Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sửa luật thu phí rác sinh hoạt theo kilogram có giúp giảm thiểu ô nhiễm ? (RFA, 12/06/2020)

Sẽ thu phí rác thải sinh hoạt theo kg

Trong thảo luận tổ tại phiên họp Quốc hội vào sáng ngày 11/6, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường cho biết Việt Nam hiện có đến 40% rác sinh hoạt là thành phần thực phẩm, hữu cơ và vật liệu có thể tái chế. Do đó, chất thải rắn sinh hoạt không phải là bỏ đi mà là một dạng tài nguyên. Ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng để sử dụng loại tài nguyên này, phải đồng bộ từ phân loại rác từ đầu nguồn (hộ dân) và công nghệ xử lý rác không chôn lấp.

tudien1

Một công nhân môi trường thu gom rác và các vật phẩm tái chế dọc theo kênh Tô Lịch, ở Hà Nội. Hình chụp ngày 18/2/13. AFP

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà nói thêm rằng tại Việt Nam, người dân chỉ phải chịu một phần kinh phí thu gom, nhà nước sẽ chi trả phần chính. Tuy nhiên, khi đời sống người dân tăng lên, sẽ trả cả chi phí này.

Theo Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định, Việt Nam sẽ thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng, chứ không tính theo bình quân đầu người hay hộ gia đình như lâu nay. Kinh phí thu gom và xử lý rác sinh hoạt, sẽ được thu thông qua việc bán bao bì chứa chất thải, và phải bảo đảm ít nhất 20% chi phí cho công tác này.

Đài RFA ghi nhận qua các trang fanpage của báo giới chính thống, rất điều độc giả bày tỏ sự hoang mang lẫn thắc mắc về quy định mới thu phí rác thải sinh hoạt theo kg trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Không ít người lên tiếng rằng "Cái gì cũng thu mà môi trường ngày càng ô nhiễm !".

Ngay sau khi nhe được thông tin vừa nêu, chị Thuận ở Long An lên tiếng với RFA rằng chị và người dân trong xóm nơi chi cư ngụ sẽ không ngạc nhiên khi các loại thuế phí tăng lên hàng năm. Tuy nhiên, thông tin phí rác thải sinh hoạt thu theo kg phần nào đó khiến cho chị và bà con xung quanh suy luận đó là một cách tận thu. Chị Thuận chia sẻ :

"Năm rồi đã thấy thông báo là năm nay sẽ thu tiền rác 60 ngàn đồng/tháng. Từ 30 ngàn lên 45 ngàn rồi lên 60 ngàn thì mình cũng chuẩn bị sẵn tinh thần là điện, nước, gas…những mặt hàng thiết yếu sẽ tăng. Bây giờ họ đưa vô tiền rác nữa. Trong thuế môi trường, nước cũng vậy : hồi xưa có 10% và sau này cộng thêm 5% phí bảo vệ môi trường nữa, thành ra tổng cộng là 15%. Bây giờ có rất nhiều hình thức họ muốn tận dụng để thu tiền".

Học theo mô hình của Nhật Bản ?

Báo mạng Vietnamnet.vn, vào ngày 12/6, đăng tải một bài viết của bạn đọc Nguyễn Quốc Vương. Bài viết có nhan đề "Thu phí rác sinh hoạt theo kilogram, Nhật cũng làm sao ở ta lại phản đối ?". Tác giả Nguyễn Quốc Vương trong bài viết cho biết rằng đã rất ngạc nhiên khi thấy thành phố rất sạch sẽ, ít rác trong thời gian sống ở Nhật. Qua tìm hiểu, tác giả nhận thấy để hạn chế rác thải ở xứ Mặt Trời Mọc, các cơ quan chức năng của Nhật cần đến nhiều biện pháp đồng bộ như hệ thống xử lý, thói quen sinh hoạt sạch sẽ, lành mạnh, tiết kiệm, chính sách thuế môi trường hợp lý... Nguyễn Quốc Vương cho biết thêm hiện một số địa phương ở Nhật đã thực hiện tính phí đổ rác theo kg, chẳng hạn như Kyoto. Và, việc tính phí có tác dụng làm cho người dân có lối sống thân thiện với môi trường, hạn chế rác thải.

Đài RFA liên lạc với chị Hương, hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Nói về vấn đề rác thải sinh hoạt ở Nhật, chị Hương cho biết :

"Bên này muốn vứt rác thì mỗi thành phố có một loại túi rác riêng. Mình phải mua loại túi rác đó, phải nhét rác vào đó rồi mới được đi vứt. Mình không được để vào túi rác bình thường. Rác đốt được và rác không đốt được. Còn những rác nào mà tái chế được thì mình phải mang thẳng đến khu phân loại. Khu đấy để tái chế rác thì mình phải rửa sạch sẽ và mình mang đến để đấy".

Chị Hương cho biết trong một tuần vứt rác 2 lần và trung bình một tháng chị tốn khoảng 150 Yên Nhật, (tương đương khỏang 30 ngàn VND) để mua 10 túi rác sử dụng. Ngoài số tiền mua túi rác thì tại thành phố nơi chị cư ngụ không phải đóng phí rác thải sinh hoạt. Bởi vì chi phí rác thải đã bao gồm trong tiền đóng thuế thị dân của thành phố cho phúc lợi xã hội, đường xá, cầu cống, môi trường…

Qua chia sẻ của chị Thuận ở Long An mỗi tháng trả phí rác thải là 60 ngàn đồng. Và chị Hương ở Nhật, tiêu tốn 30 ngàn đồng cho việc vứt rác. Trong khi thu nhập bình quân theo đầu người tại Việt Nam trong năm 2018 vào khoảng 58,5 triệu đồng (tương đương hơn 2.500 USD) và ở Nhật là khoảng xấp xỉ 4,4 triệu yên (tương đương hơn 40.500 USD), theo số liệu công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Nếu một phép tính so sánh đơn giản được đưa ra thì có vẻ như người dân Nhật thu nhập cao gấp 16 lần thu nhập của người Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi hộ gia đình ở Nhật chi cho rác thải hàng tháng bằng một nửa ở Việt Nam.

tudien2

Biểu tỉnh phản đối công ty Formosa đổ chất thải gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung ở Hà Nội hôm 1/5/2016. AFP

Hiệu quả hay không ?

Tác giả Nguyễn Quốc Vương của bài báo đăng trên Vietnamnet, hôm 12/6, lại cho rằng ở Việt Nam không thể thực hiện thu phí rác thải theo kg giống Nhật với lập luận tại Việt Nam, ai sẽ giám sát chuyện cân đo, ai sẽ giám sát phân loại, cũng như có tính đến phương án vì dân không muốn mất tiền nên sẽ vứt rác lung tung thay vì đổ tử tế không ?

Tác giả Nguyễn Quốc Vương còn đưa ra hai nguyên nhân để xác định rằng việc thu phí rác thải theo kg nhằm mục đích nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân tại Việt Nam là không được hiệu quả. Nguyên nhân thứ nhất, nếu không nghiên cứu kỹ thì chỉ làm phần bề ngoài mà phần kỹ thuật phía sau không hề học được. Thứ hai nữa là dùng tiểu xảo du nhập kỹ thuật nước ngoài nhưng lái đi để trục lợi (chẳng hạn như tham nhũng chính sách), tạo điều kiện hoặc kẽ hở cho người thực thi trục lợi, móc túi dân.

Cô Cao Vĩnh Thịnh, thuộc nhóm Green Tree, một tổ chức xã hội dân sự độc lập hoạt động bảo vệ môi trường và cây xanh, vào tối ngày 12/6 cho RFA biết cô đồng quan điểm việc thu phí rác thải theo kg có thể sẽ dẫn đến những hậu quả như tạo điều kiện cho cán bộ và cơ quan quản lý trục lợi, tham nhũng. Cao Vĩnh Thịnh khẳng định :

"Việt Nam không phải nhìn các nước xa xôi mà chỉ cần nhìn ngay sang nước bạn láng giềng Trung Quốc. Trung Quốc đã có phần mềm công nghệ để phân loại rác thải tại nguồn. Và khi có một hệ thống phân loại rác thải tại nguồn và họ sử dụng các công nghệ AI để có thể phân biệt đâu là rác thải nguy hại, rác thải rắn, rác thải phân hủy, tái sử dụng… Các cá nhân người dân sống trong cộng đồng đấy bị ràng buộc với một chế tài cụ thể, ví dụ như vất rác sai quy cách, sai vị trí thì họ sẽ bị phạt. Đó mới là chế tài được người dân công nhận và hưởng ứng".

Đại diện của nhóm Green Tree lưu ý rằng bao nhiêu năm qua Việt Nam vẫn mãi lay hoay mà vẫn chưa làm được tốt việc phân loại rác thải và xử lý rác thải một cách hiệu quả. Và điều trớ trêu là trách nhiệm đó thuộc các cơ quan quản lý nhà nước thì lại đổ thừa cho nhận thức của người dân trong vấn đề rác thải sinh hoạt.

Thực tiễn thế nào ?

Bà Thanh Nguyễn, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân chuyên ề xử lý rác thải, cho RFA biết chương trình thực hiện phân loại rác thải đã được Nhà nước thực hiện hơn 1 năm qua. Công ty của bà Thanh Nguyễn cùng hỗ trợ cho chương trình ở một số địa phương và người dân hưởng ứng rất tích cực. Thế nhưng, bà Thanh Nguyễn nhận định chương trình này không đạt kết quả, bởi do mỗi khi xe thu gom rác xuất hiện thì nhân viên vệ sinh lại đổ dồn vào chung với nhau nên người dân rất nản lòng. Bà Thanh Nguyễn nhìn nhận tình trạng thực tế về xử lý rác thải ở Việt Nam vẫn gặp trở ngại nghiêm trọng :

"Trở ngại lớn nhất trong việc xử lý rác là Việt Nam chưa có những bãi xử lý rác thực sự đúng như bãi xử lý rác đúng nghĩa. Tức là ví dụ như các bãi rác ở khắp tỉnh/thành có những bãi chôn lấp rác nhưng lại không có bãi để xử lý rác triệt để. Xử lý rác triệt để để rác không còn tồn đọng trong môi trường nữa. Tại Việt Nam chưa có bãi xử lý rác cuối cùng nào triệt để và hiệu quả, cho nên lượng rác tồn đọng còn rất là nhiều".

Cả cô Cao Vĩnh Thịnh và bà giám đốc Thanh Nguyễn có cùng kết luận rằng nếu như Việt Nam không có cơ chế và hệ thống thay đổi để giải quyết vấn đề phân loại rác trong xã hội và xử lý rác thải hiệu quả triệt để thì mọi biện pháp chế tài đưa ra cũng không thể đạt được kết quả tốt như mong muốn.

Facebooker Phạm Minh Vũ còn lên tiếng với RFA rằng không những bất khả thi mà người dân ta thán về sự quản lý vô trách nhiệm của giới quan chức lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Anh Phạm Minh Vũ dẫn chứng rằng người dân bị đùn đẩy trách nhiệm không nhận thức về bảo vệ môi trường trong khi anh tận mắt nhìn thấy một số cán bộ trong ngành môi trường xả rác nơi công cộng, hay thậm chí là công khai bảo vệ cho những tác nhân làm ô nhiễm môi trường.

"Tôi nghĩ rằng chính Bộ Tài nguyên và môi trường đã tiếp tay cho việc các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Nói một cách đơn giản là vấn đề ô nhiễm Formosa là một vấn đề rất lớn tại Việt Nam thì mười mươi người dân biết Formosa đang có những hành vi xả thải rất nguy hại, nhất là chất xỉ thải mà vừa rồi đã có tổ chức những hội thảo, bảo rằng xỉ thải rất nguy hiểm, không được san lấp. Thế mà, Bộ Tài nguyên và môi trường trả lời rằng chất xỉ thải của nhiệt điện hay từ nhà máy Formosa sẽ không gây nguy hại môi trường. Rõ ràng là họ rất trắng trợn".

Tại phiên họp Quốc hội vào sáng ngày 11/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố rằng bộ máy đông nhưng không ai chịu trách nhiệm về vấn đề ô nhiễm môi trường. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định cần sửa luật để có người bị kỷ luật, bị xử lý hành chính cao hơn về trách nhiệm trong vấn đề này.

Nguồn : RFA, 12/06/2020

*****************

"Từ điển chính tả tiếng Việt" bị sai chính tả ! (RFA, 11/06/2020)

Từ điển chính tả mà bị sai chính tả !

Cuốn "Từ điển chính tả tiếng Việt" do Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Quang Năng chủ biên được Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành hồi năm 2017. Tuy nhiên, sau 3 năm được xuất bản, quyển từ điển này đang thu hút sự quan tâm của giới học thuật bởi vì là một quyển từ điển về chính tả nhưng lại bị sai chính tả.

tudien3

"Từ điển chính tả tiếng Việt", do Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Quang Năng chủ biên, được ấn hành hồi năm 2017. RFA Edited

Báo mạng Người Lao Động, vào hai ngày 7 và 8/6 đăng tải hai bài ghi nhận của ông Hoàng Tuấn Công đã phát hiện ra cuốn "Từ điển chính tả tiếng Việt" do Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Quang Năng chủ biên, dày 718 trang có đến khoảng 50 lỗi sai chính tả. Ví dụ một số từ như "bàn hoàn", "xỉ nhục", "xít xoa", "reo rắc", "xét sử"…(viết đúng chính tả phải là "bàng hoàng", "sỉ nhục", "xuýt xoa", "gieo rắc", "xét xử").

Qua hai bài trưng dẫn những lỗi chính tả trong cuốn "Từ điển chính tả tiếng Việt" do Tiến sĩ Hà Quang Năng chủ biên, tác giả Hoàng Tuấn Công nhận định quyển sách này bị nhiều lỗi nặng đến khó tin.

Ông Hoàng Tuấn Công cũng là tác giả bộ sách "Từ điển tiếng Việt của GS.Nguyễn Lân-Phê bình và khảo cứu", được cho là gây rúng động trong giới học thuật và đã được vinh danh tại Giải sách hay 2017.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa lên tiếng với RFA về quyển "Từ điển chính tả tiếng Việt" do Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Quang Năng chủ biên :

"Tôi cũng đã đọc qua rồi và thấy nó sai sót ghê gớm. tiếng Việt vốn trong sáng, nghĩa cũng rất rõ ràng, hàm ý rất đầy đủ. Tuy nhiên, sao lại có thể có những biên soạn sai mà không chấp nhận được ?"

Chủ biên giải thích

Đáp trả đối với những phát hiện quyển từ điển chính tả bị sai chính tả của mình, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Quang Năng đăng đàn cho biết rằng "đó không phải là sai" vì mục đích biên soạn của cuốn từ điển này được ghi rõ là "cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong tiếng Việt hiện nay, trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn nhưng vẫn được dùng". Vị chủ biên đưa ra dẫn chứng với lời giải thích như từ "xét xử" trong mục chữ "X", có nghĩa là "xử án" và từ "xét sử" trong mục chữ "S", có nghĩa là "xem xét lại lịch sử".

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Quang Năng còn nhấn mạnh rằng "Nhà nước chưa có một văn bản nào ở cấp nhà nước về chuẩn chính tả" và bản thân ông đã nghiên cứu rất kỹ về chính tả tiếng Việt. Qua đó, ông nhận thấy rất nhiều trường hợp có những cách viết khác nhau mà không có cách nào được coi là chuẩn tuyệt đối vì không ai đủ tư cách để đánh giá cái này đúng hơn cái kia.

tudien4

"Từ điển chính tả hay từ điển ẩu tả ?" - Ảnh minh họa. AFP

Giới học thuật phản biện

Với phản biện của Tiến sĩ Hà Quang Năng, không ít người trong giới học thuật tại Việt Nam đã phản đối. Thầy giáo Chu Mộng Long, trên trang Facebook cá nhân đã viết bài "Từ điển chính tả hay từ điển ẩu tả ?". Thầy giáo Chu Mộng Long lập luận rằng "việc chuẩn hóa chữ viết là công việc của ngành giáo dục vì chữ viết là công cụ quan trọng nhất của giáo dục", và "sách giáo khoa dạy chữ đã là luật". Thầy giáo Chu Mộng Long kết luận rằng những cách viết khác nằm ngoài cái khế ước đã được cộng đồng thừa nhận đều bị xem là tùy tiện, ẩu tả và một từ điển ẩu tả như "Từ điển chính tả tiếng Việt" của ông Hà Quang Năng không thể xem là từ điển chính tả.

Nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc, cũng có bài viết đăng tải trên Báo mạng Người Lao Động khẳng định rằng lời giải thích của chủ biên Hà Quang Năng là "sự ngụy biện nguy hiểm".

Nhà ngôn ngữ học, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng, thuộc Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, được Báo Người Lao Động vào ngày 11/6 dẫn lời rằng các tác giả của từ điển chính tả…sai chính tả đừng quanh co nữa.

Trong tối cùng ngày, Tiến sĩ Hoàng Dũng trình bày rõ thêm với RFA về nhận xét của ông trước lời giải thích biện minh của chủ biên Hà Quang Năng :

"Tôi nghĩ rằng ông nói không đúng. Ông nói rằng mục đích của ông chỉ cung cấp những từ ngữ ấy cho mọi người đọc, hiểu và giúp cho những người biên soạn từ điển dựa vào đó để xây dựng bảng từ. Tôi chưa thấy một cuốn từ điển chính tả nào mà tác giả của nó nói sai đến mức thế ! Bởi vì mục đích giúp cho người biên soạn dựa vào đó để xây dựng bảng từ thì mục đích đó lớn quá. Và từ điển chính tả, như cái tên của nó, chỉ tập trung vào những trường hợp có thể sai chính tả thôi cho nên không thể đáp ứng mục đích đó được. Còn việc cung cấp những từ ngữ ấy để mọi người đọc hiểu thì cũng không ổn. Vì người ta tra chính tả không phải để hiểu từ mà để biết rằng chữ người ta đang nghĩ tới viết thế nào là đúng. Thành ra mục đích biên soạn của ông nói như vậy phải nói là kỳ lạ, xưa nay chưa từng có".

Tiến sĩ Hoàng Dũng nhấn mạnh về các bộ sách chuyên về chính tả tiếng Việt được phổ biến từ trước đến nay :

"Chính tả thì người ta viết nhiều rồi và viết tốt nữa là khác. Chẳng hạn Chính tả tiếng Việt của Giáo sư Hoàng Phê là một cuốn với cách làm rất mới mẻ. Tất nhiên người ta có thể dùng một cuốn từ điển bình thường để tra về chính tả, nhưng ai đã đọc cuốn từ điển của Giáo sư Hoàng Phê thì cũng thấy rằng quyển từ điển chính tả của ông được tổ chức theo những nguyên lý khác hẳn và phải nói là rất tốt. Cho nên người làm sau ông Hoàng Phê mà không nối tiếp được mà lại viết tệ rất nhiều thì đáng trách lắm".

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một người rất tâm huyết trong ngành giáo dục thì quả quyết quyển "Từ điển chính tả tiếng Việt" do Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Quang Năng chủ biên cần phải được đình bản và thu hồi.

"Quan điểm của tôi thì quyển từ điển đó cần phải hủy, đình bản và thu hồi ngay lập tức. Nếu mà vương vãi trong xã hội thì các em học sinh cần tra cứu mà trong quyển từ điển bị sai sót như thế càng chết dở. Do đó cần phải đình bản và không cho phát hành nữa. Và thật ra, từ điển tiếng Việt có nhiều lắm rồi, ở trên mạng cũng có, bách khoa toàn thư mở cũng có cho nên không cần các ông bà ấy phải làm những cuốn sách gây bất bình xã hội như vậy. Viết vớ viết vẩn nhữ thế không thể nào chấp nhận được. Kiên quyết đình bản và cấm không cho phát hành quyển sách nào. Đó là quan điểm của tôi".

Truyền thông trong nước, vào ngày 11/6 loan tin Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hồng Nga cho hay công tác biên tập cuốn "Từ điển chính tả tiếng Việt" của Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Quang Năng chủ biên, được thực hiện nghiêm túc và đúng quy trình. Bà Hồng Nga đồng thời cũng cho biết sẽ phối hợp với giới chuyên môn và tác giả để xử lý.

Thế nhưng, ông Hoàng Tuấn Công, người chỉ ra những lỗi chính tả trong quyển từ điển này, trong cùng ngày 11/6, chia sẻ trên tài khoản Facebook cá nhân rằng "đúng quy trình" mà bà Nguyễn Thị Hồng Nga nói là quy trình ngược. Bởi sách ghi "in xong và nộp lưu chiểu quý IV năm 2017", đến đầu năm 2018, Nhà Xuất bản mới "tổ chức biên tập bản thảo ban đầu".

Nguồn : RFA, 11/06/2020

Published in Việt Nam

Dân số già : gánh nặng kinh tế & an sinh xã hội (RFA, 11/10/2019)

Báo chí Việt Nam hôm 11/10 đồng loạt đăng tải cảnh báo của các nhà khoa học dự báo tốc độ già hóa dân số của Việt Nam sẽ tăng thuộc hàng nhanh nhất thế giới và Việt Nam chỉ mất khoảng 20-22 năm để chuyển từ ‘giai đoạn già hóa dân số’ sang ‘giai đoạn dân số già’.

hoithoi1

Ảnh minh họa : Người thợ hớt tóc cao tuổi vẫn còn làm việc tại Hà Nội, ảnh chụp trước đây. AFP

Tỉ suất sinh giảm hay tuổi thọ tăng

Theo cổng thông tin chính phủ, giai đoạn ‘dân số già’ còn gọi là giai đoạn ‘dân số đã già’, là khi dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 14% tổng dân số. Còn ‘giai đoạn già hóa dân số’ là sự gia tăng độ tuổi trung vị của dân số một vùng do tỷ suất sinh giảm và/hoặc tuổi thọ trung bình tăng.

Vào năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên trên tổng dân số tăng lên với tốc độ nhanh chóng, từ 8,1% năm 1999 lên 8,6% 2009, và hiện nay là khoảng 12%, tương đương khoảng 11,9 triệu người.

Liên quan vấn đề này, nhà nghiên cứu xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, hôm 11/10, đưa ra nhận định với RFA :

"Tỷ lệ dân số già tăng lên sẽ là gánh nặng về kinh tế cũng như chăm sóc người già. Tất nhiên văn hóa Việt Nam là trọng người già, như là một cái phúc cho gia đình, ai cũng mong muốn như vậy. Tuy nhiên ta phải hiểu rằng người già không có sức lao động như người trẻ, và người già thì cần được chăm sóc, như vậy những gánh nặng đó sẽ được dồn vào thanh niên".

Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, khi tỷ lệ dân số trẻ nhiều thì gánh nặng đó không nhiều nhưng khi tỷ lệ dân số già tăng lên thì số người trẻ phải gánh vát cho người già sẽ tăng, đè nặng lên vai thanh niên hiện nay và trong vài thập niên tới. Ngoài việc xu hướng chậm sinh con trong giới trẻ, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương giải thích thêm vì sao tỷ lệ dân số già tăng lên nhanh chóng :

"Nhìn chung, đó là do điều kiện kinh tế và y tế tốt lên thì tuổi thọ cũng tăng lên. Ở Việt Nam hiện nay dù kinh tế và y tế có tốt hơn trước kia, nhưng để mà chăm sóc cho tỷ lệ người già cao như thế này thì chưa đáp ứng được nhu cầu. Trước đây chăm sóc người già do gia đình và cộng đồng, nhưng trong xã hội hiện đại thì xã hội sẽ phải gánh phần lớn, từ vai con cháu sẽ chuyển sang các tổ chức xã hội. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay thì những tiết chế như thế chưa phát triển. Chính vì thế gánh nặng gia đình chăm sóc, cộng đồng chăm sóc ngày càng nặng hơn".

Theo một số chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người già tăng vọt như vậy là do tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng từ 60 tuổi năm 1970 lên 76,6 tuổi hiện nay. Ngoài ra còn có nguyên nhân khác là tỷ lệ sinh giảm do chính sách hai con được thực hiện tại Việt Nam lần đầu năm 1960 ở miền Bắc là lần thứ hai vào năm 1990.

Cần giải bài toán an sinh xã hội

Giải bài toán dân số là vấn đề cần thiết hiện nay tuy nhiên liệu lãnh đạo Việt Nam có nhận ra được những thách thức lớn và hệ lụy về kinh tế, xã hội khi lực lượng lao động suy giảm và ngân sách phải tăng cho vấn đề an sinh xã hội ?

Trao đổi với RFA hôm 11/10, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng thư ký Viện Xã hội học Việt Nam, nhận định :

hoithoi2

Ảnh minh họa : Người cao tuổi tại Sài Gòn, ảnh chụp trước đây. AFP

"Chắc chắn các nhà quản trị đất nước cũng đã thấy rồi, đã chuẩn bị để thích ứng, dù những giải pháp không hẳn là tích cực, chẳng hạn như chuẩn bị cho người cao tuổi không chỉ là lực lượng trí tuệ của cộng đồng mà còn tiếp tục là lực lượng sản xuất. Bằng chứng là đang tìm cách kéo dãn tuổi nghỉ hưu. Chuẩn bị kịch bản tái thiết kinh tế để thích ứng với tình hình đó, phải có những hoạt động cấp tốc, tập trung tối đa, như để giảm dân số già thì tích cực đào tạo cho người lao động, tích cực chuyển đổi cơ cấu việc làm cho toàn xã hội…"

Theo Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình, Việt Nam không tận dụng được kỷ nguyên dân số vàng vì chuyển rất nhanh từ dân số trẻ sang dân số già, và người già Việt Nam hiện vẫn tự bươn chải kiếm sống, người già ở Việt Nam, những người có trí thức, có kỹ năng lao động thì hầu hết họ tự bươn chải. Lương chính thức của xã hội Việt Nam thấp nên người già đến tuổi nghỉ hưu vẫn phải làm.

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, tính đến nay đã gần 10 năm, trên thực tế hiện nay người cao tuổi về hưu ở Việt Nam được hỗ trợ gì từ chính phủ ? Để tìm hiểm thêm, RFA liên lạc Ông Nguyễn Đình Hòa, một cán bộ đã nghỉ hưu ở Hà Nội, và được ông cho biết về những trợ giúp cho người già, cán bộ nghỉ hưu mà ông đang được nhận :

"Nói chung những người về hưu ở đây được chăm sóc sức khỏe là bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… và đồng lương… thế thôi. Ngoài ra có chăm sóc gì đâu. Nếu là về hưu thì được 100% bảo hiểm y tế, nhưng bảo hiểm y tế Việt Nam thì chỉ phát đơn thuốc theo bảo hiểm thôi, bị các bệnh hiểm nghèo thì hầu như mua thuốc ngoài hết, chả có gì ưu tiên cả. Ngoài ra ở Hà Nội thì người trên 60 tuổi được đi xe buýt miễn phí trong 5 năm… nhưng già rồi đi đâu mà miễn phí… Ngoài đồng lương hưu họ còn bắt người già phải ủng hộ lũ lụt, 27/7, gia đình khó khăn…"

Theo một thống kê khác của The Economist thì ở Việt Nam hiện nay, lớp người trên 60 tuổi đang chiếm tỷ lệ khoảng 12% dân số, và tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng lên mức 21% vào năm 2040, một trong những tỷ lệ tăng nhanh nhất trên thế giới.

Một người dân ở Sài Gòn, hôm 11/10 chia sẻ với RFA về cuộc sống của những người cao tuổi trong gia đình anh :

"Nhà tôi ở Sài Gòn, tổng số người già nhà tôi có 4 người, cùng hộ khẩu thì có 3 người già, ba người già nhà tôi thì đều trên 80 tuổi, đều được trợ cấp của chính phủ như tiền già trên 80 tuổi thì được ba trăm mấy chục ngàn một tháng, ngoài ra còn có bảo hiểm y tế miễm phí, không phải trả gì hết. Tất nhiên những yêu cầu riêng như phòng lạnh thì mình phải trả, còn tiền thuốc bình dân hay nằm viện bình dân theo kiểu chung phòng, chung giường thì miễn phí. Tất nhiên những thuốc mạnh thì mình phải tự mua. Nếu mà không có tiền để dành hay không có con cái lương cao, thì với ba trăm mấy mỗi tháng chỉ đủ ăn xôi mỗi sáng thôi".

Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, để chuẩn bị đối phó những thách thức và hệ lụy liên quan dân số già, Việt Nam cần học kinh nghiệm của các nước đi trước. Trong đó phải đặc biệt quan tâm đến các quỹ như bảo trợ xã hội, quỹ lương hưu cho người già, quỹ chăm sóc người già, nhà dưỡng lão…

Việt Nam chỉ đơn giản là học hỏi theo thôi nhưng cần phải có chính sách thích hợp… Tuy nhiên bà lo lắng, liệu nghiên cứu xong thì nhà nước có đưa vào chính sách được hay không ? Và năng lực về kinh tế của Việt Nam có đáp ứng được hay không ? Vì theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, cần rất nhiều tài chính để cho các quỹ chăm sóc người già này hoạt động. Và, tất nhiên điều đó đồng nghĩa với việc nhà nước Việt Nam phải tăng ngân sách cho vấn đề an sinh xã hội, trong khi ngân sách mỗi năm đều bội chi… !

*****************

Vì sao "giấc mơ" căn hộ giá rẻ ngày càng xa vời ? (Lao Động, 12/10/2019)

Phân khúc căn hộ giá rẻ đang không có doanh nghiệp nào đầu tư vì lợi nhuận quá thấp, chi phí cao. Bên cạnh đó, thời gian phê duyệt dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh kéo dài mất nhiều năm, các vướng mắc của nhiều dự án chưa được giải quyết kịp thời. 

hoithoi3

Căn hộ giá rẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh đang ngày càng khan hiếm. Ảnh BD.

Theo ghi nhận của Phóng viên Lao Động, căn hộ giá rẻ (không phải nhà ở xã hội) có mức giá dưới 22 triệu đồng/m2 ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện rất hiếm và hầu như không có dự án nào đang bán với mức giá này.

Điển hình như một dự án ở phường Long Bình (quận 9), căn hộ 2 phòng ngủ diện tích 60m2 đang được chào bán 1,8 tỷ đồng, tức khoảng hơn 30 triệu đồng/m2.

Một dự án mới tại phường An Phú Đông, quận 12 cũng đang chào bán căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích 65m2 với giá 1,7 tỷ đồng, tức hơn 26 triệu đồng/m2.

Nhiều dự án khác tại các quận vùng ven như quận 7, quận 8, quận 9 cũng có mức giá chào bán từ 26-32 triệu đồng/m2, thậm chí những căn có vị trí đẹp giá còn cao hơn mức rao bán của chủ đầu tư.

hoithoi4

Căn hộ tại Thành phố Hồ Chí Minh đang được rao bán thấp nhất từ 25-30 triệu đồng/m2. Ảnh BD.

Theo bà Dương Thùy Dung - Trưởng bộ phận định giá, nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển CBRE Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều chủ đầu tư không còn mặn mà với việc xây dựng căn hộ giá rẻ, bởi lợi nhuận của phân khúc này thấp hơn rất nhiều so với các phân khúc khác.

Bà Dương Thùy Dung nhận định, giá bán căn hộ giá rẻ là mức thấp nhất trên thị trường, vì vậy các doanh nghiệp không thể tự nâng cao giá bán. Trong khi đó, phân khúc cao cấp giúp doanh nghiệp đạt mức tăng giá từ 15-20%/năm, nhưng phân khúc giá rẻ chỉ tăng tối đa được 5%/năm. 

"Mặt khác, giá đất tăng nhanh theo từng ngày, chi phí xây dựng cao và nhiều khoản chi phí đầu tư khác cũng tăng khiến các chủ đầu tư phát triển các dự án bình dân gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là lý do khiến căn hộ giá rẻ ngày càng khan hiếm trên thị trường" – bà Dương Thùy Dung chia sẻ.

hoithoi5

Chi phí xây dựng cao và nhiều khoản chi phí đầu tư khác cũng tăng khiến các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn. Ảnh BD.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng : "Hiện nay, căn hộ giá rẻ dưới 25 triệu/m2 đang rất khan hiếm. Nguyên nhân lớn nhất nằm ở tốc độ phê duyệt dự án của Thành phố Hồ Chí Minh rất chậm, việc các vướng mắc pháp lý của nhiều dự án còn chưa được giải quyết kịp thời và dứt điểm".

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, mặc dù nguồn cung căn hộ trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tăng, nhưng số dự án đủ điều kiện được Sở Xây dựng thành phố cấp phép bán sản phẩm ra thị trường chỉ có 8 dự án. Điều này cho thấy, thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đang có quá ít dự án bán sản phẩm ra thị trường trong quý III năm 2019.

Trần Khanh

*****************

Đề xuất căn hộ 25m2, Bộ Xây dựng muốn tạo ra những khu ổ chuột mới ? (RFA, 11/10/2019)

Căn hộ nhỏ - Mật độ dân số tăng

Bộ xây dựng bổ sung hạng mục trong dự thảo tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam cho phép diện tích tối thiểu căn hộ chung cư giảm từ 45m2 xuống còn 25m2 bất chấp cảnh báo và không tán thành của nhiều chuyên gia đô thị. Các chuyên gia cảnh báo nếu diện tích căn hộ chung cư 25m2 được phép xây dựng sẽ xảy ra tình trạng quá tải đô thị, hạ tầng và một khi tình trạng hậ tầng kỹ thuật, xã hội bị phá vỡ sẽ ảnh hưởng hạ tầng giao thông và liên đới đến cả việc cấp thoát nước đô thị -một vấn đề nan giải tại các khu đô thị hiện nay ở Việt Nam. Phớt lờ các cảnh báo, Bộ xây dựng đang quyết tâm "bật đèn xanh" cho doanh nghiệp thực hiện dự án này.

hoithoi6

Khu vực chung cư tại Hà Nội. (Ảnh minh họa )- AFP

Trước đây một năm, Bộ xây dựng đã từng có văn bản đồng ý khi một doanh nghiệp xin ý kiến xây dựng chung cư 25m2. Tuy nhiên trước sự phản ứng mạnh mẽ từ các chuyên gia xây dựng, kiến trúc sư và cả doanh nghiệp, câu chuyện về nhà chung cư 25m2 bị lắng lại và chìm xuồng. Một năm sau, Bộ xây dựng muốn "xới" lại chuyện cũ khi đưa vào dự thảo thông tin trên.

Trả lời với báo Vietnambiz.vn đăng ngày 4/10, ông Nguyễn Quốc Hiệp chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần đầu tư Bất động sản toàn cầu cho rằng, trước kia căn hộ cho phép tối thiểu 45m2 bây giờ cho xuống 25m2 thì số lượng sẽ tăng lên gấp đôi, mật độ dân số sẽ tăng đáng kể và nó ảnh hưởng đến chủ trương của các đô thị đang quản lý về dân số. Ngoài ra, việc xây căn hộ 25m2 chỉ phù hợp với các khu vực nhà ở xã hội và dành cho những hộ gia đình nghèo, có thu nhập thấp, khu đô thị xa trung tâm… như vậy không bị gánh nặng dân số đè lên còn tại các trung tâm thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì 45m2 là hoàn toàn hợp lý.

Trao đổi với RFA hôm 11/10, kiến trúc sư Trần Thanh Vân từ Hà Nội nhận định về việc này cho rằng, việc dân số nhiều không phải vì số lượng căn hộ nhỏ tăng lên, bà giải thích :

"Cách tổ chức, công ăn việc làm đã không tạo được điều kiện, tổ chức cuộc sống nó liên quan đến kiến thức, liên quan việc bố trí công ăn việc làm, nếu không có việc làm thì người ta sẽ chui vào những khu vực chật chội. Nói đâu xa ngay tại trung tâm Hà Nội một gia đình 9 người ở cùng nhau trong một căn phòng sát mặt đường với 11m2 và căn phòng đó chính là cửa hàng, mọi người còn lại phải chui lên gác lửng nhưng vì sao họ vẫn chấp nhận bởi vì họ muốn kiếm tiền, kiếm sống nên chui vào trong khu vực trung tâm để ở. Nên căn hộ chật hẹm sẽ thu hút được nhiều người thì điều đó hoàn toàn không đúng đâu".

Ngoài ra, bà Vân còn giải thích thêm rằng, nguyên nhân quá tải đô thị còn do người dân các tỉnh đổ về trung tâm thành phố quá nhiều.

"Tại Hà Nội có một số căn hộ chung cư cao cấp như là Vingroup hay Times City thì toàn là những người giàu tại khu vực các tỉnh thành mua cho con cái để về Hà Nội học, nhiều người con cái chỉ mới đang học phổ thông thôi cũng xin về Hà Nội học trái tuyến và sẵn sàng nộp thêm tiền trái tuyến, các con cái đều có căn hộ riêng tại những khu vực đó. Cho nên không phải vì căn hộ nhỏ là thu hút được nhiều người. Đó là sự thiếu hiểu biết của những người tổ chức bởi vì tại sao lại cho xây dựng nhà tại khu vực đông này, đáng lẻ ra cần một nơi thoáng rộng cho phép làm nhà cao tầng nên đó là cái sai của người quản lý thành phố".

Còn theo góc nhìn của ông Trần Bang, một kỹ sư xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng, nhu cầu về nhà ở căn hộ nhỏ là có thật, một khi có nhu cầu thì buộc phải đáp ứng nhưng điều quan trọng là những nhà hoạch định chính sách phải nhìn xa, phải dự kiến được mặt lợi và hại cho cộng đồng chứ đừng có thỏa mãn bừa bãi thì mọi thứ coi như chấm hết.

"Theo tôi nhu cầu 25m2 là có thật nhưng anh phải tính toán trước được rằng nếu anh có 1000m2 đất mà lại duyêt cho xây đến 900m2 đất luôn tức 90%, rồi cho lên tối đa 30 tầng, rồi chặt nhỏ ra 25m2/căn thì số lượng người tăng nhưng mà nếu vẫn diện tích 1000m2 đó mà chỉ duyệt xây khoảng 60% chẳng hạn, số tầng khống chế chỉ độ 10 tầng thì số lượng người so ra vẫn ít nên không phải không đáp ứng được nhu cầu vẫn được thôi. Chứ đừng tận dụng hết 1000m2 xây lên xong từ khu vực chỉ 500 hộ dân biến thành 5000 hộ thì lại thành quá tải và về lâu về dài nó thành cái ổ chuột mà phá đi thì lãng phí".

Tầm nhìn xa cho đô thị hiện đại

Căn hộ được hiểu là một không gian sống và phải đầy đủ các chức năng bao gồm phòng khách, phòng bếp, nhà vệ sinh, phòng ngủ với chức năng đồng bộ khép kín. Do đó, toàn bộ chức năng này đồng bộ trong căn hộ 25m2 liệu có hợp lý không ?

hoithoi7

Không gian bên trong một căn hộ. (Ảnh minh họa) AFP

Ông Vũ Kim Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Hải Phát Land phát biểu với truyền thông trong nước rằng : "Căn hộ 25m2 để định cư lâu dài cũng không đúng với yêu cầu ở hiện tại, chỉ có thể phát triển cho thuê sẽ phù hợp hơn khi hướng đến đối tượng sinh viên, người mới ra trường, gia đình có thu nhập thấp ở được tối đa 2 người. Căn hộ 25m2 sẽ tăng được tính lựa chọn cho khách hàng nhưng bản chất chỉ giải quyết được nhu cầu ngắn hạn, còn về lâu dài thì ai cũng muốn ở căn hộ có diện tích rộng hơn".

Từ ý kiến của ông Giang, một anh kiến trúc sư không muốn nêu tên từ Sài Gòn đồng tình và đưa ra nhận xét thêm :

"Bản thân mình đang sống trong một căn hộ khoảng 50m2, có hai phòng ngủ, 1 bếp, 1 phòng khách và 1 toilet thì theo mình đó là tiêu chuẩn tối thiểu mà 1 căn hộ có thể có được. Đó là căn hộ 2 phòng ngủ nhà còn nếu 1 phòng ngủ thì bạn có thể trừ đi 10m2 thì còn khoảng 40m2 nên nếu 1 phòng ngủ thì căn hộ tối thiểu 40m2 là hợp lý".

Anh kiến trúc sư nói tiếp "Như mình thấy nó sai từ lúc ban đầu tức là kiến trúc nó phải đi từ quy hoạch đô thị đi đến tổng mặt bằng, rồi đến không gian kiến trúc và mới đi tới nội thất. Còn đây ngay từ đầu mình đã nhảy vào không gian nhỏ xíu như vậy rồi, kiểu như sự lựa chọn sai lầm từ đầu. Đương nhiên người dân thì không có nhiều lựa chọn vì cuộc sống, vì kinh tế thì bắt buộc họ phải tới một nơi như vậy để sinh sống. Tại sao ngay từ đầu không làm một điều gì đó đủ tiêu chuẩn cho người dân để sau ngày người ta không cần giải quyết vấn đề nội thất".

Một bạn nữ sống tại Sài Gòn nói với chúng tôi rằng, đối với cá nhân chị thì diên tích 25m2 là hợp lý nhưng nó chỉ dành cho người độc thân. Tuy nhiên chị lo ngại : "Em chỉ lo ngại rằng là những căn hộ 25m2 đó mà không quy định số lượng người ở trong cùng một căn, nếu để quá nhiều người trong cùng một căn thì cái khu vực chung, khu vực sinh hoạt công cộng thì nó không đủ.

Theo ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia xây dựng và người dân thì hầu như mọi người đều cho rằng, nhu cầu về căn hộ nhỏ giá rẻ cũng thật sự cần nhưng nếu các nhà quản lý hạ tầng cũng như cơ quan chính quyền không quy hoạch, tính toán từ đầu thì tình trạng quá tải tại các khu đô thị sẽ chắc chắn xảy ra, chưa kể hàng loạt hệ lụy đi kèm…

Như Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Hà Nội nói vấn đề nhà chung cư diện tích tối thiểu nên có tầm nhìn 50 năm chứ không thể thiển cận được…

****************

Nước sinh hoạt có mùi "lạ" người dân Hà Nội lo lắng (RFA, 11/10/2019)

Nhiều khu vực dân cư tại Hà Nội phát hiện nước sinh hoạt có mùi "lạ" được cho biết giống mùi nước trong hồ bơi, đã tỏ ra lo ngại về điều này.

hoithoi8

Một gốc thành phố Hà Nội. AFP

Truyền thông trong nước loan tin hôm 11/10 cho biết người dân tại một số khu vực phản ánh.

Theo tin của Vietnamplus, một số người dân sinh sống tại khu vực phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, nước sinh hoạt có mùi "lạ" xuất hiện từ ngày 10/10. Người dân cho hay khi nước chảy ra từ vòi có mùi khó chịu, giống mùi hóa chất.

Người dân tại khu vực này tỏ ra lo lắng vì tình trạng nước có mùi hôi nồng nặc, thậm chí nhiều người không dám dùng nguồn nước này để sinh hoạt hằng ngày như nấu cơm, rửa tay và thậm chí vệ sinh cá nhân…

Ngoài hai phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung thì còn một số khu vực khác như Hoàng Liệt, Định Công quận Hoàng Mai, Phương Canh quận Nam Từ Liêm… cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Hiện cơ quan chức năng địa phương đã tiến hành lấy mẫu nước đem đi xét nghiệm.

Trong tháng 7/2019, hàng nghìn hộ dân ở nội và ngoại thành Hà Nội cũng phải chịu cảnh sử dụng nước sinh hoạt nhiễm bẩn khi trong nước không chỉ có màu khác lạ mà còn có cả dị vật.

Vào thời điểm đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội giải thích do nguồn nước cung cấp cho người dân Hà Nội hiện nay chủ yếu là nước ngầm. Ô nhiễm nguồn nước ngầm chính là nguyên nhân khiến cho nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân không được đảm bảo và nguy cơ sử dụng nước bẩn luôn nằm trong tình trạng báo động.

******************

Rác chất thành núi, hôi thối khủng khiếp, ở Hội An (Người Việt, 11/10/2019)

Bị dân ngăn chặn, bãi rác lớn nhất tỉnh Quảng Nam tạm dừng hoạt động nên lượng rác thải ở thành phố Hội An càng ứ đọng, trong khi bãi rác Cẩm Hà của địa phương lại hết chỗ chứa từ/10/2018, khiến rác chất thành núi.

hoithoi9

Rác chất thành núi ở bãi rác Cẩm Hà, thành phố Hội An. (Hình : Tuổi Trẻ)

Nói với báo VNExpress ngày 11/10/2019, đại diện Công Ty Cổ Phần Công Trình Công Cộng Hội An, cho biết hiện nay bãi rác Cẩm Hà, phường Cẩm Hà, thành phố Hội An, đang phải "gánh" hơn 70,000 tấn rác tồn đọng, bởi nơi tiếp nhận và xử lý rác Tam Xuân 2 ở huyện Núi Thành bị người dân chặn từ ngày 27 Tháng Bảy đến nay.

"Mỗi ngày Hội An thải ra khoảng 100 tấn rác nên lượng rác tồn đọng của hơn hai tháng qua là 7.300 tấn. Cùng với lượng rác cũ trước đây để lại nên bãi rác Cẩm Hà bị quá tải nghiêm trọng. Đến thời điểm này, bãi rác này ứ đọng hơn 70.000 tấn", vị đại diện công ty nói.

Theo báo Tuổi Trẻ, rác chất thành núi, nhìn từ xa những núi rác cao hơn bờ tường bao quanh nhiều mét. Mùi hôi khủng khiếp phát ra từ bãi rác này, khiến người dân sinh sống ở xã Cẩm Hà phải chịu ô nhiễm nặng nề nhất.

hoithoi10

Mỗi ngày bãi rác này ứ đọng khoảng 100 tấn. (Hình : Tuổi Trẻ)

"Mỗi lần gió thổi thì dân cư xung quanh bị mùi hôi thối bay vào nhà tra tấn. Nước từ bãi rác chảy ra ngấm vào đất khiến nguồn nước ngầm vùng này cũng ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm gia đình trong khu vực xung quanh", ông Nguyễn Diên, một người dân sống cách bãi rác Cẩm Hà 500 mét nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hội An, cho biết thành phố đã họp với các cơ quan hữu trách nhưng chưa có giải pháp nào xử lý dứt điểm tình trạng này.

"Trước đây, rác thải mang về được xử lý bằng cách đốt cháy nhưng sau đó, tỉnh Quảng Nam đồng ý cho Hội An xây dựng lò đốt rác với công suất 100 tấn một ngày. Tuy nhiên từ tháng 5/2016, lò đốt rác vận hành nhưng chỉ đạt công suất 35 tấn/ngày nên không được tỉnh nghiệm thu. Đến/10/2018, thì ngừng hoạt động do thiết bị thường xuyên hư hỏng", ông Sơn cho biết.

Trả lời báo chí Việt Nam về giải pháp lâu dài, ông Sơn chỉ nói chung chung : "Thành phố giao Phòng Tài nguyên và môi trường Hội An, tham mưu xây dựng đề án về xử lý rác thải trình Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất để xem xét, ban hành nghị quyết thực hiện". (Tr.N)

Published in Việt Nam