Trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Ấn Độ, Việt Nam hôm 03/10 cho biết tình hình ở Biển Đông "nghiêm trọng" và Hà Nội sẽ "hoan nghênh nếu Ấn Độ đóng vai trò mang lại hòa bình và ổn định trong khu vực".
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu phát biểu như vậy khi được trang ANI hỏi liệu Việt Nam có yêu cầu Ấn Độ nêu vấn đề biển Đông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông đến thăm nước này hay không.
"Chúng tôi đã đề cập rằng chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực đóng góp cho hòa bình và an ninh trong khu vực và chúng tôi hoan nghênh sự đóng góp của bất kỳ quốc gia nào trong việc tăng cường hòa bình và ổn định trong khu vực", Đại sứ Phạm Sanh Châu nói.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ vận động sự hậu thuẫn của Ấn Độ trong cuộc tranh chấp kéo dài với Bắc Kinh ở Biển Đông tại hội nghị an ninh cấp cao hai nước, trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục tăng cao ở Biển Đông.
Bản tin của tờ Hindustan Times trích lời Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết Việt Nam sẽ thảo luận về các hành vi xâm phạm biển Việt Nam của Trung Quốc tại hội nghị an ninh hàng năm với Ấn Độ sắp diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại sứ Châu được trích lời nói rằng hôm 30/9 mới đây, Trung Quốc đã điều thêm 28 tàu vào vùng biển Việt Nam, bất chấp Việt Nam đã 40 lần trao đổi với phía Trung Quốc, kể từ vụ xâm phạm đầu tiên cách đây 3 tháng. Ông nói :
"Chúng tôi đã nói với Trung Quốc rằng họ không nên xâm phạm vùng biển của chúng tôi, và phải triệt thoái tất cả các tàu về trong thời gian sớm nhất có thể".
Những hành động xâm phạm gần đây nhất của Trung Quốc xảy ra gần vùng biển nơi công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ, ONCG Videsh, đang thăm dò dầu khí.
Vẫn theo tờ báo này, Việt Nam và Ấn Độ sẽ thảo luận không những về tình hình an ninh của hai nước, mà còn về các vấn đề khu vực, và đặc biệt, tình hình hiện nay ở Biển Đông.
Về phần mình, Ấn Độ ra tuyên bố vào tháng 8 năm nay, khẳng định rằng New Dehli có "quyền lợi lâu dài gắn liền với hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á". Ấn Độ kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Quốc tế về Luật Biển.
Ấn Độ là một trong 3 nước có quan hệ chiến lược toàn diện với Việt Nam. Tại đối thoại an ninh hàng năm trong tháng này, ngoài vấn đề an ninh, hai chính phủ còn thảo luận về thương mại và đầu tư và hợp tác công nghệ cũng như khoa học.
Trang India Today cho biết, ông Tập Cận Bình, dự kiến sẽ gặp song phương không chính thức với Thủ tưởng Ấn Độ Narendra Modi tại thành phố Mahabalipuram từ ngày 11-13/10.
*******************
Bãi Tư Chính : Hà Nội gián tiếp gợi lên phán quyết PCA khi phản đối Bắc Kinh (RFI, 04/10/2019)
Hà Nội vào hôm 03/10/2019, một lần nữa lại lên tiếng phản đối Bắc Kinh cho tàu mở rộng hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông, đồng thời tái khẳng định Bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Điều được giới quan sát chú ý là một lần nữa, Việt Nam đã viện dẫn phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực (La Haye) bác bỏ đường lưỡi bò Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng không nói thẳng mà chỉ gợi lên gián tiếp.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo tại Hà Nội, ngày 25/07/2019. Reuters/Kham
Trong buổi họp báo thường kỳ tại Hà Nội, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã tố cáo việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã trở lại hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, thậm chí còn mở rộng phạm vi hoạt động, "vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác lập phù hợp với các quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982".
Ngoài việc yêu cầu Bắc Kinh rút ngay tàu của họ ra khỏi vùng biển Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng còn nhắc lại quyết tâm của Việt Nam "kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép".
Cũng hôm qua, Việt Nam còn bác bỏ lập luận được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đưa ra hôm 18/09, tố cáo Việt Nam xâm phạm vùng biển Trung Quốc ở Bãi Vạn An, tên Bắc Kinh đặt cho bãi Tư Chính. Theo bà Lê Thị Thu Hằng : "Khu vực mà Trung Quốc gọi là 'bãi Vạn An' thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982".
Đối với phát ngôn viên Việt Nam : "Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào" để đưa ra yêu sách đối với khu vực Bãi Tư Chính vì "Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và thực tiễn xét xử thời gian qua đã khẳng định rõ điều này".
Nhóm từ "thực tiễn xét xử thời gian qua" chính là để chỉ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016, bác bỏ giá trị pháp lý của các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Đây là lần thứ hai mà Việt Nam viện dẫn – dù gián tiếp – phán quyết La Haye về Biển Đông. Hôm 12/09, trong một tuyên bố phản đối hành vi của tàu Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính, bà Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền thuộc các vùng biển của mình và "điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tế xét xử, cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật sư có uy tín quốc tế".
Tuyên bố hôm qua của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, về việc tàu khảo sát Trung Quốc mở rộng hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã chính thức xác nhận thông tin lưu hành trên internet từ mấy ngày qua.
Ngay từ hôm 30/09, trong một tin nhắn Twitter, giáo sư Ryan Martinson thuộc trường Hải Chiến Mỹ, người đã theo dõi sát hoạt động của chiếc tàu khảo sát Trung Quốc trong thời gian gần đây, đã công bố một bản đồ có ghi lại tín hiệu nhận dạng tự động của tàu Trung Quốc.
Tấm bản đồ cho thấy là từ ngày rời Đá Chữ Thập ở Trường Sa hôm 27/09 cho đến ngày 30/09, chiếc tàu khảo sát HD 8 đã đi ngược lên phía bắc để thăm dò một khu vực dọc theo bờ biển Việt Nam từ Phan Thiết lên đến gần Quảng Ngãi. Một tin nhắn Twitter từ một tài khoản khác đã ước tính rằng vùng hoạt động của tàu Trung Quốc chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 250 km.
Trọng Nghĩa
******************
Hà Nội xác nhận Hải Dương 8 mở rộng hoạt động trong vùng EEZ của Việt Nam (VOA, 03/10/2019)
Nam chính thức xác nhận thông tin nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc "tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam".
Tàu dân binh Trung Quốc bảo vệ vòng trong cho tàu Hải Dương Địa chất 8 khảo sát trái phép ở bãi Tư Chính - Phúc Tần, tháng 9/2019 - Ảnh : Ngư dân cung cấp
Trong cuộc họp báo ngày 3/10, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói rằng hành động của Trung Quốc "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam", và Hà Nội "kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với phía Trung Quốc".
"Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.
Kể từ đầu tháng 7, tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng với nhóm tàu hải cảnh hộ tống đã xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần khu vực Bãi Tư Chính, nơi Việt Nam đang hợp tác với một số nước để thăm dò và khai thác dầu khí. Sự kiện này đã đẩy căng thẳng trong quan hệ Việt-Trung lên đến đỉnh điểm, kể từ sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông năm 2014.
Bất chấp những phản đối chính thức từ phía Hà Nội, Trung Quốc vẫn không dừng lại hoạt động của nhóm tàu này, dẫn đến những suy đoán có thể xảy ra đụng độ vũ trang nếu Bắc Kinh tiếp tục leo thang hành động và đưa giàn khoan khu vực.
Cũng trong cuộc họp báo chiều 3/10, khi được hỏi về thông tin Trung Quốc thông báo triển khai giàn khoan dầu mới Hải Dương 982 ở Biển Đông, nhưng chưa nêu vị trí chính xác, kể từ ngày 21/9, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói phía Việt Nam "đang theo dõi và xác minh thông tin này".