Hoa Kỳ và Việt Nam hôm 1/11 ký biên bản ghi nhớ để bàn giao 37 hecta mặt bằng tại sân bay Biên Hòa từ Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam sang cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ- USAID, bước đầu trong tiến trình xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại ở Việt Nam.
Lễ Bàn giao mặt bằng tại căn cứ không quân Biên Hòa ngày 1/11/2019 (Web Screenshot- Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)
Có mặt tại lễ bàn giao diễn ra tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở Hà Nội, có Phó Giám đốc toàn cầu của USAID, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, Giám đốc USAID-Việt Nam Michael Greene, và phía Việt Nam có Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng VN.
Thông cáo của Tòa Đại sứ Mỹ nói đây là cột mốc quan trọng khởi đầu Dự án Xử lý ô nhiễm Dioxin khu vực sân bay Biên Hòa, tiếp theo sau sự thành công của dự án tương tự tại sân bay Đà Nẵng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc USAID Bonnie Glick nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực chung của hai nướco tại Biên Hòa để đào sâu hơn Quan hệ đối tác toàn diện song phương bằng cách giải quyết các di sản do chiến tranh để lại. Bà Bonnie Glick tới Việt Nam trong chuyến công du nhiều nước Á Châu gồm Thái Lan, Bangladesh và Indonesia, từ 29/10 tới 12/11/2019.
Căn cứ không quân Biên Hòa là nơi lưu trữ và xử lý chất độc da cam chính trong Chiến tranh Việt Nam. Thông cáo của đại sứ quán Mỹ cho biết khu vực đầu tiên sẽ được xử lý là khu vực 'Pacer Ivy', và phương pháp được áp dụng là xử lý và cô lập, tương tự như đã áp dụng thành công tại sân bay Đà Nẵng.
Năm 2016, hợp tác với chính phủ Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hoàn tất đánh giá ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Theo đánh giá này thì khối lượng đất và trầm tích nhiễm dioxin cần xử lý là 500.000 m3, lớn hơn gấp 4 lần so với sân bay Đà Nẵng.
Theo thỏa thuận với Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam năm ngoái, 2018, USAID đồng ý đóng góp 183 triệu đô la cho giai đoạn 5 năm đầu tiên của dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa. Theo ước tính của USAID, công tác xử lý tổng thể sẽ được hoàn thành trong 10 năm.
Thông cáo của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nêu bật rằng tiếp tục sứ mệnh nhân đạo, kiểm kê quân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam, và khắc phục các di sản do chiến tranh để lại là một trụ cột trong Quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam, và Dự án xử lý ô nhiễm môi trường do dioxin gây ra nằm trong khuôn khổ của sứ mệnh này.
Hoa Kỳ và Việt Nam đánh dấu việc xử lý thành công dioxin tại sân bay Đà Nẵng (VOA, 11/11/2017)
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Chính trị Thomas A. Shannon Jr. cùng Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, hôm 10/11 tham dự sự kiện đánh dấu một dự án thành công của hai nước để xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Chính trị Thomas A. Shannon Jr. và Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, tại Đà Nẵng hôm 9/11/2017.
Thông cáo của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Quốc phòng Việt Nam khởi công dự án năm 2012 và đến nay đã xử lý trên 90.000 mét khối đất và bùn ô nhiễm, đồng thời cô lập khoảng 60.000 mét khối đất và bùn có nguy cơ thấp.
Thứ trưởng Shannon cho rằng dự án tại sân bay Đà Nẵng là biểu tượng của mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ - Việt Nam đang phát triển và là minh chứng cho thấy cả hai nước có thể biến các vấn đề trong quá khứ thành những lĩnh vực hợp tác. Thứ trưởng Shannon cũng nhấn mạnh rằng dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng đã tạo điều kiện để thành phố Đà Nẵng có thể xây dựng khu sân bay mở rộng, giúp đem đến sự thịnh vượng và phát triển cho người dân Việt Nam.
Trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump đến Việt Nam, Thứ trưởng Shannon công bố Hoa Kỳ cam kết đóng góp cho nỗ lực chung của Hoa Kỳ và Việt Nam về xử lý dioxin tại sân bay Biên Hoà. Một báo cáo đánh giá môi trường chung của Hoa Kỳ và Việt Nam năm 2016 cho thấy khối lượng ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hoà khiến khu vực này là điểm nóng dioxin lớn nhất Việt Nam, từ đó nêu bật tầm quan trọng của khu vực hợp tác mới này.
Thứ trưởng Shannon và Thượng tướng Nguyễn Phương Nam cho rằng khi Hoa Kỳ và Việt Nam khép lại quá khứ chiến tranh đau thương và mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới, nhân dân Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ cùng nhau đi qua điểm mốc này để bước vào một tương lai chung thịnh vượng và hoà bình.
********************
Hoa Kỳ và Việt Nam xử lý thành công dioxin tại sân bay Đà Nẵng (BBC, 10/11/2017)
Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác xử lý hậu quả của chất độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa.
Khu vực nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
Thông điệp trên được Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đưa ra trong thông cáo báo chí phổ biến vào ngày 10 tháng 11. Theo đó thì vào ngày 9 tháng 11, đại diện phía Mỹ là thứ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị, ông Thomas Shannon và đại diện phía Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam chủ trì buổi kỷ niệm đánh dấu quá trình xử lý thành công dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Thông cáo báo chí dẫn lời Thứ trưởng Shannon cho biết dự án tại sân bay Đà Nẵng là biểu tượng của mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ - Việt Nam đang phát triển, và là minh chứng cho thấy hai nước có thể biến chuyển những vấn đề còn tồn đọng trong quá khứ thành khả năng hợp tác tốt đẹp.
Cũng trong buổi lễ, chính Thứ trưởng Shannon công bố cam kết nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc đóng góp với Việt Nam xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa.
Một báo cáo đánh giá môi trường đưa ra năm 2016 cho biết Biên Hòa là nơi có khối lượng ô nhiễm dioxin lớn nhất Việt Nam.
Cũng xin được nói thêm, vào ngày 1 tháng 11 vừa qua, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế-CSIS ở Washington có buổi ra mắt quyển sách "From Enemies to Partners", tạm dịch "Từ thù đến bạn", ghi dấu những dự án hợp tác khắc phục hậu quả chất độc da cam dioxin đã và đang thực hiện bởi chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam. Sách do ông Lê Kế Sơn, Phó Giáo sư Tiến sĩ, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động Việt Nam và Giáo sư Charles R. Bailey, người Mỹ, là đồng tác giả.