Chết vì ngộ độc thực phẩm ở Việt Nam tăng gần gấp đôi (VOA, 30/11/2017)
Việt Nam đã chứng kiến 102 ca ngộ độc thực phẩm trong thời gian từ tháng Giêng tới tháng 11/2017, dẫn đến 22 ca tử vong, và khiến khoảng 3.150 người lâm bệnh, Cục Y tế Dự phòng cho biết hôm 30/11.
Món tiết canh thường gây ngộ độc cao.
Chỉ nội trong tháng 11 năm 2017, Việt Nam đã phải đối mặt với 9 ca ngộ độc thực phẩm, tác động tới 295 cư dân địa phương, trong đó 2 người đã tử vong.
So với năm ngoái, có tất cả 119 ca ngộ độc thực phẩm, 12 ca tử vong, và 3580 người lâm bệnh trong 11 tháng đầu năm 2016.
Báo chí Việt Nam gần đây tường thuật về nhiều vụ ngộ độc tập thể, vốn hay xảy ra tại các tiệm ăn hay trong các tiệc tùng cưới hỏi, điển hình là vụ xảy ra hôm 26/11 tại Đắk Lắk, khi 24 người phải nhập viện trong hai ngày 27 và 28/11.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ mới đây, bác sĩ Nguyễn từ Sàigòn nhắc đến nguy cơ ngộ độc do thực phẩm từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam mà không được kiểm soát đúng mức :
"Thực phẩm của Trung Quốc nó tràn sang khủng khiếp, và nó lại đội lốt là hàng hóa Việt Nam. Một ví dụ là khoai tây, khoai tây Trung Quốc đầy, họ đêm lên Đàlạt, xong phủ lên một lớp đất mịn ở Đàlạt, rồi chở về Sàigòn thì nói là khoai tây Đàlạt. Ai cũng biết hàng Trung Quốc đẹp, tròn, to, rẻ, nhưng mà rất là độc bởi vì nó được trồng bằng thuốc hormon, tăng trưởng thành ra rất là nguy hiểm".
Ngoài ra, trong 11 tháng đầu năm nay, Việt Nam còn phát hiện 163.700 ca sốt dengue, với 30 trường hợp tử vong, gần 95.000 ca lỡ mồm long móng, 680 ca sưng màng óc, giết chết 22 người, và 34 ca bệnh Zika.
Việt Nam hiện có 209.700 bệnh nhân mang mầm siêu vi HIV, trong số này hơn 90,000 trở thành bệnh nhân bệnh AIDS.
Theo các số liệu của Bộ Y tế, tính cho tới thời điểm này, khoảng 93.600 bệnh nhân Việt Nam đã chết vì các chứng bệnh liên quan tới bệnh AIDS.
**********************
Việt Nam ngày càng ‘hút’ khách Trung Quốc (VOA, 30/11/2017)
Khoảng 3,6 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đã tới Việt Nam từ đầu năm cho tới tháng 11, theo số liệu thống kê của Tổng cục du lịch Việt Nam được Tân Hoa Xã trích dẫn.
Khách du lịch Trung Quốc đi xích lô ở Hà Nội. Khách từ quốc gia láng giềng phương Bắc tới Việt Nam tăng gần 50% so với năm trước, chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế tới Việt Nam trong năm nay.
Lượng khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam tăng gần 50% trong năm nay một phần nhờ vào hội nghị APEC tại Đà Nẵng nơi đón tiếp nhiều nguyên thủ hàng đầu thế giới trong đó có chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Người đứng đầu nhà nước Trung Quốc dự Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn 21 nền kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng sau đó tới Hà Nội gặp các lãnh đạo nhà nước Việt Nam.
Lượng khách du lịch Trung Quốc chiếm gần 1/3 trong tổng số hơn 11,6 triệu khách du lịch tới Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay. Tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam tăng gần 28% so với năm ngoái.
Lượng khách du lịch Hàn Quốc tới Việt Nam tăng hơn 55%, là tỷ lệ tăng cao nhất, và tiếp theo là từ Trung Quốc.
Việt Nam đã chủ động quảng bá du lịch tại nhiều các khu du lịch lớn ở các thành phố của Trung Quốc và phối hợp với các quan chức địa phương để quản lý các hãng lữ hành không phục vụ tốt, theo China Daily.
Việt Nam hy vọng thu hút khoảng 4 triệu khách du lịch Trung Quốc trong tổng số 13 triệu khách quốc tế mà Việt Nam đặt ra trong năm nay, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam.
Theo truyền thông trong nước, khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam tăng mạnh với số lượng áp đảo chiếm hơn 30% lượng khách quốc tế và hơn 40% lượng khách từ Châu Á.
Tuy nhiên việc du khách Trung Quốc tăng mạnh không khiến Việt Nam vui mừng bởi hiện nay ở một số địa phương du lịch đã và đang phải tìm cách dẹp bỏ vấn nạn khách du lịch 0 đồng do các hãng lữ hành và doanh nghiệp Trung Quốc thao túng, theo VietNamNet trích dẫn nguồn Dân Trí. Tình trạng này gây ra việc phá giá các tour du lịch và hạn chế sức mua sắm tại Việt Nam.
Theo nguồn tin này, số tiền chi tiêu của khách Trung Quốc tại Việt Nam không tỷ lệ thuận với số lượng khách nước này tới Việt Nam. Nguyên nhân chính là do vấn nạn 0 đồng gây nên khi các hãng lữ hành cấu kết với doanh nghiệp du lịch Việt Nam có liên doanh hoặc người đại diện là Trung Quốc để đưa khách du lịch vào các địa điểm du lịch trong tour du lịch mua sắm riêng do họ lập ra để tránh thuế.
Trong 1 phỏng vấn trước đây với VOA, cựu lãnh đạo ngành du lịch Quảng Ninh Hoàng Quốc Thái cho biết một trong những cách tránh thuế này là khách du lịch mua hàng ở Việt Nam trong các tour du lịch này nhưng thanh toán ở Trung Quốc.
Truyền thông trong nước cho biết Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tái diễn vấn nạn du khách 0 đồng gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch Việt Nam.
Việt Nam gần đây đã ban hành chính sách miễn thị thực cho công dân nhiều nước Châu Âu và đây là lý do chính khiến lượng khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh trong năm nay. Theo thống kê của Việt NamMedia, Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia trên thế giới có lượng khách quốc tế tăng nhanh nhất trong năm 2017.