Lời khai của ông Đinh La Thăng dẫn đến cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ chính trị (RFA, 10/01/2018)
Ông Đinh La Thăng, cựu quan chức cấp cao đang phải ra tòa, khai rằng những quyết định của ông khi còn đứng đầu Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) là do đường lối của Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, trong đó có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Đinh La Thăng (thứ hai từ bên phải sang) chụp cùng các Ủy viên Bộ Chính Trị tại lễ bế mạc Đại hội Đảng lần thứ 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016 - AFP
Ông Thăng trả lời như vậy trong phiên tòa xử ông vào ngày hôm qua, 9 tháng Một, khi tòa hỏi ông tại sao lại chỉ định thầu một dự án quan trọng cho công ty con của Tập đoàn dầu khí Việt Nam là Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Hãng tin Reuters loan tin này từ Hà Nội, và cho biết vào thời điểm ông Thăng đứng đầu PVN, ông không phải là ủy viên Bộ chính trị, và lúc đó ông Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng Chính phủ.
Giới phân tích chính trị đưa ra nhận định ông Nguyễn Tấn Dũng là một đối thủ chính trị của đương kim Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng. Ông Dũng đã ra khỏi Bộ chính trị trong Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 vào đầu năm 2016, và ngay sau đó ông không còn làm Thủ tướng nữa.
Reuters cho biết đã tìm cách liên lạc với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để bình luận về việc này nhưng không được.
Vụ xử ông Đinh La Thăng, từng là Ủy viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu từ ngày 8 tháng Một, 2018 và dự định kết thúc vào ngày 21 tháng này.
Ông Thăng bị cáo buộc là cố ý làm trái những nguyên tắc quản lý nhà nước vào thời kỳ ông đứng đầu Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng.
Đây được xem là một đại án vì không chỉ có cáo buộc về số tiền bị thất thoát quá lớn, mà còn là lần đầu tiên một Ủy viên Bộ chính trị của Đảng Cộng sản bị đem ra xử công khai.
***********************
Ông Đinh La Thăng xin ‘xem xét bối cảnh’ (VOA, 10/01/2018)
Một nhà quan sát chính trị Việt Nam cho rằng việc ông Đinh La Thăng thừa nhận "trách nhiệm của người đứng đầu" cần được hiểu cho đúng, nhất là khi trước đó ông Thăng khai việc chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên PVN là "do chủ trương của Bộ chính trị".
Ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN, trong phiên tòa ngày 8/1/2018.
Bình luận với VOA sau phiên xét xử ngày thứ 2 đối với ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và "Tham ô tài sản" hôm 9/1, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng ông Thăng không phải là người có quyền ra quyết định trong các chủ trương phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói :
"Ông Thăng không phải là người đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về hoạt động của PVN cũng như các công ty con. Ông ấy là đại diện sở hữu vốn của nhà nước Việt Nam ở đó, và ông ấy không có quyền ra quyết định. Trong trường hợp này, những người nào ra quyết định thì người ấy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nói như thế có nghĩa là ông Thăng không chịu trách nhiệm về mặt pháp luật, mà ông ấy chỉ chịu trách nhiệm về cái mà ông ấy gọi đúng theo ngôn ngữ của người Việt Nam là ‘chịu trách nhiệm của người đứng đầu’".
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng một án tù dành cho nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng là điều thấy trước, dù có thể không thuyết phục.
"Tất cả những văn bản người ta đưa ra nói rằng ông ấy ký cái nọ cái kia, ép cái nọ cái kia không cấu thành tội hình sự. Nhưng bây giờ bắt ông ấy rồi đem ra xử như thế thì mọi người đều hiểu rằng thế nào cũng cho ông ấy một cái án tù, mà như thế thì rất buồn cho tất cả", lời Tiến sĩ Hợp.
Sức ép lớn
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, tại phiên tòa ngày 9/1, ông Đinh La Thăng tỏ ra bình tĩnh và thừa nhận do "chỉ đạo quyết liệt", "nóng vội" nên đã vi phạm quy trình, thủ tục trong dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Công an áp giải ông Đinh La Thăng đến tòa.
Trước đó, trong phẩn thẩm vấn, một loạt các thuộc cấp của ông Thăng khai rằng họ biết sai nhưng không thể không làm vì chịu "sức ép" từ Chủ tịch PVN lúc đó là ông Thăng.
Về phần mình, ông Thăng nói ông bị "sức ép tiến độ" nên mới nôn nóng và ép tiến độ, dẫn đến việc cấp dưới vi phạm, nhưng hoàn toàn không có "động cơ cá nhân" trong việc này.
Ông Thăng yêu cầu Hội đồng xét xử hãy xem xét bối cảnh dự án trong tổng thể 10 năm trước, khi "tiến độ căng thẳng, sức ép lớn" và hành lang pháp lý chưa hoàn thiện.
Báo Tuổi Trẻ dẫn cáo trạng tòa án cho biết từ tháng 12/2007, ông Đinh La Thăng đã đưa ông Trịnh Xuân Thanh về làm Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVC, đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho PVC hoạt động.
Trong phiên tòa ngày 9/1, ông Trịnh Xuân Thanh khai mặc dù biết PVC chưa đủ năng lực nhưng vẫn nhận thực hiện dự án vì "muốn cố gắng giải quyết công an việc làm cho nhân công".
Ngoài tội danh "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế", ông Trịnh Xuân Thanh còn bị cáo buộc tội "Tham ô tài sản". Tuy nhiên trong phiên thẩm vấn, ông Thanh nhất mực bác bỏ việc mình lấy 4 tỷ đồng để chi tiêu, biếu xén vào dịp Tết.
Theo dõi diễn tiến lời khai của các bị cáo trong 2 ngày qua, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói ông "băn khoăn" về quy trình xử án, trong đó bao gồm việc "hình sự hóa" những vi phạm về thủ tục.
"Ông Thanh thì có nhiều cái sai hơn ông Thăng, nhưng ông Thanh cũng chỉ là Chủ tịch Hội đồng thành viên của chỗ đó thôi. Bây giờ người ta khởi tố ông Thanh về tội tham ô. Nếu tội ấy mà chứng minh được thì phán quyết của tòa án có thể lên đến tử hình, rất nặng nề. Hai hôm nay thì ông Thanh nói rằng ông ấy không nhận số tiền ấy. Và thực sự, rất khó đưa ra bằng chứng là ông ấy nhận tiền. Nhưng rồi người ta vẫn xử thôi", Tiến sĩ Hợp nói.
Ông Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa ngày 8/1/2018.
Vụ án Đinh La Thăng-Trịnh Xuân Thanh thu hút sự chú ý đặc biệt của quốc tế sau khi chính phủ Đức cáo buộc tình báo Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, nơi ông xin tị nạn. Phía Đức tuyên bố sẽ "theo dõi sát" việc xét xử vụ án này.
Chỉ đề cập Bộ chính trị, không nói đến ai khác
Đại án PVN là ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch chống tham nhũng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết tâm đốc thúc giải quyết ngay đầu năm 2018. Báo chí quốc tế và nhiều luồng dư luận trong nước cho rằng nguyên nhân đằng sau của chiến dịch là nhằm tiêu diệt phe của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bộ máy cầm quyền.
Trong lời khai hôm 9/1, ông Đinh La Thăng nói ông chỉ định đấu thầu đối với các đơn vị thành viên PVN là "do chủ trương của Bộ chính trị".
Đây là một diễn tiến khá bất ngờ lệch ra khỏi xâu chuỗi của vụ án cho tới lúc này, dẫn đến nhiều suy đoán khác nhau về việc có thể còn nhân vật quyền lực nào tiếp theo sẽ bị xử trong những ngày sắp tới hay không.
Nhận định về điều này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói :
"Tương tác từ chính phủ [trước đây], tức ông Nguyễn Tấn Dũng, đến ông Đinh La Thăng như thế nào thì cho đến nay, theo công bố kết luận điều tra, người ta nói rằng bản thân ông Đinh La Thăng đã không nghe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không được làm như thế, nhưng lại tự làm, có nghĩa là người ta muốn ám chỉ rằng ông ấy phải chịu trách nhiệm. Còn ngày hôm nay và chiều hôm qua xảy ra chuyện có những lời khai khác đi một chút, thì chúng ta chờ xem sẽ như thế nào".
"Về bản chất, tất cả các quyết định liên quan đến sự phát triển, sản xuất, làm ăn… của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không phải là quyền của ông Thủ tướng. Đó là thẩm quyền của Bộ chính trị mà bản thân ông Thăng sáng nay nói rằng ông ấy thực hiện theo định hướng của Bộ chính trị, chứ ông ấy không nói đến người nào khác cả".
Cáo trạng tòa án nói ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo PVN tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC. Các bị cáo tại PVC sau đó đã làm khống hồ sơ để rút 1.115 tỷ đồng và sử dụng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng.
************************
Đúng như sự chờ đợi của dư luận, từ sáng sớm ngày thứ Hai 8/1/2018, là ngày Tòa án nhân dân Hà Nội khai mạc phiên tòa sơ thẩm xét xử hai ông Đinh La Thăng (58 tuổi, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), Trịnh Xuân Thanh (52 tuổi, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí - PVC) cùng 20 người trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC, hàng trăm tờ báo chính thống trong nước đều đồng loạt đưa tin khá chi tiết.
Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Đinh La Thăng trả lời Hội đồng xét xử : Chỉ định thầu "do chủ trương của Bộ chính trị". Bài viết đăng ngày 9/1/2018 - Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ
Sự việc này được nhà nghiên cứu chính trị Hà Hoàng Hợp từ Singapore bình luận rằng "đã có một kế hoạch" sẵn.
"Người ta làm như thế là đã có kế hoạch, tính toán, sắp xếp để cho những báo của chính phủ phải tập trung và viết, đưa lên báo, lên mạng. Thế nhưng cũng phải rất thận trọng khi mà chỉ khi người ta đưa được video kèm theo các lời nói của họ (bị cáo) thì mình có thể kiểm tra, nếu mà không có, chỉ viết thế thôi thì vẫn có khả năng sai lệch bởi người viết, ban biên tập, người quyết định có cho đăng hay không ?".
Diễn biến phiên xử được cập nhật từng giờ, chuyên nghiệp và cẩn trọng. Trước đó, nhiều thông tin cho rằng truyền thông sẽ không được tham dự để đưa tin về phiên toà. Tuy nhiên, sự việc đã xảy ra hoàn toàn ngược lại. Bộ thông tin và truyền thông cho biết các phóng viên trong nước và quốc tế được bố trí tác nghiệp tại một phòng riêng, thông qua một màn hình truyền trực tiếp những diễn biến của phiên tòa.
Nói về điều này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng phải có cái gật đầu của Ban Tuyên giáo. Ông nói.
"Tôi chắc rằng là Bộ Thông tin truyền thông Việt Nam đã cho phép các báo nước ngoài vào theo dõi vụ án như Reuters, Bloomberg…
Đây cả là 1 kế hoạch dùng báo chí để thứ nhất là làm truyền thông, thứ hai là tuyên truyền cho công cuộc chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam ở Việt Nam và với cả quốc tế".
Tất cả báo chí trong nước khi tường thuật về phiên tòa xử vụ án PVN và PVC đều cho thấy có cùng cách diễn đạt về diễn biến phiên xử và hình thức cũng như tâm lý của các bị cáo, đặc biệt chú trọng đến ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh.
Tờ Vnexpress chi tiết đến mức miêu tả : "Ông Thăng mặc áo khoác xanh, tóc cắt ngắn, gương mặt thoáng nét mệt mỏi xuất hiện đầu tiên trong phần khai báo căn cước. Đứng trước bục, ông nói to, bình tĩnh, rõ ràng.
Bị cáo tiếp theo là ông Trịnh Xuân Thanh. Ông đeo kính trắng, dáng đứng hơi khom xuống, trước mỗi câu trả lời đều nói "kính thưa chủ tọa phiên tòa".
Tuy nhiên, với kinh nghiệm báo chí của nhà báo Võ Văn Tạo, thì ông nói rằng ông có thể nhận thấy những chi tiết về diễn biến phiên tòa được tường thuật trên báo chí vẫn chưa chắc đã đầy đủ.
"Chắc chắn có những lời khai rất nhạy cảm tại phiên toà, mà anh em phóng viên có tường thuật đi nữa thì mang về tòa soạn nó cũng sẽ rơi rụng đi. Chắc chắn là như thế".
Thêm một nhận xét đáng chú ý về sự hiện diện của truyền thông lần này, nhà báo Võ Văn Tạo đề cập đến "sự cẩn trọng". Ông nói :
"Trước đây trong những tờ báo của nhà nước có hiện tượng là khi anh tường thuật 1 phiên tòa thì giống như anh ngồi viết 1 bài xã luận hoặc là anh làm 1 bản kết án. Bây giờ thì hiện tượng đó giảm đi rồi".
Sự thay đổi này được ông cho là có 2 lý do, thứ nhất là do nghiệp vụ báo chí của phóng viên dần dần được nâng cao lên. Lý do thứ hai, ông nói "đây là phiên tòa hy hữu" khi một cựu Ủy viên Bộ chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam xuất hiện trong phiên tòa với tư cách 1 bị cáo của vụ án kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản.
Nhận định này, theo một cách hiểu gián tiếp, chúng ta thấy có trùng khớp với bình luận của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp khi cho rằng đây là "kế hoạch báo chí tuyên truyền cho công cuộc chống tham nhũng".
Có thể thấy rằng nhất cử nhất động của bất cứ tình tiết nào hay nhân vật nào có liên quan đến các bị cáo của vụ án đều được báo chí trong và ngoài nước đưa tin. Từ ngoại hình, thần sắc, dáng đi của bị cáo cho đến từng các câu trả lời thẩm vấn đều được tường thuật tỉ mỉ. Tuy nhiên, có vẻ như dư luận lại chú ý đến nội dung mà báo chí đề cập rất "thoáng qua", đó là câu trả lời của cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN, ông Đinh La Thăng. Trong phiên tòa sáng ngày 9/1/2018, ông Đinh La Thăng khẳng định như vậy với Hội đồng xét xử : Chỉ định thầu "do chủ trương của Bộ chính trị".
Ngay lập tức, câu trả lời của ông Đinh La Thăng nhanh chóng trở thành tiêu đề của các bài báo và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Không khó hiểu khi điều này làm cho hàng loạt dự đoán về những "quả bom" khác sẽ bùng nổ trong các phiên xử sắp tới.
Nhà văn Lão Tạ chia sẻ trên trang cá nhân một loạt chân dung của các cán bộ cao cấp cùng với câu hỏi : "Đây có phải là những vị trong Bộ chính trị mà ông Đinh La Thăng đã nhắc đến ?".
Facebooker Trần Lê Hòa phản ứng với câu trả lời của ông Đinh La Thăng rằng : "Cũng rất nên đưa các thành viên của Bộ chính trị ra Tòa đối chất để làm rõ vụ án, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, cũng không để oan sai".
Tuy nhiên, chưa đầy 24 giờ đồng hồ sau đó, thông tin này không thể tìm thấy trên các trang báo mạng chính thống.
Chỉ còn 1 bài viết trên tờ Tuổi Trẻ ngày 9/1 nhắc đến tương đối nhẹ nhàng theo cách "trích nguội" của báo chí. Đó là : "Trả lời câu hỏi có nắm được năng lực tài chính và kinh nghiệm của PVC không mà lại chỉ định thầu cho đơn vị này, ông Đinh La Thăng khẳng định việc chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên của PVN là "do chủ trương của Bộ chính trị" !
Facebooker Trần Lê Hòa khẳng định điều này trên trang cá nhân : "Hôm qua (9/1/2018) Đinh La Thăng khai trước tòa : "Chỉ định thầu là chủ trương của Bộ chính trị". Hàng loạt các báo lề đảng đồng loạt giật tít như vậy. Nhưng đến chiều hôm nay, 10/1/2018, thì tất cả các báo lề đảng đều đồng loạt hạ các tít bài này xuống".
Với quan sát của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng như nhà báo Võ Văn Tạo, cả hai đều cho là ‘kịch tính của phiên tòa đang hé lộ".
Nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét :
"Kịch tính đã lộ. Chắc chắn những ngày tới đây sẽ có những tình tiết cấp trên của ông ấy là ai, người trong chính phủ là ai… sẽ khai người này người khác ra".
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng cho rằng kịch tính của phiên tòa hy hữu đã thể hiện ngay ở lời khai của ông Đinh La Thăng :
"Câu trả lời quan trọng nhất mà mình có thể nhận ra là ông ấy nói rằng ông ấy làm hoàn toàn theo chủ trương của Bộ chính trị"
Nếu kịch tính được nhắc đến dè dặt trên trang báo chính thống thì mạng xã hội chính là sân khấu để các diễn viên quần chúng được phô diễn cảm xúc. Trong nhóm Góc nhìn báo chí – Công dân, Facebooker Võ Văn Xuân chia sẻ về phiên tòa theo quan điểm cá nhân :
"Buồn cho người đã một đời sống và làm việc cho Chính phủ để rồi phải đổi lấy cái kết đau thương. Buồn cho bản thân ông khi thực hiện chỉ đạo từ Bộ chính trị và phải gánh chịu cho những sai trái trong thời gian ở tập đoàn dầu khí, còn khi lên Bộ trưởng Giao thông vận tải và Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã để lại thật nhiều ấn tượng".
Vẫn còn đến gần 2 tuần lễ để kết thúc phiên tòa sơ thẩm của vụ án. Cũng có nghĩa là rất khó để kết luận chung về sự hiện diện của truyền thông trong nước trong toàn bộ việc đưa tin về phiên xử. Tuy nhiên, theo những gì đã diễn ra thì có vẻ như nhà báo Võ Văn Tạo hoàn toàn có cơ sở khi ông cho rằng vẫn còn có những chi tiết báo chí chưa được nhắc đến đầy đủ.