Tổng số tiền dư quỹ Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam tính đến cuối năm 2020 ước đạt hơn 935.100 tỷ đồng. Nội dung này được chính phủ Hà Nội thông báo trong cuộc họp phiên thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra hôm 17/8.
Công nhân làm khẩu trang bảo hộ y tế công ty An Phú ngày 5 tháng 8 năm 2020. Reuters
Trong đó, số dư các quỹ sẽ chuyển sang năm 2021 bao gồm Quỹ Ốm đau, thai sản gần 12.800 tỷ đồng ; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp hơn 53.700 tỷ đồng ; Quỹ Hưu trí, tử tuất trên 789.100 tỷ đồng ; riêng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hơn 89.100 tỷ đồng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc họp cho rằng đây là ‘việc hoàn toàn không bình thường’ vì số dư các quỹ bảo hiểm ngắn hạn quá lớn, trong khi về nguyên tắc, các quỹ này hằng năm chỉ giữ lại làm dự phòng 10% số thu.
Trao đổi với RFA tối 19/8, Thạc sĩ Hoàng Việt, từng nhiều lần tham dự những hội thảo lớn được Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức liên quan vấn đề công đoàn, người lao động, cho rằng hiện nay chính phủ Hà Nội chưa đưa ra được những cách thức sử dụng số tiền trong các quỹ một cách hợp lý. Ông phân tích :
"Việt Nam không có cơ chế rõ ràng, luật cũng không quy định rõ vấn đề này, quan chức Việt Nam bao giờ cũng sợ trách nhiệm, nếu giải chi xong có chuyện gì thì họ sẽ bị hoạch (hỏi) ? ? ? ? Số tiền này có nghịch lý là rất nhiều tiền chủ yếu do người lao động đóng góp nhưng đến lúc có chuyện để chi thì rất khó khăn".
Đồng quan điểm nêu trên, từ Sài Gòn, chị Như Quỳnh, công tác tại một công ty nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam cũng cho rằng chính những chính sách hỗ trợ cũng như chính sách chi những quỹ đó không phù hợp nên tình trạng "thu nhiều-chi ít" vẫn diễn ra, từ đó quỹ dư nhiều. Chị đưa ra dẫn chứng :
"Ví dụ những người đi làm ở công ty nước ngoài đóng thuế rất cao nhưng đến khi thất nghiệp thì mức lương thất nghiệp được nhận rất thấp so với mức lương trước đây của họ. Qua các năm vẫn như vậy và không có sự điều chỉnh. Thứ hai là như ở nước ngoài nếu thất nghiệp thì người ta luôn nhận được trợ cấp đến khi có việc mới, nhưng ở Việt Nam chỉ nhận được trợ cấp từ 3-6 tháng tùy theo số năm mình đã đóng bảo hiểm".
Rừng thủ tục hành dân !
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra trong cuộc họp báo ngày 6/7 vừa qua, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 ngàn người so với quý trước. Nguyên nhân được nói do bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 tại đất nước hình chữ S.
Việc số người thất nghiệp tăng, kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng, nhưng rất nhiều người lao động lại than trời vì không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ khi mất việc vì đại dịch đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trên các trang mạng xã hội và các diễn đàn.
Chị Như Quỳnh nêu ra quan điểm cá nhân đối với vấn đề vừa nêu như sau :
"Dịch này quá trời người thất nghiệp, tiền thì dư nhưng thủ tục cực kỳ rườm rà và luôn nói do dịch nên hạn chế đi đến những chỗ họ lãnh bảo hiểm thất nghiệp để làm thủ tục, thành ra người ta không lãnh được.
Ở đây mình phải linh hoạt trong chuyện với bối cảnh như vậy phải đơn giản hóa thủ tục để người lao động lấy được hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp thì bây giờ có thể đăng ký online để người ta ngồi nhà nộp (thông tin), đưa số tài khoản. Phải hỗ trợ người ta duyệt nhanh vì tiền có sẵn mà và rút ngắn khoảng thời gian xét duyệt lại để hỗ trợ kịp thời chứ nếu vẫn giữ đúng quy trình như trước dịch thì không ai có thể lấy được số tiền đó vì nó rất lằng nhằng".