Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

24/01/2017

Bắc Kinh  -  nơi người giàu, nghèo không cùng hít thở một bầu không khí

VnExpress

Ô nhiễm không khí khiến Bắc Kinh trở thành một đô thị bị chia tách, khi mà người giàu và người nghèo thậm chí không hít thở chung một bầu không khí dù trong cùng một thành phố.

Tỉnh giấc, việc đầu tiên Jiang Wang làm mỗi sáng là kiểm tra máy đo, đảm bảo hai con gái đang hít thở không khí sạch. Xong xuôi, cô mới làm bữa sáng, mọi nguyên liệu đều mua tại một cửa hàng thực phẩm hữu cơ. Jiang Wang rửa sạch trong bồn, dưới vòi nước gắn máy lọc. Tuy nhiên, gia đình cô không uống nước đó, mà mua nước đóng chai nhập khẩu về uống.

Đó là cách Wang bắt đầu ngày mới, cố giảm thiểu mọi tác động của môi trường ô nhiễm tại Bắc Kinh tới gia đình và bản thân.

"Từ lúc mở mắt ra cho đến khi lên giường nghỉ ngơi buổi tối", Wang nói, "ta phải đặc biệt chú ý mọi thứ, từ không khí đến nước, thực phẩm".

Wang và gia đình cô nằm trong số nhiều người Bắc Kinh đang ngày một chú trọng không để ô nhiễm ảnh hưởng tới đời sống.

pekin1

Những thành phố ô nhiễm nhất Trung Quốc - Mật độ trung bình bụi PM2,5 mỗi m3 (Những hạt bụi có kích thước bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2,5) không được phép lớn hơn 25 (microgram/m3) Ảnh : CNN

Nghiên cứu công bố tháng 11 năm ngoái đã phân tích hơn 3 triệu ca tử vong trên 74 thành phố Trung Quốc năm 2013. Kết quả cho thấy, 31,8% số ca có liên quan tới ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các thành phố lớn tại Hà Bắc, tỉnh bao quanh Bắc Kinh.

"Ô nhiễm không khí càng làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu nghèo tại đô thị Trung Quốc", Matthew Kahn, giáo sư kinh tế, đại học Nam California, Mỹ, nhận xét.

"Người giàu sống tại những nơi sạch sẽ trong thành phố, vào những ngày ô nhiễm nặng, họ lái xe đi làm, chui vào trong cao ốc, được bác sĩ giỏi khám, có nhà ở quê, có máy lọc không khí đắt tiền và hiệu quả trong nhà".

"Bắc Kinh có nguy cơ trở thành một đô thị bị chia tách, nơi người giàu và người nghèo thậm chí không hít thở chung một bầu không khí", ông đánh giá.

Phụ trội

Gia đình Wang vừa lắp thêm một hệ thống lọc khí sạch, hết khoảng 4.300 USD. Nó hoạt động như một hệ thống thông gió, làm sạch không khí bên ngoài rồi mới đưa vào nhà. Trong nhà, phòng nào cũng lắp máy lọc. Có tất cả 8 cái, loại bỏ CO2, ngăn chặn mọi chất bẩn trong không khí. Những thứ này tốn thêm khoảng 7.200 USD.

Tháng nào họ cũng phải thay bộ lọc, hết khoảng 430 USD. Bộ lọc nước cho bồn rửa bát hết khoảng 300 USD, bộ lọc nước tắm khoảng 1.000 USD.

Đối với những người siêu giàu, các công ty như Environment Assured (Môi trường Đảm bảo), công ty chuyên tư vấn chất lượng không khí và lọc nước trong nhà, sẽ kiểm tra chất lượng không khí các văn phòng và nhà ở. Công ty cung cấp gói lọc không khí toàn diện, giá khoảng 15.000 USD, theo Alex Cukor, phó chủ tịch công ty.

Giá bất động sản tăng hay giảm cũng dựa vào công nghệ lọc khí. Giá một căn hộ hai phòng ngủ ở khu phức hợp MOMA, nơi tòa nhà nào cũng trang bị máy lọc khí, có giá hơn 3 triệu USD, gấp 6 lần so với một căn hộ có kích thước tương tự nhưng nằm ở những khu bụi bặm trong thành phố.

Người dân Bắc Kinh không chỉ tốn tiền để thở không khí sạch trong nhà.

Trường quốc tế Bắc Kinh, nơi học phí khoảng 37.000 USD một năm, đã xây một nhà thể thao mái vòm trang bị hệ thống lọc khí, chi phí khoảng 5 triệu USD. Một số trường công lập trong thành phố cũng đã xây mái vòm này.

pekin2

Mái vòm trong nhà thể thao ở một trường học tại Bắc Kinh. Ảnh : CNN

Nhiều người đặt mua thực phẩm hữu cơ giao tận nhà. Một thẻ thành viên thường niên của trang trại Tony giá 3.400 USD. Trang trại này sẽ giao thực phẩm hai lần mỗi tuần, mỗi lần 3 kg.

Những người khác thì trốn ô nhiễm bằng cách ra nước ngoài du lịch. Hoặc họ có thể mua những sản phẩm kỳ lạ như không khí đóng chai sạch từ Anh với giá 115 USD một chai, hay kem chống ô nhiễm 100 USD một lọ.

Thu nhập bình quân của một người Bắc Kinh là 17.000 USD một năm, theo báo cáo của đại học Bắc Kinh. Đó cũng là mức thu nhập cao nhất nước. Tuy nhiên, số tiền này cũng không đủ để mua không khí sạch.

Kinh tế bùng nổ đã khiến đời sống của hàng triệu người khá giả hơn, nhưng cũng có ngày càng nhiều người thất vọng vì tầng lớp giàu có và siêu giàu. Họ thất vọng vì không thể tự bảo vệ mình, trong khi những người làm giàu nhờ công nghiệp hóa đất nước và gây ra ô nhiễm, thì có thể.

"Nỗi lo ngại về ô nhiễm không khí trên cả nước đã đạt tới điểm đe dọa ổn định xã hội Trung Quốc", Barbara Finamore, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), hồi tháng 5/2016 nhận xét.

Cuộc chiến chống ô nhiễm

Trung Quốc là nước phát thải nhà kính nhiều nhất thế giới và cũng là nước chịu nhiều ảnh hưởng do ô nhiễm không khí. Kinh tế Trung Quốc tổn thất 535 tỷ USD mỗi năm do ô nhiễm không khí năm 2012, theo báo cáo của công ty phân tích RAND trụ sở tại Mỹ.

Chính quyền Trung Quốc đã ý thức được ô nhiễm không khí là một vấn đề bức xúc. Năm 2014, chính phủ nước này tuyên bố phát động "cuộc chiến chống ô nhiễm".

Nhờ khá giả, tầng lớp thượng lưu và trung lưu của Trung Quốc đủ điều kiện du lịch nước ngoài, tìm hiểu mối nguy của ô nhiễm không khí và cách phòng tránh. Tuy nhiên, trên đường phố, khi ô nhiễm ở mức báo động đỏ, hình ảnh những người dân bình thường chỉ đeo khẩu trang che miệng và mũi chứ không dùng mặt nạ phòng độc, vẫn rất phổ biến.

pekin3

Giá thành những vật dụng bảo vệ con người khỏi ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh. Đồ họa : CNN

Ngay cả các phương tiện truyền thông nhà nước cũng cho rằng chính phủ cần thực hiện nhiều nghiên cứu sâu hơn và phân tích rõ ảnh hưởng của ô nhiễm.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã có một số thành công nhất định. 663 khu vực trong nội đô Bắc Kinh đã thay thế than đá bằng năng lượng sạch, theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã. Bắc Kinh đã ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và đang dẫn đầu thế giới trong việc sử dụng quang năng và phong năng, theo CSIS.

Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chưa thể xóa tan quan điểm Bắc Kinh là một nơi không đáng sống. "Dưới bầu trời ô nhiễm", một bộ phim tài liệu về tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí, đã gây bão khi ra mắt năm 2015. Bộ phim thu hút hàng triệu lượt xem trực tuyến, trước khi chính quyền kiểm duyệt và cấm chiếu trên các trang chia sẻ video trực tuyến.

Đoạn phim châm biếm do tổ chức WildAid thực hiện hồi tháng 3/2016 khắc họa con người tương lai với bộ lông mũi dài thượt vì phải hít thở không khí ô nhiễm trầm trọng.

Ngành công nghiệp mới nổi

Chính phủ nhận thức được vấn đề, còn các doanh nghiệp thì nhìn thấy cơ hội kinh doanh. Một ngành công nghiệp béo bở nổi lên nhờ vào những người muốn cách ly khỏi ô nhiễm như Wang, người mẹ muốn bảo vệ hai con gái 5 tuổi và 3 tháng tuổi.

"Con bé mới chào đời, cuộc sống mới bắt đầu, vậy mà không khí nó hít thở cả trong lẫn ngoài đều rất độc hại. Tôi không ngủ được, theo nghĩa đen, hai đêm liền", Wang tâm sự. "Con tôi còn rất nhỏ, chúng còn cả cuộc đời phía trước".

Bắc Kinh là mảnh đất màu mỡ cho ngành công nghiệp thiết bị lọc khí, vì đó là thành phố nhiều tỷ phú nhất thế giới.

Có 200.000 máy lọc không khí bán ra tại Trung Quốc năm 2010, theo công ty tư vấn Daxue. Con số này tăng vọt lên hai triệu sau 4 năm. Nhu cầu dự kiến đạt 4 triệu năm 2018, theo công ty nghiên cứu Huidian, một doanh nghiệp Trung Quốc chuyên tư vấn và quảng cáo.

"Doanh thu hiện tại phần lớn đến từ các sản phẩm cao cấp, nhưng nó đang dần thay đổi. Máy lọc không khí đang ngày càng dễ tiếp cận hơn", Cukor nói.

Xiaomi, một công ty công nghệ ở Trung Quốc, đang tung ra thị trường loại máy lọc không khí giá rẻ, chỉ 360 USD.

Tầng lớp trung lưu

Environment Assured bận rộn không ngừng với các đơn đặt hàng suốt ba tuần qua, kể từ khi Bắc Kinh đặt mức báo động đỏ ô nhiễm không khí, Cukor cho biết.

Theo dữ liệu của công ty bán lẻ trực truyến JD, cuối năm ngoái, từ 16 đến 20/12, suốt thời gian Bắc Kinh đặt cảnh báo ô nhiễm không khí ở mức cao nhất, doanh số bán mặt nạ tăng lên 380%, còn máy lọc không khí tăng 210%.

Giáo sư Kahn cũng phát hiện xu hướng tương tự khi phân tích dữ liệu bán hàng của Taobao, nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu Trung Quốc, vào mùa đông năm 2013 — thời gian chất lượng không khí kém.

Nguyên nhân có thể do những người có thu nhập thấp không có thời gian và tiền bạc để lắp đặt các biện pháp đề phòng cho tới khi vấn đề ngoài tầm với. Họ cũng không mua các sản phẩm làm sạch hiệu quả mà chỉ mua hàng rẻ tiền, còn hàng rẻ thì đúng với câu "tiền nào của nấy".

pekin4

Jiang Wang và chồng, Ludovic Bodin cùng hai con gái, Mia 6 tuổi và Anna 3 tháng tuổi. Ảnh : CNN

Một số người đổ lỗi cho quảng cáo sai sự thật. Thời báo Tài chính gần đây đưa tin, một bà mẹ đã kiểm tra chất lượng không khí tại một số trung tâm mua sắm bán máy làm sạch không khí và phát hiện không khí không an toàn như quảng cáo.

"Xu hướng khác biệt trong việc đầu tư thiết bị làm sạch không khí giữa người giàu và người nghèo làm trầm trọng thêm khoảng cách giữa hai tầng lớp này ở Trung Quốc, vì người nghèo tiếp cận với nhiều rủi ro hơn", Kahn phân tích.

Kahn và đồng tác giả Zheng Siqi, giáo sư đại học Thanh Hoa, vẫn duy trì thái độ lạc quan khi nhắc tới đường cong Kuznets (mô tả mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và vấn đề bất bình đẳng thu nhập).

Đường cong này cho thấy khi thu nhập bình quân đầu người tăng, ô nhiễm cũng tăng, nhưng chỉ tới một điểm nhất định. Khi đạt điểm này, thu nhập của người dân tăng lên, đủ để họ ý thức được giá trị môi trường, các hoạt động gây ô nhiễm môi trường và gây áp lực lên chính quyền để có biện pháp ngăn chặn và xử lý. Khi đó, ô nhiễm sẽ giảm, còn thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng lên.

Về phần Wang, cô hy vọng con gái sẽ sớm được hưởng những ngày đó.

"Đối với chúng tôi và tất cả mọi người, sức khỏe là quan trọng nhất", Wang nói. "Không có sức khỏe thì không làm được gì cả".

Hồng Hạnh (theo CNN)

Quay lại trang chủ
Read 784 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)