Tổng bí thư Trọng : Thanh niên bị các thế lực xấu, thù địch tác động (VOA, 14/12/2017)
Trong lúc tiếp tục "đốt lò" chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi thanh niên Việt Nam hãy đặt niềm tin vào lý tưởng cách mạng và đừng để bị "các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động".
Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng cho rằng một bộ phận thanh niên Việt Nam bị "bị các thế lực xấu, thù địch tiếp cận, lôi kéo, kích động".
Trong một bài phát biểu dài gần 20 phút trên truyền hình nhà nước VTV tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sáng ngày 11/12 tại Hà Nội, người đứng đầu Đảng Cộng sản nói : "Hiện nay xã hội không khỏi băn khoăn trước thực trạng có một bộ phận thanh hiên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc của dân tộc… Thanh niên cũng là đối tượng thường bị các thế lực xấu, thù địch tiếp cận, lôi kéo, kích động, thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của nước ta".
Nhận xét về nhận định của Tổng bí thư Việt Nam đối với sự kém quan tâm của thanh niên tới "lý tưởng cách mạng", một người trong giới trẻ Việt Nam và là nhà phân tích truyền thông độc lập Nguyễn Nhung cho rằng phải đặt câu hỏi tại sao "giới trẻ tại sao người ta lại không quan tâm đến Đảng, Đoàn hay những hoạt động ngoài thực tế ? Người muốn thu hút họ phải tìm xem nguyên nhân tại làm sao và tìm ra cách để thu hút chứ không (thể) là thấy người ta không bị hấp dẫn bởi mình thì trách cứ. Chuyện đó là vô lý".
Lên tiếng trước khoảng 1.000 đoàn viên tham dự, Tổng Bí Thư Trọng đổ lỗi cho Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh "còn chậm và lúng túng" trong việc "giải quyết các vấn đề bức xúc, tiêu cực, mặt trái tác động đến thanh thiếu nhi".
Các thanh niên mặc áo phông màu đỏ, phía trước có in hình búa liềm, sao vàng và đằng sau áo có in chữ "Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc", kèm theo các chữ cái viết hoa DLV mà nhiều người cho là chữ viết tắt của "dư luận viên".
Ông Trọng kêu gọi tổ chức cao nhất của thanh niên Việt Nam cần tìm cách "tăng sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội".
Nhiều nhà lãnh đạo của Việt Nam từng kêu gọi siết chặt quản lý mạng xã hội, vốn được cho là nơi phát tán những "thông tin độc hại" tới người dùng, nhất là giới trẻ. Nhưng thế nào là tin độc hại ?
"Định nghĩa một khái niệm như thế nào là "độc hại" như thế nào là xấu thì cũng rất là khó", theo chị Nhung. "Ngay kể cả những thông tin mang tính chất nhạy cảm như là sex, hay chính trị, hay sự khác biệt văn hóa… thì ở mỗi một góc độ nhìn khác nhau thì mỗi người quan tâm đến một khía cạnh khác nhau. Và đôi khi khía cạnh "độc hại" của người này lại là khía cạnh thực sự ý nghĩa, hữu ích và đáng để quan tâm đối với người khác".
Chính phủ Việt Nam đã đạt được một số cam kết từ Facebook và Google nhằm giúp hạn chế những thông tin mà họ cho là "xấu, độc chống chính quyền Hà Nội", theo truyền thông trong nước.
Người trẻ trong độ tuổi 20 chiếm gần 50% trong tổng số hơn 50 triệu người dùng internet ở Việt Nam.
Tổng bí thư Trọng là người nổi tiếng trong việc phát động phong trào chống suy thoái về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng. Tại phiên khai mạc Hội nghị của Đoàn thanh niên Hồ Chí Minh hôm 11/12, ông Trọng cũng đưa ra lời kêu gọi này với thanh niên.
Ông Trọng đang dẫn đầu một cuộc chiến chống tham nhũng với việc khởi tố một loạt nhân vật quan trọng trong ngành ngân hàng và giới chính trị. Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng là nạn nhân mới nhất bị bắt giam và chờ khởi tố.
*******************
Quốc hội Châu Âu đòi Việt Nam trả tự do cho các nhà báo công dân (RFA, 14/12/2017)
Quốc hội Liên Hiệp Châu Âu hôm 13 tháng 12 đã thông qua một nghị quyết khẩn cấp lên án chính phủ Việt Nam về các hành động đàn áp tư do thông tin, và yêu cầu Việt Nam phải trả tự do cho toàn bộ các nhà báo công dân.
Quốc hội Liên Hiệp Châu Âu thông qua nghị quyết (hình trái), nhà báo Nguyễn Văn Hóa tại tòa(hình phải) - RSF
Nghị quyết của Quốc hội Liên Hiệp Châu Âu bày tỏ quan ngại về sự gia tăng những vụ bắt bớ và kết án những nhà báo công dân thời gian qua ở Việt Nam. Nghị quyết cho rằng những hành động xách nhiễu về thể xác và tâm lý cũng như các biện pháp giám sát ngang nhiên và xách nhiễu các luật sư, người thân và người chủ công ty của các bloggers đã vẽ lên một bức tranh đáng lên án ở Việt Nam.
Nghị quyết cũng kêu gọi Việt Nam ngay lập tức phải trả tự do vô điều kiện cho nhà báo công dân Nguyễn Văn Hóa người vừa bị kết án tù 7 năm hôm 27/11 vừa qua với cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật hình sự.
Quốc hội Liên Hiệp Châu Âu thúc giục Việt Nam phải sửa đổi các điều 88 và 79 trong Bộ Luật hình sự vốn bị coi là vi phạm nhân quyền.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) hôm 14/12 đã ra thông cáo ca ngợi bước đi mới của Quốc hội Châu Âu, và thúc giục EU phải ra điều kiện về nhân quyền với Việt Nam trước khi thông qua Hiệp định Tự do Thương mại.
Theo RSF, trong vòng năm qua đã có ít nhất 25 bloggers Việt Nam bị bắt giữ hoặc trục xuất khỏi đất nước.
Báo cáo về Tự do báo chí Thế giới 2017 của RSF xếp Việt Nam vào thứ 175 trong số 180 nước, tức không có tự do báo chí
**********************
Việt Nam, Trung Quốc đàm phán về các vấn đề ít nhạy cảm trên biển (RFA, 14/12/2017)
Việt Nam và Trung Quốc trao đổi khả năng hợp tác trong một số dự án ở các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển trong vòng 10 đàm phán giữa hai nước về các vấn đề ít nạy cảm trên biển diễn ra ở Bắc Kinh từ ngày 11 đến 14/12.
Tàu Trung Quốc (trái) đâm một tàu của Việt Nam (phải) trong vùng nước tranh chấp hôm 23/6/2014. AFP
Thông Tấn xã Việt Nam loan tin cho biết hai bên nhấn mạnh việc hợp tác cần tiến hành trên cơ sở các thỏa thuận cấp cao, bình đẳng, cùng có lợi, thiết thực, hiệu quả và phù hợp với nguồn lực của mỗi bên, góp phần vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Tuy nhiên Thông tấn xã Việt Nam không cho biết cụ thể những dự án mới đang được bàn thảo là gì.
Tại đối thoại, hai bên cũng kiểm điểm tình hình thực hiện các chương trình hợp tác trong năm 2017 và đề ra công tác cho năm 2018 với các nghiên cứu hiện có bao gồm so sánh trầm tích thời kỳ Holocene khu vực Châu thổ sông Hồng và sông Trường Giang, trao đổi nghiên cứu về quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ, hợp tác thả giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ.
Vòng đàm phán thứ 11 giữa hai nước sẽ được tổ chức vào năm tới tại Hà Nội.
*******************
Gần nửa dân số Việt Nam mang vi khuẩn lao (VOA, 14/12/2017)
Khoảng 44% dân số Việt Nam mang vi khuẩn lao trong cơ thể. Trong số này, ước lượng 126.000 người mắc bệnh lao mỗi năm, theo một phúc trình mới được đưa ra hôm 13/12.
Việt Nam đứng thứ 15 trong số các quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất toàn cầu, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Trang mạng zing.vn dẫn lời Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung, cho biết trong số những ca mắc lao hàng năm, có khoảng 105.000 – 106.000 người bệnh, 20.000 người khác không được phát hiện vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân giấu bệnh vì tâm lý xã hội và nhu cầu kiếm sống.
Việt Nam đặt mục tiêu giảm 30% tỷ lệ mắc lao và giảm 40% tỷ lệ tử vong do bệnh lao trong giai đoạn từ năm 2015 – 2020.
Theo Bệnh viện Phổi trung ương, hiện số người người mắc bệnh lao tại Việt Nam đang giảm từ 5%-6% mỗi năm. Từ năm 2015-2016, số người chết vì bệnh lao giảm 3.000 người nhờ phát hiện sớm và điều trị. Trước đó, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 17.000 người chết vì bệnh lao.
Năm 2009, Việt Nam bắt đầu chương trình điều trị lao đa kháng thuốc. Tính đến nay đã có khoảng 11.000 ca bệnh lao đa kháng thuốc được điều trị, đạt tỷ lệ thành công hơn 70%, cao hơn tỷ lệ 54% của thế giới.
Hiện Việt Nam đang đặt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Tuy nhiên theo Bệnh viện Phổi Trung ương, để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động y tế tuyến cơ sở để phát hiện lao sớm, đồng thời phải có nguồn tài chính ổn định để hỗ trợ bệnh nhân lao.
Trong khi việc chẩn đoán và điều trị được bảo hiểm y tế chi trả, bệnh nhân mắc lao vẫn phải mất các khoản phí tổn khác như nằm viện, bổ sung dưỡng chất trong thời gian điều trị… tổng cộng có thể lên tới khoản phí tương đương một năm thu nhập bình quân tại Việt Nam, theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.