Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/08/2021

Bất thường với con số kết dư của hai Quỹ Bảo hiểm & thất nghiệp !

RFA tiếng Việt

Quỹ : thu nhiều-chi ít

Tổng số tiền dư quỹ Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam tính đến cuối năm 2020 ước đạt hơn 935.100 tỷ đồng. Nội dung này được chính phủ Hà Nội thông báo trong cuộc họp phiên thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra hôm 17/8.

quy1

Công nhân làm khẩu trang bảo hộ y tế công ty An Phú ngày 5 tháng 8 năm 2020. Reuters

Trong đó, số dư các quỹ sẽ chuyển sang năm 2021 bao gồm Quỹ Ốm đau, thai sản gần 12.800 tỷ đồng ; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp hơn 53.700 tỷ đồng ; Quỹ Hưu trí, tử tuất trên 789.100 tỷ đồng ; riêng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hơn 89.100 tỷ đồng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc họp cho rằng đây là ‘việc hoàn toàn không bình thường’ vì số dư các quỹ bảo hiểm ngắn hạn quá lớn, trong khi về nguyên tắc, các quỹ này hằng năm chỉ giữ lại làm dự phòng 10% số thu.

Trao đổi với RFA tối 19/8, Thạc sĩ Hoàng Việt, từng nhiều lần tham dự những hội thảo lớn được Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức liên quan vấn đề công đoàn, người lao động, cho rằng hiện nay chính phủ Hà Nội chưa đưa ra được những cách thức sử dụng số tiền trong các quỹ một cách hợp lý. Ông phân tích :

"Việt Nam không có cơ chế rõ ràng, luật cũng không quy định rõ vấn đề này, quan chức Việt Nam bao giờ cũng sợ trách nhiệm, nếu giải chi xong có chuyện gì thì họ sẽ bị hoạch (hỏi) ? ? ? ? Số tiền này có nghịch lý là rất nhiều tiền chủ yếu do người lao động đóng góp nhưng đến lúc có chuyện để chi thì rất khó khăn".

Đồng quan điểm nêu trên, từ Sài Gòn, chị Như Quỳnh, công tác tại một công ty nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam cũng cho rằng chính những chính sách hỗ trợ cũng như chính sách chi những quỹ đó không phù hợp nên tình trạng "thu nhiều-chi ít" vẫn diễn ra, từ đó quỹ dư nhiều. Chị đưa ra dẫn chứng :

"Ví dụ những người đi làm ở công ty nước ngoài đóng thuế rất cao nhưng đến khi thất nghiệp thì mức lương thất nghiệp được nhận rất thấp so với mức lương trước đây của họ. Qua các năm vẫn như vậy và không có sự điều chỉnh. Thứ hai là như ở nước ngoài nếu thất nghiệp thì người ta luôn nhận được trợ cấp đến khi có việc mới, nhưng ở Việt Nam chỉ nhận được trợ cấp từ 3-6 tháng tùy theo số năm mình đã đóng bảo hiểm".

Rừng thủ tục hành dân !

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra trong cuộc họp báo ngày 6/7 vừa qua, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 ngàn người so với quý trước. Nguyên nhân được nói do bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 tại đất nước hình chữ S.

Việc số người thất nghiệp tăng, kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng, nhưng rất nhiều người lao động lại than trời vì không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ khi mất việc vì đại dịch đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trên các trang mạng xã hội và các diễn đàn.

Chị Như Quỳnh nêu ra quan điểm cá nhân đối với vấn đề vừa nêu như sau :

"Dịch này quá trời người thất nghiệp, tiền thì dư nhưng thủ tục cực kỳ rườm rà và luôn nói do dịch nên hạn chế đi đến những chỗ họ lãnh bảo hiểm thất nghiệp để làm thủ tục, thành ra người ta không lãnh được.

Ở đây mình phải linh hoạt trong chuyện với bối cảnh như vậy phải đơn giản hóa thủ tục để người lao động lấy được hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp thì bây giờ có thể đăng ký online để người ta ngồi nhà nộp (thông tin), đưa số tài khoản. Phải hỗ trợ người ta duyệt nhanh vì tiền có sẵn mà và rút ngắn khoảng thời gian xét duyệt lại để hỗ trợ kịp thời chứ nếu vẫn giữ đúng quy trình như trước dịch thì không ai có thể lấy được số tiền đó vì nó rất lằng nhằng".

quy2

Ảnh minh họa 

Thạc sĩ Hoàng Việt dẫn ví dụ về việc chính quyền thành phố Hà Nội mới đây yêu cầu người lao động từ nông thôn lên đây làm việc phải về quê để xác nhận chưa lãnh tiền trợ cấp ở quê. Nguyên nhân được nói do lãnh đạo thành phố sợ người lao động nhận tiền hai nơi. Đáng chú ý theo ông là trong thời gian giãn cách hay còn gọi là phong tỏa thì không được đi khỏi nhà, làm sao về quê được ?

Từ đó, Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng Việt Nam đang có một "rừng" thủ tục hành chính vô cùng khó khăn. Ông nói tiếp :

"Nói chung là gần như chính quyền có làm nhưng chưa có đánh giá tổng quát nào toàn bộ vấn đề này nên nói thì bảo không có bằng chứng. Nhưng qua thể hiện của một số bạn bè xung quanh mà tôi biết được cho thấy là sự giúp đỡ của chính quyền mới ở tầng vĩ mô quyết định như vậy, chứ đến tận tay những người thực sự lao động nghèo khó thì muôn vàn khó khăn.

Chỉ quy định trên những cấp cao phát biểu nhiều hơn chứ xuống tận tay người dân thì rất ít và có nhiều bất cập vô cùng".

Cần sử dụng hợp lý

Với số dư các quỹ quá lớn như thống kê được nêu ra tại cuộc họp hôm 17/8, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu đề xuất chi số tiền kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ các tỉnh có đông công nhân lao động, bằng cách mua vắc-xin cho công nhân, lao động hoặc hỗ trợ tài chính trong điều kiện có việc làm, thu nhập do Covid-19.

Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ- Chủ tịch Quốc hội VN, theo tờ trithucvn.org loan tin, ông đã bác bỏ đề xuất này và khẳng định : "Quỹ này là quỹ đóng – hưởng, người nào đóng thì người đó hưởng, không được sử dụng như ngân sách".

Chị Thu Hường, đang sống tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh hôm 19/8 đã bày tỏ bức xúc của mình với RFA khi chị cho rằng ngân sách nhà nước đã dự chi cho việc mua vắc-xin hơn 16.000 tỷ cùng với hơn 9.000 tỷ người dân và doanh nghiệp đóng góp cho Quỹ vắc-xin vì vậy việc lấy Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ra mua vắc-xin hoàn toàn không thỏa đáng. Nếu được thì chi hỗ trợ thất nghiệp cho người thụ hưởng như vậy mới công bằng. Chị nói :

"Tại sao phải mua vắc-xin cho công nhân trong khi mọi người đều được chích free (miễn phí) ? Cho nên câu phát biểu đó là câu phát biểu tầm xàm, không hợp lý. Thà lấy tiền đó hỗ trợ cho những người ngưng việc nhưng không được hỗ trợ từ phía công ty. Có những công ty như bên tôi không trả lương thì nhà nước cho 1,8 triệu, nuôi con dưới sáu tuổi thêm một triệu, số tiền đó quá ít so với nhà mấy người thì số tiền đó quá ít để nuôi một gia đình".

Tại cuộc họp Chính phủ diễn ra hôm 18/8, Thủ tướng VN Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ sẽ xuất cấp dự trữ quốc gia và xem xét sử dụng Quỹ Công đoàn hỗ trợ người dân để mọi người yên tâm áp dụng lệnh "ai ở đâu yên đó".

Theo đề xuất của Bộ Lao động, 8,6 triệu người tại 24 tỉnh, thành ở Việt Nam có nguy cơ thiếu đói do đại dịch Covid-19 sẽ được nhận 15 kg gạo trong một tháng cho mỗi nhân khẩu.

Đáng quan tâm, Quỹ Công đoàn cũng được trích từ tiền lương hàng tháng của những người lao động như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, quyết định này cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi nhiều người lao động cho hay không nhận được hỗ trợ gì từ công đoàn nhưng nay lại phải san sẻ tiền quỹ này cho những người không đóng phí.

Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định về vấn đề này như sau :

"Những quỹ này thường thường bị khấu trừ chứ không phải người ta tự nguyện đóng, tức muốn hay không muốn cũng bị trừ trong đó rồi, trong quy định là như vậy. Nhưng vấn đề là sử dụng đồng tiền này thế nào một cách hợp lý ? Tiền của những người lao động đóng góp nhưng nếu có vấn đề thì số tiền xử lý ra sao thì vẫn chưa thỏa đáng. Nói cho cùng là tiền của người lao động thì phải phục vụ cho người lao động, không phải mục đích khác".

Bài toán thu-chi tại các Quỹ Bảo hiểm tại Việt Nam được đánh giá là vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết triệt để trong hàng chục năm qua, nhất là trong mùa đại dịch Covid-19 này.

Nguồn : RFA, 20/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 506 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)