RFA, 08/08/2022
Thông tin chi tiết của 100.000 tài khoản ngân hàng tại Việt Nam, bao gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng, mã số thẻ ngân hàng, số dư tài khoản… đang bị rao bán với giá 500 USD.
FP
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 8/8 đồng thời cho biết người rao bán thông tin trên là một thành viên có tên ARES_BF_ACCOUNT.
Người này trong bài đăng của mình trên diễn đàn Br*.to chia sẻ hình ảnh minh họa về dữ liệu mà người này đang nắm giữ, cho thấy có chứa thông tin chi tiết của nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng ở Việt Nam.
Hiện, theo truyền thông Việt Nam, vẫn chưa rõ thành viên này đã lấy thông tin, dữ liệu của 100 ngàn người Việt từ những ngân hàng nào. Nhưng nhiều chuyên gia cho biết trên tờ VnEconomy rằng nhiều khả năng đây là thông tin của những khách hàng giao dịch tại ngân hàng, khách hàng vay tiền của các tổ chức tín dụng khi mua sắm tại các hệ thống bán lẻ, hay các trang thương mại điện tử.
Trước đó, hôm 8/7, trên một diễn đàn hacker, một thành viên rao bán dữ liệu cá nhân của 30 triệu người Việt với giá 3.500 USD, kèm thông tin bao gồm tên đăng nhập, email, số điện thoại, họ tên đầy đủ, ngày sinh, trường học và địa chỉ… và dữ liệu mới được lấy trong tháng 7/2022 từ một website trường học phổ biến ở Việt Nam. Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra.
Cũng trong năm 2022, hôm giữa tháng 5, trên diễn đàn "R***forums", một hacker khác đã rao bán thông tin cá nhân của gần 10.000 người Việt Nam, bao gồm ảnh chụp giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân ảnh/ video selfie, địa chỉ, số điện thoại và email.
Cũng trong ngày 8/8, tại kết luận phiên họp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện chuyển đổi số thời gian qua. Qua đó, ông Chính yêu cầu cần đẩy mạnh kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hình thành Hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, chính xác.
Ông cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
*********************
Chính phủ Việt Nam giảm một nửa mức thuế nhập khẩu ưu đãi đánh vào xăng
VOA, 08/08/2022
Chính phủ Việt Nam loan báo hôm 8/8 rằng họ vừa quyết định giảm một nửa mức thuế nhập khẩu ưu đãi đánh vào xăng trong bối cảnh nhiều người dân và doanh nghiệp kêu than về những khó khăn trong đời sống, sản xuất, kinh doanh do giá xăng dầu tăng cao trong nhiều tháng nay.
Giá xăng giảm khá nhiều ở Việt Nam trong một tháng nay.
Thông qua cổng thông tin điện tử chính thức, chính phủ Việt Nam cho biết họ mới ban hành một nghị định giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) từ mức 20% xuống 10% đối với mặt hàng xăng không pha chì có chỉ số hiệu năng nhiên liệu (RON) dưới 100 và xăng cho động cơ đốt trong của máy bay, có hoặc không pha cồn ethanol.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VOA, bước đi mới nhất này của chính phủ sẽ ít có tác động đến giá xăng vì lâu nay Việt Nam nhập hầu hết xăng dầu từ các nước đã ký kết hiêp định thương mại tự do (FTA) với Hà Nội, đồng nghĩa là chúng đã được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu FTA thấp hơn so với mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi MFN rồi.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng dầu của Việt Nam là 475,26 triệu đô la. Trong đó nhập khẩu từ các nước đã có FTA là 474,1 triệu đô la, chiếm đến 99,7%. Trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng là 826,53 triệu đô la, cơ bản cũng được nhập khẩu từ các nước đã có FTA với Việt Nam.
Cũng do lượng xăng nhập theo diện chịu thuế suất nhập khẩu ưu đãi MFN quá nhỏ, nên Bộ Tài chính nhận định rằng khi chính phủ giảm mức thuế này sẽ không có nhiều tác động đến thu ngân sách nhà nước, cổng thông tin điện tử của chính phủ cho hay.
Việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi MFN của chính phủ vừa được ban hành tiếp nối vào việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam giảm thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng, dầu, mỡ máy móc hồi đầu tháng 7, trong đó mức thuế này đánh vào xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn là 1.000 đồng/lít.
Các động thái giảm thuế ở Việt Nam, trùng vào thời điểm giá dầu thô thế giới liên tục sụt giảm, đưa giá xăng RON 95 ở Việt Nam về khoảng 25.600 đồng/lít trong những ngày này, thấp hơn đáng kể so với lúc xăng có giá cao kỷ lục tới gần 33.000 đồng vào gần cuối tháng 6.
Trước khi có những diễn biến kể trên, báo chí Việt Nam đưa tin rằng giá xăng ở trong nước cao một cách không tương xứng với thu nhập trung bình của người dân vì phải chịu gánh nặng thuế, phí khá lớn. Các báo dẫn lời một số chuyên gia nói rằng tùy theo thời điểm, tổng tiền thuế, phí chiếm từng chiếm từ từ 44% tới 64% giá bán xăng dầu.
Giá xăng Viêt Nam bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và một số loại phí khác.
Chính vì gánh nặng đó, Việt Nam, nước nhập ròng dầu thô với lượng nhập khẩu riêng trong quý 1/2022 là 1,9 triệu tấn, cao gấp 3,2 lần lượng xuất khẩu là 590 nghìn tấn, bị ảnh hưởng nặng nề vì giá dầu thế giới tăng cao trong nửa đầu năm nay do sự mất cân bằng về cán cân cung cầu nói chung, và đặc biệt là do tác động từ cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine.
Như VOA đã đưa tin, cũng như nhiều người đã bày tỏ qua mạng xã hội, giá xăng dầu tăng cao liên tục làm cho đông đảo người dân Việt Nam lo lắng, bất bình. Không ít người than rằng chi phí cho nhiên liệu đang đẩy họ vào cảnh "ngày càng nghèo đi".
Những người am hiểu về cơ cấu giá xăng dầu chỉ ra rằng mặc dù việc giá của Việt Nam phải đi cùng giá của thế giới, song gánh nặng thuế, phí góp phần làm giá xăng dầu đắt đỏ thêm nhiều một cách bất hợp lý, ảnh hưởng đến đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp.
Sau những phản ứng từ dư luận và hai động thái giảm thuế lần lượt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chính phủ, đến nay, Bộ Tài chính nói rằng so với nhiều nước, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của Việt Nam "thấp hơn mức bình quân chung" trên thế giới.
Bản tin trên cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam dẫn lại phân tích của Bộ Tài chính cho hay tỷ trọng thuế trong giá cơ sở vào khoảng xấp xỉ 19,4% đối với xăng E5 RON92, gần 22% đối với xăng RON95 và hơn 11% một chút đối với dầu diesel. Trong khi ở nhiều nước khác, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở hiện nay chủ yếu trong khoảng 40%-55% đối với xăng, và 35%-50% đối với dầu, vẫn theo Bộ Tài chính Việt Nam.
Bộ lưu ý rằng chỉ ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn mới có tỷ trọng thuế thấp hơn.
***********************
RFA, 08/8/2022
BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại. Lần này, lãnh đạo Bộ Giao thông- Vận tải cho biết sẽ lập thêm một trạm BOT ở tuyến tránh, nhưng vẫn giữ nguyên chốt BOT cũ để thu phí xe lưu thông trên đường Quốc lộ 1A.
Dân Việt/RFA edited
Tổng Cục đường Bộ thuộc Bộ Giao thông Vận tải ra văn bản cho biết sẽ thu phí trở lại vào cuối tháng tám, sau năm năm ngừng thu phí.
Mạng báo VnExpress dẫn lời ông Lê Trung Duy, Giám đốc Trung tâm Điều hành Trạm BOT Cai Lậy cho biết, sắp tới sẽ xây dựng thêm một trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy và thu phí đồng thời cả hai trạm, trạm nào hoàn vốn xong sẽ ngưng thu phí.
Mức phí qua trạm BOT tuyến Quốc lộ 1A có giá từ 14 đến 118 ngàn đồng, còn mức phí của đường tránh là từ 24 đến 137 đồng.
Vốn đầu vào dự án nay được công bố là 1.380 tỉ đồng. Trong đó, tuyến tránh đầu tư hơn 680 tỉ đồng và nâng cấp, sửa chữa mặt đường Quốc lộ 1 là 379 tỉ đồng. Số còn lại là tiền đầu tư trạm thu phí, tiền giải phóng mặt bằng.
Phản đối thu phí BOT quốc lộ
Thông tin sẽ tiến hành thu phí trên cả hai tuyến đường Quốc lộ lẫn tuyến tránh khiến nhiều tài xế bày tỏ thái độ không hài lòng vì cho rằng họ không có sự lựa chọn. Quốc lộ 1A là con đường huyết mạch, cơ bản mà cũng bị thu phí là không hợp lý.
Một tài xế chạy taxi công nghệ, yêu cầu được giấu danh tính, nói với RFA rằng về nguyên tắc, các con đường Quốc lộ do ngân sách nhà nước bỏ ra làm, không được thu phí BOT :
"Quốc lộ là vốn của nhà nước làm, là ngân sách của nhà nước. Còn BOT bản chất là tư nhân bỏ ra đầu tư và thu lại.
Về nguyên tắc là quốc lộ làm từ tiền thuế của dân, nên quốc lộ là không được thu phí".
Ông Lạc, một tài xế vừa mới chạy xe trên con đường Quốc lộ 1A, đoạn qua trạm BOT Cai Lậy chuẩn bị thu phí trở lại, cho biết đường quốc lộ là không được thu phí vì tài xế đã đóng phí bảo trì đường bộ trong tiền xăng, và cả phí đăng kiểm hằng năm rồi :
"Đường này (Quốc lộ, đoạn qua BOT Cai Lậy - PV) cũng đâu có sửa gì đâu. Làm đường tránh bên Cai Lậy thì thu bên Cai Lậy thôi chứ, sao mình thu bên Quốc Lộ 1A. Quốc lộ là đâu được thu phí ! Khi đăng kiểm là mình có đóng phí đường bộ rồi".
Hơn nữa, tình trạng mặt đường hiện tại vẫn còn rất tệ, nếu vẫn thu phí là bất công với tài xế. Ông Lạc nói thêm :
"Cái đường đó tôi thấy cũng không có chất lượng gì đi cũng gồ ghề, ổ gà không. Tôi muốn mặt đường bây giờ là phải sửa đi thì thu phí cũng không nói, nhưng mà đường xuống cấp mà cứ thu phí hoài.
Bây giờ đi đường nào cũng phải đóng phí hết. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bây giờ đóng mỗi chiếc xe một trăm mấy/lượt, làm sao mà đóng nổi, đi lên đi xuống là thấy hết 200 mấy rồi.
Tôi yêu cầu phải sửa chữa lại đường quốc lộ, không sửa chữa mà lại thu phí thì quá bất công cho tài xế !"
Một số tài xế khác mà RFA phỏng vấn cũng nêu quan điểm không đồng ý thu phí BOT Cai Lậy, tuyến Quốc lộ 1A.
Anh Nguyên, tài xế chở hàng các tỉnh miền Tây nêu ý kiến :
"Mình thấy điều đó cũng hơi vô lý bởi vì mình đã đóng (phí bảo trì đường bộ - PV) rồi mà tự nhiên bây giờ thu phí tùm lum hết, mà cái giá nó còn cao nữa chứ đâu phải rẻ đâu. Một chuyến xe đi về phí khoản 20%.
Khi đi đăng kiểm, mình nộp một lần tiền là xong hết. Mình cũng không biết tiền đó đi về đâu hết !"
Một ông tài xế tên Long nói với RFA :
"Tuyến tránh đã thu phí rồi mà bây giờ trục chính cũng thu phí nữa thì bất tiện cho tài xế.
Mình đã phải đóng phí đường bộ mỗi năm rồi mà bây giờ phải đóng thêm phí (BOT - PV) thì hơi bất tiện cho tài xế và nó mất thời gian".
Thông tư 293/2016/TT-BTC về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ quy định tất cả các phương tiện được cấp giấy lưu hành và di chuyển trên đường bộ đều bắt buộc phải nộp phí đường bộ.
Phí đường bộ được thu nhằm mục đích bảo trì, sửa chữa hay nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường sá, giúp việc lưu thông thuận lợi, nhanh chóng và an toàn hơn.
Tài xế "đánh" BOT Cai Lậy hồi năm 2017
Hồi tháng 8/2017, nhiều tài xế đã cùng nhau lên tiếng phản đối trạm BOT Cai Lậy đặt sai vị trí. Thay vì đặt trong tuyến đường tránh, trạm BOT lại được đặt ngay Quốc lộ 1A. Điều đó có nghĩa là tất cả xe bốn bánh trở lên lưu thông qua đoạn đường này đều bắt buộc phải trả phí, bất kể có sử dụng tuyến tránh hay không.
Tài xế đã trả dùng tiền lẻ để trả phí BOT, kéo dài thời gian thu phí khiến giao thông qua đoạn đường này ách tắc nghiêm trọng trong nhiều ngày liền.
Để đối phó vấn đề tình thế, BOT Cai Lậy liên tục cho xả trạm, nhưng khi thu phí lại thì hàng chục xe vẫn kiên trì rồng rắn nối đuôi nhau trả tiền lẻ.
Đến tháng 12/2017, trạm BOT Cai Lậy thông báo dừng thu phí hẳn để làm việc thêm với Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang và các lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải.
Tài xế giấu tên nhận định với RFA rằng khi thu phí trở lại, dù nhiều tài xế vẫn bức xúc, nhưng theo ông, sẽ rất khó có thể lại xảy ra một phong trào phản đối như hồi năm 2017 :
"Thật ra, những người lãnh đạo vụ đánh BOT bẩn hồi 2017 họ đi tù hết rồi với bị trấn áp hết rồi, có Trương Châu Hữu Danh, Phương Ngô vơi Long Huỳnh… Thời điểm này khó có thể diễn ra như hồi 2017 nữa lắm".