‘Phí chia tay’ chỉ bằng bữa ăn sáng và giúp cán bộ hải quan tươi cười (VOA, 14/06/2019)
Trả lời báo chí bên lề cuộc họp Quốc hội vào ngày 13/6, Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng nói "phí chia tay" mà ông đề xuất một ngày trước đó là không nhiều, chỉ bằng "một bữa ăn sáng thôi", nhưng nó giúp cơ quan chức năng có thêm nguồn lực để bảo vệ công dân và hỗ trợ thêm cho cán bộ "ân cần, tươi cười" phục vụ người dân khi xuất cảnh.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 13/6/2019.
Trước đó, tại phiên thảo luận ở Quốc hội về luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam ngày 12/6, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng của Hà Nội đã đề xuất ý tưởng thu ‘phí chia tay’ từ 3-5 USD đối với mỗi công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài.
Theo ông Hưng, "phí chia tay" này sẽ được trích một phần cho kinh phí bảo hộ, hỗ trợ công dân Việt Nam gặp khó khăn khi ra nước ngoài, một phần khác để cơ quan xuất nhập cảnh đầu tư nâng cấp máy móc, và một phần nữa dành cho việc quảng bá, phát triển du lịch.
Ông Hưng cũng viện dẫn trường hợp của Nhật Bản và nói rằng nước này năm ngoái đã áp dụng khoản "phí chia tay" hay "phí du lịch" khoảng 1.000 yên/người (khoảng 9,2 USD) và dự kiến sẽ thu về khoảng 400 triệu USD mỗi năm để hoàn thiện công việc xuất nhập cảnh và thực hiện các chính sách khác.
Công dân Việt Nam ra nước ngoài có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền, gọi là phí chia tay, khoảng 3-5 USD mỗi người khi xuất cảnh.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Quốc Hưng, nguyên Tổng cục phó Tổng cục du lịch Việt Nam
Tuy nhiên, đề xuất của ông Hưng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ công luận và trên mạng xã hội. Nhiều độc giả của VOA cho rằng bộ máy công quyền của Việt Nam đang nghĩ đủ mọi cách để "moi tiền" hay "vặt lông" người dân, trong khi một số người khác cho rằng Việt Nam đang cố áp dụng mọi loại phí của các nước trên thế giới nhưng lại bỏ đi quyền lợi mà công dân các nước khác có.
Giải thích cho đề xuất của mình, Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng ngày 13/6 nói với báo chí rằng hiện nay có nhiều nước áp dụng việc "huy động nguồn lực xã hội hóa" để quảng bá, xúc tiến du lịch, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
"Nguồn lực của Việt Nam mình rất ít. Một năm nhà nước chỉ dành được khoảng 2 triệu USD cho chương trình, quỹ xúc tiến du lịch quốc gia", Vietnamnet dẫn lời ông Hưng nói.
Chính vì vậy, theo đại biểu của Hà Nội, đóng góp của công dân sẽ giúp cho vấn đề bảo hộ cho công dân Việt Nam ở nước ngoài như trường hợp của các ngư dân hay công dân vi phạm ở nước ngoài…
"Một bữa ăn sáng thôi, chúng ta gọi là đóng góp chung tay, chung sức xây dựng, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người văn hóa Việt Nam được tốt hơn và để cho giữ gìn môi trường du lịch, văn hóa của Việt Nam thuận lợi hơn rất nhiều", ông Hưng nói với báo giới.
Ngoài ra, đại biểu này cho rằng "phí chia tay" có thể giúp cho cơ quan xuất nhập cảnh cải thiện kỹ thuật, tạo thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh và giúp cho cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh ân cần, tươi cười, vui vẻ hơn đối với công dân.
Thống kê của Việt Nam cho hay số lượt công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài ngày càng tăng, với gần 9,6 triệu lượt vào năm ngoái, theo Thanh Niên.
*********************
Vì sao Nguyễn Hữu Linh được xét xử kín ? (RFA, 14/06/2019)
Ngày 25/6 tới đây, Nguyễn Hữu Linh sẽ ra tòa vì bị cáo buộc về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Báo chí cho hay Linh sẽ được xét xử kín.
Trước thông tin này, nhiều người tỏ ra bất bình. Họ thắc mắc vì sao lại xét xử kín mà không xét xử công khai ?
Các quy định của pháp luật tố tụng hình sự có câu trả lời cho thắc mắc này.
Theo Điều 25, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, tuy nhiên, tòa án có thể xét xử kín trong các trường hợp đặc biệt sau đây :
- Cần giữ bí mật nhà nước
- Cần giữ thuần phong, mỹ tục của dân tộc
- Cần bảo vệ người dưới 18 tuổi
- Cần giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự
Trường hợp của vụ án này là trường hợp đặc biệt thứ 3 (cần bảo vệ người dưới 18 tuổi). Đến đây, có thể ai đó sẽ thắc mắc rằng : vì tòa án có thể xét xử kín, nên tòa án cũng có thể không xét xử kín, vậy đâu là cơ sở cho lựa chọn xét xử kín và không xét xử kín ?
Với 4 trường hợp đặc biệt trên đây nói chung, cơ sở cho lựa chọn của tòa án là cân nhắc của chính họ, do đó, khó tránh khỏi sự chủ quan. Riêng với trường hợp đặc biệt thứ 3, khi người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, tòa án có thêm một cơ sở pháp lý cho việc xét xử kín.
Cụ thể, điểm d, khoản 1, Điều 7 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC (có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2018) quy định "Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục (...) thì Tòa án phải xét xử kín" ;
Quy định này được hiểu theo 2 cách. Cách hiểu 1 là tòa án phải xét xử kín dù người bị hại có mặt tại phiên tòa hay không. Cách hiểu 2 là tòa án chỉ phải xét xử kín khi người bị hại có mặt tại phiên tòa, và có thể xét xử công khai khi người bị hại vắng mặt.
Theo cách hiểu 1, việc Linh được xét xử kín là nhất thiết, vì nạn nhân ở đây là bé gái 8 tuổi bị dâm ô, cũng có nghĩa là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, và tòa án quyết định xét xử kín là có cơ sở pháp lý chắc chắn.
Theo cách hiểu 2, việc Linh được xét xử kín là không nhất thiết, vì gia đình bé gái đã đề nghị được vắng mặt, và tòa án quyết định xét xử kín là đã lựa chọn chủ quan.
Dẫu vậy, còn một cơ sở pháp lý nữa – trường hợp đặc biệt thứ 4 trong Điều 25, Bộ luật tố tụng hình sự – cho việc xét xử kín của tòa án. Đó là gia đình bé gái đã yêu cầu xét xử kín, như một số tờ báo trong nước đưa tin.
Dù hiểu theo cách nào trong 2 cách kể trên, có thể thấy rằng quyết định xét xử kín của tòa án có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn.
Nhiều người có thể cho rằng việc xét xử kín sẽ làm suy giảm tính khách quan và nghiêm minh của tòa án. Song, trong những trường hợp nhất định, không loại trừ trường hợp của vụ án này, giữa việc công khai phiên tòa và việc bảo vệ người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục và/hoặc giữ bí mật đời tư của họ, việc thứ hai nên có ưu tiên cao hơn.
Cũng theo Điều 25, Bộ luật tố tụng hình sự, tuy xét xử kín nhưng tòa án sẽ tuyên án công khai. Vì vậy, dù không thể quan sát và dõi theo phiên tòa, công luận cũng có thể phần nào nhận định về tính khách quan và nghiêm minh của tóa án qua bản án được tuyên.
Phiên tòa sẽ là một phép thử cho tòa án quận 4 nói riêng và hệ thống tư pháp nói chung, khi họ phải lựa chọn giữa hai điều : một là giữ nguyên tình trạng tồi tệ như vốn có, với sự thờ ơ và tắc trách và hai là trở nên tử tế hơn trong việc bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục, để từ đó góp phần kiến tạo một xã hội an toàn và đáng sống cho trẻ em, đồng thời cũng là một xã hội có sự hiện diện mạnh mẽ của công lý.
Nguyễn Trang Nhung
*********************
Xử kín viện phó dâm ô bé gái trong thang máy (RFA, 14/06/2019)
Ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Viện phó Viện Kiểm Sát Nhân Dân Thành phố Đà Nẵng, sẽ bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa kín dự kiến diễn ra vào ngày 25 tháng 6 tới đây.
Hình ảnh được cho là của ông Nguyễn Hữu Linh đeo kính và khẩu trang đến tòa vào sáng ngày 27/5/2019 - Courtesy of thanhnien.vn
Truyền thông trong nước cho biết như vừa nêu vào ngày 14 tháng 6. Cụ thể phiên xử được chủ tọa bởi Thẩm phán Nguyễn Hải Nam, phó Chánh án Tòa án Nhân dân Quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là địa phương nơi có Chung cư Galaxy 9 mà ông Nguyễn Hữu Linh đến và có hành vi dâm ô đối với một cháu bé trong thang máy và bị quay hình lại.
Tội danh đối với người phạm tội được nêu rõ trong cáo trạng là tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo khoản 1, Điều 146, Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015. Khung hình phạt cho tội này là tư 6 tháng đến 3 năm tù.
Mạng Vietnam Net dẫn phát biểu của ông thẩm phán Nguyễn Hữu Nam về lý do xử kín ông Nguyễn Hữu Linh là do phía gia đình cháu gái bị xâm hại có đơn xin xét xử vắng mặt, xử kín và không yêu cầu luật sư bảo vệ quyền lợi.
Phía bị cáo Nguyễn Hữu Linh sẽ được luật sư Trần Bá Học thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh bào chữa.
Vụ ông Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái trong thang máy Chung cư Galaxy 9 diễn ra vào ngày 1 tháng 4 vừa qua. Vụ việc bị phát lộ sau khi một video clip có cảnh một người đàn ông sàm sỡ một bé gái được loan truyền trên mạng xã hội Facebook vào ngày 2 tháng 4.
Công luận phản ứng dữ dội đối với vụ việc và đến ngày 21 tháng 4 Cơ quan Cảnh sát Điều Tra Công an Quận 4 thành phố Hồ Chí Minh mới ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Hữu Linh.