Đà Nẵng bất ngờ thu hồi văn bản đòi kiểm duyệt báo chí (CaliToday, 08/02/2018)
Chỉ một ngày sau khi ban hành ra công văn yêu cầu cơ quan truyền thông, báo chí phải cung cấp bản thảo trước khi in ấn cho Sở Thông tin và truyền thông xét duyệt, cơ quan này đã phải cho thu hồi quyết định trên, đồng thời có lời xin lỗi đến các cơ quan báo chí.
Ngày 8/2, ông Nguyễn Quang Thanh-Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông thành phố Đà Nẵng đã có công văn số 236 để thu hồi lại công văn 228 (ban hành vào ngày 6/2) đã gửi đến các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn thành phố.
Chính quyền Đà Nẵng đang rất muốn siết chặt báo chí, truyền thông, nhất là vào thời điểm thành phố này đang trong giai đoạn thanh trừng căng thẳng những cán bộ thân tín của cựu Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhưng họ không biết dùng cách nào. Vậy nên, được ngụy tạo dưới vỏ bọc nhờ báo chí "phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin về nội dung tin, bài trước thời gian in ấn và phát hành các ấn phẩm báo chí", Sở Thông tin và truyền thông muốn kiểm duyệt tất cả tin tức, bản tin mà Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng, báo Đà Nẵng, báo Công an Đà Nẵng trước khi cho xuất bản.
Công văn của Sở Thông tin và truyền thông gửi các cơ quan báo chí. Ảnh : Tuổi Trẻ
Còn riêng với các tờ báo của Trung ương và địa phương khác đóng trên địa bàn, Sở Thông tin và truyền thông "đề nghị" hỗ trợ tin tức bằng cách cung cấp các đường link các bài báo, trang tin có những vấn đề liên quan đến Đà Nẵng. Sở Thông tin và truyền thông cho biết, những đề nghị trên là làm theo chỉ thị của Thường trực Thành ủy.
Ngay sau công văn 228 được ban ra đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ các cơ quan truyền thông, báo chí có trụ sở tại thành phố này. Trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Nguyễn Như Phong-Đại tá công an, Tổng biên tập tờ Thời Mới nhận định :
"Thứ nhất, đây là biểu hiện của một sự lạm quyền quá mức- Đòi kiểm tra tất cả, duyệt tất cả và tự cho mình là "cha mẹ thiên hạ".
Thứ hai, thể hiện sự "cay cú" đối với báo chí, khi mà họ "không kiểm soát" được thông tin.
Thứ ba, thể hiện sự dốt nát đến mức… không hiểu nổi".
Cũng theo ông Phong, với những lãnh đạo có tư duy như vậy cách hay nhất là chuyển đi làm việc khác, không để cho họ dính líu đến việc quản lý.
Trong khi đó, tờ Tuổi Trẻ dẫn lại các điều luật của nhà nước cộng sản Việt Nam khẳng định rằng "Không ai được kiểm duyệt báo chí"
Trước tình hình đó, Thành ủy Đà Nẵng đã phải trốn tránh trách nhiệm. Ngày 8/2, ông Lương Nguyễn Minh Triết-Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng khẳng định Thường trực Thành ủy và Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng không có bất kỳ chỉ thị nào cho Sở Thông tin và truyền thông để yêu cầu các cơ quan truyền thông, báo chí phải cung cấp bản thảo trước khi in ấn, xuất bản.
******************
Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng hôm 8/2 thông báo thu hồi lại một công văn đòi kiểm duyệt báo chí đóng tại địa phương trước khi họ đăng bài, chỉ một ngày sau khi công văn được gửi đi và chịu nhiều chỉ trích từ báo giới lẫn người dân.
Công văn ký ngày 6/2 của sở đề nghị báo Đà Nẵng và báo Công an Đà Nẵng "phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin về nội dung tin, bài trước thời gian in ấn và phát hành". Đối với Đài Phát thanh-Truyền hình của thành phố, sở đề nghị "phối hợp kịp thời cung cấp các thông tin nổi cộm, cần các cơ quan đơn vị phản hồi thông tin báo nêu".
Về phần các cơ quan báo chí trung ương và các địa phương khác đóng ở Đà Nẵng, Sở Thông tin và truyền thông thành phố đề nghị họ "cung cấp kịp thời đường dẫn trên báo điện tử hoặc trang thông tin điện tử của báo các thông tin nổi cộm liên quan đến Thành phố Đà Nẵng cần các cơ quan, đơn vị phản hồi thông tin báo nêu".
Các nhà báo và công chúng đã nhanh chóng chia sẻ thông tin về công văn, gọi Đà Nẵng là "một mình một luật" và chất vấn về tính hợp pháp của nó. Nhiều người cũng bình luận rằng nó "kỳ cục", "ngoài sức tưởng tượng" và đưa Đà Nẵng quay ngược về quá khứ cả nửa thế kỷ. Nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo nói với VOA :
"Nó quá lạc hậu rồi. Trước đây nhà nước Việt Nam cũng có chuyện đó. Nhưng mà sau này đã bỏ hết những cái đó rồi. Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng ra văn bản quy định như thế gây cho tôi cảm giác rất kinh hoàng, rất là bất ngờ".
Nhà báo có gần 2 thập niên kinh nghiệm nói thêm từ khoảng 30 năm nay, chính quyền Việt Nam đã thay việc một cơ quan trung ương kiểm duyệt trước khi đăng bài bằng hình thức các cơ quan báo chí tự kiểm duyệt.
Ông Tạo nói rõ hơn rằng lâu nay ban biên tập các cơ quan báo chí tự quyết định đăng những nội dung gì. Nhưng nếu các cơ quan quản lý như Bộ Thông tin và truyền thông, hoặc an ninh văn hóa của chính phủ, hay Ban Tuyên giáo của Đảng cộng sản "không hài lòng" về tin, bài nào đã đăng, họ sẽ "nhắc nhở, phê bình, hoặc phạt".
Phản ứng của báo giới và người dân trong một ngày qua dường như đã dẫn đến việc Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng rút lại công văn gây tranh cãi. Tin trên báo chí trong nước hôm 8/2 nói sở này trong cùng ngày đã thu hồi công văn vì họ thấy rằng nó "không phù hợp với các quy định của Luật Báo chí".
Nhà báo Võ Văn Tạo đánh giá về động thái mau lẹ của chính quyền địa phương :
"Họ rút lại là một điều tốt. Đấy là một động thái biết lắng nghe phản ứng của công chúng. Nhưng nếu họ không rút, tôi tin rằng cấp trên cũng phải yêu cầu họ rút. Nếu cộng đồng, công chúng phản ứng dữ dội, cơ quan chính quyền cao nhất ở trung ương người ta thấy chối tỉ quá, người ta cũng phải yêu cầu Đà Nẵng rút".
Một mặt cho rằng tư tưởng muốn quản lý báo chí còn rất nặng nề, không chỉ ở cấp địa phương như thể hiện trong sự việc vừa qua ở Đà Nẵng, mà kể cả ở cấp nhà nước, song mặt khác, ông Tạo nhận định "sự cố" của Sở Thông tin và truyền thông thành phố còn có nguyên nhân ở chất lượng nhân sự. Ông giải thích :
"Các quan chức của Việt Nam bây giờ tôi không hiểu trình độ của họ đến đâu, tư duy họ thế nào, cho nên là lâu lâu lại có những văn bản quái đản tương tự như thế. Cách đây khoảng vài chục năm, họ làm công tác cán bộ còn tàm tạm được. Họ không đến nỗi có những văn bản quái đản như thế này. Vài thập kỷ trở lại đây, công tác cán bộ quá kém. Chuyện con ông cháu cha, rồi chạy chọt mua chức mua ghế, dốt nát, bằng giả, v.v… cho nên cái đó chính là cái đẻ ra những cái văn bản quái đản như thế".
Báo chí Việt Nam cho hay cùng với việc rút lại công văn đòi kiểm duyệt trước khi báo chí đăng bài, Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng cũng "thành thật xin lỗi với các cơ quan báo chí".