Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 13/5 tuyên bố rằng ông Đinh La Thăng mới chỉ bị xử lý "về mặt đảng", ít ngày sau khi quan chức từng có nhiều tuyên bố thẳng thừng bị kỷ luật và thuyên chuyển công tác.
Ông Đinh La Thăng là "nạn nhân" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ?
Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời người đứng đầu đảng cầm quyền nói với cử tri ở Hà Nội rằng "còn về mặt chính quyền đang tiếp tục xử lý" và rằng "các cơ quan có trách nhiệm vẫn đang tiếp tục thực hiện".
Ông Trọng được dẫn lời nói rằng đây là "lần đầu tiên chúng ta xử lý một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị liên quan đến quản lý kinh tế", nhưng không nói rõ việc "xử lý về mặt chính quyền" đối với ông Thăng sẽ được thực hiện như thế nào.
Trong cuộc họp với các cử tri, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được VGP News trích lời nói phải "xử lý nghiêm tham nhũng, đúng người đúng tội".
Ông Trọng cho biết rằng từ đầu năm 2016 đến nay, "đã chỉ đạo khởi tố 9 vụ án với 64 bị can, tiếp tục điều tra bổ sung 11 vụ với 169 bị can, xét xử sơ thẩm 9 vụ với 125 bị cáo, tuyên phạt 2 án tử hình, 4 án chung thân, 5 bị cáo 30 năm tù và 99 bị cáo dưới 30 năm tù ; xét xử phúc thẩm 8 vụ án với 79 bị cáo, tuyên án tử hình 2 bị cáo, chung thân 4 bị cáo, 30 năm tù 2 bị cáo".
Ông Đinh La Thăng đã bị loại khỏi Bộ Chính trị, đồng nghĩa với việc "mất ghế" Bí thư Thành ủy Sài Gòn, vì những sai phạm về chính sách khi lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhưng sau đó lại được bổ nhiệm vào cơ quan tham mưu kinh tế cho Đảng.
Trong một tin loan hôm 12/5 mà các nhà phân tích cho là có liên quan, "đoàn công tác của Bộ Chính trị vừa công bố kế hoạch kiểm tra công tác cán bộ tại Bộ Giao thông Vận tải", nơi ông Thăng từng làm lãnh đạo.
Khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Thăng "xạc" nhà thầu Trung Quốc vì để xảy ra hai sự cố làm một người chết và ít nhất 3 người bị thương tại một dự án đường sắt trọng điểm ở thủ đô của Việt Nam năm 2015.
Hôm 10/5, lên tiếng lần đầu tiên sau khi bị loại khỏi Bộ Chính trị, ông Thăng được báo chí trong nước trích lời nói đã "nhận thức sâu sắc" các sai phạm, đồng thời "xin lỗi" đảng và nhân dân.
Giới quan sát cho rằng vụ kỷ luật cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải này là một sự khởi đầu của chiến dịch chống tham nhũng kiểu "đả hổ diệt ruồi" của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở chiến dịch chống tham này năm 2012, và tin cho hay, cho tới nay, hơn 120 quan chức cấp cao "đã sa lưới", và hàng nghìn người bị truy tố.