Việt Nam gia tăng vay nợ ODA trong 3 năm tới (RFA, 12/11/2018)
Việt Nam sẽ gia tăng vay vốn ODA nước ngoài thêm 60.000 tỷ đồng (khoảng 2,6 tỷ USD) cho đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và sẽ giảm nguồn vốn vay quốc nội để bảo đảm an toàn nợ công.
Một phụ nữ gánh hàng rong đi qua một pano tuyên truyền Đại hội đảng toàn quốc trên đường phố Hà Nội ngày 15/01/16. AFP
Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào ngày 12 tháng 11, dẫn nguồn từ Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết trong cùng ngày Quốc Hội vừa thông qua nghị quyết điều chỉnh như vừa nêu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Ban đầu Quốc hội chốt mức vốn vay là 300.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu cho đầu tư phát tiển, xây dựng cơ sở hạ tầng, chính phủ Việt Nam đã ký kết kết các hiệp định vay vốn ODA với tổng số vốn cần bố trí để triển khai thực hiện theo cam kết với nhà tài trợ vượt mức trần này. Việc điều chỉnh thêm 60.000 tỷ đồng vì vậy được cho là cần thiết nhưng việc giữ mức trần tổng vốn đầu tư 2 triệu đồng vẫn cần đảm bảo để kiểm soát chi tiêu nợ công và bội chi.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho biết vào sáng ngày 12 tháng 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc sử dụng nguồn dự phòng trong phạm vi 2 triệu tỷ đồng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư phát triển ; mặc dù có những ý kiến của Đại biểu Quốc hội can ngăn vì cho rằng thu ngân sách trung ương không đạt kế hoạch, không cân đối được vốn.
Năm 2018, dư nợ công của Việt Nam ước tính đạt 3,4 triệu tỷ đồng, tăng so với năm 2017 (3,1 triệu tỷ đồng). Với mức dư nợ công hiện nay, bình quân mỗi người Việt gánh hơn 34 triệu đồng.
********************
Giám đốc Hàn Quốc nợ lương công nhân và trốn khỏi Việt Nam (RFA, 12/11/2018)
Một ông chủ Hàn Quốc mới đây đã bỏ trốn khỏi Việt Nam trong khi vẫn còn nợ lương của khoảng 40 công nhân địa phương.
Các công nhân công ty Texwell đình công vì chưa được thanh toán lương. (Ảnh minh họa) - Screen Capture From Baodongnai.com.vn
VNexpress đưa tin vào hôm 12/11 cho biết, người bỏ trốn là ông Kim Dae-gun, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cho Won, có trụ sở tại Đồng Nai. Ông này đã đi công tác từ ngày 22/10 nhưng đến nay vẫn chưa trở lại Việt Nam.
Các công nhân và nhân viên tại công ty đã tìm cách liên lạc với vị giám đốc này nhưng đều không thể được. Do đó, các công nhân chính thức nộp đơn khiếu nại.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đồng Nai xác nhận với truyền thông trong nước rằng, công ty này đang mắc một khoảng nợ 120 triệu đồng gồm các khoản bảo hiểm xã hội cũng như nợ các ngân hàng địa phương với số tiền lên tới 23 tỷ đồng. Ngoài ra, phía công ty đã không thanh toán tiền lương cho công nhân hai tháng qua.
Công ty Cho Won không phải là công ty đầu tiên xảy ra vụ việc như vừa nêu tại Việt Nam.
Vào hồi tháng 2/2018, gần 2000 công nhân bị thất nghiệp khi giám đốc và quản lý của công ty Texwell Vina bỏ trốn khỏi Việt Nam trong thời gian các công nhân đang trong dịp nghỉ tết. Công ty này nợ lương công nhân và nhiều khoản nợ khác với số tiền 31 tỷ đồng.
2018 rất có thể là năm chứng kiến sự sụt giảm thảm thiết nhất của nguồn vốn ODA (viện trợ phát triển chính thức) vào Việt Nam, bổ túc một dấu ấn cho năm ‘thắng lợi kinh tế chưa từng có’ theo lối tuyên truyền không còn biết trời cao đất dày của chính thể độc đảng này, chìm nghỉm trong bức tranh tổng thể mang gam màu xám ngoét - được đặc tả bởi sự phối ngẫu của ba thành phần ‘binh chủng hợp thành’ : nợ công - nợ xấu - ngân sách.
Đồng hồ nợ công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn 94 tỉ USD. (Hình : Trích từ website của The Economist)
Đến lúc này, người ta đã có thể hiểu vì sao giới quan chức cao cấp Việt Nam đã tận dụng các sự kiện hội thảo quốc tế, các cuộc gặp song phương ở Hà Nội lẫn các chuyến công du nước ngoài để phát ngôn ‘xin tiền’ không biết mệt mỏi.
Chỉ bằng 1/7 !
Tròn một năm sau thời điểm Việt Nam chính thức không còn nhận được ưu ái trong kênh vay ODA từ các tổ chức tín dụng quốc tế, một bản báo cáo của Bộ Tài chính vào tháng Bảy năm 2018 cho biết lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã ký kết được 4 hiệp định với vay ODA với tổng trị giá 193,2 triệu USD.
Báo cáo trên cũng phải thừa nhận rằng ước tính giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi chỉ bằng 21% kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị ký kết ODA của nửa đầu năm 2018 trong báo cáo trên cho thấy trong nguyên năm 2018, Việt Nam chỉ có thể đạt được giá trị ký kết ODA khoảng 400 - 500 triệu USD, tức chỉ bằng khoảng 1/7 giá trị ký kết bình quân 3,5 tỷ USD/năm của giai đoạn 1993 - 2014 (tổng vốn đã ký kết của giai đoạn này là 73,68 tỷ USD).
1993 là thời điểm mà Việt Nam đã mở cửa kinh tế được vài năm và bắt đầu được nhận nguồn vốn ODA ưu đãi về lãi suất và thời gian ân hạn của một số chính phủ Thụy Điển, Đan Mạch, Nhật Bản… và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB)…
Sau năm 2015 là thời điểm mà quan hệ Việt - Mỹ được bình thường hóa hoàn toàn, dòng chảy ODA vào Việt Nam đã từ suối biến thành sông, mở ra một thời kỳ ‘tiền vào như nước sông Đà’ và cũng biến hóa thành thời hoàng kim của giới quan chức Việt ‘ăn không chừa thứ gì’ đối với tiền ODA được xem là ‘lộc trời’.
Nhưng sau hai chục năm nhận ‘lộc trời’, ODA đã trở thành một trong những bi kịch ‘vĩ đại’ nhất của chính thể Việt Nam.
Bi kịch đến nỗi mà vào một buổi sáng mùa thu năm 2017, Thủ tướng Phúc đã phải "đề nghị Ngân hàng thế giới tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Việt Nam các khoản không hoàn lại để giảm tối đa làm chi phí vay vốn, tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay" - cử chỉ xin tiền đầu tiên và hình như không còn quá nặng về lòng tự trọng kể từ ngày quan chức này phải lãnh trách nhiệm ‘đổ vỏ’ cho đời thủ tướng trước bị xem là ‘phá chưa từng có’ là Nguyễn Tấn Dũng…
Vào cuối tháng Sáu năm 2018, cuộc gặp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Tài chính Hoa Kỳ ở Washington đã khiến lộ ra một ‘bí mật quốc gia’ mà mấy năm qua giới quan chức Việt Nam cố tình giấu nhẹm : ông Huệ đề nghị Mỹ "mở lại kênh cho vay ODA và vay ưu đãi cho Việt Nam, tăng cường các chương trình viện trợ trực tiếp và gián tiếp thông qua các tổ chức phi chính phủ để thực hiện các dự án nhân đạo và hỗ trợ phát triển tại Việt Nam".
Cũng có nghĩa là trong những năm gần đây, lượng ODA và viện trợ không hoàn lại được cấp từ Mỹ cho Việt Nam đã giảm về 0.
Tiền nào cũng là tiền. Viện trợ không hoàn lại là tiền của người dân các nước phát triển đóng thuế cho chính phủ, và những người dân này sẽ phẫn nộ đến mức nào khi biết tiền của họ đã bị một quốc gia nằm trong nhóm đầu thế giới về tham nhũng như Việt Nam "ăn không chừa thứ gì".
Hiện thời, cần nhìn nhận một sự thật mà có lẽ giới tuyên giáo đảng ở Việt Nam chẳng hề muốn đả động : những chuyến công du quốc tế của giới chóp bu Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào năm suy thoái kinh tế thứ 10 liên tiếp, nợ xấu ngập đầu còn nợ công phi mã đến 210% GDP, ngân sách có nguy cơ cạn kiệt, trong lúc các kênh "ngoại viện" gần như đóng lại.
Bị phát hiện
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đặt Việt Nam vào trạng thái zero viện trợ, mà động thái này như thể ‘không hẹn mà gặp’ đã diễn ra phổ biến ở gần hết các nước cấp viện trợ cho Việt Nam, dẫn đến một phát hiện lớn mà ‘đảng và nhà nước ta’ đã không dám công bố trong suốt 4 năm qua : từ năm 2014 đến năm 2018, viện trợ ODA cho Việt Nam luôn cận kề với vạch 0.
Vào tháng Tám năm 2015, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì tổ chức Hội thảo "Hoạt động ODA tại Việt Nam - 20 năm nhìn lại" tại Đà Nẵng. Thông tin được tuyên truyền khi đó đầy màu sắc thành tích : "Hơn 80 tỷ USD vốn ODA dành cho Việt Nam giai đoạn 1993-2014" (1).
Đến tháng Bảy năm 2018, một quan chức Phó Thủ tướng Chính phủ là Phạm Bình Minh khi tham dự buổi làm việc về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giao đoạn 2011-2016, đã cho biết "Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD vốn ODA sau 25 năm" (2).
Độ chênh của hai kết quả về viện trợ ODA từ năm 1993 đến năm 2014 (20 năm) và đến năm 2018 (25 năm) là số 0. Tức sau 4 năm, con số tổng nhận ODA vẫn chỉ là 80 tỷ USD mà không có một chút tăng tiến an ủi nào.
Còn con số vài ba tỷ USD viện trợ ODA mà chính phủ Việt Nam vẫn công bố đã nhận được hàng năm kể từ năm 2015 đến nay thực ra chỉ là số chưa được giải ngân trong những năm trước, mà chỉ được giải ngân trong những năm gần đây (3).
Có chịu cải cách thể chế và cải thiện nhân quyền ?
Con số Việt Nam vay ODA của nước ngoài từ năm 1993 đến năm 2014 đã lên tới 80 tỷ USD. Sau khi trừ đi 10 - 12% vốn vay không hoàn lại trong số đó, mỗi năm ngân sách Việt Nam phải có trách nhiệm trả nợ quốc tế hàng chục tỷ USD. Mà muốn trả được số nợ này, Việt Nam lại phải tìm cách "vay đảo nợ" của các tổ chức tín dụng quốc tế. Trước đây, những tổ chức này vẫn cho Việt Nam vay vốn "đầu tư phát triển" và vay đảo nợ khá dễ dàng. Nhưng đến năm 2015, WB bất ngờ thông báo hai "tin buồn" cho Việt Nam : Việt Nam đã "tốt nghiệp IDA" mà sẽ không được xếp vào loại quốc gia "xóa đói giảm nghèo" ; và từ tháng 7/2017 sẽ không được vay với lãi suất ưu đãi 0,7 - 0,8%/năm cùng thời gian ân hạn đến 30 - 40 năm như trước đây, mà mức lãi suất vay sẽ được nâng lên gấp ba và thời gian ân hạn giảm xuống một nửa.
Trong khi đó, ngân sách Việt Nam vẫn buộc phải làm cái chuyện vừa lo trả nợ vừa phải tiếp tục vay mượn vượt hơn đến 30% số trả nợ hàng năm để phục vụ các khoản chi tiêu thường xuyên khổng lồ của bộ máy gần 4 triệu công chức viên chức và lực lượng vũ trang với 30% ‘không làm gì cả nhưng vẫn lãnh lương’. Trong đó tỷ lệ chi cho lực lượng công an ở Việt Nam lên đến 12% chi ngân sách - một mức chi cực kỳ lớn cho đội ngũ công an chuyên nghề đàn áp dân chúng và nhân quyền, chưa kể gần 5 tỷ USD chi cho bộ máy quốc phòng hàng năm nhưng không hề bảo vệ ngư dân trước tài Trung Quốc, trong lúc lại lập kỷ lục thế giới về các vụ máy bay quân sự đắt tiền rụng như sung.
Hình ảnh hiện thời thật không khác mấy mỡ treo miệng mèo. Tuy được quảng cáo vẫn còn đến 22 tỷ USD nguồn ODA chưa giải ngân, nhưng Việt Nam không những phải trả lãi suất cao từ năm 2017, mà còn phải móc tiền ngân sách để trả một phần lãi do chậm giải ngân dự án ODA.
Nếu chính thể Việt Nam không cấp thiết cải cách thể chế và cải thiện nhân quyền một cách thực tâm, chi tiết và bằng hành động chứ không phải lối trớt trả miệng lưỡi như trước đây, e rằng sang năm 2019 giá trị ODA mà các tổ chức quốc tế ký kết với Việt Nam sẽ chỉ là con zero to tướng.
(1) https://baodautu.vn/hon-80-ty-usd-von-oda-danh-cho-viet-nam-giai-doan-1993-2014-d30863.html
(2) http://cafef.vn/25-nam-viet-nam-tiep-nhan-80-ty-usd-von-oda-20180726062228006.chn
(3) Trong giai đoạn 1993 đến 2014, vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,89 tỷ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết
Cuộc gặp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Tài chính Hoa Kỳ vào cuối tháng Sáu năm 2018 đã khiến lộ ra một ‘bí mật quốc gia’ mà mấy năm qua giới quan chức Việt Nam cố tình giấu nhẹm : ông Huệ đề nghị Mỹ "mở lại kênh cho vay ODA và vay ưu đãi cho Việt Nam, tăng cường các chương trình viện trợ trực tiếp và gián tiếp thông qua các tổ chức phi chính phủ để thực hiện các dự án nhân đạo và hỗ trợ phát triển tại Việt Nam".
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị lập kênh đối thoại giữa Bộ Tài chính Việt – Mỹ. Ảnh : NLĐ
Cũng có nghĩa là trong mấy năm qua, lượng ODA và viện trợ không hoàn lại được cấp từ Mỹ cho Việt Nam đã giảm về 0.
Con số vay ODA của nước ngoài từ năm 1993 đến năm 2014 đã lên tới 90 tỷ USD. Sau khi trừ đi 10 – 12% vốn vay không hoàn lại trong số đó, mỗi năm ngân sách Việt Nam phải có trách nhiệm trả nợ quốc tế hàng chục tỷ USD. Mà muốn trả được số nợ này, Việt Nam lại phải tìm cách "vay đảo nợ" của các tổ chức tín dụng quốc tế. Trước đây, những tổ chức này vẫn cho Việt Nam vay vốn "đầu tư phát triển" và vay đảo nợ khá dễ dàng. Nhưng đến năm 2015, WB bất ngờ thông báo hai "tin buồn" cho Việt Nam : Việt Nam đã "tốt nghiệp IDA" mà sẽ không được xếp vào loại quốc gia "xóa đói giảm nghèo" ; và từ tháng 7/2017 sẽ không được vay với lãi suất ưu đãi 0,7 – 0,8%/năm cùng thời gian ân hạn đến 30 – 40 năm như trước đây, mà mức lãi suất vay sẽ được nâng lên gấp ba và thời gian ân hạn giảm xuống một nửa.
Trong khi đó, ngân sách Việt Nam vẫn buộc phải làm cái chuyện vừa lo trả nợ vừa phải tiếp tục vay mượn vượt hơn đến 30% số trả nợ hàng năm để phục vụ các khoản chi tiêu thường xuyên khổng lồ của bộ máy gần 4 triệu công chức viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó tỷ lệ chi cho lực lượng công an ở Việt Nam lên đến 12% chi ngân sách – một mức chi cực kỳ lớn, chưa kể gần 5 tỷ USD chi cho bộ máy quốc phòng hàng năm.
Nguyễn Xuân Phúc – nhân vật trở nên quá cám cảnh bởi tư thế phải "đổ vỏ" cho thời thủ tướng trước, đã rơi vào một vòng xoáy "cơm áo gạo tiền" cho đảng và chính phủ cầm quyền ở Việt Nam. Đã quá đủ cho vài chục năm vay nợ nước ngoài, chi xài vô tội vạ và bỏ mặc tham nhũng hoành hành của chính phủ cùng chính quyền các địa phương Việt Nam, để lại núi nợ công lên đến ít nhất 210% GDP, tương đương khoảng 431 tỷ USD.
Thay cho Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ chưa thấy đâu, dường như giới quan chức chính phủ Việt Nam – từ Nguyễn Xuân Phúc đến Vương Đình Huệ – đã phải bỏ kịch bản ‘ăn ngay’ để tính đến phương án "ăn sẵn" : thay vì phải đi vay mượn nhưng sẽ cột chặt thêm trách nhiệm phải trả nợ, cần cố gắng xin được viện trợ không hoàn lại mà sẽ không gắn với bất kỳ trách nhiệm thanh toán nào.
Vào tháng Mười năm 2017, Thủ tướng Phúc đã phải "đề nghị Ngân hàng thế giới tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Việt Nam các khoản không hoàn lại để giảm tối đa làm chi phí vay vốn, tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay".
"Lời đề nghị khiến nhã" trên lại xuất hiện trong bối cảnh ngân sách quốc gia Việt Nam có quá nhiều dấu hiệu cạn kiệt và thậm chí có thể vỡ nợ như trường hợp của Argentine vào các năm 2001 và 2014.
Chỉ có điều, xin tiền nước ngoài vào lúc này cũng không còn dễ dàng nữa.
Trong buổi gặp Thủ tướng Phúc vào tháng Mười năm 2017, dù ông Phúc nói nhiều và không quên ca ngợi "tình bạn của Ngân hàng thế giới với Việt Nam", Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đã không có bất kỳ hứa hẹn hay cam kết cụ thể nào về những khoản vay không hoàn lại và có hoàn lại. Cũng chẳng có bất kỳ con số nào được thốt ra từ miệng Ousmane Dione.
Tính từ năm 2016 khi Nguyễn Xuân Phúc trở thành thủ tướng đến nay, phía WB đã có một số lần gặp gỡ với giới quan chức lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam. Nhưng khác hẳn với thời gian trước, họ trở nên rất kiệm lời, đặc biệt liên quan đến phát ngôn về con số.
Hình như sau khi phải chứng kiến cảnh "ăn của dân không chừa thứ gì" ở Việt Nam, mối quan hệ giữa Ngân hàng thế giới và Hà Nội đã nhòa nhạt đi nhiều.
Nhưng lại khá khó hiểu về việc tại sao Nguyễn Xuân Phúc – nhân vật đã có thâm niên lâu năm trong Văn phòng chính phủ và có thể đã quá biết, quá hiểu về quốc nạn tham nhũng ODA (nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức) lên tới 40-50% giá trị dự án tại Việt Nam, vẫn có thể "trơ mặt" đến mức đề nghị "các khoản không hoàn lại" với WB.
Còn có thêm một kiểm chứng nữa về hoàn cảnh xin tiền khốn khó.
Mặc dù Trần Đại Quang được chào đón bằng 21 phát đại bác và được đón tiếp với nghi lễ dành cho nguyên thủ quốc gia, đã được đón tiếp bởi Nhà vua Akihito và Hoàng hậu, đã hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Chuichi Date, đã hội kiến với Thủ tướng Abe, nhưng chuyến công du của nhân vật này đến Nhật Bản vào cuối tháng Năm năm 2018 đã chỉ đạt được một kết quả nhỏ nhoi về ‘xin viện trợ’ : phía Nhật cung cấp thêm khoản viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam trị giá 16 tỉ yên, tương đương 142 triệu USD, cho dự án nâng cao năng lực đào tạo nghề.
Con số 16 tỷ yen trên chỉ bằng 10% số 160 tỷ yen mà Nhật Bản hỗ trợ ODA cho Việt Nam hàng năm, trong 5 tính theo năm tài chính Nhật Bản 2012-2016, trung bình mỗi năm.
Từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 – 25%. Nhưng đó chỉ là mức "hợp pháp". Thậm chí tỷ lệ "lại quả" ODA còn lên đến 40% – được chứng thực bởi một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh và giai đoạn 2009 – 2010. Ngoài ra, còn rất nhiều bằng chứng về lãng phí và "ăn dày" ODA.
Hiện thời, cần nhìn nhận một sự thật mà có lẽ giới tuyên giáo đảng ở Việt Nam chẳng hề muốn đả động : những chuyến công du quốc tế của giới chóp bu Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào năm suy thoái kinh tế thứ 10 liên tiếp, nợ xấu ngập đầu còn nợ công phi mã đến 210% GDP, ngân sách có nguy cơ cạn kiệt, trong lúc các kênh "ngoại viện" gần như đóng lại.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 30/06/2018