Việt Nam buộc phải sửa đổi chính sách visa để thu hút du khách
Thanh Phương, RFI, 03/04/2023
Bộ Du lịch Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến 2025, ngành du lịch Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn, đón 18 triệu lượt khách quốc tế và đến 2030 sẽ nâng con số này lên 35 triệu. Nhưng hiện giờ, tuy Việt Nam đã mở cửa trở lại cách đây khoảng hơn một năm sau một thời gian dài đóng cửa vì Covid-19, số du khách ngoại quốc vẫn chưa nhiều, chủ yếu là do hạn chế về cấp visa. Cho nên Việt Nam sẽ buộc phải sửa đổi chính sách visa để thu hút du khách.
Du khách Trung Quốc trên đường phố Hà Nội, Việt Nam, ngày 01/12/2016. AP - Tran Van Minh
Hội chợ Du lịch Quốc tế Paris trong tháng 3 vừa qua (16-19/03/2023) lẽ ra là một cơ hội quan trọng để quảng bá cho du lịch Việt Nam, nhưng chỉ có một công ty duy nhất của ngành du lịch Việt Nam có mặt tại hội chợ này, đó là hãng La Palanche Voyages, chuyên tổ chức các tour du lịch cho khách nói tiếng Pháp đến Việt Nam cũng như đến các nước láng giềng Lào, Cam Bốt, Miến Điện.
Trả lời RFI tại Hội chợ, giám đốc của La Palanche Voyages Nguyễn Xuân Hải giải thích vì sao số du khách quốc tế nói chung, và du khách Pháp nói riêng, đến Việt Nam vẫn chưa nhiều :
"Lý do đầu tiên mà tôi nghĩ là lý do chủ đạo đó là giá vé máy bay bây giờ rất cao, so với cả trước dịch, giá vé máy bay tăng gấp rưỡi. Lần đầu tiên tôi phải trả đến 1.200 euro để bay qua đây, trong khi trước đây tôi chỉ phải trả khoảng từ 700 đến 800 thôi.
Bản thân chúng tôi là những người làm du lịch mà còn phải trả như vậy, những người khác không tìm được cách thì chắc là phải trả giá cao hơn. Ngay vào tháng đầu tiên mà chúng tôi bắt đầu có khách, tức là tháng 4 năm ngoái, đã có những khách phải trả đến hơn 2.000 euro để mua vé máy bay.
Lý do thứ hai, các anh ở đây chắc cũng nghe nói là chính phủ chuẩn bị tăng số ngày được miễn visa và tăng số quốc gia được miễn visa, nhưng việc đó các nước xung quanh như Lào, Cam Bốt, Thái Lan đã làm từ lâu rồi ! Ngay từ khi các nước này mở cửa lại, du khách thay vì phải xin visa hay làm các thủ tục này nọ thì người ta cứ việc lên máy bay và tới điểm đến. Còn ví dụ như đối với người Pháp, Việt Nam chỉ miễn visa có 15 ngày, thì người ta tự hỏi là thay vì đến Việt Nam, tại sao lại không đến Thái Lan chẳng hạn ?"
Theo quy định hiện hành, visa du lịch có thời hạn không quá 3 tháng và thời gian tạm trú ở Việt Nam không được quá 30 ngày. Hết thời hạn này, khách du lịch muốn tiếp tục ở lại thì phải gia hạn thêm thời hạn tạm trú. Ngoài ra, Việt Nam đang cấp thị thực điện tử ( e-visa ) cho công dân 80 nước, nhưng visa điện tử chỉ được cấp cho 30 ngày và nhập cảnh một lần, cho nên khách đến Việt Nam không thể sang thăm một nước khác trong vùng rồi quay trở lại Việt Nam. Hiện giờ, Việt Nam đã miễn visa cho công dân từ 13 quốc gia, trong đó có 11 nước Châu Âu, nhưng thời hạn miễn visa chỉ là 15 ngày, trong khi có rất nhiều khách muốn du lịch ở Việt Nam đến 3, 4 tuần, hoặc hơn nữa.
Giám đốc công ty La Palanche Nguyễn Xuân Hải cũng ghi nhận những bất cập trong các thủ tục cấp visa du lịch ở Việt Nam hiện nay :
"Trang web visa điện tử của Việt Nam hiện giờ không tiện lợi cho khách, mà lại chỉ bằng tiếng Anh, như thế là đã thiệt thòi cho khách Pháp rồi. Tôi có nhiều khách, mà nói thẳng ra đó là những người nhiều tiền, nhưng là người lớn tuổi, có thể là tiếng Anh của họ kém, cho nên gặp trang web tiếng Anh là thua luôn. Đó là điểm thứ nhất.
Thứ hai là visa điện tử chỉ cho nhập cảnh một lần mà không được gia hạn. Ngay từ tháng 5 năm ngoái, tôi có khách ở Việt Nam trên 30 ngày, người ta có hỏi ý kiến tôi, thì tôi đến phòng quản lý xuất nhập cảnh để xin gia hạn cho người ta, nhưng không được vì lúc ấy không có quy định như vậy. Thế là tôi phải đề nghị khách một phương án : đi hết miền bắc Việt Nam, rồi khi đi đến miền trung thì chạy sang Lào rồi chạy về trong ngày, để có thêm được 15 ngày miễn visa. Tự nhiên khách phải trả thêm tiền để chạy từ Việt Nam sang Lào, trả tiền visa rồi quay lại Việt Nam !".
Để thúc đẩy đà phục hồi của du lịch, Bộ Du lịch Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các hiệp hội… đã nhiều lần kiến nghị nâng thời hạn miễn visa lên 30 ngày.
Sau một thời gian chần chừ, cuối cùng, chính phủ Việt Nam vừa chính thức có tờ trình gởi Quốc hội đề xuất một số chính sách mới về quản lý xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo Báo điện tử Chính phủ hôm 02/04/2023, chính phủ muốn đưa các chính sách này vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), "để làm cơ sở triển khai thực hiện". Có lẽ ý định của chính phủ Việt Nam là sẽ thực hiện ngay chính sách cởi mở về visa để tranh thủ được mùa cao điểm du lịch năm 2023.
Cụ thể, chính phủ đề nghị cấp visa điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ, nâng thời hạn visa điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần, đồng thời nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh được miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Chính phủ Việt Nam đưa ra những đề xuất như trên mặc dù họ nhìn nhận việc thực hiện có thể đặt ra một số khó khăn trong công tác quản lý người nước ngoài, nhưng họ cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Công an "tăng cường công tác quản lý cư trú của người nước ngoài để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội".
Những thay đổi này là vô cùng cấp thiết bởi vì so với các nước láng giềng như Thái Lan, ngành du lịch Việt Nam có nguy cơ "xuất phát trước, nhưng về đích sau". Vào năm 2019, Việt Nam đã đón được 18 triệu lượt khách, một con số được xem là kỷ lục, nhưng cũng trong cùng năm đó thì Thái Lan đã đón đến 40 triệu lượt khách. Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu 8 triệu thì Thái Lan sẽ đón 25 triệu. Năm 2030 Việt Nam dự kiến đón 35 triệu lượt khách, nhưng Thái Lan thì chỉ cần đến năm 2027 dự kiến sẽ thu hút đến 80 triệu khách.
Lợi ích của việc kéo dài thời hạn miễn thị thực nhập cảnh đã được thấy rõ tại đảo Phú Quốc. Đảo này thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế không phải chỉ vì cảnh đẹp, mà còn vì Phú Quốc có một chính sách visa rất thoáng : Kể từ ngày 01/07/2020, nếu Phú Quốc là điểm đến đầu tiên thì du khách quốc tế sẽ được miễn visa Việt Nam trong 30 ngày, dù là người nước ngoài hay người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài. Nói một cách đơn giản, tất cả du khách từ nước ngoài không cần xin visa Việt Nam nếu họ ở lại Phú Quốc không quá 30 ngày.
Miễn thị thực Phú Quốc cũng được áp dụng cho những du khách nhập cảnh Phú Quốc qua các sân bay quốc tế Việt Nam khác như sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất, v.v. và không rời khỏi khu vực quá cảnh.
Nhờ chính sách visa thoải mái như vậy mà đảo Phú Quốc chỉ trong hai tháng đầu năm 2023 đã đón được đến 139.000 du khách nước ngoài trên tổng số 935.000 du khách, theo số liệu của Sở Du lịch Tiền Giang
Trước mắt, các công ty du lịch đang ráo riết tuyển dụng nhân sự và tu bổ các khách sạn, nhà hàng để đón du khách Trung Quốc, bởi vì kể từ ngày 15/03, Trung Quốc đưa Việt Nam vào "danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn". Khách từ Trung Quốc vẫn là một nguồn khách quốc tế chủ yếu, với 5,5 triệu người đến Việt Nam trong năm 2019.
Trải qua 3 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và vắng mặt hoàn toàn khách Trung Quốc, nhiều cơ sở đã phải đóng cửa hoặc giảm bớt chất lượng dịch vụ để hạ thấp chi phí. Năm nay, theo dự báo của ngân hàng HSBC, Việt Nam có thể đón tiếp từ 3 đến 4,5 triệu khách Trung Quốc.
Nhưng vấn đề là sau mấy năm bị đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang gặp một vấn đề lớn, đó là thiếu nhân công, do nhiều người đã phải bỏ sang làm các nghề khác, theo như ghi nhận của giám đốc công ty La Palanche Nguyễn Xuân Hải :
"Theo quan sát từ công ty của tôi, số lượng khách đến Việt Nam chỉ được khoảng một nửa so với cùng kỳ trước dịch, mà lại chia thành những đoàn nhỏ. Trước đây các hãng ở Pháp bán được đoàn lớn vì giá vé máy bay tốt, nhưng bây giờ là các đoàn nhỏ : gia đình, bạn bè, các cặp... Cho nên cần số xe hướng dẫn nhiều hơn rất nhiều vì chia nhỏ ra, dẫn đến tình trạng thiếu rất nhiều nhân sự du lịch ở Việt Nam. Nhất là sau dịch thì có rất nhiều người đã chuyển sang làm nghề khác, tương đối ổn định rồi, bây giờ họ đợi khi nào du lịch thật sự ổn định thì mới quay lại".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 03/04/2023
*************************
Chính phủ Hà Nội đề nghị miễn thị thực 45 ngày cho khách du lịch một số nước
RFA, 03/04/2023
Chính phủ Hà Nội đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn thị thực lên 45 ngày cho khách du lịch từ một số nước.
Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 2/4 dẫn đề nghị được công khai trên Cổng Thông tin Chính phủ Việt Nam. Đề nghị này sẽ được Quốc hội bàn thảo tại kỳ họp vào tháng năm tới đây.
Ngoài đề nghị kéo dài thời gian miễn thị thực lên 45 ngày như vừa nêu, Chính phủ Hà Nội cũng đề xuất chuyển hoàn toàn sang e-visa. Hiện nay chỉ có công dân 80 nước thuộc diện này.
Theo quy định hiện hành của Việt Nam, du khách từ một số nước Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc được miễn thị thực 15 ngày. Đây được đánh giá là những thị trường du lịch hàng đầu của Việt Nam.
Thống kê cho thấy trong quý 1 năm nay, cho hơn 810 ngàn khách Hàn Quốc đến thăm Việt Nam.
Vào năm ngoái, Việt Nam chỉ có thể đón được 3,6 triệu khách du lịch quốc tế ; tương đương chừng 20% mức trước dịch COVID-19.
Mục tiêu cho cả năm nay được Tổng Cục Du lịch Việt Nam đề ra là thu hút được chừng 8 triệu khách du lịch quốc tế.
Những hạn chế về visa được cho là một trong những lý do làm nản lòng du khách quốc tế muốn đến thăm Việt Nam.
Nguồn : RFA, 03/04/2023
Thêm một quốc gia Châu Âu không công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam
VOA, 11/08/2022
Phần Lan là quốc gia Châu Âu mới nhất từ chối cấp thị thực cho công dân Việt Nam mang hộ chiếu mới với lý do tương tự như các nước khác hiện đang không công nhận mẫu hộ chiếu màu xanh tím than vì thiếu "Nơi sinh".
Mẫu hộ chiếu mới màu xanh tím than của Việt Nam không có thông tin "Nơi sinh" và bị Đại sứ quán Phần Lan ở Hà Nội từ chối cấp thị thực/giấy phép cư trú của đương đơn vào đây.
Đức là nước đầu tiên không công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam khi đưa ra thông báo hôm 27/7 rằng thiếu thông tin "Nơi sinh" khiến họ không thể xác định rõ ràng người mang hộ chiếu vì nhiều trường hợp trùng họ.
Tây Ban Nha và Cộng hòa Czech sau đó cũng đưa ra quyết định tương tự lần lượt vào ngày 1/8 và 2/8 khi nói rằng "Nơi sinh" là thông tin bắt buộc để xử lý đơn xin thị thực vào các nước thuộc khối Schengen, tức 26 nước Châu Âu. Tuy nhiên, Tây Ban Nha sau đó một tuần đã đảo ngược quyết định và tiếp tục cấp thị thực cho công dân Việt Nam mang hộ chiếu mới với yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ hợp lệ chứng minh nơi sinh.
Trong một thông báo đưa ra hôm 11/8, Đại sứ quán Phần Lan ở Hà Nội cho biết nước này "đã quyết định tạm dừng công nhận hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam" có màu xanh tím than mà Bộ Công an bắt đầu cấp từ ngày 1/7.
"Hộ chiếu mới này không có thông tin về nơi sinh của người mang hộ chiếu", Đại sứ quán Phần Lan nói trong thông cáo khi giải thích lý do cho quyết định đưa ra hôm 11/8. "Đây là một thông tin bắt buộc để xác định danh tính cá nhân và xử lý các đơn xin thị thực/giấy phép cư trú của Phần Lan".
Việc các quốc gia Châu Âu không chấp nhận hộ chiếu mới của Việt Nam khiến nhiều công ty du lịch lữ hành trong nước gặp khó khăn và thậm chí phải hủy các tour du lịch cho khách đi Châu Âu. Trước các bất cập mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nói là sẽ có "những tác động bất lợi trong bối cảnh mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", người đứng đầu chính phủ Việt Nam hôm 3/8 đã yêu cầu Bộ Công an tìm ra giải pháp xử lý.
Khi bị chất vấn về vấn đề này tại Quốc hội hôm 10/8, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói rằng "đây chỉ là vấn đề kỹ thuật" và cho biết đã có giải pháp khắc phục bằng việc bổ sung nơi sinh vào hộ chiếu mới để tạo thuận lợi cho công dân. Tuy nhiên, ông Lâm vẫn khẳng định việc cấp hộ chiếu mới được thực hiện theo đúng Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2009 và rằng mẫu hộ chiếu mới phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Bộ Công an, tính đến nay đã có hơn 272.000 hộ chiếu theo mẫu mới được cấp cho công dân trên toàn quốc. Giải thích việc hộ chiếu mới không có thông tin nơi sinh, Bộ này cho biết, theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), các thông tin khác như nơi sinh tùy thuộc vào từng quốc gia, không bắt buộc phải có.
Trả lời báo chí hôm 11/8 về bất cập trong vấn đề hộ chiếu mới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao và Cục quản lý Xuất nhập cảnh của Bộ Công an hôm 9/8 đã có buổi làm việc với đại sứ quán Đức, Cộng hòa Czech và Tây Ban Nha tại Hà Nội" và "đề nghị các nước phối hợp tháo gỡ khó khăn, sớm cấp thị thực cho hộ chiếu phổ thông mẫu mới của Việt Nam", theo VnExpress.
Bà Hằng cũng cho biết rằng giới chức Việt Nam thống nhất trước mắt sẽ ghi bị chú nơi sinh vào hộ chiếu mới khi công dân có đề nghị.
Đại sứ quán Phần Lan, trong thông báo hôm 11/8, nói rằng họ sẽ "tích cực làm việc với các quốc gia thành viên EU, Schengen và phía Việt Nam để giải quyết vấn đề này" trong lúc "không tiếp nhận đơn xin cấp thị thực/giấy phép cư trú của đương đơn xuất trình hộ chiếu mẫu mới này cho đến khi có thông báo mới".
Bên cạnh Tây Ban Nha, Anh và Pháp là hai nước Châu Âu khác hiện vẫn tiếp tục cấp thị thực cho công dân Việt Nam mang hộ chiếu mới cho tới khi có thông báo mới. Dù công nhận trở lại hộ chiếu mới của Việt Nam, Tây Ban Nha vẫn cảnh báo rằng thị thực được cấp trên hộ chiếu mới sẽ không có giá trị để nhập cảnh vào vùng lãnh thổ của các nước thành viên Schengen mà ở đó, hộ chiếu mới không được chấp nhận.
***********************
Bộ trưởng Công an Việt Nam trấn an : Không thu hộ khẩu giấy của dân
RFA, 10/08/2022
Nói trước một ủy ban của Quốc hội Việt Nam hôm 10/8, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trấn an rằng ngành công an không có chủ trương thu sổ hộ khẩu trong thời gian qua và từ nay đến cuối năm, báo điện tử của chính phủ Việt Nam tường thuật.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 10/8/2022.
Trong một phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu quốc hội Nguyễn Trường Giang, tỉnh Đắk Nông, nêu vấn đề là có những cử tri phản ánh rằng khi họ đến cơ quan công an làm thủ tục liên quan đến hộ khẩu, họ bị thu sổ hộ khẩu giấy.
Trong khi đó, ông Giang nói tiếp, khi công dân làm thủ tục ở cơ quan nhà nước - như nhập học cho con, nộp hồ sơ xin việc… - vẫn bị yêu cầu mang sổ hộ khẩu giấy gốc đến đối chiếu. Tuy nhiên, vì sổ đã bị thu nên phải dùng giải pháp tạm thời là công dân đến cơ quan công an xin xác nhận, hiệu lực trong 6 tháng.
Đại biểu Giang lưu ý rằng việc bỏ hộ khẩu giấy phải theo quy định của luật và đặt câu hỏi vì sao có trường hợp công an thu sổ hộ khẩu.
Trả lời cho chất vấn này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho rằng việc một số người bị thu sổ chỉ là trường hợp cá biệt và ông khẳng định ngành công an không có chủ trương thu hộ khẩu.
"Việc người dân bị thu sổ hộ khẩu, rồi lại đi xin giấy xác nhận đều là phát sinh cá biệt. Nếu đại biểu có địa chỉ cụ thể, chúng tôi sẽ kiểm tra và chấn chỉnh. Đây không phải chủ trương chung của Bộ", Bộ trưởng Tô Lâm nói, theo tường thuật của Báo Điện tử Chính phủ.
Ông Lâm cho biết thêm rằng công an chỉ thu sổ hộ khẩu khi có điều chỉnh thông tin mới trong sổ và không cấp mới sổ hộ khẩu mới, chứ không làm khó cho nhân dân.
Vẫn vị bộ trưởng công an trấn an tiếp rằng hộ khẩu còn giá trị hiệu lực đến ngày 31/12/2022 và sau đó sẽ bị bỏ theo luật.
Trong thời gian từ nay đến khi đó, Bộ Công an sẽ cấp khẩn trương, đầy đủ căn cước công dân gắn chip, là giấy tờ pháp lý để người dân giao dịch, làm thủ tục, không cần xác nhận của cơ quan nào nữa, vị bộ trưởng công an nói thêm, và nhấn mạnh rằng từ nay đến cuối năm, các quy định sẽ thay đổi, để các cơ quan nhà nước không bắt buộc người dân phải trình sổ hộ khẩu nữa.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Trường Giang tỏ ý không yên tâm khi ông chỉ ra thực tế là rõ ràng chưa có sự kết nối liên thông giữa sổ hộ khẩu, căn cước công dân với các thủ tục của cơ quan nhà nước. Ông nêu lên quan ngại rằng nếu đến cuối năm 2022, sổ hộ khẩu giấy bị bỏ mà vẫn chưa liên thông - như đang diễn ra hiện nay - tình hình sẽ rất rối, gây khó khăn cho người dân.
Về mối lo này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói rằng trong thời gian tới, bộ của ông sẽ phối hợp với các bộ, ngành rà soát văn bản pháp luật có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để sửa đổi cho phù hợp.
************************
Đề xuất miễn thị thực cho du khách Mỹ, Châu Âu tới Việt Nam
VOA, 10/08/2022
Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng hôm 9/8 đề xuất mở rộng miễn thị thực cho khách du lịch từ Hoa Kỳ, Châu Âu, Canada, Úc, New Zealand và Ấn Độ để thúc đẩy phục hồi ngành du lịch, theo VnExpress.
Khách du lịch quốc tế tại Việt Nam.
Báo điện tử này cũng dẫn lời ông Hùng đề nghị chính phủ xem xét đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh để thu hút khách du lịch nước ngoài sau khi Việt Nam mở cửa trở lại sau hơn hai năm đóng cửa biên giới.
Nói trong một báo cáo trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo VnExpress, ông Hùng cũng đề xuất gia hạn cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp du lịch đến cuối năm 2023 để giúp họ phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch.
Thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy, trong 7 tháng qua, Việt Nam đã đón và phục vụ 71,8 triệu lượt khách nội địa (vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm), song lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thì "rất hạn chế" khi cả nước mới đón khoảng hơn 900.000 lượt.
Năm nay, VnExpress đưa tin, Việt Nam đặt mục tiêu 5 triệu khách du lịch nước ngoài, khoảng 30% mức trước đại dịch.
Trang tin của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hôm 10/8 dẫn lời ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định có những nguyên nhân khách quan khiến thị trường quốc tế chưa thể tăng tốc trở lại, điển hình là xung đột Nga - Ukraine đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam - Nga, ảnh hưởng lớn đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam.