Thủ đô của Việt Nam hôm 3/1 đã được ghi nhận là thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới căn cứ theo các số liệu quan trắc trong lúc khói bụi dày đặc bao trùm thành phố, khiến người dân khó khăn trong sinh hoạt và đi lại, truyền thông trong nước và quốc tế đưa tin.
Khói bụi bao trùm Hà Nội vào sáng ngày 3/1 năm 2025
Hãng tin Pháp AFP dẫn số liệu của IQAir, hãng đo lường chất lượng không khí của Thụy Sỹ, cho biết hàm lượng chất ô nhiễm PM2.5, tức là vi hạt gây ung thư có kích thước đủ nhỏ để đi vào máu qua đường thở ở Hà Nội hôm 3/1 là 227 microgram mỗi mét khối.
Mức này gấp 15 lần mức tối đa mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị mỗi người có thể tiếp xúc trung bình mỗi ngày. Do đó, theo AFP, IQAir vào sáng ngày 3/1 đã xếp Hà Nội đứng đầu danh sách các thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới.
Còn theo kết quả quan trắc của AirVisual, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí toàn cầu, chỉ số PM2.5 ở Hà Nội là 266 microgram mỗi mét khối, cao nhất trong các thành phố được đo lường, theo hãng tin Anh Reuters.
Cũng đưa tin về việc này, tờ Tiền Phong cho biết AirVisual đã ghi nhận Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất vào sáng ngày 3/1, vượt qua những thành phố nổi tiếng về ô nhiễm như New Delhi của Ấn Độ hay Lahore của Pakistan
Số liệu đo lường từ cổng thông tin quan trắc môi trường của Ủy ban Nhân dân Hà Nội vào sáng ngày 3/1 cho thấy AQI, tức chỉ số chất lượng không khí, ở nhiều địa bàn Hà Nội ở mức trên 200, rơi vào mức cảnh báo tím, tức rất xấu. Cá biệt, theo Hà Nội Mới, phường Minh Khai ở quận Bắc Từ Liêm có chỉ số AQI là 256.
Chỉ số AQI đo hàm lượng các chất ô nhiễm trong không khí như bụi, carbon monoxide, nitrogen dioxide, sulfur dioxide… AQI được đo trên thang bậc từ 0 tới 500, với 0 là chất lượng không khí tuyệt hảo còn 500 là nguy hiểm tức thì. Thông thường, chỉ số AQI dưới 100 được cho là chấp nhận được, còn trên 100 được xem là không tốt cho sức khỏe.
Theo Tiền Phong, toàn bộ Hà Nội và các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ hay Thái Nguyên đều "bị bao trùm một màu tím" trên thang bậc đo chất lượng không khí của cả 3 cơ quan là Bộ Tài nguyên-Môi trường, PAM Air (hệ thống theo dõi chất lượng không khí theo thời gian thực ở Việt Nam) và Đại sứ quán Mỹ.
Ghi nhận của AFP và Hà Nội Mới cho biết rằng chính quyền Hà Nội đã kêu gọi người dân đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài trời, hạn chế mở cửa sổ, vệ sinh mắt và mũi bằng nước muối sinh lý, và khi đi lại thì nên hạn chế đi bằng xe máy mà chuyển sang các phương tiện giao thông công cộng.
Việt Nam, vốn là một trung tâm sản xuất chế tạo trong khu vực và nằm số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu Á, đã ghi nhận ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các thành phố lớn trong nhiều năm, nhất là ở Hà Nội, do đông đúc xe cộ, hoạt động sản xuất công nghiệp và đốt rác, theo Reuters.
Hà Nội đã được IQAir xếp trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong năm 2023.
AFP dẫn lời Trần Quỳnh Lan, một nhân viên văn phòng, nói rằng cô cảm thấy khó thở khi phải lái xe đi làm trong làn khói mù độc hại, nên cô đã quyết định chuyển sang đi xe buýt và taxi.
"Chất lượng không khí cực kỳ tồi tệ đến mức tôi thực sự không cảm thấy mình có thể dễ dàng thở ở ngoài trời. Lúc nào cũng tôi cũng phải đeo khẩu trang", cô Lan được dẫn lời nói.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời ông Lưu Minh Đức, 64 tuổi, nói rằng: "Người cao tuổi chúng tôi có thể cảm nhận được rất rõ ràng, đặc biệt đối với những người bị các vấn đề về hô hấp dẫn đến khó thở. Tình hình gần đây dường như trở nên tồi tệ hơn".
Nguyễn Ninh Hương, sinh viên 21 tuổi, được hãng tin Anh dẫn lời cho biết : "Lúc đầu tôi nghĩ là sương mù... nhưng sau đó tôi phát hiện ra rằng thực chất là bụi mịn làm giảm tầm nhìn và khiến tôi cảm thấy không tốt để hít thở".
AFP dẫn lời chuyên gia khí hậu Nguyễn Ngọc Huy cho biết do thời tiết Hà Nội hiện không thuận lợi nên các chất ô nhiễm "dường như bị nhốt trong một lồng kính khí quyển khổng lồ mà chúng không thể thoát ra và tích tụ ngày này qua ngày khác".
Ông nói thêm rằng người dân Hà Nội cần "chờ gió mùa đông bắc mạnh với mưa và đối lưu mạnh thì tình hình ô nhiễm khói bụi mới được cải thiện" nhưng mưa ở Hà Nội phải đến tháng 3 mới có.
Phát biểu tại một cuộc họp với Bộ Giao thông Vận tải hôm 2/1, phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kêu gọi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện (EV) để góp phần làm giảm ô nhiễm khói bụi, theo truyền thông nhà nước đưa tin. Hà Nội đặt mục tiêu có ít nhất 50% xe buýt và 100% taxi chạy bằng điện vào năm 2030.
Nguồn : VOA, 03/01/2024
Ô nhiễm không khí khiến Bắc Kinh trở thành một đô thị bị chia tách, khi mà người giàu và người nghèo thậm chí không hít thở chung một bầu không khí dù trong cùng một thành phố.
Tỉnh giấc, việc đầu tiên Jiang Wang làm mỗi sáng là kiểm tra máy đo, đảm bảo hai con gái đang hít thở không khí sạch. Xong xuôi, cô mới làm bữa sáng, mọi nguyên liệu đều mua tại một cửa hàng thực phẩm hữu cơ. Jiang Wang rửa sạch trong bồn, dưới vòi nước gắn máy lọc. Tuy nhiên, gia đình cô không uống nước đó, mà mua nước đóng chai nhập khẩu về uống.
Đó là cách Wang bắt đầu ngày mới, cố giảm thiểu mọi tác động của môi trường ô nhiễm tại Bắc Kinh tới gia đình và bản thân.
"Từ lúc mở mắt ra cho đến khi lên giường nghỉ ngơi buổi tối", Wang nói, "ta phải đặc biệt chú ý mọi thứ, từ không khí đến nước, thực phẩm".
Wang và gia đình cô nằm trong số nhiều người Bắc Kinh đang ngày một chú trọng không để ô nhiễm ảnh hưởng tới đời sống.
Những thành phố ô nhiễm nhất Trung Quốc - Mật độ trung bình bụi PM2,5 mỗi m3 (Những hạt bụi có kích thước bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2,5) không được phép lớn hơn 25 (microgram/m3) Ảnh : CNN
Nghiên cứu công bố tháng 11 năm ngoái đã phân tích hơn 3 triệu ca tử vong trên 74 thành phố Trung Quốc năm 2013. Kết quả cho thấy, 31,8% số ca có liên quan tới ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các thành phố lớn tại Hà Bắc, tỉnh bao quanh Bắc Kinh.
"Ô nhiễm không khí càng làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu nghèo tại đô thị Trung Quốc", Matthew Kahn, giáo sư kinh tế, đại học Nam California, Mỹ, nhận xét.
"Người giàu sống tại những nơi sạch sẽ trong thành phố, vào những ngày ô nhiễm nặng, họ lái xe đi làm, chui vào trong cao ốc, được bác sĩ giỏi khám, có nhà ở quê, có máy lọc không khí đắt tiền và hiệu quả trong nhà".
"Bắc Kinh có nguy cơ trở thành một đô thị bị chia tách, nơi người giàu và người nghèo thậm chí không hít thở chung một bầu không khí", ông đánh giá.
Gia đình Wang vừa lắp thêm một hệ thống lọc khí sạch, hết khoảng 4.300 USD. Nó hoạt động như một hệ thống thông gió, làm sạch không khí bên ngoài rồi mới đưa vào nhà. Trong nhà, phòng nào cũng lắp máy lọc. Có tất cả 8 cái, loại bỏ CO2, ngăn chặn mọi chất bẩn trong không khí. Những thứ này tốn thêm khoảng 7.200 USD.
Tháng nào họ cũng phải thay bộ lọc, hết khoảng 430 USD. Bộ lọc nước cho bồn rửa bát hết khoảng 300 USD, bộ lọc nước tắm khoảng 1.000 USD.
Đối với những người siêu giàu, các công ty như Environment Assured (Môi trường Đảm bảo), công ty chuyên tư vấn chất lượng không khí và lọc nước trong nhà, sẽ kiểm tra chất lượng không khí các văn phòng và nhà ở. Công ty cung cấp gói lọc không khí toàn diện, giá khoảng 15.000 USD, theo Alex Cukor, phó chủ tịch công ty.
Giá bất động sản tăng hay giảm cũng dựa vào công nghệ lọc khí. Giá một căn hộ hai phòng ngủ ở khu phức hợp MOMA, nơi tòa nhà nào cũng trang bị máy lọc khí, có giá hơn 3 triệu USD, gấp 6 lần so với một căn hộ có kích thước tương tự nhưng nằm ở những khu bụi bặm trong thành phố.
Người dân Bắc Kinh không chỉ tốn tiền để thở không khí sạch trong nhà.
Trường quốc tế Bắc Kinh, nơi học phí khoảng 37.000 USD một năm, đã xây một nhà thể thao mái vòm trang bị hệ thống lọc khí, chi phí khoảng 5 triệu USD. Một số trường công lập trong thành phố cũng đã xây mái vòm này.
Mái vòm trong nhà thể thao ở một trường học tại Bắc Kinh. Ảnh : CNN
Nhiều người đặt mua thực phẩm hữu cơ giao tận nhà. Một thẻ thành viên thường niên của trang trại Tony giá 3.400 USD. Trang trại này sẽ giao thực phẩm hai lần mỗi tuần, mỗi lần 3 kg.
Những người khác thì trốn ô nhiễm bằng cách ra nước ngoài du lịch. Hoặc họ có thể mua những sản phẩm kỳ lạ như không khí đóng chai sạch từ Anh với giá 115 USD một chai, hay kem chống ô nhiễm 100 USD một lọ.
Thu nhập bình quân của một người Bắc Kinh là 17.000 USD một năm, theo báo cáo của đại học Bắc Kinh. Đó cũng là mức thu nhập cao nhất nước. Tuy nhiên, số tiền này cũng không đủ để mua không khí sạch.
Kinh tế bùng nổ đã khiến đời sống của hàng triệu người khá giả hơn, nhưng cũng có ngày càng nhiều người thất vọng vì tầng lớp giàu có và siêu giàu. Họ thất vọng vì không thể tự bảo vệ mình, trong khi những người làm giàu nhờ công nghiệp hóa đất nước và gây ra ô nhiễm, thì có thể.
"Nỗi lo ngại về ô nhiễm không khí trên cả nước đã đạt tới điểm đe dọa ổn định xã hội Trung Quốc", Barbara Finamore, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), hồi tháng 5/2016 nhận xét.
Trung Quốc là nước phát thải nhà kính nhiều nhất thế giới và cũng là nước chịu nhiều ảnh hưởng do ô nhiễm không khí. Kinh tế Trung Quốc tổn thất 535 tỷ USD mỗi năm do ô nhiễm không khí năm 2012, theo báo cáo của công ty phân tích RAND trụ sở tại Mỹ.
Chính quyền Trung Quốc đã ý thức được ô nhiễm không khí là một vấn đề bức xúc. Năm 2014, chính phủ nước này tuyên bố phát động "cuộc chiến chống ô nhiễm".
Nhờ khá giả, tầng lớp thượng lưu và trung lưu của Trung Quốc đủ điều kiện du lịch nước ngoài, tìm hiểu mối nguy của ô nhiễm không khí và cách phòng tránh. Tuy nhiên, trên đường phố, khi ô nhiễm ở mức báo động đỏ, hình ảnh những người dân bình thường chỉ đeo khẩu trang che miệng và mũi chứ không dùng mặt nạ phòng độc, vẫn rất phổ biến.
Giá thành những vật dụng bảo vệ con người khỏi ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh. Đồ họa : CNN
Ngay cả các phương tiện truyền thông nhà nước cũng cho rằng chính phủ cần thực hiện nhiều nghiên cứu sâu hơn và phân tích rõ ảnh hưởng của ô nhiễm.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã có một số thành công nhất định. 663 khu vực trong nội đô Bắc Kinh đã thay thế than đá bằng năng lượng sạch, theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã. Bắc Kinh đã ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và đang dẫn đầu thế giới trong việc sử dụng quang năng và phong năng, theo CSIS.
Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chưa thể xóa tan quan điểm Bắc Kinh là một nơi không đáng sống. "Dưới bầu trời ô nhiễm", một bộ phim tài liệu về tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí, đã gây bão khi ra mắt năm 2015. Bộ phim thu hút hàng triệu lượt xem trực tuyến, trước khi chính quyền kiểm duyệt và cấm chiếu trên các trang chia sẻ video trực tuyến.
Đoạn phim châm biếm do tổ chức WildAid thực hiện hồi tháng 3/2016 khắc họa con người tương lai với bộ lông mũi dài thượt vì phải hít thở không khí ô nhiễm trầm trọng.
Chính phủ nhận thức được vấn đề, còn các doanh nghiệp thì nhìn thấy cơ hội kinh doanh. Một ngành công nghiệp béo bở nổi lên nhờ vào những người muốn cách ly khỏi ô nhiễm như Wang, người mẹ muốn bảo vệ hai con gái 5 tuổi và 3 tháng tuổi.
"Con bé mới chào đời, cuộc sống mới bắt đầu, vậy mà không khí nó hít thở cả trong lẫn ngoài đều rất độc hại. Tôi không ngủ được, theo nghĩa đen, hai đêm liền", Wang tâm sự. "Con tôi còn rất nhỏ, chúng còn cả cuộc đời phía trước".
Bắc Kinh là mảnh đất màu mỡ cho ngành công nghiệp thiết bị lọc khí, vì đó là thành phố nhiều tỷ phú nhất thế giới.
Có 200.000 máy lọc không khí bán ra tại Trung Quốc năm 2010, theo công ty tư vấn Daxue. Con số này tăng vọt lên hai triệu sau 4 năm. Nhu cầu dự kiến đạt 4 triệu năm 2018, theo công ty nghiên cứu Huidian, một doanh nghiệp Trung Quốc chuyên tư vấn và quảng cáo.
"Doanh thu hiện tại phần lớn đến từ các sản phẩm cao cấp, nhưng nó đang dần thay đổi. Máy lọc không khí đang ngày càng dễ tiếp cận hơn", Cukor nói.
Xiaomi, một công ty công nghệ ở Trung Quốc, đang tung ra thị trường loại máy lọc không khí giá rẻ, chỉ 360 USD.
Environment Assured bận rộn không ngừng với các đơn đặt hàng suốt ba tuần qua, kể từ khi Bắc Kinh đặt mức báo động đỏ ô nhiễm không khí, Cukor cho biết.
Theo dữ liệu của công ty bán lẻ trực truyến JD, cuối năm ngoái, từ 16 đến 20/12, suốt thời gian Bắc Kinh đặt cảnh báo ô nhiễm không khí ở mức cao nhất, doanh số bán mặt nạ tăng lên 380%, còn máy lọc không khí tăng 210%.
Giáo sư Kahn cũng phát hiện xu hướng tương tự khi phân tích dữ liệu bán hàng của Taobao, nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu Trung Quốc, vào mùa đông năm 2013 — thời gian chất lượng không khí kém.
Nguyên nhân có thể do những người có thu nhập thấp không có thời gian và tiền bạc để lắp đặt các biện pháp đề phòng cho tới khi vấn đề ngoài tầm với. Họ cũng không mua các sản phẩm làm sạch hiệu quả mà chỉ mua hàng rẻ tiền, còn hàng rẻ thì đúng với câu "tiền nào của nấy".
Jiang Wang và chồng, Ludovic Bodin cùng hai con gái, Mia 6 tuổi và Anna 3 tháng tuổi. Ảnh : CNN
Một số người đổ lỗi cho quảng cáo sai sự thật. Thời báo Tài chính gần đây đưa tin, một bà mẹ đã kiểm tra chất lượng không khí tại một số trung tâm mua sắm bán máy làm sạch không khí và phát hiện không khí không an toàn như quảng cáo.
"Xu hướng khác biệt trong việc đầu tư thiết bị làm sạch không khí giữa người giàu và người nghèo làm trầm trọng thêm khoảng cách giữa hai tầng lớp này ở Trung Quốc, vì người nghèo tiếp cận với nhiều rủi ro hơn", Kahn phân tích.
Kahn và đồng tác giả Zheng Siqi, giáo sư đại học Thanh Hoa, vẫn duy trì thái độ lạc quan khi nhắc tới đường cong Kuznets (mô tả mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và vấn đề bất bình đẳng thu nhập).
Đường cong này cho thấy khi thu nhập bình quân đầu người tăng, ô nhiễm cũng tăng, nhưng chỉ tới một điểm nhất định. Khi đạt điểm này, thu nhập của người dân tăng lên, đủ để họ ý thức được giá trị môi trường, các hoạt động gây ô nhiễm môi trường và gây áp lực lên chính quyền để có biện pháp ngăn chặn và xử lý. Khi đó, ô nhiễm sẽ giảm, còn thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng lên.
Về phần Wang, cô hy vọng con gái sẽ sớm được hưởng những ngày đó.
"Đối với chúng tôi và tất cả mọi người, sức khỏe là quan trọng nhất", Wang nói. "Không có sức khỏe thì không làm được gì cả".
Hồng Hạnh (theo CNN)
Bắc Kinh, một ngày ô nhiễm. Ảnh 20/12/2016. Reuters
Kiện Nhà Nước để cho đất nước ô nhiễm là mặt trận mới của luật sư Trung Quốc.Theo AFP, lần đầu tiên tại quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu thế giới, người dân kiện chính quyền không bảo vệ sức khỏe dân chúng.
Một nhóm 6 luật sư Trung Quốc cùng chí hướng, ngày 21/01/2017 đã đồng loạt nộp đơn kiện chính quyền Trung Quốc tại Bắc Kinh, Thiên Tân và Hồ Bắc, những nơi bị khói bụi bao phủ trong ,nhiều tuần lễ hoặc xảy ra nổ hóa chất.
Được AFP đặt câu hỏi, các luật sư này cho biết họ từng biện hộ cho các nhà dân chủ hay đệ tử giáo phái thiền Pháp Luân Công. Theo họ, chống ô nhiễm là mặt trận mới, thiết thân đối với từng công dân Trung Hoa và ít nguy hiểm cho luật sư trước bộ máy đàn áp của chế độ.
Từng bị tù 15 ngày vào năm 2014 sau khi biện hộ cho một môn đồ Pháp Luân Công, luật sư Dư Văn Sinh (Yu Wen Sheng) biết rõ các đơn kiện sẽ không bao giờ được tư pháp Trung Quốc, do đảng Cộng Sản thao túng, giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên, ông cho biết mục tiêu của các luật sư là đánh động công luận, giúp cho người dân ý thức về một hiểm họa.
Nhà Nước phải trả lời và phải có trách nhiệm vì thụ động hay vì bất tài trước một thảm nạn gây hại cho quốc gia và quốc dân.
Tại Bắc Kinh, luật sư kiện chính quyền nhân danh "tăng trưởng độc hại đã sơ sót nghiêm trọng trong vấn đề môi trường , hy sinh sức khỏe cộng đồng cho chỉ số kinh tế".
Luật sư Dư Văn Sinh đòi chính quyền phải đăng lời xin lỗi công khai trên báo chí và internet trong vòng một tuần và bồi thường tượng trưng tiền mua khẩu trang 10 đô la cộng thêm 9.999 nhân dân tệ bồi thường danh dự.
Tú Anh