Hà Nội sẽ ra lệnh cấm bán thịt chó tại trung tâm thành phố trong lúc có nhiều luồng ý kiến trái chiều từ công chúng sau khi lãnh đạo thành phố kêu gọi người dân ngừng ăn thịt loại thú cưng này để hình ảnh thủ đô thêm "văn minh".
Người đứng đầu Chi cục Thú y Hà Nội, Nguyễn Ngọc Sơn, hôm 13/9 đề xuất cấm bán thịt chó trong các quận nội thành Hà Nội vào khoảng năm 2021, theo truyền thông trong nước.
Các quận nội thành Hà Nội - như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng - là những nơi có nhiều khách du lịch quốc tế do đó, theo giải thích của ông Sơn, đây sẽ là những nơi lệnh cấm cần được ban hành trước tiên.
Trước đó vào ngày 10/9, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành một văn bản kêu gọi người dân ngừng ăn thịt chó để không làm ảnh hưởng đến "hình ảnh của thủ đô văn minh, hiện đại".
Ngoài lý do giết mổ động vật có thể lan truyền bệnh dại, lãnh đạo TP Hà Nội còn cho rằng các hoạt động giết mổ và tiêu thụ thịt chó gây ra "phản cảm đối với khách tham quan du lịch, khách quốc tế sinh sống, làm việc tại Hà Nội".
Thú ẩm thực
Theo nhà xã hội học Lê Bạch Dương, thịt chó là một thú ẩm thực của người Việt và sẽ không dễ để người dân bỏ được thói quen này. Ông Dương cho biết có những làng ở Hà Nội nơi thịt chó là món được phục vụ trong tất cả các tiệc cưới và đám giỗ.
Cùng chung ý kiến này, nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến nói với báo Lao Động rằng sẽ không bao giờ hết người ăn chó bởi vì với nhiều người thịt chó vẫn là món ăn khoái khẩu.
Các khảo sát gần đây cho thấy nhiều người đã thay đổi nhận thức và từ bỏ thói quen ăn thịt chó, theo người đứng đầu Chi cục Thú y Hà Nội. Do đó đang có hai luồng ý kiến trái chiều nhau về việc này. Tuy nhiên Tiến sỹ Dương của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng luồng ý kiến theo hướng không nên ăn thịt chó nữa thì càng ngày càng chiếm xu thế khi ngày càng có nhiều người, nhất là giới trẻ thành thị, không ăn thịt chó.
"Nếu vấn đề này được nói đến khoảng 10 năm về trước thì chắc chắn sẽ không có sự đồng thuận cao. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều người đã thay đổi nhận thức và từ bỏ thói quen nên việc thực hiện sẽ có cơ sở", ông Sơn nói với Người Lao Động.
Nhà nghiên cứu Tiến cho rằng đề xuất này có khả năng thành công vì theo quan sát của ông, "người Hà Nội đã ít ăn thịt chó hơn trước rất nhiều, đặc biệt là giới trẻ do được tiếp xúc với văn minh phương Tây từ rất sớm".
Tiến sĩ Dương cho biết trước đây ông từng ăn thịt chó nhưng giờ đây ông đã bỏ một phần vì những người thân và bạn bè không ăn nữa và một phần vì ông được thấy những hình ảnh giết mổ chó dã man. Chính điều đó đã làm ông thay đổi nhận thức về thói quen ăn thịt chó.
Cấm theo lộ trình
Tuy cho rằng việc thay đổi nhận thức của người dân không dễ nhưng Tiến sĩ Dương nhận định xu hướng này sẽ dẫn tới thay đổi và ông ủng hộ đề xuất cấm bán và ăn thịt chó.
"Nếu mình chờ đến khi toàn bộ xã hội thay đổi thì rất là lâu và muốn có sự thay đổi triệt để thì chỉ có cách là cấm. Cấm theo lộ trình giống như đề ra từ nay đến năm 2021 và trong thời gian đấy sẽ phải vận động tuyên truyền v.v. Theo tôi cách hiệu quả nhất là cấm tiệt. Ai mà ăn sẽ bị phạt giống như ở các nước (nơi) mà làm thịt chó là đi tù".
Theo nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến nói với Lao Động, việc cấm buôn bán và ăn thịt chó đã từng được người Pháp áp dụng ở Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Theo lệnh cấm này, tất cả những ai ăn, bán thịt chó nếu bị bắt sẽ bị xử nghiêm theo luật của nước Pháp.
Trên thế giới có nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm tương tự.
Gần đây nhất, chính phủ Mỹ hôm 12/9 đã thông qua dự luật cấm giết mổ chó và mèo để ăn thịt. Một dự luật thứ hai cũng hy vọng được Hạ viện thông qua ngày 13/9 nhằm thúc đẩy Trung Quốc, Hàn Quốc, và những nước khác đặt ra ngoài vòng pháp luật và thi hành luật hiện có chống lại việc mua bán thịt chó và thịt mèo.
Theo VnExpress, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 5 triệu con chó mỗi năm, chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc nơi hàng năm tiêu thụ gần 20 triệu con chó.
*******************
Thành phố Hà Nội dự kiến từ năm 2021 sẽ cấm bán thịt chó tại các quận nội thành.
Một cửa hàng bán thịt chó ở Hà Nội. Ảnh chụp năm 2012. AFP
Chi cục trưởng Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn ngày 13 tháng 9 cho báo giới biết cơ quan này sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn báo cáo thành phố về lộ trình vận động người dân bỏ thói quen ăn thịt chó. Giới chức Hà Nội dự kiến từ 3-5 năm nữa, sẽ cấm bán thịt chó ở các quận nội thành Hà Nội bởi vì đây là những khu vực trung tâm, có đông du khách quốc tế nên cần làm trước.
Với khu vực ngoại thành, ông Sơn cho rằng cần thời gian để tuyên truyền vì những nơi này nuôi chó thả rông nhiều, khó quản lý và còn do tập quán ăn thịt chó của người dân.
Chi cục trưởng Thú y Hà Nội nói với đại ý rằng kế hoạch này có thể sẽ thành công bởi vì nhiều người dân ngày nay đã thay đổi nhận thức và dần từ bỏ thói quen ăn thịt chó. Ông còn nói thêm rằng nhiều tổ chức quốc tế cũng phản đối ăn thịt chó, hơn nữa thịt chó có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, và quá nhiều chất đạm không tốt cho sức khỏe.
Trong khi đó Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ông Phạm Thanh Học lại cho rằng kế hoạch này rất khó thực hiện vì thịt chó là món ăn truyền thống của người dân Việt Nam.
Trước đó Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vào ngày 10 tháng 9 cũng ra văn bản khuyến cáo người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, thành phố Hà Nội hiện có trên 1.000 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm, giết mổ chó, mèo. Cả thành phố hiện có khoảng 500.000 con chó, mèo; trên 87% nuôi với mục đích giữ nhà, còn lại nuôi làm cảnh, kinh doanh hoặc làm thực phẩm.
Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia trên thế giới còn ăn thịt chó, trong đó hầu hết là các nước châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, một số tỉnh của Philippines,…
Lãnh đạo thành phố Hà Nội kêu gọi người dân ngừng ăn thịt chó vì cho rằng nó "ảnh hưởng đến hình ảnh của một thủ đô văn minh, hiện đại" và rằng việc giết mổ động vật có thể lan truyền bệnh dại.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đưa ra một văn bản đề ngày 10/9 trong đó cho rằng "việc kinh doanh, giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo đã tạo ra những phản cảm đối với khách tham quan du lịch, khách quốc tế sinh sống, làm việc tại Hà Nội".
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trong một thông điệp đăng trên trang web của ủy ban yêu cầu các ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ mắc bệnh dại khi sử dụng thịt chó và mèo làm thực phẩm.
Đây là một phần trong chương trình loại bỏ bệnh dại trước năm 2021 ở Việt Nam.
Hiện có hơn 1.000 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm và giết mổ chó mèo trên toàn thành phố Hà Nội, theo trang web của UBND Thành phố Hà Nội.
Báo Người Lao Động Online còn kêu gọi "cấm hẳn việc kinh doanh và ăn thịt chó, mèo !".
Nguyễn Thị Minh, chủ nhân một nhà hàng kinh doanh thịt chó ở Hà Nội trong hơn 20 năm qua, nói với AP rằng nhà hàng của bà chọn những con chó khỏe mạnh và thịt được nấu chín nên không có nguy cơ mắc bệnh dại.
"Mọi người ăn thịt chó và chẳng có vấn đề gì cả", bà Minh nói và cho AP biết rằng khách hàng nước ngoài đến ăn thịt chó ở nhà hàng của bà đến từ Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nước khác.
Thịt chó là một trong những món ăn phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người trên mạng xã hội bày tỏ ý kiến ủng hộ đối với lời kêu gọi này của UBND thành phố nhưng cũng có người cho rằng đây là một thói quen khó bỏ của người dân thủ đô Hà Nội.
Nhằm phản bác một trong những lý do mà Thành phố Hà Nội đưa ra để kêu gọi người dân dừng ăn thịt chó, Linh mục Đinh Hữu Thoại viết trên trang Facebook cá nhân rằng ông cho rằng việc ăn thịt chó "không làm xấu hình ảnh Việt Nam" và nêu lên ví dụ rằng "Hàn Quốc ăn thịt chó nhiều nhưng hình ảnh đất nước họ có bị xấu đâu !".
Theo UBND Thành phố Hà Nội, hiện có khoảng 493.000 con chó, mèo trên toàn thành phố trong đó hơn 10% được nuôi cho các mục đích thương mại như làm cảnh, kinh doanh và làm thực phẩm.
https://youtu.be/8toH_rQrhDk