Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/10/2019

Luật sư Trần Vũ Hải, Công án Bia Sơn, Đoàn Thị Hồng, tu sĩ Phật giáo Hòa hảo

Tổng hợp

Công an Khánh Hòa "tự mâu thuẫn" khi khởi tố Luật sư Trần Vũ Hải tội trốn thuế (RFA, 07/10/2019)

Hôm 7/10/2019, báo chí nhà nước dẫn thông tin cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố tội trốn thuế đối với 4 người trong đó có luật sư Trần Vũ Hải và vợ là Ngô Tuyết Phương bị cáo buộc tham gia với vai trò "giúp sức".

bia1

Luật sư Trần Vũ Hải tại văn phòng ở Hà Nội - Courtesy of FB Vu Hai Tran

Mạng báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn Kết luận điều tra cho biết năm 2016, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh có nhu cầu bán đất đã chỉ đạo cho em trai Ngô Văn Lắm thỏa thuận giá chuyển nhượng quyền sử dụng miếng đất tại đường Tuệ Tĩnh, thành phố Nha Trang với giá hơn 16 tỷ đồng với vợ chồng ông Hải.

Tuy nhiên ông Ngô Văn Lắm ghi trên hợp đồng thỏa thuận thực tế là hơn 16 tỷ đồng, còn hợp đồng công chứng chỉ có 1,8 tỷ đồng nhằm giúp bà Hạnh trốn thuế thu nhập cá nhân trên 280 triệu đồng.

Luật sư Nguyễn Duy Bình, một trong 14 luật sư nhận bào chữa cho vợ chồng ông Trần Vũ Hải chiều ngày 7 tháng 10 khẳng định với Đài Á Châu Tự Do rằng cả 4 người này đều không có tội khi ghi giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá thỏa thuận của 2 bên.

"Khi mà người dân ghi giá mua bán trong hợp đồng để làm cơ sở khai thuế, thường thường ghi thấp hơn thì cơ quan thuế sẽ áp dụng theo bảng giá đất theo các tỉnh thành để tính thuế.

Chính vì vậy người dân từ trước đến nay đều áp dụng phương thức như vậy, hầu như ai cũng ghi thấp cả, không phải riêng trường hợp mua bán của luật sư Trần Vũ Hải và bà Hạnh", luật sư Bình nói qua điện thoại.

Theo luật sư Bình, Cơ quan Cảnh sát điều tra viện dẫn điều 17, Thông tư 92 về Hướng dẫn thực hiện Thuế thu nhập cá nhân quy định cơ quan thuế sẽ căn cứ theo bảng giá đất của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để tính thuế khi người dân ghi giá trị hợp đồng thấp hơn quy định ; nhưng sau đó kết luận giám định thì lại áp theo giá thực tế, tức là hơn 16 tỷ đồng.

Điều này theo luật sư bào chữa cho ông Hải là mâu thuẫn với chính mình.

Trước đó, vào ngày 2 tháng 7 năm nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét nhà riêng cùng với văn phòng làm việc tại Hà Nội đối với luật sư Trần Vũ Hải để điều tra về hành vi "trốn thuế" liên quan đến một vụ mua bán đất đai ở Khánh Hòa.

Tuy nhiên, khi khám xét công an lại thu giữ luôn cả những tài liệu bao gồm hồ sơ vụ việc blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do, được cho là bị mật vụ Việt Nam bắt cóc từ Thái Lan về nước mà ông Hải đang là luật sư bào chữa.

*******************

Tù nhân tôn giáo trong vụ án Công án Bia Sơn chết trong tù (RFA, 07/10/2019)

Tù nhân tôn giáo Đoàn Đình Nam trong vụ án Ân Đàn Đại Đạo - hay còn gọi là vụ Công án Bia Sơn vừa qua đời sau thời gian được chữa trị chạy thận ở Bệnh viện Vũng Tàu.

bia2

Các bị cáo trong phiên xử vụ án Công án Bia Sơn tại Phú Yên năm 2013. Courtesy : Dân làm Báo

Ông Đoàn Đình Nam, 68 tuổi, bị tuyên án tù 16 năm tù giam, với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền theo Điều 79 Bộ luật Hình sự Việt Nam cũ trong một phiên tòa hồi năm 2012. Sau 7 năm thụ án, ông Đoàn Đình Nam bị suy thận nặng và gia đình đã xin cho ông được tạm hoãn thi hành án để về nhà chữa bệnh. Tuy nhiên, phía trại giam đã khước từ.

Đài RFA vào tối ngày 7 tháng 10 liên lạc được với bà Nguyễn Thị Ngọc, mẹ của Nguyễn Thái Bình, người cũng đang thụ án tù trong vụ án Công án Bia Sơn và được bà Ngọc cho hay :

"Nghe nói là xin để đem về mà không cho đâu, rồi thiêu trong đó luôn. Thiêu xong mới được đem cái hộp cốt về nhà rồi làm lễ. Xin người ta không có cho đem xác về. Cô Thúy, vợ ông Trần Công với vợ của Trần Quân cũng đi ra ngoài đó chưa về nên tôi cũng chưa biết được tin tức gì thêm".

Bà Võ Thị Thanh Thúy, vợ của tù nhân chính trị Trần Công/Phan Văn Thu là người khai mở giáo phái Ân Đàn Đại Đạo từ năm 1969 hồi tháng 6 cho RFA biết ông Đoàn Đình Nam được trại giam đưa đến Bệnh viện ở Vũng Tàu để chạy thận dưới sự giám sát dày đặc của công an.

Đài Á Châu Tự Do đã cố gắng liên hệ với gia đình ông Đoàn Đình Nam nhưng không được. Cô Bùi Ngọc Diện, con dâu ông Phan Văn Thu cho biết gia đình ông Đoàn Đình Nam đã nhận được tro của ông Đoàn Đình Nam và dự định sẽ chôn cất ông vào ngày 11/7 tới. Cô Diện cho biết, gia đình ông Nam đang bị đe dọa từ an ninh nên không thể trả lời phỏng vấn về vấn đề này.

Vào ngày 5 tháng 10, bà Nguyễn Thúy Hạnh, người phụ trách Quỹ 50K, một quỹ từ thiện giúp đỡ các tù nhân lương tâm tại Việt Nam, qua Facebook cá nhân cho biết thời gian gần đây bệnh của Đoàn Đình Nam bị nặng thêm, cả người và mặt phù to, vô cùng mệt nhọc. Gia đình ông Đoàn Đình Nam một lần nữa tha thiết xin cho ông được chạy thận với chi phí gia đình chịu, nhưng tiếp tục bị trại giam từ chối. Bà Nguyễn Thúy Hạnh cho biết thêm sau khi ông Nam vừa qua đời tại Bệnh viện Vũng Tàu, gia đình đề nghị được mang xác ông về, nhưng cơ quan chức năng không chấp nhận và bắt phải hỏa táng tại đó.

Ân Đàn Đại Đạo xây dựng khu sinh thái Đá Bia rộng 48 héc-ta tại khu vực Suối Lớn, Đèo Cả, thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên theo hướng "tiền sinh thái, hậu tổ đình". Khu sinh thái Đá Bia được Nhà nước công nhận là khu sinh thái quốc gia. Tuy nhiên, Công an tỉnh Phú Yên, hồi tháng 2 năm 2012, đột nhập vào khu sinh thái và bắt giữ nhóm người của Ân Đàn Đại Đạo. Sau đó nhóm 22 người bị đưa ra tòa xét xử với cáo buộc tội theo Điều 79. Ba người khác bị kết án tù từ 3 đến 4 năm với tội danh tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép chất nổ.

Ông Trần Công/Phan Văn Thu và ông Đoàn Đình Nam là hai người lớn tuổi nhất trong vụ án Côn án Bia Sơn. Bà Võ Thị Thanh Thúy, hồi tháng 6 cũng cho biết chồng bà, ông Trần Công/Phan Văn Thu đang thụ án tù chung thân trong tình trạng sức khỏe bị suy kiệt.

***************

Nhà hoạt động Đoàn Thị Hồng đề nghị có luật sư bào chữa (RFA, 07/10/2019)

Nhà hoạt động Đoàn Thị Hồng, người đang bị tam giam chờ ngày ra xét xử với cáo buộc "phá rối an ninh" theo điều 118 Bộ luật Hình sự năm 2015, đã chính thức mời luật sư tham gia bào chữa cho cô tại tòa. Cô Đoàn Thị Khánh, chị gái cô Đoàn Thị Hồng cho Đài Á Châu Tự Do biết như vậy qua điện thoại vào ngày 7/10.

bia3

Cô Đoàn Thị Hồng trong cuộc biểu tình hồi tháng 6 năm 2018 ở thành phố Hồ Chí Minh - Courtesy of FB Xuân Hồng

"Hồi đầu tháng 10 đây em gái Đoàn Thị Hồng mới cho tôi biết rằng là ngày hôm qua là ngày 3/10, em đã viết đơn yêu cầu luật sư Ngô Ngọc Trai trợ giúp về mặt pháp lý và em đã gửi đơn ra Viện Kiểm sát rồi".

Cô Đoàn Thị Khánh cho biết cô nhận được thông tin này sau khi vào thăm em gái tại trại tạm giam ở số 4 Phan Đăng Lưu, thành phố Hồ Chí Minh hôm 4/10 vừa qua.

Trong các lần gặp trước, cô Đoàn Thị Hồng không đồng ý có luật sư đại diện cho mình ở tòa. Cô Đoàn Thị Khánh nghi ngờ khả năng cô Hồng đã bị đe dọa và vì vậy mới từ chối quyền có luật sư.

"Theo những lời nói của em tôi thì tôi hiểu là khi tôi ở ngoài đây đấu tranh, viết bài, đưa thông tin về em, tình hình sức khỏe của em, thì em gái tôi ở trong đó đã bị áp lực gì đó. Ngay lần gặp mặt đầu tiên vào ngày 2/8/2019, em gái tôi đề nghị tôi không nên viết bài gì trên Facebook, nay chị gặp được em thì không nên viết gì nữa, chờ em về…. Tôi nghĩ chắc có lẽ những bài viết của tôi nên em gái tôi đang chịu áp lực gì đó. Em gái tôi yêu cầu tôi dừng mọi việc và nói là chị làm như vậy thì tội em càng nặng".

Cô Đoàn Thị Hồng (36 tuổi) bị bắt giữ vào ngày 2 tháng 9 năm ngoái khi đang đi chơi cùng một bạn nữ khác. Theo Ân Xá Quốc tế, cô bị bắt mà không có lệnh bắt. Trước đó, vào tháng 6 năm 2018, cô Đoàn Thị Hồng đã tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa ở thành phố Hồ Chí Minh để phản đối dự luật Đặc Khu và luật An Ninh Mạng.

Tuy nhiên sau khi bị bắt, cô Đoàn Thị Hồng đã không được gặp người thân trong suốt 11 tháng cho đến ngày 2/8/2019 vừa qua khi cô lần đầu tiên được gặp chị gái Đoàn Thị Khánh.

Cô Đoàn Thị Khánh được một nhân viên an ninh tại trại tạm giam cho biết cô Đoàn Thị Hồng không được tiếp xúc người thân trong thời gian dài vì phạm tội liên quan đến vụ án phá rối an ninh không thể hưởng theo chế độ mà luật pháp đề ra. Trường hợp liên quan đến tội phá rối an ninh chỉ ưu tiên cho phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 9 tháng tuổi chứ không cho trẻ dưới 36 tháng tuổi. Đó là lý do mà cô Đoàn Thị Hồng bị biệt giam suốt 11 tháng qua mà không được gặp gia đình và luật sư.

Hôm 6 tháng 9, Ân Xá Quốc Tế đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho cô Đoàn Thị Hồng vì cô chỉ thực hiện quyền tự do biểu đạt một cách ôn hòa.

******************

Tu sĩ Phật giáo Hòa Hảo bị hành hung khi ngăn cản việc phá chùa (RFA, 07/10/2019)

6 tu sĩ phật giáo Hòa Hảo vừa bị những người mặc thường phục hành hung vào ngày 7/10 khi đang trên đường đến An Hòa Tự tức chùa Thầy ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, để ngăn cản việc chính quyền địa phương phá chùa.

bia4

Các tu sĩ Phật giáo Hòa Hảo bị hành hung hôm 7/10/2019 ở An Giang - Courtesy of FB Quang Minh Tự

Vào tối ngày 7/10, tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm – trụ trì chùa Quang Minh Tự, một trong 6 người bị đánh nói với Đài Á Châu Tự Do :

"Hôm nay họ dỡ chùa, nhưng chùa vẫn còn mới. Ngày hôm qua họ gác ngoài cửa, hôm nay cũng gác. Khi chúng tôi lên đến phà Thuận Giang thì có 40 đến 50 người chặn lại, đánh ông Tô Văn Mạnh, ông Lê Thanh Thực, Nguyễn Thị Mỹ Triều, và cháu tôi là Võ Thị Thu Ba bị nó đập điện thoại. Tôi thấy vậy thì nó tính đánh tôi nữa mà tôi chế xăng dầu lên mình tôi tử thủ, tôi cắt cổ tôi, rồi nó đuổi về. Nó dùng cây dài thước mấy đánh người đến nát cái cây"

Ông Liêm cho biết, vụ hành hung đã khiến 4 người bị thương, trong đó ông bị thương ở cổ khi tìm cách cắt cổ và châm xăng dọa tự thiêu để đòi bảo vệ chùa.

Ông Võ Văn Thanh Liêm cho biết An Hòa Tự là di tích chùa cổ đã có hơn 100 năm và đã được sửa sang lại cách đây khoảng 80 năm. Ông nói chùa vẫn còn sử dụng tốt nhưng Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo được nhà nước công nhận vẫn muốn phá chùa này với lý do chùa cũ cần xây mới. Các tu sĩ Phật giáo Hòa Hảo tại chùa Quang Minh Tự và An Hòa Tự không thuộc giáo hội do nhà nước công nhận phản đối việc phá chùa cũ vì cho rằng đây là di tích cổ linh thiêng của Phật giáo Hòa Hảo cần được giữ và chỉ sửa khi bị hỏng.

Đây không phải là lần đầu tiên, chùa An Hòa Tự bị phá cho mục đích xây mới. Theo ông Liêm, cách đây khoảng 1 tháng, chính quyền địa phương cũng đã tìm cách đến phá chùa nhưng các tu sĩ đã đến kịp để ngăn cản việc này.

Vào ngày 7/10, do không kịp ngăn cản, một số ngói cổ của chùa đã bị dỡ đi và lợp ngói mới, theo lời ông Liêm.

Những năm qua, chùa Quang Minh Tự thường xuyên gặp những cản trở từ chính quyền địa phương khi tổ chức các lễ kỷ niệm trong Phật giáo Hòa Hảo.

Bản thân ông Võ Văn Thanh Liêm (79 tuổi) là người đã từng bị giam cầm hơn 6 năm tù và bị 3 năm quản chế với cáo trạng "chống người thi hành công vụ" vì lên tiếng đòi tự do tôn giáo.

Quay lại trang chủ
Read 536 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)