Ông Tập lại nhắc Việt Nam về phương châm ‘16 chữ’, ‘4 tốt’, ‘củng cố phòng tuyến tư tưởng’
VOA, 28/04/2023
Bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, vừa có cuộc tiếp kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ông Tập căn dặn bà Mai rằng trước môi trường quốc tế "sóng to gió lớn", hai bên Trung-Việt cần phải giữ phương châm "16 chữ" và tinh thần "4 tốt", thúc đẩy xây dựng cộng đồng "cùng chung vận mệnh Trung-Việt".
Truyền thông Trung Quốc loan tin rằng khi tiếp bà Mai hôm 26/4, ông Tập nhờ bà chuyển lời thăm hỏi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và nhấn mạnh rằng "trước môi trường quốc tế sóng to gió lớn và nhiệm vụ cải cách, phát triển và ổn định của mỗi nước, hai bên Trung-Việt cần phải giữ phương châm "16 chữ" và tinh thần "4 tốt", đó là "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", và "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Trung Quốc còn kêu gọi thúc đẩy xây dựng cộng đồng "cùng chung vận mệnh Trung-Việt dốc sức vào sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại, kiên trì trang bị lý luận khoa học chủ nghĩa Mác, nắm chắc thế mạnh chính trị lớn mạnh này, đi sâu giao lưu và học hỏi lẫn nhau, củng cố phòng tuyến tư tưởng, chung tay thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa", theo đài phát thanh CRI của Trung Quốc.
Báo Nhân Dân của Đảng cộng sản Việt Nam dẫn lời bà Mai đáp lại ông Tập rằng Việt Nam "luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu" phát triển quan hệ với Trung Quốc theo phương châm "16 chữ" và tinh thần "4 tốt".
Bà nói thêm rằng Việt Nam "sẵn sàng" cùng Trung Quốc thực hiện tốt nhận thức chung quan trọng đạt được giữa nhà lãnh đạo tối cao của hai Đảng, đồng thời thúc đẩy kết nối hợp tác "Hai hành lang, một vành đai" với việc cùng xây dựng "Vành đai và con đường", thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước và "sự nghiệp xã hội chủ nghĩa", theo đài CRI.
Bà Mai, người vừa kết thúc chuyến công du Trung Quốc từ ngày 25 đến 28/4, cũng khẳng định rằng Việt Nam "luôn tuân thủ" chính sách Một Trung Quốc và kiên quyết ủng hộ nỗ lực thống nhất đất nước của Bắc Kinh, theo Tân Hoa Xã.
Bà Mai, đồng thời là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, người được cho là nhân vật quyền lực thứ hai sau Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trong, cũng chứng kiến việc Ban Tổ chức Trung ương của bà ký bản ghi nhớ hợp tác với Ban Tổ chức Trung ương Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái của ông Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ra tuyên bố chung về tăng cường quan hệ. Trong chuyến thăm này, ông Tập cũng nhắc ông Trọng về phương châm "16 chữ" và tinh thần "4 tốt".
Chuyến thăm của bà Mai diễn ra khi Trung Quốc vừa ban bố lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông trong mùa hè năm nay. Hôm 20/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc đã không chỉ "xâm phạm chủ quyền" của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, mà còn vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Truyền thông Việt Nam dường như không nêu bất kỳ chi tiết nào về tranh chấp chủ quyền biển đảo, hay đề cập đến lệnh cấm đánh bắt của Bắc Kinh trong chuyến công du đến nước láng giềng phương bắc của nữ Thường trực Ban Bí thư.
*******************************
Ông Võ Văn Thưởng : sắp xử thêm nhiều vụ án tham nhũng
VOA, 28/04/2023
Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng nói với các cử tri tại Đà Nẵng vào chiều ngày 27/4 rằng chính quyền sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh với tham nhũng một cách toàn diện và sắp tới ‘sẽ có thêm nhiều vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử’.
Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng phát biểu trước các cử tri Đà Nẵng (Ảnh chụp màn hình danang.gov)
Ông Thưởng, vốn cũng là đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà để chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm của Quốc hội, trang mạng VOV cho biết.
"Còn nhiều vụ việc đang tiếp tục làm, sẽ sớm có thông báo và sớm đưa ra xét xử", ông Thưởng được tờ Pháp luật dẫn lời nói.
Chủ tịch nước Thưởng khẳng định Đảng sẽ chống tham nhũng ở cả Trung ương tới các địa phương, cả tham nhũng lớn và tham nhũng vặt, cả cán bộ đương chức lẫn những người đã về hưu theo tinh thần ‘không có vùng cấm’, theo tường thuật của tờ Pháp luật.
Ông nói ‘sẽ không có chuyện hạ cánh an toàn’ và nếu trong thời gian đương chức, cán bộ đã có hành vi thanh nhũng thì sẽ bị truy ra để xử lý.
Thời gian qua, Đảng cộng sản đã kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo là bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, thứ trưởng sau khi những vị này đã về hưu.
Bên cạnh xử lý các cán bộ tham nhũng thì các cán bộ lãnh đạo để xảy ra tham nhũng ở cấp dưới của mình cũng sẽ bị xử lý, ông Thưởng được dẫn lời nói, vì họ ‘không làm hết trách nhiệm, lãnh đạo chưa sâu sắc’.
Đảng cộng sản Việt Nam gần đây đã bắt đầu xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng ở cơ quan của mình, điển hình như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam đã phải từ chức khi xảy ra tham nhũng trong nhiệm kỳ chính phủ do các ông lãnh đạo.
Trả lời câu hỏi của các cử tri rằng tại sao Đảng càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều, ông Thưởng lý giải rằng đó là do Đảng’ quyết tâm làm mạnh thì phát hiện nhiều’ và các vụ việc tham nhũng ‘đều được công khai cho toàn dân biết’, theo trang mạng VOV.
Trước câu hỏi xử lý cán bộ tham nhũng nhiều sẽ dẫn đến thiếu cán bộ, ông Thưởng được VOV dẫn lời nói ông ‘không sợ thiếu’ vì ‘từ bài học một số địa phương, bộ, ngành sau khi xử lý cán bộ vi phạm và thay thế cán bộ mới thì đều đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ’.
Ông nhấn mạnh chính quyền ‘sẽ cố gắng làm tốt hơn việc thu hút người tài, tâm huyết, trách nhiệm vào bộ máy nhà nước’.
"Cần thay thế thế kịp thời cán bộ không đủ năng lực, uy tín thấp, không chờ hết thời hạn bổ nhiệm", ông Thưởng được dẫn lời nói.
*************************
Loạn showbiz, Việt Nam cân nhắc trấn áp mạnh tay
VOA, 28/04/2023
Nhà chức trách Việt Nam sẽ trừng phạt các nghệ sĩ dính chàm bằng biện pháp ‘ba cấm’, tức cấm diễn, cấm sóng, cấm quảng cáo, kể từ tháng 10 tới để làm trong sạch lại giới showbiz trong nước vốn đang bị bê bối bủa vây, theo tìm hiểu cùa VOA.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mới đây bị chỉ trích vì tự xưng là 'Vua' trong dự án phim tiểu sử bản thân (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Giới showbiz ở Việt Nam trong thời gian gần đây bị dính hàng loạt tai tiếng, từ cáo buộc ăn chặn tiền từ thiện, quảng cáo thuốc sai sự thật, tung tin thất thiệt, phát ngôn gây sốc, quỵt tiền, vỡ nợ, sử dụng chất kích thích, buôn bán ma túy cho đến bị tố cáo hiếp dâm ở nước ngoài.
Biện pháp ‘ba cấm’ mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa thông qua trong Kế hoạch triển khai Chiến lược phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nhắm tới các nghệ sĩ và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục và gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội, trang mạng VOV cho biết.
Các biện pháp cấm trên khắp các nền tảng này gợi nhắc đến ‘phong sát’ – cách làm của Trung Quốc phong tỏa toàn diện đối với bất cứ nghệ sĩ nào có tỳ vết, không cho họ còn không gian để xuất hiện trước công chúng.
Theo VOV thì biện pháp này của Bộ Thông tin và Truyền thông ‘nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận’ nhằm tránh cho giới trẻ bị tác động xấu từ giới showbiz.
Quy trình thực hiện biện pháp này đang được Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, phối hợp với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời bà Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho biết.
Khác với ‘phong sát’ của Trung Quốc là cấm luôn, Việt Nam sẽ cấm có thời hạn 3 tháng, 6 tháng, 8 tháng, 10 tháng hay 24 tháng tùy theo mức độ vi phạm, bà Ly được Tuổi Trẻ dẫn lời nói.
Các vi phạm sẽ được một tổ công tác của hai bộ này xem xét, từ đó khuyến nghị đến các cơ quan truyền thông, các đơn vị tổ chức biểu diễn và các công ty để họ không mời các nghệ sĩ vi phạm, cũng theo bà Ly.
Tại buổi tọa đàm về thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng được tổ chức ở Hà Nội hôm 19/4, người mẫu Hạ Vy và diễn viên trẻ Hàn Trang được trang mạng VnExpress dẫn lời nói họ ủng hộ làm mạnh tay với những nghệ sĩ nhúng chàm nhưng ‘đừng đến mức phong sát’.
VOA đã liên lạc một số nghệ sĩ và nhà quản lý văn hóa trong nước để hỏi ý kiến về việc này nhưng tất cả đều từ chối trả lời.
‘Cần lập lại trật tự’
Trao đổi với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh với điều kiện giấu tên vì sợ mất lòng người trong giới, một nhà báo theo dõi mảng văn nghệ nói ông ‘rất đồng tình’ với biện pháp mạnh tay để lặp lại trật tự trong giới nghệ sĩ mà ông cho là ‘hiện rất loạn’.
"Trước giờ toàn giơ cao đánh khẽ nên các nghệ sĩ không sợ. Họ cứ làm bừa. Báo chí có phê bình nhưng sau đó một thời gian thì họ lại quên đi", nhà báo này chỉ ra.
Bên cạnh đó, việc khán giả Việt Nam ‘quá dễ dãi’, theo lời nhà báo này, càng khiến cho những nghệ sĩ làm sai ‘cứ mặc kệ, thậm chí họ còn lợi dụng chiêu trò bẩn để càng thêm nổi tiếng’.
"Khán giả cứ tẩy chay một thời gian rồi sau đó nghe họ hát, xem họ diễn trở lại thì họ đâu có sợ", ông giải thích.
Ông dẫn chứng việc một số nghệ sĩ ‘bản thân không hề biết gì về dược lý mà lại lên mạng quảng cáo tầm bậy tầm bạ thuốc chữa mỡ bụng chẳng hạn’. "Họ đem tên tuổi mình ra đảm bảo, khán giả cứ thấy nghệ sĩ quảng cáo là họ tin, họ mua", ông nói.
"Bây giờ có những bạn trẻ chỉ cần có ngoại hình, giọng ca trung bình, vô phòng thu thu một bài hát nào đó đang nổi rồi thảy lên YouTube hay TikTok hay tham gia gameshow trên truyền hình là ngày mai nổi tiếng ngay", nhà báo giấu tên này nói thêm và gọi những người này là ‘nổi tiếng ảo’.
Việc nổi tiếng nhờ chiêu trò, đánh vào thị hiếu dễ dãi này, theo ông, là ‘rất không công bằng cho những người làm nghề tử tế’.
"Có những nghệ sĩ phải qua đào tạo trường lớp mấy năm, khi mới ra nghề còn phải chật vật chạy Grab kiếm sống để tối còn lên sân khấu biểu diễn. Họ yêu nghề, bền bỉ với nghề với hy vọng một ngày nào đó được công chúng để ý", ông cho biết.
Bên cạnh đó, quy chế phong tặng danh hiệu nhà nước như ‘Nghệ sĩ Nhân dân’, ‘Nghệ sĩ Ưu tú’ lâu nay chỉ xét đến số lượng huy chương tại các hội diễn khiến cho ‘một số nghệ sĩ có đời sống cá nhân be bét cũng được trao danh hiệu’, ông chỉ ra.
"Có thưởng, có trao danh hiệu thì phải có phạt", ông lập luận. "Hình ảnh người nghệ sĩ đã trở nên ngày càng lố bịch khiến khán giả không còn thương, không còn nể gì hết mà nếu không có biện pháp mạnh thì sẽ càng tuầy huầy hơn".
Tuy nhiên, ông cho rằng không nên rập khuôn ‘phong sát’ kiểu Trung Quốc vì như vậy thì ‘quá nặng nề’, mà chỉ nên cấm có thời hạn hay thu hồi lại danh hiệu đã phong tặng.
"Bản thân người nghệ sĩ chỉ cần không được đứng trên sân khấu, không được lên hình trong 6 tháng 1 năm là đã quá đau rồi", ông lý giải và dẫn ra trường hợp nghệ sĩ hài Minh Béo, vốn bị kết tội ấu dâm ở Mỹ, về nước đã phải rất khổ sở tìm lại chỗ đứng vì bị các sân khấu và đài truyền hình tẩy chay.
"Ở Việt Nam, Minh Béo không bị tòa nào kết án hết nhưng vẫn phải rời khỏi cuộc chơi chuyên nghiệp", ông nói.
Nhà báo này đề xuất xây dựng một bảng quy tắc cụ thể - từng vi phạm sẽ bị cấm tương ứng trong bao lâu. Việc đó cũng nhằm tạo điều kiện cho những nghệ sĩ lầm lỡ ‘có cơ hội quay đầu’, ông nói thêm.