Đã nhiều năm nay, anh Nguyễn Kim Lân kiếm sống bằng nghề xe ôm, chở khách quanh Hà Nội trên chiếc xe máy của mình.
Nhưng khi giới trẻ và những người sành công nghệ bắt đầu chuyển sang sử dụng những ứng dụng đi nhờ xe như Uber và Grab vì giá rẻ hơn và an toàn hơn, những người xe ôm như anh dần không còn khách.
"Bây giờ người ta đi Grab với Uber hết, người ta không ra đây nữa".
Sự bành trướng của các dịch vụ đi nhờ xe trong khu vực Đông Nam Á đã giáng một đòn mạnh vào ngành dịch vụ ‘xe ôm’ truyền thống, vốn là cần câu cơm của những người như anh Lân. Thời điểm hiện tại, anh Lân cho biết mình chỉ kiếm được khoảng 20-30 phần trăm thu nhập trước đây.
Anh Lân cho biết : "Bây giờ người ta đi Grab với Uber hết, người ta không ra đây nữa".
Giống như nhiều khu vực khác, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính tại Việt Nam, đặc biệt là tại thủ đô Hà Nội cũng như Thành phố Hồ Chí Minh bởi chúng nhỏ, nhẹ, dễ dàng luồn lách qua những con phố đông đúc chật hẹp. Điều mà những chiếc ô tô, vốn đắt hơn về giá thành cũng như chi phí sử dụng, không dễ làm được.
Sau khi tấn công vào thị trường taxi truyền thống, giờ đây, những ứng dụng như Uber hay Grab đang bắt đầu tranh giành thị phần với giới xe ôm, bằng các dịch vụ UberMoto hay GraBike.
Việt Nam, quốc gia độc đảng 93 triệu dân, sở hữu khoảng 45 triệu xe máy. Tỉ lệ xe máy tính trên đầu người của quốc gia này cao hơn bất kì nước nào trong khu vực Đông Nam Á.
Chỉ tính trong năm ngoái, đã có khoảng 3,1 triệu xe máy được bán ra.
Với việc gần như người ai cũng có điện thoại di động, cộng với dịch vụ Internet gía rẻ, có thể nói hầu hết mọi cư dân thành thị tại Việt Nam đều có thể nối mạng.
Theo anh Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Grab Vietnam, từ 100 tài xế GrabBike khi dịch vụ này mới được triển khai vào năm 2014, cho đến nay, con số này đã lên tới 50.000, với hơn 100 tài xế mới đăng kí tham gia mỗi ngày.
"Có rất nhiều người có nhu cầu sử dụng dịch vụ xe ôm nhưng họ không có đủ tiền trả. Nó rất là bất công khi mà anh chỉ đi có một quãng ngắn mà lại bị ‘chặt chém’. Vì thế GrabBike mang đến sự minh bạch, và mọi người thích điều này. Họ hiểu rằng mình sẽ không bị tài xế lừa. Đây là sản phẩm mà thị trường mong muốn".
Tuy nhiên, anh Tuấn Anh cũng cho biết trong năm qua, đã có hơn 100 trường hợp tài xế GrabBike bị hành hung, phần lớn là do cánh xe ôm truyền thống đánh. Họ sợ bị giành mất khách.
Trạm xe buýt, bệnh viện và trường học là những điểm nóng dễ xảy ra va chạm. Có trường hợp một tài xế GrabBike bị đâm thủng phổi. Cảnh sát thậm chí đã phải bắn chỉ thiên để giải tán một cuộc hỗn chiến giữa cánh xe ôm và GrabBike gần một trạm xe buýt tại TP. HCM.
Tình trạng tương tự đang diễn ra tại Thailand và Indonesia.
Anh Tuấn Anh cho biết GrabBike luôn kêu gọi các tài xế của mình phải đề phòng và cầu cứu công an nếu cần.
Bất chấp những mâu thuẫn này, nhiều người dân Việt Nam có vẻ vẫn thích sử dụng dịch vụ mới.
Trần Thục Anh, một nhân viên thiết kế game 21 tuổi cho biết, cô đã chuyển sang dùng GrabBike để di chuyển từ trạm xe buýt đến chỗ làm từ sáu tháng trước, rẻ hơn một nửa so với đi xe ôm.
"Rất là tiện, chỉ cần có mạng là có thể gọi được xe, chứ không phải đi tìm như xe truyền thống". Thục Anh nói.
Có nhiều tài xế GrabBike trước đây từng chạy xe ôm. Tuy nhiên không phải tài xế xe ôm nào cũng muốn đăng kí tham gia dịch vụ này. Cánh tài xế lớn tuổi nói họ không biết dùng các ứng dụng trên mạng, cũng như không có tiền mua điện thoại thông minh. Những người khác thì không đồng ý với mức giá thấp của GrabBike.