"Không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ cài cắm vào quá trình xây dựng luật".
Đó là phát biểu của ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc hôm 3/11 nhằm triển khai Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội Việt Nam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc hôm 3/11 nhằm triển khai Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Theo ông Huệ, Việt Nam cần một chính phủ liêm chính hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp, do đó công tác lập pháp của Quốc hội cũng phải liêm chính.
Thực tế vấn đề này như thế nào ? Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa khi trả lời RFA cho rằng :
"Quốc hội Việt Nam cũng đã nhiều lần sửa đổi, tuy nhiên do các nhóm lợi ích chi phối nên từ luật pháp đến thực thi có nhiều trở ngại và vướng mắc. Với lại hướng dẫn thực thi ở Việt Nam thường chỉ dựa vào nghị định hay thông tư để thực hiện mà Quốc hội lại không giám sát được các vi phạm pháp luật. Cho nên họ lợi dụng những sơ hở của pháp luật để thực hiện lợi ích nhóm là chỗ đó".
Cũng tại Hội nghị trực tuyến này, các Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến nên chấm dứt hiện tượng ‘xếp gạch, đặt chỗ’, đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh một cách duy ý chí, không trên cơ sở nhu cầu thực sự, không dựa trên cơ sở bằng chứng, dẫn đến xây dựng luật chắp vá, phải sửa đổi, bổ sung thường xuyên... Nhất là luật đất đai không rõ ràng, các địa phương mỗi nơi áp dụng mỗi kiểu...
Viện dẫn cho việc này, có thể thấy trong thời gian qua rất nhiều vụ án bị khởi tố liên quan đến qui hoạch đất đai. Trong đó có không ít lãnh đạo các địa phương phải hầu toà và lãnh án tù. Đến độ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào hôm cuối tháng 10 có phát biểu rằng : "người giàu lên nhờ đất rất nhiều, tù tội về đất cũng rất nhiều".
Liên quan đến vấn đề Luật đất đai, nhất là về việc có hay không các ‘nhóm lợi ích’ được cài cắm để chi phối, lũng đoạn thị trường đất đai trong thời gian qua, hôm 4/11, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, cho hay :
"Việc cài cắm thì tôi không biết cụ thể thế nào, nhưng nhìn trong luật, nhất là luật đất đai thì điều này thấy rất rõ. Riêng chuyện giá đất phải theo thị trường, rồi những người được Nhà nước giao đất thì cũng phải xác định giá đất phù hợp thị trường mà người đó phải trả... nhưng trên thực tế việc giao đất thường giá thấp hơn thị trường rất nhiều. Việc xác định giá đất do cơ quan Nhà nước tiến hành, và do không quy định chặt chẽ, không quy định thế nào là phù hợp thị trường, thì nó dẫn đến chuyện là giá đất xộc xệch và nhiều người giàu lên nhờ đất. Đặc biệt các công ty bất động sản phát triển rất nhiều, rất mạnh, vốn liếng đầu tiên không có gì, nhưng hiện nay đều trở thành các đại gia lớn, và tiền của họ chắc chắn từ đất ra".
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, riêng những ví dụ vừa nêu của ông cũng đủ để kết luận rằng chắc chắn có "cái gì đó" về lợi ích nhóm tác động vào hệ thống pháp luật. Giáo sư Đặng Hùng Võ nói tiếp :
"Nếu không nói là có sự cài cắm lợi ích nhóm vào pháp luật đất đai thì cũng không có thể giải thích bằng con đường nào khác. Chính vì vậy, nếu vạch ra cụ thể quá trình vận động chính sách, vận động pháp luật, để pháp luận cứ mù mờ đi, thì chắc chắn sẽ khó kết luận ai đã làm và làm như thế nào ? Tôi cho rằng câu chuyện này cũng có nguyên do từ tham nhũng, nhưng cụ thể pháp luật vẫn có nhiều chỗ không mạch lạc, không rõ ràng, áp dụng thế này cũng được, áp dụng thế kia cũng được... Và nó đã tạo ra thị trường bất động sản phát triển quá mạnh ở Việt Nam và thiếu lành mạnh. Việc Đại biểu quốc hội phát biểu có lợi ích nhóm trong làm luật thì tôi cho rằng hoàn toàn có lý, và thể hiện trong hệ thống pháp luật đất đai khá rõ".
Luật của Việt Nam không có tính khoa học
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Trần Văn Sơn, cũng tại cuộc họp diễn ra hôm 3/11 cho rằng, Chính phủ sẽ giao các bộ, ngành đánh giá tính khả thi, hiệu quả thực tế, những nội dung bất cập để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật, pháp lệnh theo nội dung định hướng đã được xác định theo Đề án của Đảng đoàn Quốc hội…
Tuy nhiên, với ý kiến trên của Bộ trưởng Sơn cũng có thể thấy rằng, quá trình sửa đổi, hoàn chỉnh luật sẽ phải qua rất nhiều khâu "thêm, bớt" từ các bộ, ngành, chưa kể mỗi địa phương đánh giá tính khả thi mỗi khác nhau, thì việc ban hành mới luật mới có thể hoàn tất và liệu qua nhiều đánh giá như thế thì văn bản pháp luật có tổng quát, mạch lạc, rõ ràng hơn không ?
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, khi trả lời RFA hôm 4/11, cho nhận định thêm xung quanh vấn đề này :
"Thứ nhất, về nguyên tắc soạn luật thì luật soạn ra để phục vụ toàn dân để có một xã hội an hòa, mọi người dân đều tuân thủ theo pháp luật. Trong khi đó chính quyền Việt Nam soạn luật để phục vụ cho sự trường kỳ của chế độ độc đảng toàn trị. Điểm nữa là luật phải được soạn trên tinh thần khoa học mà thôi, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam soạn luật dựa trên điều lệ cương lĩnh Đảng, đó là tinh thần chấp hành trước, khiếu nại sau. Vì vậy nó mới sinh ra việc luật dễ dàng bị sửa đổi, đồng thời những văn bản hướng dẫn dưới luật như nấm mọc sau mưa, đưa người dân vào mê hồn trận khi phải thực thi pháp luật".
Vì sao nguyên tắc soạn luật của Việt Nam gây ra những khó khăn như vậy ? Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất là do Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phải do dân bầu ra, thì tất nhiên các bộ luật không phải phục vụ cho dân. Thứ hai, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không thể tham khảo cách soạn luật của quốc tế, vì chế độ của họ là chế độ độc đảng toàn trị, trong khi đa số các quốc gia khác là nước tự do đa đảng. Do đó theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, cho dù Việt Nam có cử người đi học thì cũng không thể soạn thảo trên tinh thần phục vụ cho dân được.
Thêm nữa : "...bởi vì kinh tế các nước khác là kinh tế thị trường, trong khi ở Việt Nam là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhấn mạnh.
Nguyên nhân thứ ba mà nhà báo Nguyễn Ngọc Già đưa ra là tình trạng soạn luật rối rắm ở Việt Nam vì trình độ tiếng Việt của những nhà soạn luật Việt Nam quá yếu kém. Bằng chứng là họ soạn luật với những nội dung, câu chữ mơ hồ... gây tranh cãi... rồi lại quyết định theo cương lĩnh Đảng... nghĩa là thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, chứ không theo khoa học, nên đã gây nên sự nhiễu loạn trong vấn đề soạn luật ở Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nói tiếp :
"Điểm nữa là triết lý soạn luật, đối với thế giới thì triết lý của họ rất đơn giản và thuyết phục, khi một bộ luật của quốc tế được ban hành thì ai cũng hiểu giống nhau, thì đó là nhà soạn luật giỏi. Trong khi triết lý soạn luật của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lạc lỏng so với thế giới, có nghĩ họ soạn luật ra ai cũng hiểu, nhưng mỗi người một kiểu. Gây ra tình cảnh bát nháo, có lẽ theo họ muốn hiểu thì phải hỏi họ. Tức là một bộ luật soạn ra chỉ được áp dụng đúng theo luật đã soạn, không được vận dụng, sáng tạo... Trong khi đó, đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, luật đã ban hành nhưng họ vẫn luôn vận dụng sáng tạo... Chính triết lý đó rất sai, nó góp thêm cho việc soạn luật bất khả thi, trong thực tế là như vậy".
Đối với việc sắp tới Quốc hội Việt Nam sẽ soạn thảo một số Bộ luật nữa, nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng không có một căn cứ nào để ông tin có một sự thay đổi về nội dung cũng như việc thực thi pháp luật ở Việt Nam... vì theo ông, điều căn bản nhất là luật của Việt Nam không có khoa học !