Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tăng tuổi hưu chức vụ lãnh đạo, quản lý có hàm ý gì ?

RFA, 31/07/2024

Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định 99 sửa đổi, bổ sung điểm p khoản 1 Điều 2 Nghị định số 83 quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

vn1

Bà Ngô Thị Mân, phu nhân Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, bắt tay bà Bành Lệ Viện, phu nhân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội vào ngày 12 tháng 12 năm 2023. AFP - Ảnh minh họa

Theo đó, một trong các đối tượng áp dụng quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn là những cán bộ, công chức nữ giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các Ban đảng của Thành ủy thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây, Bộ Lao động thương binh và xã hội cũng đề xuất tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động Việt Nam thì bị nhiều phản ứng trong ngành dệt may, bởi hầu hết nguồn lao động của ngành này là nữ và phải chịu áp lực với khối lượng công việc khổng lồ mỗi ngày.

Cựu trung tá Vũ Minh Trí nhận định về nghị định này :

"Tôi nghĩ rằng cái Nghị định này liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của người lao động. Nó nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ làm các chức vụ khá là cao trong hệ thống chính trị. Đây cũng là điều hợp lý, bởi tuổi nghỉ hưu của nữ hiện nay cũng đã lạc hậu lâu rồi. Cái thứ hai, việc kéo dài độ tuổi lao động nó cũng liên quan đến chế độ bảo hiểm. Thời gian đóng ít quá không đủ để trả lương hưu và an sinh xã hội về sau.

Ở đây dính đến yếu tố những người lao động có chức có quyền, những người nữ có vị trí cao trong hệ thống chính trị của Việt Nam là hợp lý. Thời gian vừa qua tôi cảm thấy rất xót ruột vì thu nhập của người lao động Việt Nam vốn đã thấp mà chỉ trong một thời gian ngắn, chỉ có mấy năm mà thay đến 3 chủ tịch nước, tức là chúng tôi phải nuôi đến 3 cựu chủ tịch nước. Thế cho nên, đằng nào thì người dân chúng tôi cũng phải nuôi thì nuôi số lượng ít thì tốt. Cán bộ làm việc càng lâu thì càng tốt chứ nay thay mai đổi thì chỉ khổ dân thôi".

Quỹ bảo hiểm xã hội là điều được nhiều người quan tâm khi Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) từng dự báo đến năm 2021 quỹ này sẽ mất cân đối thu chi, buộc phải lấy từ nguồn kết dư để chi trả và đến năm 2034, phần kết dư này cũng không còn dẫn đến khả năng vỡ quỹ.

Trong khi đó, chỉ trong vòng hơn một năm, từ tháng 1 năm 2023 đến tháng 5 năm 2024, Việt Nam thay thành viên tứ trụ ba lần, bao gồm hai chủ tịch nước là ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Võ Văn Thưởng ; một Chủ tịch Quốc hội là ông Vương Đình Huệ. Cả ba người này đều được hưởng chế độ của người về hưu.

Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, khi về hưu, nguyên thủ quốc gia và cán bộ cấp cao vẫn sẽ được hưởng một số chế độ đặc biệt về cảnh vệ, về chăm sóc sức khỏe và các chế độ khác. Chẳng hạn như được canh gác thường xuyên tại nơi ở cho các chức vụ nguyên Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch quốc hội. Những người này sẽ được lực lượng cảnh vệ của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mọi tình huống.

Ngoài ra, nguyên Tổng bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch quốc hội và nguyên Thủ tướng Chính phủ sẽ được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe đặc biệt. Trong đó có tiêu chuẩn đi khám, kiểm tra sức khỏe tại nước ngoài theo chỉ định của Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

Đến cuối đời, những cựu lãnh đạo trên còn được tổ chức tang lễ theo nghi thức quốc tang. Trong hai ngày quốc tang, cả nước không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng. Các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang.

Một nhà quan sát tình hình chính trị ở Hà Nội thì cho rằng, quy định tại điểm p khoản 1 Điều 2 Nghị định số 83 không loại trừ những cán bộ, công chức nam giới giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các Ban đảng của Thành ủy thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được tăng tuổi nghỉ hưu. Và theo nhà quan sát này, điều đó cho thấy Nghị định này không đơn thuần chỉ tăng tuổi hưu hay trọng dụng nhân tài. Ông phân tích :

"Theo tôi, đây không phải là trọng dụng nhân tài hay tăng tuổi hưu cho cán bộ cao cấp thông thường, mà đây là trò của Phạm Minh Chính dằn mặt Tô Lâm bởi cấp trưởng của các chức danh nêu trong Nghị định phần lớn là ủy viên Bộ chính trị hoặc ủy viên Ban chấp hành trung ương. Những người sẽ đến tuổi hưu sau đại hội 14 thì không còn ân oán với ai nên họ sẽ dùng "trái tim và khối óc" để quyết định lá phiếu của mình tại kỳ đại hội 14.

Các chức danh được nêu trong nghị định chắc chắn sẽ là đại biểu dự đại hội 14 vì họ toàn là cán bộ cao cấp nhất chỉ sau Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương. Như thế, cuộc chiến cung đình sau cái chết của Nguyễn Phú Trọng bắt đầu kịch tính. Nếu Phạm Minh Chính thắng keo này thì Chính xứng đáng làm Tổng bí thư".

Trưa ngày 18/7/2024, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ra thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thông báo cũng cho biết Bộ chính trị phân công ông Tô Lâm nắm mọi công việc của Ban chấp hành trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Một ngày sau, ông Trọng qua đời. Ai sẽ là người kế nhiệm là câu hỏi đang được người quan tâm nêu ra.

Nguồn : RFA, 31/07/2024

************************

Việt Nam chi hơn 54 tỷ USD để nhập máy vi tính, điện tử và linh kiện phục vụ xuất khẩu

RFA, 31/07/2024

Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đã chi 54,3 tỷ USD để nhập máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện để phục vụ chủ yếu các đơn hàng xuất khẩu.

vn2

Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đã chi 54,3 tỷ USD để nhập máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện để phục vụ chủ yếu các đơn hàng xuất khẩu. Công Thương

Tổng Cục Hải quan Việt Nam công bố số liệu vừa nêu và truyền thông loan tin ngày 23/7. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng vừa nêu để phục vụ xuất khẩu tăng hơn 28%.

Trong năm 2023, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 88 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm trước đó.

Thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam cũng cho thấy Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lớn nhất của Việt Nam.

Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc nhập số hàng thuộc nhóm vừa nêu từ Việt Nam với tổng kim ngạch xấp xỉ 16 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàn Quốc nhập gần 15 tỷ USD từ Việt Nam, tăng hơn 18% so với năm 2023.

Nguồn : RFA, 31/07/2024

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam

Hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU và Mỹ giảm do coronavirus (RFA, 20/03/2020)

Xuất khẩu của Việt Nam sang Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ gần đây bị hoãn hay huỷ đơn hàng là quyết định của nhà mua hàng do khó khăn vì Covid-19, chứ chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng EU, Mỹ về dừng nhập hàng dệt may từ Việt Nam.

xk1

Lao động làm việc tại nhà máy xuất khẩu hàng may mặc Maxport tại Hà Nội, Việt Nam ngày 20 tháng 3 năm 2019. Reuters

Báo trong nước loan tin ngày 20/3, trích phát biểu của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói trong buổi họp chiều cùng ngày.

Theo ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Châu Âu, Châu Mỹ, phía Liên Hiệp Châu Âu khẳng định, những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men... vẫn được EU tiếp tục lưu thông. Còn việc không nhập khẩu hàng dệt may, da giày chỉ là biện pháp kiểm dịch để bảo đảm sức khoẻ của người dân trong khối.

Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ cũng khẳng định với ông Linh rằng không áp dụng bất kỳ biện pháp nào ngăn chặn tiếp cận thị trường hàng Việt Nam xuất sang Mỹ.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh vẫn cho rằng cơ quan chức năng phải tính ngay phương án, giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp do phía EU và Mỹ tạm ngưng nhập hàng.

Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Trong đó, Việt Nam xuất khẩu dệt may gần 15 tỷ USD vào thị trường này năm 2019.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, dù đã bị ảnh hưởng của Covid-19 trong 2 tháng đầu năm nay, nhưng giá trị xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ vẫn đạt khoảng 2,3 tỷ USD .

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Xuất khẩu chính bao gồm các sản phẩm may mặc và giày dép, đồ nội thất và điện thoại thông minh. Năm 2019, Việt Nam xuất siêu gần 26,6 tỷ USD sang thị trường EU.

Tuy nhiên, Bộ Công thương dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang Liên Hiệp Châu Âu trong nửa đầu năm nay sẽ giảm 6-8% so với năm trước đó do ảnh hưởng của coronavirus.

*******************

Chính sách nông nghiệp không thống nhất làm khổ nông dân ! (RFA, 19/03/2020)

Giới chuyên gia nông nghiệp cho rằng nếu 'chốt cứng' diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực như lời ông Phúc, thì làm sao các cấp và người nông dân có thể thực hiện tốt Nghị quyết 120 được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công bố hồi cuối năm 2017. Nghị quyết này nhằm giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long "phát triển bền vững", "thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu". Trong đó yêu cầu giảm điện tích trồng lúa, thay đổi cây trồng, thay đổi công thức luân canh, các giải pháp kỹ thuật như nghiên cứu các giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn, có các giải pháp về công trình như xây dựng cơ bản, về các chính sách thay đổi cơ cấu kinh tế...

xk2

Ảnh minh họa : Một người trồng lúa ở Việt Nam trên mảnh ruộng khô cằn của mình. AFP

Trả lời RFA liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn, nói :

"Cái ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói hôm qua, thì cái từ chốt cứng thì nó đi kèm số liệu khác hẳn trước kia. Trước kia chúng ta chốt cứng 3,8 triệu hecta để sản xuất lúa. Còn bây giờ chốt cứng nó giảm đi 600 ngàn hecta rồi, tức là chốt cứng với mức độ diện tích lúa đã giảm hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên theo tính toán của chúng tôi, của các cơ quan nghiên cứu, là vẫn có thể giảm hơn nữa".

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nói tiếp :

"Ngay trong tình hình dịch cúm covid-19 vừa xảy ra, tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tại đất nước Việt Nam thừa lúa gạo như thế, mà bà con chạy sô ra chợ, siệu thị mua vét hết cả lúa gạo dự trữ. Cho nên là cách nói của thủ tướng, là để cho mọi người yên tâm chính phủ luôn đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, nhưng thực sự thì con số đưa ra đã thay đổi rất nhiều".

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, tình hình an ninh lương thực của Việt Nam nhiều năm nay cơ bản là ổn định, dự trữ lương thực của Việt Nam được khoảng vài trăm tấn. Ở Đồng bằng sông Cửu Long cứ mỗi 3 tháng hay 3,5 tháng thì có thể thu hoạch một lần, chưa kể mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn lương thực. Theo ông, hiện an ninh lương thực của Việt Nam là đảm bảo rồi.

Trong khi người trồng lúa đang phải đối phó hạn mặn với mức độ chưa từng xảy ra, thì Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lại cho rằng 'chốt cứng' diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.

Một nông dân trồng lúa ở Trà Vinh cho biết tình hình thực tế tại địa phương anh :

"Bây giờ có người không dám ra đồng luôn, vì ra đồng thấy ruộng như vậy... chứ hồi lúa trúng có thể cách ngày ra một ngày... giờ có người bỏ luôn. Có muốn cũng không dám ra... ra thấy ruộng mình hư, mình buồn không dám ra".

xk3

Ảnh minh họa : Người trồng lúa ở Việt Nam. AFP

Một người trồng lúa ở Bến Tre nói :

"Lúa hai tháng 10 ngày rồi, có người 2 tháng 20 ngày, có người đang trổ, nhưng nước mặn này ngậm sữa không nổi... coi như tay trắng".

Theo Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về Đồng bằng sông Cửu Long, khi trả lời RFA trước đây cho rằng, nếu như Việt Nam không tự mình gánh lên vai cái gọi là có trách nhiệm lo cho an ninh lương thực thế giới, mà chỉ lo an ninh lương thực cho quốc gia mình thôi, thì không có gì phải lo lắng về an ninh lương thực.

Tiến sỹ Đặng Kim Sơn cũng cho rằng, thực sự Việt Nam đã sản xuất được như một khối lượng lúa đáng kể. Mỗi năm vẫn xuất khẩu từ 6 đến 7 triệu tấn gạo, nên lượng lúa dư là rất lớn.

Trong khi theo các chuyên gia, an ninh lương thực của Việt Nam là đảm bảo, mà người đứng đầu chính phủ lại yêu cầu đảm bảo sản lượng. Quan trọng nhất theo người dân và các nhà khoa học, làm làm sao để người trồng lúa ở Việt Nam có thể có cuộc sống khá hơn, không còn phải lo biến đổi khí hậu làm mùa màng thất bát, hay có chính phủ có chính sách nhất quán để người nông dân đầu tư bớt gặp rủi ro.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Cục trưởng Chế biến Nông Lâm Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định với RFA :

"Không chỉ lúa gạo mà trái cây, cá tôm đang đi theo nghịch lý là sản xuất theo công đoạn mà không theo chuỗi ngành hàng. Nếu chúng ta sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo từ A tới Z thì từ khâu nhân giống gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch rồi kho tàng và có đầu ra luôn. Liên hoàn như vậy thành một chuỗi, trong chuỗi đó nếu làm tốt thì mới phân chia lợi nhuận được. Còn hiện nay làm theo công đoạn : ông nào trồng cứ trồng ông nào bán cứ bán chưa thể liên hoàn được thành ra rất khó".

Còn Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp và từng là Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, thì cho rằng :

"Nên làm theo kiểu nông dân được nâng đỡ, để cho người nông dân có đủ điều kiện sản xuất với giá thành rất hạ, năng suất tốt và sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ có thế thì người nông dân mới khá lên được".

Theo Tiến sỹ Đặng Kim Sơn nếu giảm bớt diện tích trồng lúa, để chuyển sang đa dạng hóa, nhất là thủy sản và cây ăn trái, thì bằng cách đó sẽ tăng thu nhập cho người nông dân, tăng xuất khẩu, giảm bớt lượng nước sử dụng, giảm sức ép lên người nông dân trồng lúa khi phải gánh chịu an ninh lương thực cho Việt Nam và phải gánh chịu một phần cho an ninh lương thực cho thế giới. Có như vậy, thì cuộc sống của người nông dân mới khá lên được.

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam