Kha

Published in Việt Nam

Tại sao tỉnh ủy Đắk Lắk không công khai hồ sơ đảng viên Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) ?

Nguyễn Tường Thụy, RFA, 10/10/2019

Việc một cô gái trình độ văn hóa chỉ có cấp 1 đội hồ sơ của người khác mà học lên đến thạc sĩ, và leo lên đến trường phòng là chuyện vô cùng hy hữu. Nếu không có đơn tố cáo thì có lẽ cô ta cứ thế mà lên đến quan tỉnh, quan trung ương chưa biết chừng.

darlac1

Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu – Bí thư Đảng ủy phường 6 (Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, nơi gia đình bà Ái Sa sinh sống) thông tin những nội dung liên quan đến việc xác minh lý lịch Đảng. Ảnh Dân trí

Chính vì hy hữu nên việc điều tra lại dễ dàng, chứ không phức tạp như những vụ án tham nhũng, giết người...

Vụ Trần Ngọc Ái Sa giả, người một đằng, hồ sơ một nẻo, điều tra lại càng đơn giản. Nếu có lằng nhằng, rắc rối là do người ta làm rắc rối ra mà thôi.

Báo chí đều nhận xét, Sa giả "sở hữu một nhan sắc vô cùng xinh đẹp", hẳn là ngầm giải thích cho cái sự leo lên nhanh "như diều gặp gió" của cô. Thật là mai mỉa.

Từ hôm 4/10 đến nay, mỗi ngày đều có thêm thông tin mới về cô và thêm cả những thông tin cải chính những tin đã đưa nhưng không chính xác. Có vẻ như người ta đang giấu giếm, loanh quanh những điều gì đó làm thông tin rối loạn lên, gây khó khăn cho việc xác minh đâu là sự thật.

Xin tổng hợp lại những tin mới và tin cải chính như sau :

- Về tên thật của cô : Từ thông báo ban đầu của Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, tên thật của cô là Trần Thị Ngọc Thảo, nhưng sau đó lại là Trần Thị Ngọc Thêm. Trong hồ sơ của Trần Thị Ngọc Ái Sa có nội dung nhắc đến người em gái của cô làm việc ở Tỉnh ủy Đắk Lắk tên là Trần Thị Ngọc Thêm.

- Ban đầu thông tin cô có trình độ văn hóa cấp 2. Nhà báo Trương Châu Hữu Danh "đã xác minh lại và xin đính chính" cô chỉ có văn hóa cấp 1.

- Cũng theo nhà báo này thì "theo tàng thư căn cước thì số Chứng minh nhân dân của Ái Sa Lâm Đồng và Ái Sa Đăk Lăk cùng số, nhưng khác dấu vân tay. Ái Sa Đăk Lăk có hộ chiếu riêng và thường đi nước ngoài".

- Trần Thị Ngọc Thêm (Sa giả) có bố chồng là ông L.V.K (báo Tiền Phong ban đầu viết là Lê Văn Khải nhưng sau đó sửa lại) từng giữ chức Phó ban tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk. Ông này đã nghỉ hưu nhưng không thấy nói nghỉ từ năm nào. Rất có thể khi nhận Thêm vào làm việc ở tỉnh ủy Đắk Lắk, ông ta còn đương chức. Đây cũng là một nghi vấn những ai đã bao che và nâng đỡ Sa giả.

Chồng Thêm là L.T.S (cũng báo Tiền Phong viết là Lê Thanh Sơn nhưng sau đó sửa lại) là đảng viên, hiện giữ chức Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9. Công ty này là doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy, 100% vốn Nhà nước.

- Thêm lấy chồng năm 1997. Tất nhiên lúc này, Thêm chưa nảy ra ý định dùng bằng cấp 3 của chị nên Thêm mang tên thật, đăng ký kết hôn phải là tên thật.

Năm 1999 Thêm xin vào cơ quan chồng là Xí nghiệp chế biến Cà phê, thuộc Công ty XNK cà phê 2-9 Đắk Lắk. Năm 2002, Thêm làm kế toán trưởng khách sạn Bạch Mã. Năm 2005 phụ trách kế toán rồi làm làm kế toán trưởng Nhà khách Tỉnh ủy. Năm 2011 cho đến khi sự việc bại lộ, Thêm công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, lần lượt giữ các chức vụ : Nhân viên kế toán, phó trưởng phòng rồi trưởng phòng quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Vậy, khi chuyển tên Trần Thị Ngọc Thêm thành Trần Thị Ngọc Ái Sa vào thời điểm nào ? Trách nhiệm này là thuộc về cơ quan Thêm công tác vào thời điểm đổi tên. Đó là cơ quan nào trong những cơ quan Thêm đã làm việc ? Đây là việc cần làm rõ. Ngoài ra người phải chịu trách nhiệm này chắc chắn phải có chồng Thêm, vì chồng Thêm không thể không biết tên thật của vợ mình, không thể không biết Trần Thị Ngọc Ái Sa là tên chị vợ. Tất nhiên bố chống Thêm cũng không phải không biết việc này.

*

Qua diễn giải trên đây thì việc điều tra cần tập trung vào các mắt xích :

- Thêm đổi tên vào thời điểm đang công tác ở cơ quan nào. Hay nói cách khác, cơ quan nào đồng lõa cho Thêm đổi tên ?

- Cá nhân nào hoặc cơ quan công an nào làm giấy chứng minh nhân dân giả cho Thêm ?

- Chồng và bố chồng Sa giả có biết hay không biết cô tên thật là Trần Thị Ngọc Thêm và trách nhiệm ra sao ?

Đó là những mắt xích để lần ra trách nhiệm của cá nhân hay tổ chức trong vụ việc này. Nhưng điều mấu chốt là việc kết nạp đảng cho Sa giả bao gồm giới thiệu Sa giả vào đảng và khâu xác minh lý lịch. 

Về người giới thiệu :

Người giới thiệu Sa giả vào đảng là Trần Xuân Bảy, trưởng phòng kiêm Bí thư chi bộ Phòng Hành chính - Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy khi đó.

Ông Bảy hiện nay làm giám đốc Nhà khách Tỉnh ủy. Ông này bị bà Lê Thị Nhung, nhân viên thuộc quyền phát đơn tố cáo có hành động quấy rối tình dục, gửi nhiều tin nhắn gạ tình bà. Sau đó, ông Bảy ký quyết định cho bà này nghỉ việc nên ông ta bị kỷ luật. Với máu mê như vậy, nếu ông ta có nâng đỡ người đẹp Trần Thị Ngọc Thêm thì cũng là điều dễ hiểu.

Còn về việc thẩm tra lý lịch đảng của Sa giả :

Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, Bí thư Đảng ủy Phường 6, Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), nơi Sa giả sinh ra và lớn lên cho biết chi bộ báo cáo chưa từng xác minh lý lịch vào Đảng cho người nào là Trần Thị Ngọc Ái Sa. Ông Đoàn Ngọc Yên, làm Bí thư chi bộ tổ dân phố 17 từ năm 2004 cũng xác nhận như vậy.

Trong khi cấp ủy đảng địa phương gốc của Sa giả khẳng định như thế thì Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk là Nguyễn Thượng Hải "gợi ý" rằng có thể nữ bí thư mới lên lãnh đạo nên không nhớ được ai ký xác nhận ! ?

Nhưng ông Hải cần gì phải phỏng đoán. Ông hãy tung ra lý lịch thẩm tra của Sa giả. Nếu đúng là họ xác nhận vào lý lịch của Sa giả thì cấp ủy ở quê hương của Sa giả cứng họng ngay.

Tại sao Văn phòng tỉnh ủy Đắk Lắk không làm điều đơn giản nhất là lục hồ sơ Trần Thị Ái Sa (giả) ra công bố cho công luận được biết. Nó sẽ ra cho ra ngay kết quả. Lý lịch của Sa (giả) do địa phương gốc của cô xác nhận hay là được cấp ủy đảng nơi kết nạp cô tạo dựng ?.

Hy vọng rằng hồ sơ đảng viên của Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) vẫn được lưu trữ bình thường như những hồ sơ đảng viên khác chứ không biến mất một cách khó hiểu.

Vụ này không chỉ là Trần Thị Ngọc Thêm đội hồ sơ giả để lừa dối cơ quan, tổ chức mà ghê gớm hơn là còn có nhiều kẻ đồng lõa.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 10/10/2019 (nguyentuongthuy's blog)

*******************

Ai đã ký xác nhận lý lịch vào Đảng của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa ? (Dân Việt, 10/08/2019)

Việc xác minh ai là người đã ký vào giấy xác nhận lý lịch vào Đảng của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa trở nên vô cùng khó khăn khi phóng viên gõ cửa các cơ quan chức năng...

darlac2

Bà Hiếu cho biết, chi bộ nơi bà Ái Sa sống chưa từng xác nhận lý lịch vào Đảng cho ai tên là Trần Thị Ngọc Ái Sa

Liên quan đến vụ việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa đang làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk dùng bằng cấp 3 của chị để thăng tiến, ngày 8/10, Phóng viên Dân Việt đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng để tìm hiểu ai là người đã ký giấy xác nhận lý lịch vào Đảng của người này, từ đó xác định được những sai phạm trong quá trình bổ nhiệm nữ trưởng phòng.

Theo thông tin nắm được của Phóng viên, chúng tôi tìm đến địa phương, nơi ở của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (5/25 Mai Hắc Đế, phường 6, Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) để tìm hiểu thông tin. Tiếp Phóng viên, bà Nguyễn Thị Minh Hiếu - Bí thư Đảng ủy phường 6 cho biết : "Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã tiến hành xác minh. Theo thông tin từ ông Đoàn Ngọc Yên - Bí thư chi bộ tổ dân phố 17 (nơi bà Ái Sa sinh sống), chi bộ này chưa từng xác minh lý lịch vào Đảng cho ai tên là Trần Thị Ngọc Ái Sa. Ông Yên làm Bí thư chi bộ tổ dân phố 17 từ năm 2004". 

Bà Hiếu cũng cho biết, trong sổ giao nhận hồ sơ xác minh của đơn vị không có tên bà Trần Thị Ngọc Ái Sa và chỉ được lưu từ tháng 7/2013. Còn bà Trần Thị Ngọc Thêm kết nạp Đảng từ tháng 3/2013.

Qua làm việc với ông Lê Văn Tiến - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Phóng viên đã tiếp cận được sơ yếu lý lịch của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa. Theo bản tường trình của bà Ái Sa thì tên thật của người em là Trần Thị Ngọc Thêm (sinh năm 1975), không hề có em tên Trần Thị Ngọc Thảo. Bà Ái Sa cũng không cho người em mượn bằng tốt nghiệp của mình.

Theo đó, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của bà Ái Sa là số 82, đường Hoàng Diệu, phường 5, Thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Cường - Bí thư Đảng ủy phường 5 cũng cho biết, đơn vị đã tiến hành xác minh thì tại địa chỉ trên không có ai tên Trần Phi Hảo và Trần Thị Ngọc Yến (bố mẹ của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa) sinh sống. Ngoài ra, Đảng ủy phường 5 cũng chưa hề ký giấy xác nhận lý lịch vào Đảng cho ai tên Trần Thị Ngọc Ái Sa.

Phóng viên chỉ còn một thông tin để xác định được chi bộ tổ dân phố nào đã ký giấy xác nhận lý lịch vào Đảng cho bà Ái Sa là nằm trong đơn tố cáo. Được biết, bố và mẹ của bà Ái Sa sinh sống tại phường 2, Thành phố Đà Lạt, chúng tôi tiếp tục tìm gặp ông  Nguyễn Cảnh Phương - Bí thư chi bộ tổ dân phố 9, phường 2.

Ông Phương cho biết : "Gia đình bà Yến (mẹ bà Ái Sa) đã sống ở địa phương từ lâu, ông Hảo (bố bà Ái Sa) đã mất từ năm 2018. Hiện tại, gia đình bà Yến chỉ có 4 người sinh sống. Đặc biệt, cả gia đình bà Yến, tôi chỉ ký giấy xác nhận lý lịch cho ông Trần Phi Dũng (sinh năm 1966, là đảng viên), ngoài ra chưa hề xác nhận lý lịch vào Đảng cho ai trong nhà này. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, không thấy ông Dũng đến xin xác nhận".

darlac3

Ông Phương (đeo kính) khẳng định chưa ký giấy xác nhận cho ai trong gia đình bà Trần Thị Ngọc Ái Sa ngoài ông Dũng

Như vậy, dù đã tìm đến các cơ quan và cá nhân có liên quan nhưng Phóng viên Dân Việt vẫn chưa thể tìm được thông tin về người đã ký giấy xác nhận lý lịch vào Đảng cho bà Trần Thị Ngọc Thêm để được kết nạp Đảng tháng 3/2013.

Để biết được chính xác câu trả lời, có lẽ bạn đọc phải chờ sự điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk. Rằng, ai đã mắc sai sót trong quá trình bổ nhiệm bà Trần Thị Ngọc Thêm làm tới chức Trưởng phòng Quản trị của Văn phòng Tỉnh ủy Đăk Lăk trong khi sử dụng bằng cấp 3 của chị mình để công tác.

Phong Lâm

*****************

Có thật là man khai lý lịch ?

Trúc Giang, VNTB, 08/10/2019

Man khai lý lịch cũng giống như con voi chui tọt lỗ kim thôi mà. Chẳng gì mà ầm ĩ.

hotgirl1

Người mang tên Trần Thị Ái Sa giữ chức vụ trưởng phòng quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắc Lắc, có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo. Ảnh minh họa (viettin.de)

Báo chí đưa tin, Tỉnh ủy Đắc Lắc sau khi xác minh đơn tố cáo bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, đã có kết luận, người mang tên Trần Thị Ái Sa giữ chức vụ trưởng phòng quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắc Lắc, có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo. 

Trần Thị Ngọc Ái Sa là tên chị gái của bà Thảo, lớn hơn bà Thảo 3 tuổi. Đương sự trong vụ việc cũng nhanh chóng xác nhận việc đã ‘man khai lý lịch’.

Có thật là cây kim trong bọc ?

Bà Thảo với cái tên Trần Thị Ngọc Ái Sa - tên chị gái bà Thảo, đang làm hộ lý ở Lâm Đồng, đã qua trót lọt các cửa ải của từng nấc thang công tác. Cái tên Ái Sa cùng bà vào cơ quan thuộc Tỉnh ủy Đắc Lắc, để tốt nghiệp đại học (10 năm trước), kết nạp Đảng, rồi được bổ nhiệm ngay làm phó phòng (6 năm trước), làm trưởng phòng (3 năm trở lại đây). 

Thủ tục kết nạp đảng viên (kể cả kết nạp lại), theo quy trình như sau : Người vào Đảng phải có đơn tự nguyện xin vào Đảng ; Báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ ; Được hai đảng viên chính thức giới thiệu.

Nơi có tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng trong độ tuổi thanh niên phải là đoàn viên, được ban chấp hành đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu. Các cơ quan, doanh nghiệp nơi không có tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng phải là đoàn viên công đoàn, được ban chấp hành công đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.

Quy trình lý thuyết về thẩm tra lý lịch của người vào Đảng, gồm các bước như sau : thẩm tra về lý lịch cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân ; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).

Trách nhiệm của chi bộ và cấp ủy cơ sở nơi có người vào Đảng là kiểm tra, đóng dấu giáp lai vào các trang trong lý lịch của người vào Đảng (chi ủy chưa nhận xét và cấp ủy cơ sở chưa chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch). Sau đó gửi công văn đề nghị thẩm tra và lý lịch người xin vào Đảng đến cấp ủy cơ sở hoặc cơ quan có trách nhiệm để thẩm tra ; trường hợp cần thiết thì chi bộ cử đảng viên đi thẩm tra. Đảng viên đi thẩm tra có trách nhiệm báo cáo cấp ủy những nội dung được giao bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước Đảng về nội dung đó.

Tổng hợp kết quả thẩm tra, ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch của người vào Đảng.

Về trách nhiệm của cấp ủy cơ sở và cơ quan nơi được yêu cầu xác nhận lý lịch, như sau : Chỉ đạo chi ủy hoặc bí thư chi bộ (nơi chưa có chi uỷ) và cơ quan trực thuộc có liên quan xác nhận vào lý lịch người xin vào Đảng.

Cấp ủy cơ sở nơi đến thẩm tra sẽ thẩm định, ghi nội dung cần thiết về lý lịch của người xin vào Đảng do cấp ủy nơi có người xin vào Đảng yêu cầu đã đúng, hay chưa đúng hoặc chưa đủ với nội dung người xin vào Đảng đã khai trong lý lịch ; tập thể cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy thống nhất nội dung ghi vào mục "Nhận xét của cấp uỷ, tổ chức đảng..." ở phần cuối bản "Lý lịch của người xin vào Đảng".

Người thay mặt cấp ủy xác nhận, ký tên, ghi rõ chức vụ đóng dấu vào lý lịch và gửi cho cấp ủy cơ sở có yêu cầu.

Tập thể lãnh đạo ban tổ chức cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng nơi được yêu cầu thẩm tra lý lịch thống nhất về nội dung trước khi xác nhận vào lý lịch của người xin vào Đảng.

Rõ ràng với hàng đống thủ tục hành chính như trên, thì man khai lý lịch như bà Trần Thị Ngọc Ái Sa/ Trần Thị Ngọc Thảo là chuyện con voi chui tọt lỗ kim.

Khai man lý lịch đảng viên : đâu phải bây giờ mới có

Nếu lược lại các vụ cũng ‘man khai’ tương tự trong hàng ngũ đảng viên, dường như không hề ít.

Xin trích nhật ký phóng viên của người viết về vài vụ ‘man khai lý lịch’.

Thực hiện chủ trương rà soát "những người có công với cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để Nhà nước tặng huân chương, huy chương, bằng khen", ông Đoàn Quốc Dũng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Phước Ninh huyện Nông Sơn tỉnh Quảng Nam lợi dụng thời cơ này để kiếm cái Huân chương Kháng chiến lận lưng... 

Ông Dũng giao phó toàn bộ công việc lập hồ sơ khen thưởng cho Nguyễn Xuân Hiệp, cán bộ chuyên trách thi đua - khen thưởng thuộc Phòng Nội vụ huyện Nông Sơn thực hiện.

Ông Hiệp tự lập hồ sơ kê khai xét khen thưởng cho ông Dũng, cho bản thân và sẳn tiện làm luôn cho mấy chục người trong xã rồi đưa cho ông Dũng ký. Sẵn có chuyên môn, nghiêp vụ, ông Hiệp ‘phù phép’ những bộ hồ sơ đúng quy định và ông Dũng cũng không đắn đo, mạnh tay ký cả những hồ sơ do thuộc cấp lập ra.

Ông Đoàn Quốc Dũng sinh năm 1956, nhưng sau đó đã khai năm sinh thành năm 1932 cốt hợp lý hóa việc có tham gia kháng chiến chống Mỹ, mặc dù mẹ ruột ông ta sinh năm 1935. Nhờ đó ông Dũng được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba. 

Ông Đoàn Quốc Dũng cũng để cho vợ của ông là bà Trần Thị Cảnh, già đi 19 tuổi, từ sinh năm 1960 thành sinh năm 1941 để nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Mẹ của ông Đoàn Quốc Dũng cũng được làm bộ hồ sơ để được nhận huân chương. 

Dĩ nhiên về sau này với sự kiên trì tố cáo của các đảng viên địa phương, vụ ‘man khai lý lịch – gian dối thành tích’ của phe nhóm ông Đoàn Quốc Dũng cũng được lôi ra pháp luật với tất thảy gần 50 đảng viên khai man đủ thứ nhằm để được bổng lộc là công thần của chế độ.

Tuy nhiên không có tin tức việc xử lý cụ thể vụ án ở trên ra sao.

Một vài cái tên khác cũng thuộc chuyện ‘man khai’ đình đám không kém. Ở tỉnh ủy Hậu Giang có ông Lê Khả Đoàn - Phó chánh thanh tra tỉnh, khi được cấp lại giấy khai sinh vào ngày 9/9/2011, được ghi trong giấy khai sinh ngày tháng năm sinh là 28/5/1958, giảm đi 3 tuổi so giấy khai sinh trước đó.

Ông Đoàn tiếp tục điều chỉnh hộ khẩu, giấy CMND, bằng tốt nghiệp đại học... khác với nội dung đã khai trong lý lịch đảng viên, nhưng bỏ qua việc làm đơn gửi đến cấp ủy cơ sở để đề nghị cấp ủy cấp trên trực tiếp giải quyết, vì trong kê khai lý lịch hồ sơ đảng viên, ông Đoàn đã sử dụng các giấy tờ sinh ngày 30/6/1955, nay lại xin điều chỉnh giảm đi gần 3 tuổi trong thời điểm gần đến tuổi nghỉ hưu.

Ở quận Hoàng Mai, Hà Nội có vụ ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Phó bí thư Quận ủy - Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đã khai điều chỉnh ngày tháng năm sinh từ 7/2/1954 sang ngày 7/2/1955. 

sinh đúng thời điểm ông 59 tuổi, sắp về hưu theo chế độ. Khi Thành ủy Hà Nội thắc mắc thì ông Hoàng cho biết, đã khai tăng tuổi để đi bộ đội khi ông mới 17 tuổi. Kể từ đó, lý lịch quân nhân của ông sinh năm 1954 cho đến nay. 

Thành ủy Hà Nội đồng ý giải thích của ông Nguyễn Mạnh Hoàng, với lý do : động cơ khai tuổi giả ở đây xuất phát từ lòng yêu nước (!?).

Xem ra con khủng long thời tiền sử cũng có thể chui tọt lỗ kim !

Ai đã khoét rộng lỗ kim để cho con voi chui qua ?

Có một phép thử để biết ‘lỗ kim’ to hay nhỏ trong vụ Trần Thị Ngọc Ái Sa/Trần Thị Ngọc Thảo ở cơ quan Tỉnh ủy Đắc Lắc là do những ai đã cố tình khoét. 

Trước tiên, trong khi chờ đợi các thủ tục từ cơ quan Đảng, phía Sở Tài chính tỉnh Đắc Lắc phát hành công văn gửi Phòng Kế toán Tỉnh ủy Đắc Lắc, yêu cầu bà Trần Thị Ngọc Ái Sa/Trần Thị Ngọc Thảo phải trả lại toàn bộ tiền lương do ngân sách tỉnh đã trả từ khi bắt đầu vào làm đến khi nghỉ việc. 

Lý do là tiền lương này không phải trả theo tên của người này, mà là tên của người khác trong bằng tốt nghiệp và giấy tờ khác. Bởi từ khi sử dụng bằng tốt nghiệp của người khác để làm việc, mọi hợp đồng giữa hai bên đã trở thành vô giá trị. 

Nói thêm cho rõ, trong lý lịch của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa/Trần Thị Ngọc Thảo có khoảng trống hai năm 2003, 2004 không ghi là làm việc ở đâu. Năm 2005 đến 2007, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa/Trần Thị Ngọc Thảo là kế toán tại Nhà khách Tỉnh ủy Đắc Lắc. 

Từ 2007 – 2009, bà là Kế toán trưởng Nhà khách Tỉnh ủy Đắc Lắc. Từ 2009 – 2013, bà là kế toán tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắc Lắc. Từ 2013 – 2016, bà là phó Trưởng phòng Hành chính – Quản trị Văn phòng Tỉnh ủy. 

Từ 2016 đến tháng đầu tháng 10/2016 khi bà xin nghỉ việc, bà là Trưởng phòng Hành chính – Quản trị Văn phòng Tỉnh ủy Đắc Lắc.

Lưu ý chức danh ‘kế toán trưởng’ ở cơ quan sử dụng ngân sách được xét bổ nhiệm theo quy trình rất chặt chẽ, vì đây là chức danh có quyền uy bậc nhất về tài chính ở cơ quan như Tỉnh ủy Đắc Lắc. 

Luật Kế toán, Điều 54. Tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng : 1. Kế toán trưởng phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây : a) Các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này [*] ; b) Có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp trở lên ; c) Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng ; d) Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên, và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.

Rất có thể tuy chưa có bằng cấp tú tài, song bà Trần Thị Ngọc Ái Sa/Trần Thị Ngọc Thảo thực sự thông minh, giỏi dang trong các bước học hành kể từ khi vào làm việc tại Tỉnh ủy Đắc Lắc, với sự 'nâng đỡ trong sáng' của Chi bộ Đảng nơi đây. 

Trong trường hợp kiên quyết đòi lại tiền lương với những chức danh cộm cán như kể trên, và giả dụ không có mạnh thường quân nào giúp bà hoàn trả khoản tiền dự báo rất lớn đó - vì còn bao gồm cả các khoản học phí tại chức, nhiều khả năng bà Trần Thị Ngọc Ái Sa/Trần Thị Ngọc Thảo sẽ tung ra các bằng chứng về áp phe đổi chác gì đó trong vụ việc tuyển dụng lao động này ; nhất là theo đơn thư tố cáo, khoản trống nghề nghiệp trong lý lịch, chính là thời gian đương sự làm nghề gội đầu ngoài tiệm, rồi bất ngờ ngày đẹp trời nọ, bà được nhận vào làm việc ở Nhà khách Tỉnh ủy Đắc Lắc...

Ai cũng biết là cái sảy vốn luôn ‘phải’ nảy cái ung ở mùa cơ cấu nhân sự Đảng.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 08/10/2019

Chú thích :

[*] Điều 51. Tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của người làm kế toán.

1. Người làm kế toán phải có các tiêu chuẩn sau đây : a) Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật ; b) Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán.

2. Người làm kế toán có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.

********************

Ông Bạch Văn Mạnh lên tiếng việc "nâng đỡ" nữ trưởng phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk

Hữu Long, Lao Động, 06/10/2019

Sáng 6/10, ông Bạch Văn Mạnh – nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk, vừa lên tiếng trước thông tin dư luận cho rằng ông này đã "nâng đỡ" bà Trần Thị Ngọc Ái Sa trong khi bà này sử dụng bằng cấp 3 của chị.

hotgirl2

Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) từ một cô gái gội đầu trở thành Trưởng phòng tại VP Tỉnh ủy Đắk Lắk. (Nguồn ảnh báo TTT)

Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa – Trưởng phòng Hành chính – Quản trị, tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (sinh năm 1975) chưa học hết cấp 3, lấy bằng cấp 3 của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa  (nữ hộ lý ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, để đi học trung cấp, học liên thông lên đại học và hiện đã học đến thạc sĩ).

hotgirl3

Bà Ngọc Thảo lấy bằng cấp 3 của chị gái để thăng tiến. Ảnh: LX

Trao đổi với báo Lao Động sáng cùng ngày, ông Bạch Văn Mạnh cho biết, thời điểm năm 2009 khi bà Trần Thị Ngọc Ái Sa – tên thật là Thảo, được điều động từ Nhà khách Tỉnh ủy về Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Mạnh đang làm Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. 

Năm 2016, ông Mạnh được điều động về giữ chức vụ Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk thì bà Sa đã được kết nạp vào Đảng trước đó. 

"Bà Ái Sa được bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng Hành chính – Quản trị vào năm 2013. Lúc này, bà Sa đã là đảng viên kiêm phó phòng thì không có việc tôi giới thiệu cô này vào đảng. Cả một tập thể lớn trong Văn phòng Tỉnh ủy chứ tôi làm sao "nâng đỡ" được!" – ông Bạch Văn Mạnh

Trước đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk nhận đơn tố cáo nặc danh về bà Trần Thị Ngọc Ái Sa bị tố cáo sử dụng bằng tốt nghiệp cấp 3 của chị gái. Quá trình xác minh, cơ quan chức năng khẳng định tố cáo trên là có cơ sở. 

Theo hồ sơ, tên thật của bà Sa là Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975). 

Vào năm 1999- 2002, bà Thảo làm việc ở Xí nghiệp Chế biến cà phê của Công ty Xuất nhập khẩu 2 tháng 9.

Tại đây, bà Thảo chỉ có bằng cấp 2 nên sử dụng bằng cấp 3 của chị gái tên Trần Ngọc Ái Sa để xin vào làm việc. Sau này, bà Thảo tiếp tục sử dụng bằng cấp 3 của chị gái đi học kế toán.

Từ năm 2005-2011, bà Thảo xin vào làm kế toán ở Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk  - lúc này bà Thảo đã lấy tên Trần Ngọc Ái Sa và có bằng trung cấp kế toán rồi học lên bằng đại học kế toán.

Tháng 10/2009, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk tiếp nhận bà Thảo về làm kế toán ở Phòng quản trị của Văn phòng Tỉnh ủy. 

Trong vòng 3 năm từ nằm 2013-2016, bà Thảo với tên giả là Ái Sa lần lượt được bổ nhiệm qua chức vụ Phó phòng và Trưởng phòng Hành chính - Quản trị.

Cuối tháng 9 vừa qua, Tỉnh ủy Đắk Lắk ra quyết định bổ nhiệm ông Bạch Văn Mạnh - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ, thời gian 5 năm từ 1/10/2019 đến 1/10/2024.

Hữu Long

***************

Ê chề vụ hotgirl gội đầu đánh tráo nhân thân thành trưởng phòng ở tỉnh ủy Đắk Lắk

Nguyễn Tường Thụy, RFA, 06/10/2019

Bắt đầu từ một mẩu tin facebook

Vụ cô gái gội đầu xinh đẹp đội hồ sơ của người khác leo lên đến chức trưởng phòng ở tỉnh ủy Đắk Lắk, tự nhiên ngày 4/10 báo chí đồng loạt đưa tin. Việc này có lẽ xuất phát từ thông tin trên facebook Trương Châu Hữu Danh đăng vào tối hôm trước (3/10) nên không thể bí mật được nữa. Sau đó nick này còn "dọa" : "Ngày mai tôi (Danh) sẽ kể hành trình từ cô bé gội đầu trở thành nữ trưởng phòng tỉnh ủy". Có lẽ vì thế mà hôm sau người ta mới cho báo chí đăng theo kiểu "chạy trước lúc trời mưa".

hotgirl4

Tỉnh ủy Đắk Lắk nơi bà Sa (giả) đang công tác. Ảnh phapluatplus

Cô gái làm tóc khi vào công tác ở tỉnh ủy Đắk Lắk lấy tên chị gái là Trần Thị Ngọc Ái Sa, còn tên thật của cô là Trần Thị Ngọc Thảo. Vì vậy, bài viết này xin trả lại tên cho cô là Trần Thị Ngọc Thảo.

Thảo mới thoát nạn mù chữ (cấp 2) mà cuối cùng có bằng đại học ngành kế toán, rồi thạc sĩ.

Thảo "hoạt động" ở tỉnh ủy Đắk Lắk được 14 năm thì mới bại lộ. 14 năm từ nhân viên quèn mà kịp leo lên được trưởng phòng của tỉnh ủy kể cũng "tài". Sự việc bại lộ, Thảo viết đơn xin thôi việc vỏn vẹn có mấy chữ và nội dung thì rất hồn nhiên, do "suy nghĩ chưa chín chắn và nông nổi" nay "xin thôi việc".

Ai đã đồng lõa, che đậy cho Thảo ?

Chuyện không đơn giản là Thảo thay tên, dùng bằng của người khác để lừa tỉnh ủy Đắk Lắk. Vấn đề còn ở chỗ chắc chắn có nhiều người trong tổ chức biết chuyện này nhưng đã đồng lõa, che đậy cho cô.

Trần Thị Ngọc Thảo là đảng viên nên chắc chắn trước khi kết nạp, cấp ủy đảng cử người về quê Thảo để xác minh lý lịch do đối tượng tự khai. Theo hướng dẫn thì việc xác minh là hết sức tỉ mỉ, cụ thể và chi tiết. Nhiều trường hợp phải về điều tra mấy lần rồi mới kết nạp được.

Vì vậy, cấp ủy đảng không thể không biết hoàn cảnh nhà Thảo có 12 anh chị em. Thế mà trong lý lịch Thảo ghi có 4 anh chị em, giấu đi tới 8 người mà tổ chức cũng coi như không biết ?

Và điều này nghiêm trọng hơn, khi đã về điều tra lý lịch thì không thể không biết Trần Thị Ngọc Ái Sa là ai, không thể không biết gia đình còn có một người con là Trần Thị Ngọc Thảo. Vậy mà họ cũng không biết nốt ?

Cuối cùng thì lý lịch gian dối do Thảo khai vẫn được chấp nhận.

Vậy những ai đã đồng lõa ém nhẹm hồ sơ thật của Thảo ? Điều này được đổi bằng cái gì ? Những người có trách nhiệm trong việc kết nạp Thảo vào đảng không thể hồn nhiên mà trả lời rằng chúng tôi bị lừa.

Theo một bài báo thì "Trước đó, bà Thảo được cho là hành nghề uốn tóc, nhưng cơ quan chức năng Đắk Lắk phủ nhận". Khi Thảo vào làm việc ở tỉnh ủy Đắk Lắk thì cô đã 32 tuổi (theo lý lịch). Còn khi cô làm việc tại Công ty CP XNK 2-9 thì cô cũng 26 tuổi.Thế mà khi tiếp nhận Thảo, tỉnh ủy Đắk Lắk lại không cần xem xét lý lịch xem từ khi trưởng thành (18 tuổi) cho tới năm 26 tuổi, Thảo đã làm gì ? Đó cũng là một điều khó hiểu. Hay là trong vụ này, việc Thảo xuất thân từ nghề cắt tóc, gội đầu cũng là một yếu tố làm tăng sự giễu cợt, mai mỉa và bẽ bàng ?

Nhiều bài báo khi đưa tin về con đường hoan lộ của Thảo, đều tận dụng chi tiết cô từng làm nhân viên tiệm tóc và rất xinh đẹp. Phải chăng mấy chữ "nhân viên tiệm tóc" và "rất xinh đẹp" ngầm giải thích tại sao con đường tiến thân của Thảo nhanh như diều gặp gió.

Dấu hiệu vi phạm hình sự

Còn Trần Thị Ngọc Thảo cần xử lý như thế nào ? Khai trừ đảng, cảnh cáo, đuổi việc ? Điều đó đã đành. Nhưng xét về luật, hành vi của Thảo còn có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Điều 341 Bộ luật hình sự qui định về tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức ; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" như sau :

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm :

a) Có tổ chức ;

b) Phạm tội 02 lần trở lên ;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác ;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng ;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng ;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm :

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên ;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng ;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng"…

Như vậy, hành vi của Thảo đã phạm vào điều luật này (dùng giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật)

Tỉnh ủy Đắk Lắk cần "rửa mặt" như thế nào ?

Vụ việc vỡ lở vì một đơn tố cáo nặc danh từ hồi tháng 6/2019. Kể ra, sau khi nhận được đơn thì vụ này điều tra không khó mấy, chỉ cần vài ngày là xong. Thế mà tỉnh ủy Đắk Lắk im lặng tới 4 tháng trời, cho đến khi cái ông facebooker có nick là Danh kia bêu lên mạng thì vụ việc mới được thông tin. Phải chăng, 4 tháng kể từ khi nhận được đơn tố cáo là thời gian tỉnh ủy Đắk Lắk tìm cách đối phó, tính toán dàn xếp vụ việc sao cho ổn nhất.

Đây là vụ bê bối, nhơ nhuốc mới nhất xảy ra ở tỉnh ủy Đắk Lắk. Một người đẹp đã gian dối để chui vào tỉnh ủy Đắk Lắk "hoạt động" một thời gian dài, leo lên đến chức trưởng phòng. Tôi không tin chỉ có một mình Trần Thị Ngọc Thảo cố tình trong vụ này còn phía tổ chức bị lừa. Về phía tỉnh ủy, không chỉ là sơ suất mà còn có sự đồng lõa, che đậy, làm ngơ. Số này không phải là chỉ 1 người. Cách rửa mặt tốt nhất cho tỉnh ủy Đắk Lắk là thẳng thắn nhận khuyết điểm, xử lý đúng theo mọi qui định của đảng, qui chế của cơ quan và theo qui định của pháp luật, không che đậy giấu giếm cho bất cứ một ai.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 06/10/2019 (nguyentuongthuy's blog)

*********************

Phụ nữ cấp 2 ‘lừa Tỉnh ủy Đắk Lắk, làm trưởng phòng’

BBC, 04/10/2019

Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk hôm 4/10 xác nhận có việc một phụ nữ học cấp 2, là thợ cắt tóc, đã lên đến chức Trưởng phòng thuộc Tỉnh ủy nhờ dùng bằng cấp của chị gái.

hotgirl5

Lá đơn của người bị tố cáo ký tên là Trần Thị Ngọc Ái Sa

Chính quyền tỉnh này nói về đơn tố cáo liên quan người dùng tên giả là Trần Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Hành chính - Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk thông tin cho báo giới rằng bà Ái Sa đã thừa nhận sai phạm, khi sử dụng bằng cấp 3 của chị gái (trú tại tỉnh Lâm Đồng), còn bà chỉ học cấp 2.

Theo đơn tố cáo, vị trưởng phòng có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo, sinh năm 1975.

Nhưng bà đã dùng tên của chị gái là Trần Ngọc Ái Sa, sinh năm 1973, dùng bằng cấp của chị để được lên tới chức Trưởng phòng hiện nay.

Theo truyền thông Việt Nam, bà Thảo xuất thân từ nghề thợ cắt tóc gội đầu.

Sau khi vào công tác ở Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk, bà Thảo - dùng tên chị gái là Ái Sa - trở thành kế toán tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, rồi lên chức Trưởng phòng.

Cây bút Trương Châu Hữu Danh ở Việt Nam là người công bố câu chuyện đầu tiên trên mạng Facebook.

Theo lá đơn do ông Hữu Danh công bố, người ký tên Trần Thị Ngọc Ái Sa viết "nhận thấy bản thân đã vi phạm và xin thôi việc".

Hồi tháng 7 năm nay, Tỉnh ủy Đắk Lắk có tân Bí thư là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Bùi Văn Cường.

Ông Bùi Văn Cường được Bộ Chính trí điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhiệm kỳ 2015-2020.

Khi đó, được biết ông ÊBan YPhu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, nhận quyết định nghỉ hưu.

Published in Diễn đàn