Non nước Cao Bằng được công nhận là công viên địa chất toàn cầu (RFA, 13/04/2018)
UNESCO vào ngày 12 tháng 4 chính thức thông qua nghị quyết công nhận non nước Cao Bằng là công viên địa chất toàn cầu thứ hai ở Việt Nam, sau cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang.
Thác Ban Giốc nằm trên khu vực biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thuộc huyện Trung Khánh, tỉnh Cao Bằng của Việt Nam vào ngày 12 tháng 3 năm 2017. AFP
Mạng báo Thanh Niên dẫn lời Tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng viện Khoa học, địa chất và khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường, cho biết trong hồ sơ gửi đến UNESCO, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã nhấn mạnh : Non nước Cao Bằng là miền đất hiếm có, nơi có thể tìm hiểu lịch sử 500 triệu năm của trái đất qua các dấu tích còn lại như hóa thách, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản. Đặc biệt, cảnh quan đá vôi là minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa của địa cầu.
Ông Văn cũng nói thêm, để được công nhận, UNESCO đã yêu cầu Việt Nam phải chứng minh được sự khác biệt giữa Non nước Cao Bằng và Cao nguyên đá Đồng Văn, vì nhìn sơ qua cũng chỉ là những vùng đá vôi.
Non nước Cao Bằng nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300 kilomet, có diện tích hơn 3 ngàn m2, là nơi sinh sống của các dân tộc ít người chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng.
Về mặt sinh học, non nước Cao Bằng có độ che phủ rừng lớn cùng các hệ sinh thái rừng rêu, rừng lùn. Địa hình đá vôi ở đây điển hình cho giai đoạn cuối của chu trình tiến hóa Karst cùng hệ thống các hang động, nhũ đá, và hệ thống sông hồ, hang ngầm phong phú.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, tính đến kỳ này, UNESCO công nhận trên thế giới có 127 công viên địa chất toàn cầu ở 35 quốc gia.
Công viên địa chất toàn cầu được đánh giá bởi các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục, thẩm mỹ ; cùng các minh chứng về sinh học, khảo cổ học, lịch sử, văn hóa – xã hội. Một công viên địa chất toàn cầu cần có tác động đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.
**************
Vụ lừa tiền ảo 15 nghìn tỷ : "Người Việt Nam hay bị lừa vì lòng tham" (VOA, 13/04/2018)
Với 15.000 tỷ đồng và 32.000 nạn nhân, vụ lừa đảo tiền ảo lớn nhất từ trước tới nay đang buộc chính phủ Việt Nam phải vào cuộc.
Người dân biểu tình bên ngoài tòa nhà nơi đặt văn phòng Công ty Modern Tech ở quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty này được cho là đã lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng của người đầu tư từ việc bán tiền ảo iFan và Pincoin. (Ảnh chụp màn hình Phap Luat Plus)
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hôm 11/4 đã yêu cầu 6 bộ, ngành - trong đó có Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước - xử lý vụ lừa đảo tiền ảo hơn 15.000 tỷ đồng ở thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra chỉ thị yêu cầu tăng cường giám sát các hoạt động giao dịch và đầu tư bằng tiền ảo. Mọi loại hình tiền ảo và các giao dịch bằng tiền ảo đều không hợp pháp ở Việt Nam, theo người đứng đầu chính phủ.
Công ty cổ phần Modern Tech có trụ sở ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, bị hàng chục nghìn người dân cáo buộc lừa đảo 15.000 tỷ đồng (658 triệu USD) từ việc bán tiền ảo iFan và Pincoin.
Cuối tuần qua, hàng chục người dân tụ tập bên ngoài tòa nhà nơi đặt trụ sở của Modern Tech trên đường Nguyễn Huệ để biểu tình. Họ căng băng rôn gọi đây là vụ "tiền ảo - lừa đảo đa cấp lớn nhất lịch sử". Tuy nhiên, theo ghi nhận của Bloomberg, người quản lý tòa nhà cho biết công ty Modern Tech đã giải thể và chấm dứt thuê văn phòng một tháng trước đó.
"Vụ sập bẫy này không phải là vụ đầu tiên, một trò lừa đảo với hình thức rất xưa cũ, rất ‘kinh điển’ bằng lãi suất cao bất hợp lý nhưng người dân vẫn mắc lừa", theo nhận định của Luật sư Trương Thanh Đức của Đoàn Luật sư TP Hà Nội với báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiền ảo và bất kỳ giao dịch nào liên quan điến tiền ảo bị cấm ở Việt Nam.
Luật sư Trần Thu Nam, cũng của Đoàn Luật sư Hà Nội, nói với VOA rằng nhiều người ở Việt Nam bị lừa vì "lòng tham" và "thiếu hiểu biết".
"Người dân Việt Nam rất hay bị lừa, bị các đối tượng lợi dụng vào lòng tham, ví dụ như ở kinh doanh đa cấp và đánh bạc", theo Luật sư Nam. Người Việt Nam ham lợi nhuận và ít suy nghĩ, ít hiểu biết cho nên hay bị lôi kéo, hay bị lừa đảo".
Modern Tech kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo với lãi suất hàng tháng lên tới 40%, theo truyền thông trong nước. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, người dân không thể rút tiền mặt từ lãi xuất. Còn VTV cho biết họ cũng mất luôn cả tiền đầu tư.
Tuy chưa được pháp luật công nhận nhưng các loại tiền ảo, đặc biệt là Bitcoin, phát triển rất mạnh ở Việt Nam và được các cá nhân và các tổ chức trong nước đầu cơ hoặc "đào", theo ZingNews.
Cuối năm 2017, một số lượng lớn máy "đào" tiền ảo Bitcoin đã được nhập về Việt Nam và cùng với đó, trào lưu mua bán, giao dịch, đầu cơ tiền ảo cũng nở rộ.
Luật sư Kim Ron Tha của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng vụ lừa đảo của Modern Tech là một "câu chuyện pháp lý rất hay vì Việt Nam không coi tiền ảo là tài sản" và hoạt động kinh doanh này không được thừa nhận ở Việt Nam. Do đó, theo Luật sư Kim nói với báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh "những người tham gia vào quan hệ pháp luật bị cấm thì sẽ không phải là chủ thể được pháp luật bảo vệ".
Việt Nam đang xem xét khung pháp lý để quản lý bitcoin và các giao dịch liên quan.
Luật sư Trần Thu Nam cho rằng những nhà đầu tư tiền ảo của dự án Modern Tech có thể sẽ "mất trắng" số tiền đầu tư của mình.
"Việc này không có khung pháp lý thì nếu xảy ra rủi ro anh sẽ bị mất số tiền đó vì khó đòi. Ví dụ đối tượng đã tiêu xài hết số tiền đó rồi thì nếu có tuyên trả thì chỉ là tuyên trả trên giấy thôi còn về mặt thực tiễn thì họ khó có thể lấy lại số tiền đó. Tôi nghĩ rằng 99% là có thể mất trắng".
Năm ngoái, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt một đề án có thể đưa tới việc chính thức công nhận tiền ảo bitcoin như một hình thức thanh toán. Cũng trong năm ngoái, chính phủ Việt Nam cho biết sẽ hoàn thiện khung pháp lý để quản lý và xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử và tiền ảo.
Đã có nhiều ý kiến tranh luận về việc có nên hợp pháp hóa các hoạt động kinh doanh tiền ảo ở Việt Nam hay không trong khi nhiều cửa hàng trong nước đã chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Tuy nhiên Luật sư Nam cho rằng không nên làm điều đó tại thời điểm này.
"Quản lý nhà nước về những việc này rất là khó. Họ chưa có đủ trình độ và cơ sở pháp lý và hiểu biết của người dân về những vấn đề này còn đang hạn chế. Ngay bây giờ mà hợp pháp hóa các giao dịch tiền ảo thì rất là khó và không quản lý được. Nó sẽ là lợi bất cập hại".
Theo luật sư Nam, các cơ quan quản lý đáng lẽ ra đã phải giám sát và điều tra nhằm tránh để xảy ra những vụ lừa đảo tương tự như hành động lừa gạt của Modern Tech. Theo ông, muốn bảo vệ người dân, phải nâng cao sự hiểu biết của họ về hoạt động bị cấm này và hậu quả khôn lường của nó.
Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết khoảng 32.000 người đã trở thành nạn nhân của "dự án tiền ảo đa cấp" của Modern Tech.
*********************
Việt Nam yêu cầu điều tra nghi án lừa đảo tiền ảo (RFA, 12/04/2018)
Thủ tướng Việt Nam vừa có chỉ thị yêu cầu các bộ ngành và cơ quan chức năng tăng cường điều tra một vụ lừa đảo tiền ảo lên tới mấy trăm triệu đô la được xem lớn nhất từ trước đến nay.
Giao dịch tiền ảo Bitcoin. (Ảnh minh họa) - AFP
Chỉ thị của Thủ tướng được ban hành hôm 10/4 và được truyền thông loan đi hôm 11/4.
Thủ tướng Việt nam ông Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ công an và các cơ quan chức năng điều tra và giám sát các hoạt động giao dịch và đầu tư bằng tiền ảo, sau khi có cáo buộc của người dân về việc lừa đảo mua bán tiền ảo.
Thông báo được truyền thông loan đi sau khi các lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan điều tra làm rõ những cáo buộc nhắm vào Công ty cổ phần Modern Tech, bị buộc tội lừa đảo với số tiền lên tới hơn 650 triệu đô la tức khoản hơn 15.000 tỷ đồng Việt Nam.
Qui định Việt Nam hiện nay việc giao dịch tiền ảo là bất hợp pháp và các hợp đồng giao dịch đều không được công nhận là chính đáng. Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa có các qui định về luật rõ ràng trong việc sở hữu các loại tiền ảo như Bitcoin và Ethereum.
Hồi năm 2017, Chính phủ Việt Nam cũng cho biết sẽ xem xét và xây dựng một khuôn khổ về pháp lý để quản lý chặt chẻ các tài khoản cũng như các giao dịch bằng tiền ảo ngày càng phát triển tại Việt Nam.
*******************
Thủ tướng Việt Nam muốn siết chặt quản lý tiền ảo (VOA, 11/04/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các bộ ngành và địa phương trong cả nước tăng cường giám sát các hoạt động giao dịch và đầu tư bằng tiền ảo trong lúc có yêu cầu điều tra một vụ lừa đảo tiền ảo lớn nhất từ trước tới nay.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, vừa đưa ra chỉ thị tăng cường quản lý các hoạt động mua bán tiền ảo sau khi có cáo buộc từ người dân về vụ lừa đảo 15.000 tỷ đồng từ việc mua bán tiền ảo.
Theo chỉ thị 10/CT-TTg ban hành ngày 10/4, người đứng đầu chính phủ Việt Nam yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các bộ ngành khác thắt chặt "quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và tiền ảo", theo ghi nhận của truyền thông trong nước.
"Hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo, đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp", theo thông cáo đăng trên trang web chính thức của chính phủ Việt Nam hôm 11/4.
Những diễn biến này có "nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia, theo thông cáo của chính phủ.
Thông cáo này được đưa ra sau khi Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin rằng các lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu cơ quan công an điều tra những cáo buộc nhắm vào công ty Modern Tech JSC được cho là đã lừa người dân hàng chục nghìn tỷ đồng từ việc bán tiền ảo iFan và Pincoin.
Yêu cầu điều tra được đưa ra sau khi hàng chục người dân biểu tình trước trụ sở của Công ty cổ phần Modern Tech ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, vào cuối tuần sau cáo buộc công ty này lừa đảo 15.000 tỷ đồng (658 triệu USD).
Theo VTV, Modern Tech kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo với lãi suất cực cao nhưng sau đó người dân không những không nhận được lợi nhuận mà còn mất tiền đầu tư.
Reuters tìm cách liên lạc với giám đốc công ty Modern Tech, Hồ Xuân Văn, hôm 10/4 nhưng điện thoại của ông tắt máy. Reuters cho biết họ cũng không thể tìm ra số điện thoại của bất kỳ ai khác trong công ty này để xin bình luận về vụ việc.
"Mọi loại hình tiền ảo và các giao dịch bằng tiền ảo đều không hợp pháp ở Việt Nam", giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh Lê Đông Phong nói với Reuters.
"Chúng tôi đang thu thập thông tin về vụ việc này nhưng chúng tôi chưa chính thức tiến hành điều tra cho tới khi nhận được những cáo buộc từ bất kỳ nạn nhân nào được báo cáo", người đứng đầu cơ quan công an thành phố nói nhưng từ chối đưa ra thêm chi tiết.