Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/10/2019

Việt Nam thiếu điện, thực phẩm chức năng, qui hoạch cán bộ Formosa

Tổng hợp

Việt Nam đối mặt với khủng hoảng thiếu điện (BBC, 07/10/2019)

Từ năm 2021, Việt Nam sẽ thiếu điện nghiêm trọng khi nhu cầu vượt quá tốc độ xây dựng các nhà máy điện.

thieu1

Thiếu điện có thể kìm hãm phát triển kinh tế của Việt Nam (Ảnh minh họa)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo về tình trạng thiếu điện có thể xảy ra vào 2021 và yêu cầu các quan chức khác đẩy nhanh các dự án nhà máy điện đang bị đình trệ, theo Financial Times.

Truyền thông Việt Nam hồi cuối tháng Chín cũng đồng loạt đưa tin về nguy cơ thiếu điện, trong khi hàng loạt dự án nhà máy điện bị chậm tiến độ.

Việc thiếu điện có thể là rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài, và thách thức vị thế của Việt Nam với vai trò là một trong những nước hưởng lợi nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, theo phân tích của Reuters.

Thiếu điện nghiêm trọng

Việt Nam có nguy cơ thiếu tới 6,6 tỷ kilowatt giờ vào năm 2021, thiếu 11,8 tỷ kWh năm 2022, và có thể thiếu tới 15 tỷ kWh năm 2023, theo Vietnam News.

Nhu cầu về điện ở Việt Nam đang tăng khoảng 9% mỗi năm, nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế - vốn chỉ tăng hơn 7% trong năm 2018, theo Financial Times.

Bồi thêm vào sự thiếu hụt này, nhiều dự án năng lượng ở Việt Nam đang bị chậm tiến độ, theo thông tin Bộ Công thương cung cấp cho Reuters.

Các dự án chậm tiến độ chủ yếu nằm ở khu vực phía Nam. Truyền thông nhà nước cho biết 47 trong số 62 dự án sản xuất điện của Việt Nam công suất 200 megawatt (MW) trở có nguy cơ bị chậm tiến độ, một số dự án chậm hơn hai năm so với kế hoạch.

Nguyên nhân thiếu điện là do thiếu kết nối giữa dự án điện và dự án đường giao thông, đất đai và phát triển đô thị.

Một số dự án khác thì lại do nhà thầu phải tìm chọn địa điểm mới để đặt trạm điện nhằm tránh dẫm lên các dự án đã có ở các vùng khác. Ngoài ra còn do vấn đề giải tỏa đất đai, do dân không chấp nhận tiền đền bù được đưa ra. Ngoài ra còn do thiếu nguyên liệu thô, như khí ga, để vận hành các nhà máy nhiệt điện, theo Vietnam Insider.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đảm bảo huy động đủ tiền từ các nguồn địa phương, và chính phủ giới hạn bảo lãnh cho các khoản vay nước ngoài, theo Bộ Công thương.

Việt Nam sẽ cần trung bình 6,7 tỷ đôla một năm để mở rộng công suất phát điện hàng năm thêm 10% từ năm 2016 đến năm 2030.

Ngân hàng Thế giới năm ngoái cho biết, Việt Nam cần đầu tư tới 150 tỷ đôla vào năm 2030 để phát triển ngành điện, gần gấp đôi 80 tỷ đô la chi cho ngành điện kể từ năm 2010.

Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào than đá, chiếm 38,1% công suất phát điện của đất nước, Bộ Công thương cho hay Việt Nam sẽ phải sử dụng 720 triệu tấn than trong nước cùng với 680 triệu tấn than nhập khẩu để cung cấp cho các nhà máy điện trong giai đoạn 2016-2030.

Việt Nam cũng sẽ phải nhập khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho các nhà máy điện của mình. Và tình trạng thiếu điện dự kiến sẽ giảm dần sau năm 2025 khi một số nhà máy điện chạy bằng khí mới được đưa lên mạng.

Tăng nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc

Để đối phó với khủng hoảng thiếu điện, Việt Nam hiện đang tìm nhiều cách, như phát triển năng lượng mặt trời, xem xét nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng, và nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, theo giới chức Việt Nam và theo các nhà phân tích trên Financial Times.

Một dự án điện mặt trời 391 triệu đô la, lớn nhất khu vực đông nam Á, bắt đầu vận hành ở Tây Ninh từ tháng 9/2019. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay hơn 4.000 hộ gia đình đã lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà, thu được khoảng 200MW. Khoảng 300MW nữa có thể được sản xuất vào cuối năm 2019.

Dù khen ngợi tốc độ phát triển năng lượng mặt trời của chính phủ Việt Nam, ông Gavin Smith, Giám đốc phát triển sạch của Dragon Capital tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng vẫn cần phải xem liệu nó có đủ để chống lại nguy cơ thiếu điện trong ba năm tới hay không, theo Financial Times.

Một quan chức Việt Nam xác nhận với Financial Times rằng có thể có nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng trong những tình huống không trông đợi, như khi các hồ chứa đập thủy điện khô cạn.

Một số công ty của Mỹ đang thúc đẩy bán khí hóa lỏng cho Việt Nam, như một cách để giảm thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ - một vấn đề căng thẳng với chính quyền của ông Trump.

Tuy nhiên, khí hóa lỏng sẽ không phải là một giải pháp đủ nhanh để giải quyết nguy cơ khủng hoảng năng lượng sắp xảy ra bởi vì Việt Nam cần xây dựng các nhà máy khí hóa lỏng.

Việt Nam cũng đã bàn bạc việc tăng nhập khẩu điện từ Lào, và Trung Quốc - mặc dù điều này được cho là nhạy cảm về mặt chính trị vào thời điểm này - khi căng thẳng giữa hai nước trên Biển Đông đang gia tăng - theo Reuters.

Tờ Vietnam News hồi tháng 7/2019 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Vượng rằng Việt Nam đang "xem xét nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc", nhưng rằng "đó chỉ là giải pháp tạm thời", rằng Việt Nam cần "thúc đẩy tiến độ của các dự án điện lớn hơn".

Trong khi đó, tờ VnExpress hồi tháng 7/2019 dẫn lời Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo Phương Hoàng Kim rằng Việt Nam dự kiến nhập khẩu 3.6 tỷ kWh năm 2021 và 9 tỷ kWh năm 2023.

Trang Xinhua của Trung Quốc thì dẫn lại Vietnam News Agency, rằng ông Lê Văn Lực, Cục phó Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho hay Việt Nam dự kiến lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên 3.000 megawatt (MW) vào năm 2025 và 5.000 MW vào năm 2030, từ mức hiện tại khoảng 1.000 MW.

Tuy nhiên thông tin nói trên hiện không thể tìm thấy trong các bài báo về nhập khẩu điện đăng trên Vietnam News Agency. Hiện chỉ còn lại các thông tin về nhập khẩu điện ở Lào.

Các báo Việt Nam khác cũng chủ yếu chỉ đề cập tới việc nhập khẩu điện từ Lào.

**********************

Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần : "Thực phẩm chức năng chỉ có giá trị tinh thần" (BBC, 06/10/2019)

Bác sĩ Mỹ gốc Việt Huỳnh Wynn Trần nói về con đường đến với nghề y tại Hoa Kỳ, thực trạng người Việt ưa dùng thực phẩm chức năng tại Mỹ và Việt Nam và cuốn sách vừa ra mắt.

thieu2

Thực phẩm chức năng có thị trường "màu mỡ nhất" là bệnh nhân bị ung thư.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC tại London, Phó Giáo sư Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần, từ Sài Gòn sang Hoa Kỳ định cư vào năm 1999, cũng bình luận về đề xuất đổi tên Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh thành 'Đại học Sức khỏe'.

BBCBác sĩ nghĩ gì về thực trạng người dân tại Việt Nam và người Việt tại nước ngoài dùng tràn lan thực phẩm chức năng ?

Huỳnh Wynn Trần : Đây là chủ để rất nóng. Người Việt tại California nói riêng và ở Việt Nam nói chung rất thích cái này. Chúng ta đều biết là thực phẩm chức năng là không có cơ quan nào kiểm duyệt. Tại sao, vì nó không phải là thuốc. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không kiểm duyệt và kiểm soát. Khi đã không phải là thuốc thì ai sản xuất cũng được. Do đó dẫn tới tình trạng rất bát nháo là nhà nhà làm, người người bán và thiên hạ thì mua tùm lum.

Thị trường tôi thấy "màu mỡ nhất" là ung thư. Đối với tôi người mắc ung thư là bệnh nhân đáng thương nhất. Mà những ông bán thực phẩm chức năng có thể làm những việc gọi là lừa đảo và họ nhắm vào thị trường này nhiều nhất. Và việc đó là không có gì tàn nhẫn hơn. Cá nhân tôi trong chuyến về Việt Nam năm ngoái nói tại một diễn đàn về ung thư thì có câu chuyện của một bác này nói phải bán nhà bán đủ thứ để mua thực phẩm chức năng. Và tôi biết là bác đó khó mà sống được lâu mà sao phải làm vậy. Thế thì có cái gì tệ hơn thế nữa.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại là thực phẩm chức năng có tác dụng về tâm lý. Đối với bệnh nhân ung thư và không chữa được nữa chẳng hạn thì đôi khi một chút tâm lý đó là cái mà họ cần. Cho nên tôi nói với bệnh nhân là nên nói chuyện với bác sĩ xem có nên uống cái này hay không. Vì những nghiên cứu cho thấy nó không có tác dụng về mặt lâm sàng, nhưng tinh thần thì có. Chữa ung thư không chỉ là bệnh nhân mà còn người trong gia đình. Nên người con mua được món quà đắt tiền biếu cha mẹ mình đang mắc bệnh thì cả hai phía đều thấy thế là được. Thì cái hay của thực phẩm chức năng là nó nằm ở chỗ đó.

BBCBác sĩ có thể chia sẻ về kinh nghiệm học ngành y tại Hoa Kỳ ?

Huỳnh Wynn Trần : Điểm đặc biệt nhất của ngành y tại Hoa Kỳ là chú trọng nhiều về bác sĩ nội trú. Tức là đào tạo sau đại học rất dài. Tức là bên Hoa Kỳ nhấn mạnh vào việc thực hành. Cái thứ hai là kỹ năng giao tiếp, chúng tôi được học từ trong trường cho tới lúc học nội trú. Bác sĩ thực ra là người tư vấn cho bệnh nhân, tức là phục vụ và làm tròn trách nhiệm của mình. Lấy chất lượng phục vụ làm thước đó. Chẳng hạn đối với bệnh phức tạp như ung thư thì bệnh nhân và bác sĩ có cái quyền quyết định chung. Nói cách khác đi là bệnh nhân có quyền quyết định. Tức là không thế ép bệnh nhân làm những việc họ không muốn.

Khi còn ở Việt Nam thì tôi học kiến trúc. Khi qua Mỹ tôi học tiếp kiến trúc và khi ra trường rồi và làm việc được hai năm thì mình mới thấy hình như mình không thích kiến trúc lắm. Khi nộp đơn vào trường y thì tôi không được vô liền. Đây là bài học tôi đúc kết trong cuốn sách của tôi ra mắt tại Việt Nam vào tuần này. Cuốn sách có tên là "Từ kiến trúc sư thành bác sĩ tại Hoa Kỳ' ra mắt ở Sài Gòn vào ngày 6/10 và Los Angles ngày 20/10/2019.

Trong cuốn sách tôi nói về việc học kiến trúc như thế nào và sau đó ra trường đi làm một thời gian và tôi không thích và tôi mới chuyển qua học bác sĩ. Tôi gặp thất bại nhiều lắm và tôi có thể nói 'Thất bại là bà nội của thành công chứ không phải là mẹ nữa'. Bài học tôi muốn chia sẻ với các bạn là một khi mình thích cái gì thì mình nên làm tới cùng.

Tôi hay nói với sinh viên của tôi rằng tôi không phải là người quá thông minh và xuất sắc. Nhưng cái tôi có là tôi lì lắm. Tôi mà thích cái gì là tôi sẽ làm và làm tới cùng. Bài học mà tôi muốn chia sẻ với các bạn ở Việt Nam là khi các bạn thấy ai thành công thì hãy nhớ rằng họ thất bại nhiều lắm và bạn đừng bỏ cuộc. Hy vọng các bạn sẽ tìm thấy hình ảnh của mình trong cuốn sách đó. Tôi viết sách không phải là về tôi đâu mà là về các bạn. Tôi nghĩ cuốn sách sẽ mang lại động lực cho các bạn. và nếu bạn đa mê học thuật và thích tìm hiểu thì bạn sẽ tìm thấy mình trong cuốn sách của tôi

Đôi khi mình bị lung lay và mệt mỏi thì mình chỉ cần một sự khuyến khích hoặc thúc đẩy của ai đó. Thế thì tôi hy vọng là cuốn sách của tôi sẽ giúp các bạn điều đó và các bạn sẽ thành công.

BBCBác sĩ bình luận gì vềviệc lãnh đạo ngành y tế Việt Nam đề xuất đổi tên Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thành 'Đại học Sức khỏe' ?

Huỳnh Wynn Trần : Thực ra hướng đi thì là đúng vì đa số trường y tại Mỹ là trường có nhiều ngành trong đó, tức là dạy chung bác sĩ với dược sĩ, nha sĩ...Tôi nghĩ cái tên không quan trọng mà chất lượng mới quan trọng, mô hình đào tạo thế nào mới quan trọng. Thì cái đó là cái tôi ủng hộ và Việt Nam nên làm vì Campuchia và Lào đã làm cái đó rồi. Thì đúng là người ta đang nghe quen như vậy thì nghe khác đi thì sẽ có phản đối. Nhưng tôi thấy cái tên mà nó có cái chữ y trong đó thì nghe hay hơn và "sang chảnh" hơn.

******************

Quy hoạch cán bộ sai phạm trong vụ Formosa vào vị trí vụ trưởng về môi trường (RFA, 07/10/2019)

Chuyên viên Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên Môi trường - ông Lương Duy Hanh, người từng bị cách chức vì những sai phạm liên quan đến Formosa vào tháng 6/2017, vừa được quy hoạch vào hai vị trí vụ trưởng của Tổng cục Môi trường.

thieu3

Ông Lương Duy Hanh và nhà máy gang thép Formosa tại Việt Nam. AFP/DAN VIET/ RFA Edited

Mạng báo Tuổi trẻ loan tin hôm 7/10 cho biết như vừa nêu.

Theo đó, ông Lương Duy Hanh, chuyên viên Vụ Pháp chế của Bộ Tài nguyên Môi trường đã được quy hoạch vào hai vị trí vụ trưởng Vụ Thẩm định và vụ trưởng Vụ quản lý chất thải, cả hai vụ thuộc Tổng cục Môi trường và được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà phê duyệt.

Ngoài ra, ông Lương Duy Hanh còn được quy hoạch vào vị trí vụ phó Vụ Khoa học công nghệ nhưng việc quy hoạch vào vị trí này đang thực hiện theo quy trình và chưa trình lãnh đạo của Bộ phê duyệt.

Ông Lương Duy Hanh đã từng bị xem xét trách nhiệm liên quan đến sự cố môi trường tại các tỉnh miền Trung xảy ra hồi năm 2016 khi công ty gang thep Formosa xả thải ra biển khiến cá chết hàng loạt. Với việc này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách toàn bộ chức vụ trong Đảng đối với ông Lương Duy Hanh vì những sai phạm liên quan môi trường, thiếu trách nhiệm, không giám sát công trình bảo vệ môi trường trong thời gian thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm của nhà máy. Sau khi kỷ luật của Ủy ban kiểm tra trung ương, vào tháng 6/2017 ông Hanh bị Bộ TNMT quyết định cách chức cục trưởng cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường và đồng thời chuyển ông về làm chuyên viên Vụ Pháp chế thuộc Bộ này.

Thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên hồitháng tư năm 2016 khiến cá, hải sản chết hằng loạt dọc theo bốn tỉnh miền Trung. Hằng ngàn chiếc tàu nằm phơi bờ không thể ra khơi đánh bắt cá và hải sản, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm ngàn người. 4 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế.

Sau sự cố, công ty Formosa đã chính thức lên tiếng xin lỗi và bồi thường 500 triệu đô la để khắc phục hậu quả.

****************

Cục trưởng mất chức vì Formosa được quy hoạch làm… Vụ trưởng (Dân Trí, 07/10/2019)

Ông Lương Duy Hanh từng bị cách chức Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) vì những vi phạm nghiêm trọng trong vụ Formosa Hà Tĩnh vào năm 2017, vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường quy hoạch vào 2 vị trí Vụ trưởng thuộc Tổng cục Môi trường.

thieu4

Cục trưởng mất chức vì Formosa được quy hoạch làm… Vụ trưởng

Theo quy hoạch cán bộ vừa được lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, ông Lương Duy Hanh - chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã được quy hoạch vào 2 vị trí thuộc Tổng cục Môi trường : Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường và Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải.

Ngoài ra, ông Lương Duy Hanh còn đang được làm quy trình để quy hoạch vào vị trí Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ thuộc Bộ này.

Trước đó, tháng 10/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, ông Lương Duy Hanh - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) thiếu trách nhiệm khi làm trưởng đoàn thanh tra đối với dự án Formosa Hà Tĩnh ; không tham mưu giám sát việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm.

Đánh giá những vi phạm của ông Lương Duy Hanh là nghiêm trọng, căn cứ Quy định số 263-QĐ/TW và Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lương Duy Hanh.

Đến ngày 20/6/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra thông báo về việc thi hành kỷ luật hành chính bằng hình thức cách chức Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường đối với ông Lương Duy Hanh và điều động ông Hanh về làm chuyên viên tại Vụ Pháp chế trực thuộc Bộ này.

Chiều nay, 7/10, một lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xác nhận với PV Dân trí thông tin quy hoạch lãnh đạo cấp Vụ đối với ông Lương Duy Hanh.

Theo vị này, ông Lương Duy Hanh bị kỷ luật và thi hành kỷ luật với thời hạn 1 năm. Chính vì thế đến nay thời hạn kỷ luật đã kết thúc từ lâu nên việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ông Hanh vào quy hoạch cán bộ hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành (!).

Thế Kha

Quay lại trang chủ
Read 471 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)