Tài xế GrabBike và xe ôm truyền thống đánh nhau liên tiếp. Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn khi các đại gia taxi như Mai Linh, Vinasun cũng đang nhảy vào chiếm thị phần ở phân khúc này. Việc cạnh tranh, giành khách nhiều lúc đã xảy ra những cuộc ẩu đả khiến không ít người bị chảy máu, thương tích.
Mới đây, một nhóm xe ôm truyền thống xô xát với một nam thanh niên là tài xế Grabike ngay trước bến xe An Sương (Thành phố Hồ Chí Minh). Theo chia sẻ của người bị đánh : "Hôm đó tôi đến bến xe đón khách và bị nhóm xe ôm truyền thống ở đây gây sự. Họ cho rằng tôi tranh giành khách với họ nhưng điều này không phải".
Trước đó, một vụ xô xát giữa nhóm xe ôm truyền thống với nhóm tài xế GrabBike tại bến xe Miền Tây, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra khá ầm ĩ và có nguy cơ lan thành hỗn chiến, khiến lực lượng chức năng phải nổ 2 phát súng chỉ thiên để giải tán đám đông.
Theo đại diện GrabBike Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 100 vụ tài xế GrabBike bị hành hung. Điểm nóng ở phía nam là các bến xe An Sương, Miền Đông, Miền Tây, sân bay.
Dùng bạo lực để giành khách
Tại Hà Nội, nhiều vụ việc tương tự cũng xảy ra. Đơn cử như việc người đàn ông mặc áo vàng là xe ôm truyền thống đã đuổi đánh để không cho thanh niên đi Grab bắt khách ở quận Thanh Xuân.
Ông này cầm gậy hung hăng đuổi đánh và liên tiếp vụt vào thanh niên đi Grab, khiến người này phải bỏ chạy.
Công nghệ mới ra đời đã lấy đi "miếng cơm manh áo" của không ít lái xe ôm. Chính vì nhìn thấy cảnh khách hàng dửng dưng, lái xe ở đâu lại tới đón đã khiến đội ngũ xe ôm "nóng mặt", dẫn tới ẩu đả xảy ra. Không chỉ bị đâm, bị chém, cánh tài xế GrabBike thường xuyên bị đe dọa mất mạng nếu đến các khu vực xe ôm truyền thống đón khách.
Thực tế, sự đổ bộ của Uber, Grab không chỉ làm khuynh đảo thị trường taxi mà xe ôm cũng đang chịu số phận chung. Theo chia sẻ của một lái xe ở Giáp Bát, trước kia anh có thể thu nhập đến 400 nghìn đồng, nay giảm một nửa.
Xe ôm truyền thống chỉ còn một lượng khách nhỏ là những người từ quê ra, chưa biết đến loại hình vận tải mới, hoặc một số ít khách quen. Nhiều người ở quê lên đã phải bỏ nghề vì không còn đủ tiền.
Thị phần giảm, áp lực cạnh tranh tăng lên khiến một bộ phận xe ôm truyền thống có thái độ cực đoan với tài xế Uber, Grab, khiến họ e dè, từ chối khách ở các bến xe. Ngược lại, một số tài xế xe ôm truyền thống nghĩ ra cách hóa trang thành GrabBike/UberMotor.
Trong khi đó, nhiều lái xe Grab vẫn ngang nhiên đón khách bên ngoài không qua ứng dụng, giành khách trực tiếp với các lái xe ôm. Điều này đã dẫn tới mâu thuẫn, nảy sinh các "cuộc chiến đẫm máu".
Cuộc chiến ngày càng khốc liệt
Có mặt tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), bất kỳ ai cũng dễ dàng thấy sự áp đảo của đội mũ lái xe công nghệ mặc đồng phục áo xanh, đứng cạnh các lái xe ôm đang vẫy tay mời khách.
Thị phần dịch vụ vận chuyển bằng xe máy hiện chia làm ba nhóm : Xe ôm truyền thống, xe ôm chạy theo công tơ mét có đồng phục và xe ôm công nghệ Uber, Grab. Trong đó, Uber và Grab đang chiếm ưu thế.
Trước thời Uber, Grab, loại xe ôm có tổ chức, hay còn gọi là xe ôm niêm yết giá, với giá cước thống nhất đã ra đời với kỳ vọng sẽ đẩy lùi những vấn nạn kinh niên của xe ôm truyền thống như "chặt chém" khách, đi lòng vòng, hay tình trạng trạng cướp của, giết người.
Cạnh tranh giữa các loại hình vận tải ngày càng gay gắt
Mô hình xe ôm - taxi bắt đầu phát triển từ năm 2012 tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó phổ biến tại Hà Nội. Tuy nhiên, loại hình này đang sớm lâm vào cảnh chợ chiều và đến nay hầu như đã mất hút vì... không thể cạnh tranh nổi về giá cả và tính tiện lợi so với mô hình truyền thống. Bên cạnh đó, họ hầu như bế tắc trong khâu tiếp cận khách hàng.
Grab là đơn vị đầu tiên đưa công nghệ đặt xe từ điện thoại và phát triển mạng lưới đối tác tại Việt Nam. Số lượng lái xe Grabbike đã lên tới vài nghìn người. Sau đó, Uber đã chính thức tham gia thị trường với cước phí 3.700 đồng/km + 200 đồng/phút, mức giá tối thiểu một hành trình là 10.000 đồng.
Đại diện Uber cho biết, bên cạnh việc thanh toán bằng thẻ, người dùng có thể trả bằng tiền mặt. Hiện Uber và Grab đã thành công trong việc thiết lập đối tác lái xe lên đến hàng chục nghìn người. Cuối tháng 6/2017, GrabBike tuyên bố số lái xe của họ đã đạt 50.000, còn UberMotor cũng cho biết số lái xe của họ đã đạt 20.000.
Trước sự thống lĩnh của các đại gia ngoại ở loại hình vận chuyển bằng xe máy, các đại gia trong nước cũng nóng lòng muốn nhảy vào phân khúc này. Công ty cổ phần Mai Linh Miền Bắc đang ngỏ ý bổ sung ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách bằng xe lam, xe lôi, xe máy. Nội dung này đang được Mai Linh xin ý kiến cổ đông. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 10/2017.
Trước đó, Vinasun cũng cho biết hãng đang nghiên cứu thị trường để phát triển dịch vụ gọi xe ôm trực tuyến nhằm tăng sức cạnh tranh và giữ chân khách hàng. Dự kiến dịch vụ này sẽ được triển khai sớm nhất vào cuối năm nay.
Mặc dù Mai Linh và Vinasun chậm chân, nhưng dự báo cuộc chơi sẽ còn khó khăn hơn khi các đại gia tuyên chiến sẽ tham gia cạnh tranh với Uber, Grab và xe ôm truyền thông vốn quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam từ lâu.
Nam Hải
Đã nhiều năm nay, anh Nguyễn Kim Lân kiếm sống bằng nghề xe ôm, chở khách quanh Hà Nội trên chiếc xe máy của mình.
Nhưng khi giới trẻ và những người sành công nghệ bắt đầu chuyển sang sử dụng những ứng dụng đi nhờ xe như Uber và Grab vì giá rẻ hơn và an toàn hơn, những người xe ôm như anh dần không còn khách.
"Bây giờ người ta đi Grab với Uber hết, người ta không ra đây nữa".
Sự bành trướng của các dịch vụ đi nhờ xe trong khu vực Đông Nam Á đã giáng một đòn mạnh vào ngành dịch vụ ‘xe ôm’ truyền thống, vốn là cần câu cơm của những người như anh Lân. Thời điểm hiện tại, anh Lân cho biết mình chỉ kiếm được khoảng 20-30 phần trăm thu nhập trước đây.
Anh Lân cho biết : "Bây giờ người ta đi Grab với Uber hết, người ta không ra đây nữa".
Giống như nhiều khu vực khác, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính tại Việt Nam, đặc biệt là tại thủ đô Hà Nội cũng như Thành phố Hồ Chí Minh bởi chúng nhỏ, nhẹ, dễ dàng luồn lách qua những con phố đông đúc chật hẹp. Điều mà những chiếc ô tô, vốn đắt hơn về giá thành cũng như chi phí sử dụng, không dễ làm được.
Sau khi tấn công vào thị trường taxi truyền thống, giờ đây, những ứng dụng như Uber hay Grab đang bắt đầu tranh giành thị phần với giới xe ôm, bằng các dịch vụ UberMoto hay GraBike.
Việt Nam, quốc gia độc đảng 93 triệu dân, sở hữu khoảng 45 triệu xe máy. Tỉ lệ xe máy tính trên đầu người của quốc gia này cao hơn bất kì nước nào trong khu vực Đông Nam Á.
Chỉ tính trong năm ngoái, đã có khoảng 3,1 triệu xe máy được bán ra.
Với việc gần như người ai cũng có điện thoại di động, cộng với dịch vụ Internet gía rẻ, có thể nói hầu hết mọi cư dân thành thị tại Việt Nam đều có thể nối mạng.
Theo anh Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Grab Vietnam, từ 100 tài xế GrabBike khi dịch vụ này mới được triển khai vào năm 2014, cho đến nay, con số này đã lên tới 50.000, với hơn 100 tài xế mới đăng kí tham gia mỗi ngày.
"Có rất nhiều người có nhu cầu sử dụng dịch vụ xe ôm nhưng họ không có đủ tiền trả. Nó rất là bất công khi mà anh chỉ đi có một quãng ngắn mà lại bị ‘chặt chém’. Vì thế GrabBike mang đến sự minh bạch, và mọi người thích điều này. Họ hiểu rằng mình sẽ không bị tài xế lừa. Đây là sản phẩm mà thị trường mong muốn".
Tuy nhiên, anh Tuấn Anh cũng cho biết trong năm qua, đã có hơn 100 trường hợp tài xế GrabBike bị hành hung, phần lớn là do cánh xe ôm truyền thống đánh. Họ sợ bị giành mất khách.
Trạm xe buýt, bệnh viện và trường học là những điểm nóng dễ xảy ra va chạm. Có trường hợp một tài xế GrabBike bị đâm thủng phổi. Cảnh sát thậm chí đã phải bắn chỉ thiên để giải tán một cuộc hỗn chiến giữa cánh xe ôm và GrabBike gần một trạm xe buýt tại TP. HCM.
Tình trạng tương tự đang diễn ra tại Thailand và Indonesia.
Anh Tuấn Anh cho biết GrabBike luôn kêu gọi các tài xế của mình phải đề phòng và cầu cứu công an nếu cần.
Bất chấp những mâu thuẫn này, nhiều người dân Việt Nam có vẻ vẫn thích sử dụng dịch vụ mới.
Trần Thục Anh, một nhân viên thiết kế game 21 tuổi cho biết, cô đã chuyển sang dùng GrabBike để di chuyển từ trạm xe buýt đến chỗ làm từ sáu tháng trước, rẻ hơn một nửa so với đi xe ôm.
"Rất là tiện, chỉ cần có mạng là có thể gọi được xe, chứ không phải đi tìm như xe truyền thống". Thục Anh nói.
Có nhiều tài xế GrabBike trước đây từng chạy xe ôm. Tuy nhiên không phải tài xế xe ôm nào cũng muốn đăng kí tham gia dịch vụ này. Cánh tài xế lớn tuổi nói họ không biết dùng các ứng dụng trên mạng, cũng như không có tiền mua điện thoại thông minh. Những người khác thì không đồng ý với mức giá thấp của GrabBike.
Xe ôm Grab và xe ôm Uber có đồng phục riêng
Và cùng với những tiện ích mà loại hình xe ôm này mang lại, rất nhiều người có nhu cầu đi lại đã quyết định chọn loại hình xe ôm hiện đại này.
Chị Vũ Thị Liên (Hà Nội, 25 tuổi) thường xuyên sử dụng dịch vụ GrabBike cho biết : "Trước nay mình hay di chuyển bằng xe ôm truyền thống, thậm chí có cả anh xe ôm quen, có luôn số điện thoại để tiện gọi bất cứ lúc nào. Nhưng từ ngày biết đến hình thức GrabBike thì mình lại không đi xe ôm truyền thống nữa. Vì thứ nhất là giá cả so với các loại hình xe ôm khác rẻ hơn rất nhiều. Thêm nữa, không phải đi bộ tìm xe ôm như trước đây mà có thể ngồi đặt qua mạng".
Bùng nổ xe ôm công nghệ
Xe ôm truyền thống luôn có một hạn chế rất lớn là giá cả "trên trời dưới biển". Đã có rất nhiều trường hợp, người dân hay du khách nước ngoài đến Việt Nam bị "chặt chém" gia cao ngất ngưởng. Nhiều trường hợp bất tiện hơn, người dân phải đi bộ hàng km đến những nơi ngã ba ngã tư, bến xe để đón được xe ôm truyền thống.
Chị Nguyễn Thị Hương (34 tuổi, Hà Nội) than phiền : "Trước đi xe ôm truyền thống rất mệt mỏi, nhiều lúc phải đi bộ rất xa mới có xe. Lại thêm, lúc mình vội, họ biết nên hét giá cao mà đành phải chấp nhận. Nhưng khi biết có dịch vụ GrabBike thì lịch sở hơn hẳn, có người đến tận nơi đón, đúng giờ không chờ đợi mà lại giá cả được tính trên máy, không bao giờ bị lo hớ".
Xe ôm truyền thống "đói dài cổ"
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, riêng trên địa bàn Hà Nội có đến hơn 7.000 xe GrabBike, và hơn 2.500 xe Uber phủ sóng toàn thành phố. Lái xe GrabBike hay Uber chủ yếu là đội ngũ trẻ, độ tuổi từ 18 - 30 chiếm phần đông, hơn 60%. Đặc biệt, trong số đó có rất nhiều bạn đang là sinh viên tại các trường đại học quanh địa bàn thành phố hay những người làm văn phòng. Họ coi đây là nghề làm thêm sau giờ học, giờ làm chính thức để kiếm thêm thu nhập.
Để đăng ký tham gia vào đội ngũ xe ôm hiện đại này, họ phải xuất trình giấy tờ, đăng ký xe và các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, thẻ sinh viên, sổ hộ khẩu được lưu lại trên hệ thống nhằm quản lý chặt chẽ, và xử lý khi có bất kỳ tình huống không hay xảy ra với hành khách.
Với tiện ích, lịch sử và đặc biệt an toàn, tạo được niềm tin khách hàng, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ xe ôm hiện đại này cũng tăng nhanh từ 35% lên đến khoảng 65%.
Sự xuất hiện và những ưu việt của xe ôm hiện đại đã khiến những người chạy xe ôm truyền thống phải lo lắng. Có những người vẫn quyết trụ với hình thức cũ vì không thích nghi với công nghệ số, nhưng có rất nhiều người đã quyết định chuyển đổi theo "thị hiếu" đông đảo.
Ông Bùi Tiến Đông (60 tuổi, Hà Nội) chia sẻ "Chú chạy xe ôm truyền thống được 20 năm rồi, nhưng mới đây, chú phải từ bỏ và chuyển sang chạy theo hình thức của Grab, vì lượng khách đi xe ôm truyền thống ngày càng giảm. Thực sự, giá của Grab quá "bèo" so với công sức của người lái, nhưng biết sao bây giờ, không thay đổi thì chết đói".
Cũng cùng tâm sự, anh Nguyễn Văn Tú đã làm nghề xe ôm được chục năm, khi được hỏi về lý do vì sao chuyển sang Grab anh cho biết : "Từ ngày Grab phát triển ngoài Hà Nội này, lượng khách đi xe của tôi giảm đến 2/3. Có những ngày, không kiếm nổi vài chục nghìn. Chưa kể, nhiều người có đi thì mặc cả, kì kèo đúng bằng giá cước GrabBike, vì vậy, tốt nhất chuyển sang loại hình này để còn tồn tại".
Theo chuyên gia kinh tế "Việc thay đổi từ dịch vụ xe ôm truyền thống sang các hình thức xe ôm hiện đại là lẽ tất yếu. Vì công nghệ số, Internet phát triển chóng mặt nên các doanh nghiệp buộc phải thay đổi, áp dụng một cách triệt để và hiệu quả. Hơn thế nữa, sự ra đời của dịch vụ xe ôm hiện đại, ứng dụng Internet đã khắc phục được những nhược điểm của xe ôm truyền thống. Suy cho cùng, sự cạnh tranh của các hình thức xe ôm nhằm mang đến một dịch vụ hoàn hảo nhất cho khách hàng, người được hưởng lợi nhiều nhất chính là người tiêu dùng".
Ngọc Toàn