Mỹ tài trợ 4,65 triệu đôla cho Đại học Fulbright Việt Nam (VOA, 23/06/2020)
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa trao khoản tài trợ 4,65 triệu đôla cho Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) vào ngày 22/6, trước sự chứng kiện của Đại sứ Daniel Kritenbrink tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Giám đốc USAID Vietnam Michael Greene và Chủ tịch FUV Đàm Bích Thủy tại lễ công bố tài trợ từ USAID.
Đây là khoản tài trợ cho hai năm tới nhằm thúc đẩy mục tiêu đạt chất lượng kiểm định quốc tế đối với chương trình cử nhân của FUV trong thời gian sớm nhất, cũng như phát triển hệ thống quản trị và mở rộng chương trình đào tạo, giúp FUV xây dựng các mối quan hệ đối tác, thông cáo của USAID cho biết.
"Đây là nền tảng quan trọng trong quan hệ giữa nhân dân hai nước, bởi chúng ta đều biết rằng : Là đối tác tin cậy của nhau, chúng ta sẽ cùng nhau thịnh vượng", VnExpress dẫn lời Đại sứ Kritenbrink nói trong buổi lễ trao tiền tài trợ.
Được thành lập từ năm 2016, Đại học Fulbright Việt Nam, với 100% vốn nước ngoài, được xây dựng theo mô hình dựa trên nền tảng truyền thống giáo dục đại học của Mỹ về tranh luận cởi mở, nghiên cứu và phân tích phản biện, nhưng đồng thời vẫn dựa trên những di sản và truyền thống văn hóa phong phú của Việt Nam.
Mục tiêu của FUV là "giúp Việt Nam giải phóng những tiềm năng to lớn trong lĩnh vực giáo dục" thông qua áp dụng các nguyên tắc cốt lõi, bao gồm tự do học thuật, trọng dụng nhân tài, minh bạch và công bằng, USAID cho biết thêm.
Trước đó, vào năm 2017, USAID đã tài trợ 7,2 triệu đôla cho FUV trong 3 năm (2017 – 2020) cho việc xây dựng chính sách tuyển sinh, thủ tục hỗ trợ tài chính và mở rộng số lượng sinh viên.
******************
Đại sứ Mỹ thăm hai nghĩa trang Việt Nam của hai bên Cộng sản, Cộng hòa (VOA, 22/06/2020)
Hôm 21/6, lần đầu tiên một đại sứ của Hoa Kỳ đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Trong cùng ngày, Đại sứ Mỹ Kritenbrink cũng thăm nghĩa trang của quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở tỉnh Bình Dương, còn có tên là nghĩa trang Bình An, trang Facebook của tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội cho hay tối 22/6.
Đại sứ Mỹ Kritenbrink thăm nghĩa trang tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa (nghĩa trang Bình An) ở Bình Dương, 21/6/2020
Tường thuật về cuộc viếng thăm hai nghĩa trang, tòa đại sứ Mỹ đăng lên 4 bức ảnh theo thứ tự lần lượt là ảnh về Đại sứ Mỹ thăm nghĩa trang liệt sĩ Cộng sản đứng trước, tiếp theo là ảnh ông thăm nghĩa trang tử sĩ Cộng hòa.
Lời chú thích của bức ảnh đầu tiên viết : "Đại sứ Kritenbrink bày tỏ lòng tôn kính tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh trong chuyến thăm đầu tiên của một Đại sứ Hoa Kỳ đến nghĩa trang này".
Tuy là lần đầu thăm một nghĩa trang của liệt sĩ Cộng sản ở Tp.HCM, song trước đây, Đại sứ Kritenbrink đã thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, ở tỉnh Quảng Trị, vào tháng 8/2019, và được xem là lần đầu tiên một đại sứ Mỹ tưởng niệm các quân nhân Cộng sản đã ngã xuống trong Chiến tranh Việt Nam.
Đại sứ Mỹ Kritenbrink thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, 21/6/2020
Bức ảnh thứ hai trong bài tường thuật của đại sứ quán Mỹ cho hay ông đại sứ cùng Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Marie Damour, và Tùy viên quân sự, Đại tá Thomas Stevenson, "bày tỏ lòng tôn kính tại Nghĩa trang Biên Hòa (còn gọi là Bình An) ở tỉnh Bình Dương".
Đi cùng 4 bức ảnh là thông điệp của Đại sứ Kritenbrink nói rằng : "Khi chúng ta cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh thì lòng tin và tình bạn của chúng ta sẽ ngày càng vững mạnh hơn".
Đại diện ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ ở Việt Nam nhấn mạnh : "Là một phần trong quá trình hàn gắn cùng tinh thần hoà giải và tôn trọng lẫn nhau, chúng tôi thể hiện sự kính trọng đối với tất cả những người đã hy sinh, bất kể họ đứng về phía nào".
Trong Chiến tranh Việt Nam, kéo dài từ đầu thập niên 1960 đến 30/4/1975, Mỹ là đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa, còn gọi là Nam Việt Nam, để chống lại Bắc Việt theo chủ nghĩa Cộng sản, khi đó có tên chính thức là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đầu năm 1973, Mỹ rút quân khỏi Nam Việt Nam theo Hiệp định Hòa bình Paris. Đến cuối tháng 4/1975, quân đội Bắc Việt giành chiến thắng, toàn bộ đất nước Việt Nam được đặt dưới sự lãnh đạo của chính quyền Cộng sản.
Sau 20 năm kể từ khi cuộc chiến kết thúc, hai nước Mỹ, Việt bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 7/1995. Tháng 7 năm nay, hai nước sẽ kỷ niệm mốc 25 năm của mối quan hệ song phương.
Hồi cuối tháng 7/2013, nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam đến Mỹ, hai nước ra tuyên bố "xác lập quan hệ đối tác toàn diện" giữa hai bên.
Từ hai kẻ thù trong chiến tranh, đến nay quan hệ hai nước đã phát triển sâu rộng trên hầu hết các lĩnh vực gồm ngoại giao, kinh tế, quân sự, giáo dục, nhân đạo, giao lưu nhân dân…
Trong phần cuối thông điệp của đại sứ Mỹ đăng trên Facebook chính thức hôm 22/6, ông Kritenbrink khẳng định : "Ngày nay, Hoa Kỳ và Việt Nam đang hợp tác để xây dựng một tương lai mới, dựa trên cam kết chung vì hòa bình và thịnh vượng cho nhân dân hai nước".
********************
Mỹ khẳng định ‘không thay đổi chính sách visa’ cho công dân Việt Nam (VOA, 22/06/2020)
Cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ ở Việt Nam mới lên tiếng bác bỏ các thông tin lan truyền trên mạng về việc Mỹ "ngưng cấp visa cho du học sinh Việt Nam" từ đầu tháng Bảy, đồng thời cho biết "bước đầu trở lại xử lý hồ sơ thị thực định cư".
Visa vào Mỹ - Ảnh minh họa
"Đừng tin những tin đồn trên mạng ! Không có bất kỳ thay đổi gì về chính sách visa Hoa Kỳ dành cho công dân Việt Nam", cơ quan ngoại giao Mỹ nói hôm 12/6. "Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đang trông đợi khởi động lại các dịch vụ cấp visa tại chỗ ngay khi có thể và sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ đương đơn xin visa du học Mỹ".
Trên trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ, phần lớn các bình luận dưới thông tin bác bỏ đều cho rằng cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ ở Việt Nam đã "kịp thời" lên tiếng.
Facebooker Giang Phạm Hương viết : "Thật tuyệt khi ĐSQ nhanh chóng công bố thông tin chính thức, không để tin đồn lan toả, ảnh hưởng tâm lý của nhiều hs [học sinh] và PH [phụ huynh]".
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện các thông tin không rõ nguồn gốc rằng "Mỹ sẽ ngưng hoàn toàn việc cấp visa cho du học sinh Việt Nam từ ngày 1/7/2020" vì "nhiều trường hợp phạm tội trộm cắp, tìm cách cố lưu trú tại Mỹ khi hết thị thực, làm thêm ‘chui’".
Hoa Kỳ là một trong số các quốc gia có nhiều học sinh Việt Nam tới học tập và nghiên cứu ở các cấp khác nhau.
Số du học sinh Việt Nam học bậc đại học tại Hoa Kỳ tăng năm thứ 18 liên tiếp đóng góp "gần một tỷ đôla" cho nền kinh tế Mỹ, theo báo cáo thường niên Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế, công bố cuối năm 2019.
Với gần 25 nghìn sinh viên, tăng 0,3% so với năm học 2017 – 2018, Việt Nam đứng thứ sáu trong số các quốc gia dẫn đầu về con số du học sinh tại Mỹ trong khoảng thời gian từ 2018 tới 2019.
Thời gian vừa qua, do tình hình dịch virus Corona bùng phát ở Mỹ, phần lớn các trường học đóng cửa và chuyển sang học trực tuyến, cũng như yêu cầu các sinh viên phải rời ký túc xá. Việt Nam đã thực hiện ba chuyến bay thẳng sang Mỹ để đưa hàng trăm công dân về nước, trong đó có nhiều du học sinh.
Hồi tháng Ba năm nay, Hoa Kỳ tuyên bố ngưng phỏng vấn cấp thị thực tại Việt Nam trước tình hình dịch Covid-19 đang căng thẳng.
"Trước diễn biến của dịch Covid-19, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồ Chí Minh sẽ tạm ngừng phỏng vấn cấp xét thị thực", tuyên bố của cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ hôm 18/3 cho biết.
Tuyên bố của phía Hoa Kỳ đưa ra một ngày sau khi Việt Nam loan báo tạm dừng cấp visa với tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, trong vòng 30 ngày từ ngày 18/3, để hạn chế sự lây lan của virus corona.
Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ vẫn xử lý hồ sơ gia hạn thị thực cho công dân Việt Nam qua đường bưu điện.
Hồi tháng Tư năm nay, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp hạn chế nhập cư trong thời gian 60 ngày vì đại dịch Covid-19 để giúp người Mỹ tìm việc làm giữa lúc nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Sắc lệnh này chỉ áp dụng cho những người muốn thành thường trú nhân, và không áp dụng cho các chuyên gia y tế và các nhà đầu tư giàu có tìm cách vào Mỹ.
Việt Nam và Hoa Kỳ đã ra tuyên bố chung nhân chuyến thăm Tổng thống Trump tại Nhà Trắng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng Năm năm 2017, trong đó viết rằng "hai nhà lãnh đạo hoan nghênh sự phát triển của mối quan hệ giữa nhân dân hai nước, đặc biệt thông qua các chương trình trao đổi học thuật và chuyên môn".
"Hai bên ghi nhận sự đóng góp quan trọng đối với quan hệ hai nước của cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ và gần 4.000 cựu sinh viên trong các chương trình trao đổi giáo dục", tuyên bố viết. "Hai bên cũng cho rằng, với hơn 21.000 sinh viên Việt Nam đang học tập trong các chương trình đại học tại Hoa Kỳ, mối quan hệ học thuật giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ…".
Trong một diễn biến mới nhất, lãnh sự quán Mỹ ở Việt Nam cho biết, bắt đầu từ ngày 29/6, cơ quan ngoại giao này "sẽ tiến hành phỏng vấn các đương đơn xin thị thực diện IR-1, IR-2, CR-1 và CR-2 [các loại thị thực định cư], vốn trước đó đã có lịch hẹn phỏng vấn trong tháng Ba, tháng Tư, và tháng Năm nhưng bị hủy do dịch Covid-19".
Tổng thống Trump 'giằng xé' về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung (VOA, 10/05/2020)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Sáu nói rằng ông "rất giằng xé" về việc có nên chấm dứt thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc hay không, chỉ vài giờ sau khi các quan chức thương mại hàng đầu của cả hai nước cam kết xúc tiến thi hành nó bất chấp những tổn hại kinh tế do virus corona gây ra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông "rất giằng xé" về việc có nên chấm dứt thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc hay không - Ảnh minh họa
Sáng ngày thứ Sáu, ngay trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố 20,5 triệu việc làm ở Mỹ đã bị mất vào tháng 4, ông Trump nói với đài Fox News rằng ông "đang gặp khó khăn với Trung Quốc".
Mặc dù ban đầu ông "rất hào hứng" về thỏa thuận thương mại đã kí vào tháng 1, đại dịch kể từ đó đã khiến ông thay đổi quan điểm về nó.
"Bây giờ tôi cảm thấy khác lúc trước. Tôi đã rất cứng rắn với Trung Quốc," ông Trump nói.
Khi được hỏi liệu ông sẽ "phá vỡ" thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 hay không, ông Trump nói : "Tôi rất giằng xé. Nói thật là tôi chưa quyết định".
Ông Trump và một số thành viên trong chính quyền của ông đã đe dọa đưa ra những hành động trừng phạt nhắm vào Bắc Kinh, bao gồm cả thuế quan có thể và chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Dù Trung Quốc đã mua một số mặt hàng nông sản của Mỹ, một số nhà quan sát cho rằng những đợt thu mua này vẫn kém xa tốc độ cần thiết để đạt được mục tiêu năm đầu tiên là tăng 77 tỉ đôla trong khi nền kinh tế Trung Quốc hiện đang bắt đầu phục hồi sau khi bị đình chỉ trong đại dịch.
Ông Trump quy trách Trung Quốc làm cho hàng triệu công ăn việc làm bị mất ở Mỹ vì cách thức nước này xử lý vụ bùng phát dịch virus corona tại Vũ Hán vào cuối năm 2019. Ông cũng đe dọa chấm dứt thỏa thuận thương mại nếu Trung Quốc không tuân thủ các cam kết mua hàng hóa và nói rằng ông sẽ thẩm định nỗ lực đó trong tuần sau.
Trung Quốc đã bác bỏ các tuyên bố của chính quyền Trump cho rằng có bằng chứng cho thấy virus corona chủng mới xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán và các nhà khoa học nói virus dường như đã phát triển trong tự nhiên.
******************
Mỹ ban hành thêm hạn chế visa nhắm vào nhà báo Trung Quốc (VOA, 10/05/2020)
Mỹ áp đặt thêm những hạn chế visa mới đối với các nhà báo Trung Quốc làm việc tại nước này trong khi tranh cãi giữa Washington và Bắc Kinh về virus corona lấn sang cuộc chiến đang sôi sục liên quan đến truyền thông.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) ngày thứ Sáu thông báo các nhà báo Trung Quốc làm việc cho các cơ quan báo chí không phải của Mỹ sẽ chỉ có thể được cấp visa làm việc 90 ngày, đảo ngược quy chế visa không thời hạn áp dụng cho họ trước đây. Các nhà báo sẽ có thể nộp đơn xin gia hạn 90 ngày.
Bước đi này, mà DHS nói là để trả đũa các hành động nhắm vào các cơ quan báo chí của Mỹ, có thể làm cho tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài hơn về quyền tiếp cận của giới truyền thông.
Chính phủ Trung Quốc hồi tháng 3 thông báo trục xuất các phóng viên của báo The New York Times, The Washington Post và The Wall Street Journal, nói rằng hành động này "hoàn toàn cần thiết và đối ứng".
Vụ trục xuất xảy ra là để đáp lại một thông báo từ các quan chức Mỹ rằng chỉ có 100 nhân viên người Trung Quốc tại năm cơ quan thông tấn do nhà nước Trung Quốc kiểm soát được cho phép làm việc Mỹ, giảm xuống từ 160 người.
Tranh cãi kéo dài liên quan tới quyền tiếp cận của báo chí nổi lên như một mặt trận cho các vụ đụng độ ngoại giao giữa Washington và Bắc Kinh về chuyện ai chịu trách nhiệm về sự lây lan của virus corona.
Tổng thống Trump và các quan chức hàng đầu khác đã liên tục đả kích chính phủ Trung Quốc, nói rằng nước này lúc đầu đã hạ giảm tầm mức vụ bùng phát dịch bệnh, và một số người thậm chí còn nói rằng virus có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Các quan chức Trung Quốc đáp lại rằng những tuyên bố đó là vô căn cứ và đưa ra những cáo buộc không được chứng thực rằng virus có nguồn gốc từ Mỹ.