Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/03/2020

Việt Nam giảm xuất khẩu, chính sách nông nghiệp bất nhất

RFA tiếng Việt

Hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU và Mỹ giảm do coronavirus (RFA, 20/03/2020)

Xuất khẩu của Việt Nam sang Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ gần đây bị hoãn hay huỷ đơn hàng là quyết định của nhà mua hàng do khó khăn vì Covid-19, chứ chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng EU, Mỹ về dừng nhập hàng dệt may từ Việt Nam.

xk1

Lao động làm việc tại nhà máy xuất khẩu hàng may mặc Maxport tại Hà Nội, Việt Nam ngày 20 tháng 3 năm 2019. Reuters

Báo trong nước loan tin ngày 20/3, trích phát biểu của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói trong buổi họp chiều cùng ngày.

Theo ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Châu Âu, Châu Mỹ, phía Liên Hiệp Châu Âu khẳng định, những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men... vẫn được EU tiếp tục lưu thông. Còn việc không nhập khẩu hàng dệt may, da giày chỉ là biện pháp kiểm dịch để bảo đảm sức khoẻ của người dân trong khối.

Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ cũng khẳng định với ông Linh rằng không áp dụng bất kỳ biện pháp nào ngăn chặn tiếp cận thị trường hàng Việt Nam xuất sang Mỹ.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh vẫn cho rằng cơ quan chức năng phải tính ngay phương án, giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp do phía EU và Mỹ tạm ngưng nhập hàng.

Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Trong đó, Việt Nam xuất khẩu dệt may gần 15 tỷ USD vào thị trường này năm 2019.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, dù đã bị ảnh hưởng của Covid-19 trong 2 tháng đầu năm nay, nhưng giá trị xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ vẫn đạt khoảng 2,3 tỷ USD .

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Xuất khẩu chính bao gồm các sản phẩm may mặc và giày dép, đồ nội thất và điện thoại thông minh. Năm 2019, Việt Nam xuất siêu gần 26,6 tỷ USD sang thị trường EU.

Tuy nhiên, Bộ Công thương dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang Liên Hiệp Châu Âu trong nửa đầu năm nay sẽ giảm 6-8% so với năm trước đó do ảnh hưởng của coronavirus.

*******************

Chính sách nông nghiệp không thống nhất làm khổ nông dân ! (RFA, 19/03/2020)

Giới chuyên gia nông nghiệp cho rằng nếu 'chốt cứng' diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực như lời ông Phúc, thì làm sao các cấp và người nông dân có thể thực hiện tốt Nghị quyết 120 được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công bố hồi cuối năm 2017. Nghị quyết này nhằm giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long "phát triển bền vững", "thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu". Trong đó yêu cầu giảm điện tích trồng lúa, thay đổi cây trồng, thay đổi công thức luân canh, các giải pháp kỹ thuật như nghiên cứu các giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn, có các giải pháp về công trình như xây dựng cơ bản, về các chính sách thay đổi cơ cấu kinh tế...

xk2

Ảnh minh họa : Một người trồng lúa ở Việt Nam trên mảnh ruộng khô cằn của mình. AFP

Trả lời RFA liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn, nói :

"Cái ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói hôm qua, thì cái từ chốt cứng thì nó đi kèm số liệu khác hẳn trước kia. Trước kia chúng ta chốt cứng 3,8 triệu hecta để sản xuất lúa. Còn bây giờ chốt cứng nó giảm đi 600 ngàn hecta rồi, tức là chốt cứng với mức độ diện tích lúa đã giảm hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên theo tính toán của chúng tôi, của các cơ quan nghiên cứu, là vẫn có thể giảm hơn nữa".

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nói tiếp :

"Ngay trong tình hình dịch cúm covid-19 vừa xảy ra, tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tại đất nước Việt Nam thừa lúa gạo như thế, mà bà con chạy sô ra chợ, siệu thị mua vét hết cả lúa gạo dự trữ. Cho nên là cách nói của thủ tướng, là để cho mọi người yên tâm chính phủ luôn đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, nhưng thực sự thì con số đưa ra đã thay đổi rất nhiều".

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, tình hình an ninh lương thực của Việt Nam nhiều năm nay cơ bản là ổn định, dự trữ lương thực của Việt Nam được khoảng vài trăm tấn. Ở Đồng bằng sông Cửu Long cứ mỗi 3 tháng hay 3,5 tháng thì có thể thu hoạch một lần, chưa kể mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn lương thực. Theo ông, hiện an ninh lương thực của Việt Nam là đảm bảo rồi.

Trong khi người trồng lúa đang phải đối phó hạn mặn với mức độ chưa từng xảy ra, thì Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lại cho rằng 'chốt cứng' diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.

Một nông dân trồng lúa ở Trà Vinh cho biết tình hình thực tế tại địa phương anh :

"Bây giờ có người không dám ra đồng luôn, vì ra đồng thấy ruộng như vậy... chứ hồi lúa trúng có thể cách ngày ra một ngày... giờ có người bỏ luôn. Có muốn cũng không dám ra... ra thấy ruộng mình hư, mình buồn không dám ra".

xk3

Ảnh minh họa : Người trồng lúa ở Việt Nam. AFP

Một người trồng lúa ở Bến Tre nói :

"Lúa hai tháng 10 ngày rồi, có người 2 tháng 20 ngày, có người đang trổ, nhưng nước mặn này ngậm sữa không nổi... coi như tay trắng".

Theo Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về Đồng bằng sông Cửu Long, khi trả lời RFA trước đây cho rằng, nếu như Việt Nam không tự mình gánh lên vai cái gọi là có trách nhiệm lo cho an ninh lương thực thế giới, mà chỉ lo an ninh lương thực cho quốc gia mình thôi, thì không có gì phải lo lắng về an ninh lương thực.

Tiến sỹ Đặng Kim Sơn cũng cho rằng, thực sự Việt Nam đã sản xuất được như một khối lượng lúa đáng kể. Mỗi năm vẫn xuất khẩu từ 6 đến 7 triệu tấn gạo, nên lượng lúa dư là rất lớn.

Trong khi theo các chuyên gia, an ninh lương thực của Việt Nam là đảm bảo, mà người đứng đầu chính phủ lại yêu cầu đảm bảo sản lượng. Quan trọng nhất theo người dân và các nhà khoa học, làm làm sao để người trồng lúa ở Việt Nam có thể có cuộc sống khá hơn, không còn phải lo biến đổi khí hậu làm mùa màng thất bát, hay có chính phủ có chính sách nhất quán để người nông dân đầu tư bớt gặp rủi ro.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Cục trưởng Chế biến Nông Lâm Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định với RFA :

"Không chỉ lúa gạo mà trái cây, cá tôm đang đi theo nghịch lý là sản xuất theo công đoạn mà không theo chuỗi ngành hàng. Nếu chúng ta sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo từ A tới Z thì từ khâu nhân giống gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch rồi kho tàng và có đầu ra luôn. Liên hoàn như vậy thành một chuỗi, trong chuỗi đó nếu làm tốt thì mới phân chia lợi nhuận được. Còn hiện nay làm theo công đoạn : ông nào trồng cứ trồng ông nào bán cứ bán chưa thể liên hoàn được thành ra rất khó".

Còn Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp và từng là Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, thì cho rằng :

"Nên làm theo kiểu nông dân được nâng đỡ, để cho người nông dân có đủ điều kiện sản xuất với giá thành rất hạ, năng suất tốt và sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ có thế thì người nông dân mới khá lên được".

Theo Tiến sỹ Đặng Kim Sơn nếu giảm bớt diện tích trồng lúa, để chuyển sang đa dạng hóa, nhất là thủy sản và cây ăn trái, thì bằng cách đó sẽ tăng thu nhập cho người nông dân, tăng xuất khẩu, giảm bớt lượng nước sử dụng, giảm sức ép lên người nông dân trồng lúa khi phải gánh chịu an ninh lương thực cho Việt Nam và phải gánh chịu một phần cho an ninh lương thực cho thế giới. Có như vậy, thì cuộc sống của người nông dân mới khá lên được.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 615 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)