Youtube xóa hơn 1000 clips bôi nhọ lãnh đạo (RFA, 18/04/2017)
Cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2000 clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên YouTube và cho đến nay đã có hơn 1000 clip đã bị xóa.
Youtube là một trong những kênh chuyển tải thông tin thông dụng. Ảnh chụp một người dùng Youtube trên smart phone tại Paris hôm 27/1/2010. AFP photo
Thông tin vừa nêu được Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn thông báo trong buổi chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vào chiều thứ Ba, ngày 18 tháng 4.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu về xử lý các trang mạng giả mạo các lãnh đạo và tung tin thất thiệt như thế nào, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Luật pháp của Việt Nam có đủ điều kiện xử phạt các hành vi vi phạm và đã xử phạt 10 trường hợp, tính từ đầu năm 2017. Đối với các trường hợp không xác định được nhân thân, cơ quan chức năng của Việt Nam sử dụng Thông tư 38 để xử lý những trường hợp vi phạm trên các trang mạng xã hội như Google, YouTube và Facebook.
Ông Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông cũng cho biết đang làm việc với Giám đốc nội dung của Facebook để yêu cầu gỡ bỏ các trang mạng mạo danh lãnh đạo đăng tải trên trang mạng xã hội này.
************************
Bị áp lực, Việt Nam buộc phải thu hồi lệnh cấm 5 ca khúc trước 1975 (VOA, 18/04/2017)
Trước phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội, ngày 14/4, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Vương Duy Biên gửi công văn tới Cục nghệ thuật biểu diễn yêu cầu thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 vì lý do "không đủ cơ sở".
Một ca khúc trong Tân Nhạc
Theo báo Tuổi Trẻ, cũng hôm 14/4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch "không tùy tiện cấm ca khúc xưa" trước thông tin dư luận bức xúc về quyết định của Cục Nghệ thuật biểu diễn, thu hồi 5 bài hát sáng tác trước năm 1975.
Nhận xét về việc rút lại lệnh cấm này, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng từ Bỉ viết trên trang mạng xã hội rằng : "Phản ứng dữ dội và đồng loạt của lề dân thông qua Facebook, vụ việc dần dần lấn sang lề đảng và nhà cầm quyền đã đi đến quyết định khá khôn ngoan sáng suốt… Ai cũng thấy tính cách phi lý, bất cập về hành xử của lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, phát xuất từ thứ tư duy giáo điều, máy móc, vô văn hóa đến độ kệch cởm, quái dị của họ".
Theo trang mạng news.Zing.vn, ông Biên yêu cầu các tập thể, cá nhân tham mưu việc tạm dừng 5 bài hát nêu trên phải "kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc".
Tuy nhiên, Cục Nghệ thuật biểu diễn nói họ sẽ vẫn phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu và báo cáo tới Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch để hoàn thiện văn bản pháp luật "về công tác quản lý, cấp phép phổ biến đối với các bài hát sáng tác trước năm 1975 và các nhạc phẩm do người Việt Nam định cư tại nước ngoài sáng tác".
Giáo sư Hưng và nhiều Facebooker khác yêu cầu Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương, người đã ban hành lệnh tạm dừng năm ca khúc hôm 13/3, phải từ chức.
Năm ca khúc được sáng tác trước 1975 bị tạm dừng lưu hành gồm có : Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), và Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương).
Hôm 4/4, ông Chương còn khẳng định với báo chí rằng 5 ca khúc trước năm 1975 "sẽ chính thức bị cấm lưu hành vĩnh viễn do bị sai về mặt bản quyền vì bị sửa lời".
Báo Người Lao động đặt câu hỏi bày tỏ hoài nghi về quyền hạn của cơ quan chức năng : "Tại sao Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải cấp phép phổ biến cho ca khúc sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam và của tác giả người Việt sinh sống ở nước ngoài ? Câu hỏi này chưa ai trả lời, kể cả cơ quan cấp phép là Cục Nghệ thuật biểu diễn. Chẳng rõ cơ quan quản lý đề ra quy định này để làm gì nhưng những diễn biến thời gian qua cho thấy chính các quy định không hợp thời đó đã gây cho các nhà quản lý sự rối rắm".
Báo Tuổi trẻ viết : "Gần một tháng trời, tâm trạng xã hội bị khuấy động cả theo chiều hoang mang lẫn bực tức".
Bà Nguyễn Thế Thanh, cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Thành phố Hồ Chí Minh viết trên báo Tuổi trẻ : "Âm nhạc tự thân nó là một phương cách để người ta nhớ nhung quá khứ của mình, cho dù quá khứ ấy không phải lúc nào cũng êm đềm…".
Bà Thanh viết tiếp : "Điều cần nhất, sâu sắc hơn, lâu dài hơn khi ứng xử với các ca khúc trước năm 1975 chính là cần suy nghĩ thật nghiêm túc, thật khách quan, thật bao dung để đưa ra nguyên tắc quản lý các ca khúc trước 1975 một cách thấu tình nhất".
Sau khi lệnh cấm được ban hành, nhà vận động nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển nói với VOA : "Thật ra không phải muốn cấm là cấm. Bởi vì sau năm 1975, họ cấm người ta vẫn hát. Sau khi họ cấm thì tôi lại hát nhiều hơn".
Một độc giả VOA tên là Oklahoman nhận xét về nhạc sáng tác trước 1975 như sau : "Tất cả các tác phẩm văn hóa ở miền nam trước 1975 là những tác phẩm xuất phát từ lòng người. Nó là những ý tưởng thực tại sống động, và nó sống theo thời gian, vì nó không mang tính chất tuyên truyền cho những thế lực chính trị".
Nhà báo Lâm Minh Trang của báo Tuổi trẻ kêu gọi chính quyền nên công bằng với cả các ca khúc do người Việt sinh sống ở hải ngoại sáng tác sau năm 1975 : "cũng đến lúc cần có những nhận định, đánh giá công bằng với dòng văn nghệ được sáng tác sau năm 1975 trong cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở hải ngoại".
Rác là một vấn đề nan giải tại Việt Nam. Rác có mặt khắp mọi nơi, từ mặt sông cho đến mặt đường, từ thành phố đến thôn quê. Dường như đi đâu cũng gặp rác và hễ có rác thì có ruồi nhặng, xú khí và bệnh tật. Rác cùng với mùi xú khí, bệnh tật tràn lan mọi nơi như một thứ đặc trưng của xã hội thời đại. Tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nặng hơn.
Đi đâu cũng gặp rác và hễ có rác thì có ruồi nhặng, xú khí và bệnh tật.
Ông Trần Hồng Khánh, thôn Văn Hà 2, xã Quảng Văn, Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, chia sẻ với VOA : "Hợp đồng rác là 1 xe rác 1 tháng nộp 170 ngàn đồng. Nhưng nhiều người họ đổ ngoài, không vào trong để khỏi phải nộp phí, đỡ tiền bến bãi. Từ đó dẫn đến tình trạng ô nhiễm dọc đường nhiều, hỗn loạn chỗ đó".
Bà Phạm Thị Thoang, xã Quảng Văn, cho biết : "Bãi rác này mỗi lần đốt thì khói, mùi bay ra khắp thôn xóm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mọi người, trẻ con rất khó chịu, ho, sổ mũi, nhức đầu... Người lớn cũng không tránh khỏi".
Bãi rác thị xã Ba Đồn nằm ở vị trí khá cao, bên cạnh con sông chảy qua các xã Quảng Lưu, Quảng Văn. Người dân dùng nước sông để nấu nướng, tắm táp, giặt giũ.
Bà Phan Thị Cúc, một cư dân khác trong xã, bức xúc : "Nước ngấm từ bãi rác chảy xuống đê của xã Quảng Lưu đen xì, nước trong bể đen ngòm, ô nhiễm không uống được, phải chở nước bình về uống. Tôi có bầy bò, trước vẫn bình thường, ăn uống, sinh đẻ bình thường. Nhưng năm ngoái, chúng ăn ở gần bãi rác chết cả bầy 8 con. Nhưng không ai đền bù gì cả. Gia đình tôi đã phải thế chấp khế ước nhà để vay hơn hai trăm triệu để mua bầy bò đó mà.".
Ruồi nhặng xuất hiện dày đặc ở khu dân cư gần bãi rác, không khí và nguồn nước ô nhiễm, nhà nhà đóng cửa, giăng mùng suốt ngày để tránh ruồi nhặng.
Bà Phan Thị Cúc tiếp lời : "Màn trắng thành màn đen vì ruồi bu quá nhiều. Đến bữa ăn thì phải bỏ màn vì ruồi nhặng bu đầy. Cái gì họ cũng đổ ở bãi rãi, trâu bò chết họ cũng bỏ đó, cá chết dưới biển, họ cũng mang lên đây đổ cả xe".
Không riêng gì ở bãi rác trong thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, mà phần lớn các bãi rác tại Việt Nam đều rất tệ hại bởi thiếu khâu xử lý một cách khoa học. Rác không được phân loại và không có nhà máy xử lý, đổ lộ thiên. Người ta kinh doanh rác bằng cách qui hoạch khu đất nào đó thành bãi rác, sau đó đánh thuế 150 ngàn đồng trên mỗi xe rác. Trong tình trạng này, rác vẫn cứ là rác, thay vì rác nằm ngoài sông, ngoài đường rải rác, thì rác về chất thành núi, thành những quả bom rác chất ngất ở một nơi nào đó. Rác chất càng cao, tiền thu được càng nhiều, rác cũng là quả bom tiền cho kẻ biết nắm lấy cơ hội".
Trường hợp rác gây ô nhiễm nặng, gia súc, gia cầm bị chết, người bị nhiễm bệnh do bom rác gây ra không phải là hiếm. Và câu chuyện gia đình bà Cúc bị chết tám con bò trong một ngày sau khi chúng đi ăn gần bãi rác cũng không phải là chuyện cá biệt khi mà rác đã thực sự tích tụ thành núi, thành những quả bom môi trường. Bom rác nở rộ như nấm sau mưa, người dân phải đề xuất phương án xử lý thay cho cơ quan chuyên môn.
Miền Trung vừa bị nhiễm độc biển, luôn bị những quả bom nước các thủy điện đe dọa vào mùa mưa. Và giờ lại thêm những quả bom rác tàn phá vào mùa nắng. Có vẻ như môi trường miền Trung đang bị tứ bề trùng vây.