Có thể đẩy lùi nạn chạy chức, chạy quyền tại Đại hội đảng XIII không ?
RFA, 06/05/2020
Trong buổi hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành triển khai nhiệm vụ công tác tháng 5 do Ban Tổ chức Trung ương đàng cộng sản Việt Nam chủ trì vào ngày 5/5, tình hình tuyển chọn nhân sự cho Đại hội Đảng XIII diễn ra vào tháng 1/2021 lại được nhắc đển.
Họp bàn chống chạy chức, chạy quyền khi lựa chọn nhân sự Đại hội - Ảnh Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu kết luận tại Hội nghị.
Trong đó có việc không bao che, tiếp tay cho hành động chạy chức, chạy quyền, không để cán bộ bị lợi dụng và biến thành công cụ cho những người chạy chức, chạy quyền.
Nội dung này không chỉ Ban Tổ chức Trung ương mà ngay cả Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong hội nghị cán bộ toàn quốc được tổ chức vào ngày 23/4 cũng nêu ra.
Bên cạnh đó, người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam vào cuối tháng 4 vừa qua cũng có bài viết khẳng định kiên quyết không để những người bị cho có tư chất xấu lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Cụ thể bao gồm những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tham nhũng, phe cánh, lợi ích nhóm, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản mà không giải trình được nguồn gốc, bản thân và gia đình lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…
Nhận xét về những lời kêu gọi vừa nêu, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích chính trị, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở ở Singapore cho rằng :
"Trước đây cũng mạnh nhưng bây giờ người ta nhấn mạnh thêm vì chắc chắn có chạy chức chạy quyền. Chạy bằng nhiều thứ như vậy bằng tiền, bằng các mối quan hệ, bằng các tiêu chuẩn… Còn một cách chạy mà ít nguời hiểu là chạy theo cơ cấu như cơ cấu vùng miền Nam, Trung, Bắc, nữ, thanh niên… Nhưng dường như danh sách 205 người ra ứng cử Ban chấp hành trung ương khóa XIII mà đại hội tổ chức cuối tháng giêng năm tới thì không biết chạy thế nào và khó có thể nói đẩy người này ra đưa người kia vào".
Trao đổi với RFA vào tối 6/5, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, người có cùng tuổi đời và tuổi đảng với Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại lập luận :
"Chạy chức chạy quyền là thế nào, chạy đi đâu, thì họ cứ chạy đến ông có quyền bởi vì đây là tập trung dân chủ. Nội dung ngăn chặn chạy chức, chạy quyền, bè phái được xem như là một dạng hối lộ để được chức cao hơn thì đại hội nào cũng nhắc nhưng kỳ này đại hội nhắc rõ hơn, cụ thể hơn. Trên thực tế là sau Đại hội XII thì số cán bộ bị kỷ luật rất cao, lên tới 50 ủy viên Bộ Chính trị cũng bị kỷ luật, bị tù, họ che chắn nhau nên bị lọt lưới như thế".
Phát biểu trong cuộc họp Tiểu ban Nhân sự đảng diễn ra ngày 19/3, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng công tác nhân sự là nhiệm vụ ‘then chốt’ của ‘then chốt’, có liên quan đến sự sống còn của đảng, của chế độ.
Vì vậy, bên cạnh kêu gọi không chạy chức, chạy quyền, Ban Tổ chức Trung ương vào ngày 5/5 cũng bày tỏ quyết tâm đẩy lùi những hiện tượng cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm.
Giải thích thế nào là lợi ích nhóm và nói rõ hơn về tình hình này tại bộ máy lãnh đạo nhà nước hiện nay, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho hay :
"Lợi ích nhóm có nhiều loại : lợi ích trong công nghiệp, trong kinh tế, trong phát triển xã hội, các vấn đề quốc phòng – an ninh, các vấn đề cơ cấu về thanh niên, phụ nữ, vùng miền… Lợi ích nhóm còn kèm cục bộ nữa, nhiều tỉnh người ta chơi với nhau và làm sao tạo ra lợi ích lớn hơn cho tỉnh đấy. Đấy là lợi ích nhóm kèm theo cục bộ, rất mạnh".
Còn theo Nhà báo Phạm Thành, cựu phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, tình trạng cục bộ, vùng miền trong nước đã có từ lâu và vẫn đang phát triển :
"Bao giờ Tổng Bí thư cũng là người miền Bắc, Thủ tướng là người miền Nam, Chủ tịch Quốc hội là người miền Trung. Thậm chí ông Nguyễn Phú Trọng còn nói rằng Tổng Bí thư phải là người miền Bắc mới có lý luận. Đâu phải người miền Bắc mới có lý luận, người nào học hành, chữ nghĩa và nghiên cứu thì người ta đều có lý luận chứ đâu phải chỉ người miền Bắc".
Tuy nhiên, nhà báo Phạm Thành cho rằng vẫn có ngoại lệ như việc ông Lê Duẩn là Tổng Bí Thư và ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng là không đúng mô tuýp mà đảng đề ra do vấn đề nhân sự.
Ông cho rằng lãnh đạo và báo chí đều nói nhiều về vấn đề nhân sự này vì còn có mục đích khác :
"Họ muốn nói thế để mị dân cho dân thấy các ông cấp trên công bằng chính trực, không vùng miền nhưng trên thực tế thì không bao giờ. Hoặc điều đó phản ảnh cục bộ, vùng miền vẫn tồn tại trong Đại hội đảng và tôi cho rằng giai đoạn này là giai đoạn các nhóm lợi ích đánh nhau quyết liệt nhất từ trước đến nay trong lịch sử đảng cộng sản tồn tại hơn 70 năm nay, phản ánh tính cục bộ, vùng miền quyết liệt nhất".
Do đó, nhà báo Phạm Thành cho rằng lời kêu gọi mà chính phủ Hà Nội mỗi lần họp bàn nhân sự đại hội đảng đều nêu ra thể hiện ý muốn duy ý chí và không thể thực hiện được :
"Mồm nói như vậy nhưng cơ chế vận hành của chủ nghĩa xã hội lại không đảm bảo cho việc đó đạt được kết quả. Do thể chế chính trị, cơ cấu vận hành của thể chế chính trị tạo ra vòng xoáy cơ hội cho những phần tử ham muốn quyền lực, chỉ biết lợi ích riêng của mình mà không biết đến lợi ích cộng đồng chui vào bộ máy nhà nước vì mục đích quyền, tiền. Làm gì có cơ hội cho những người liêm chính, sống vì mục đích cộng đồng, dám hy sinh cái tôi của mình để cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên cũng có tác dụng với người không hiểu biết và vẫn tin tưởng vào đảng".
Đồng quan điểm vừa nêu, Luật sư Trần Quốc Thuận cũng cho rằng việc ngăn chặn ‘mua quan, bán chức’, chống cục bộ, lợi ích nhóm nghe thì có thể tưởng tượng ra được nhưng đi vào cụ thể thì không đơn giản. Do đó, ông đề nghị :
"Tôi ủng hộ nên làm sao để nhân dân tham gia vào việc chọn lựa cán bộ, tự do báo chí được quyền đăng nói về đời tư riêng, tài sản thì có thể loại bỏ bớt cơ hội đưa vào trong đảng. Nếu dân chủ tập trung thì dân chọn lựa từ vòng ngoài, vào vòng trong sẽ loại bớt những thành phần cơ hội, tham nhũng, có nhiều tiêu cực".
Vẫn theo Luật sư Thuận, phương pháp đẻ ra hậu quả nên nếu chỉ chăm chăm vào việc thay đổi kết quả mà không tìm ra ngọn nguồn nguyên nhân thì thay đổi chỉ dừng lại ở mức độ kêu gọi, hy vọng.
Nguyên nhân của tình trạng chạy chức, chạy quyền còn do cơ chế hiện hành ; nếu không thay đổi được cơ chế sinh ra tình trạng này thì biết đến bao lâu mới có thể chấm dứt.
************************
Xuất hiện nghi vấn Apple chuẩn bị sản xuất iPhone ở Việt Nam
VOA, 05/05/2020
Việc Apple đang có đợt tuyển dụng lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam làm dấy lên nghi vấn rằng hãng điện thoại hàng đầu thế giới của Mỹ có thể sắp mở nhà máy sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á trong bối cảnh Mỹ muốn đưa chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc.
Một người bán hàng rong đi qua một cửa hàng Apple ở Hà Nội trong bức ảnh chụp ngày 24/4/2014. Việc tuyển dụng của Apple ở hai thành phố lớn đang làm dấy lên nghi vấn hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ muốn mở nhà máy ở Việt Nam.
Trang việc làm của Apple cho thấy hãng này liên tục tuyển nhân sự từ cuối năm 2019 đến nay, gồm các vị trí quan trọng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo truyền thông trong nước, việc Apple tuyển dụng nhân sự nhiều bộ phận làm việc nhiều nhất từ trước tới nay làm dấy lên dư luận rằng công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ có thể mở nhà máy sản xuất toàn phần hoặc một phần hoặc cửa hàng bán lẻ tại thị trường Việt Nam.
VietnamNet, trong bài viết "Dấu hiệu Apple sắp mở nhà máy iPhone ở Việt Nam", trích dẫn nhận định của một số chuyên gia cho rằng với việc tuyển dụng một loạt vị trí tại Việt Nam, hãng này đang muốn mở rộng các sản phẩm sản xuất trong nước.
Trong số các vị trí mà Apple đang tuyển dụng ở Việt Nam có cả vị trí liên quan đến quan hệ chính phủ và quản lý vận hành hệ thống. Theo nhận định của Tuổi Trẻ, điều này cũng khiến nhiều người nghĩ ngay đến chuyện công ty của Mỹ sẽ mở văn phòng đại diện tại Hà Nội.
Đánh giá khả năng Apple chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam trong tương lại, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, nguyên trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng "hoàn toàn có khả năng".
Ông Quốc được Tuổi Trẻ trích lời nói rằng với tình hình chiến tranh thương mại hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ, việc các công ty Mỹ giảm bớt mức độ "phụ thuộc" vào các công ty tại Trung Quốc là điều dễ hiểu. Với việc nằm ngay sát Trung Quốc, theo ông Quốc, khi là một sự thuận lợi để việc dịch chuyển sản xuất nếu có sẽ giảm thiểu chi phí cũng như không làm "đứt gãy" chuỗi cung ứng linh kiện hiện nay của Apple.
Hôm 29/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết rằng chính quyền đương nhiệm ở Washington đang tìm các hợp tác với các quốc gia gồm một số nước trong đó có Việt Nam để đưa chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ ra khỏi Trung Quốc.
Apple chưa trả lời yêu cầu bình luận của VOA về khả năng chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam.
Hiện có khoảng 30 đối tác là nhà cung cấp linh kiện cho các sản phẩm của Apple đang có mặt tại Việt Nam, theo Tuổi Trẻ.
Foxconn, nhà sản xuất hợp đồng điện tử lớn nhất thế giới và cũng là nhà cung ứng chính của Apple, hiện đang có nhà máy ở tỉnh Bắc Ninh để sản xuất linh kiện cho Apple.
CNBC hồi tháng 3 cho biết Apple và các công ty công nghệ khác như Microsoft và Google "đang tìm cách chuyển một số dây chuyền sản xuất phần cứng ra khỏi Trung Quốc tới các nơi khác gồm Việt Nam và Thái Lan". Vẫn theo tờ báo của Mỹ, Apple "được cho là đang muốn bắt đầu thử nghiệm sản xuất AirPods (tai nghe không dây) ở Việt Nam".
Tuy nhiên Nikkei Asian Review trước đó trích dẫn nhiều nguồn tin cho rằng Apple do dự trong việc di rời việc sản xuất 45 triệu AirPods sang Việt Nam do những nguy cơ và rào cản liên quan đến đại dịch virus corona dù các nhà sản xuất chính của họ đang gặp khó khăn về lao động và thiếu nhiên liệu giữa bối cảnh đại dịch bùng phát ở Trung Quốc.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ Đảng cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y : suy thoái tư tưởng, đạo đức xuống cấp, tham nhũng và lợi ích nhóm trong trong cán bộ, đảng viên.
Phòng chống tự diễn biến tự chuyển hóa trong cán bộ đảng viên là điều kiện sống còn của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay
Đe dọa hàng đầu cho sống còn của đảng hiện nay về mặt tư tưởng là đã có một số không nhỏ đảng viên quay lưng lại với chủ nghĩa cộng sản, công khai bài bác tư tưởng Mác-Lenin và đường lối lãnh đạo sai lầm và lỗi thời của Đảng.
Vô số đảng viên không những đã coi thường lệnh phải bảo vệ chế độ bằng mọi giá mà còn thờ ơ với phong trào "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Tình trạng này đang dâng lên như con nước thủy triều trước thềm Đại hội đảng XIII, diễn ra vào tháng 01/2021.
Do đó khi Hiến pháp và Cương lĩnh đảng đều lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng xây dựng đất nước mà bị nhiều đảng viên phủ nhận cả hai thì đảng lung lay là tất yếu.
Vì vậy không ngạc nhiên khi thấy Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng phải cảnh báo : "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng là vấn đề có tính quy luật và mang tính cấp bách trong tình hình hiện nay" (Thanh Niên, 05/07/2019).
Nhưng tại sao khẩn trường đến thế ? Vì, theo ông Thưởng, những người xoay chiều chống đảng lại chính là : "những cán bộ, đảng viên, kể cả những đảng viên từng giữ chức vụ cao trong bộ máy nhưng suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa".
Vì vậy, ông Thưởng, 49 tuổi, đã gay gắt nói : "Những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong bộ máy chính trị là nhóm thế lực thù địch không khó để nhận ra nhưng rất khó đấu tranh".
Chán Đảng còn hơn chán cơm nguội
Tại sao lại "khó đấu tranh" ? Ông Thưởng trả lời : "Vì là lực lượng len lỏi và phức tạp".
Như vậy là rất căng. Mạng lưới an ninh nội bộ của đảng đã bị những kẻ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chui vào nhiều nơi khiến cho tình hình nội bộ khá phức tạp, rất khó biết ai là thù, ai là bạn.
Ông Thưởng đã hằn hộc đặt những cán bộ, đảng viên quay lưng lại đảng vào hàng ngũ "thế lực thù địch", thay vì gọi họ là "thành phần cơ hội trong nước" như trước đây.
Nhưng "thế lực thù địch" này chiếm bao nhiêu phần trăm trong số hơn 4 triệu đảng viên ? Ông Thưởng không nói. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng giấu luôn, dù đã nhiều lần Lãnh đạo thừa nhận đó là "một số không nhỏ".
Vẫn theo bài nói chuyện dài tới 75 phút tại Hội nghị báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 7/2019, ông Thưởng cho biết : "Các thế lực thù địch sử dụng các thủ đoạn, phương thức chống phá rất muôn hình vạn trạng, đặc biệt là sử dụng truyền thông đại chúng, sử dụng internet và truyền thông xã hội" để phổ biến quan điểm chống Đảng.
"Trong khi đó", ông Thưởng nói tiếp, "những người làm công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lại thụ động hơn, rơi vào tình trạng phải chờ định hướng, thậm chí là chờ chế độ chính sách và đây là vấn đề cần lưu ý khắc phục sớm".
Thất bại của ngành tuyên giáo không mới, vì người dân bây giờ đã thông minh hơn và biết tìm ra sự thật nhanh và chính xác hơn tuyên truyền của Đảng.
Vì vậy, theo ghi nhận của báo Thanh Niên (05/07/2019), ông Thưởng yêu cầu các cấp tuyên giáo : "Cần phải đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. "Trong đánh giá các nghị quyết vẫn có một câu là tổ chức thực hiện nghị quyết là khâu yếu. Tôi cho rằng, quán triệt nghị quyết cũng là khâu yếu. Nhiều cuộc học nghị quyết tôi quan sát được tỷ lệ không nhỏ ngồi dưới xem iPad, iPhone, đọc tin, nhắn tin".
Đây là bằng chứng khác cho thấy các Nghị quyết của đảng không còn hấp dẫn đối với đảng viên. Sự nhàm chán, lặp đi lặp lại, chồng chéo lên nhau, đấm đá lẫn nhau, bản sau tồi hơn bản trước là chuyện thường tình trong nội bộ Đảng.
Cho nên, sẽ không ngạc nhiên khi thấy ông Võ Văn Thưởng yêu cầu phải tăng cường kiểm soát người sử dụng Internet. Ông nói : "Từ nay tới Đại hội Đảng XIII, mỗi địa phương chắt lọc đối tượng trên địa bàn, xử lý một vài đảng viên, cá nhân, công dân sử dụng internet, mạng xã hội vi phạm luật An ninh mạng để xử lý thì tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều".
Mặt trái của chủ nghĩa Mác-Lênin
Phía sau của chỉ thị này là mối lo xoắn vó lên của ngành tuyên giáo trước sức mạnh của Internet và các mạng xã hội dân sự. Vì nhờ có Internet mà người dân Việt Nam, nhất là những người có học và giới thanh niên đã biết nguyên nhân tại sao chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ ở nước Nga và Đông Âu từ 1989 đến 1992.
Họ cũng hiểu tại sao, Đảng cộng sản Việt Nam không dám ra khỏi quỹ đạo cộng sản nếu Trung Quốc chưa từ bỏ thứ gọi là "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc".
Do đó, trong bài viết về tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp địa phương,từ tháng 4/2020 đến trước ngày 30/6/2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cấp bảo đảm giữ vững tư tưởng với định hướng hàng đầu là phải : "Kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối, chủ trương của Đảng".
Thứ đến là : "Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng", và báo chí và các cơ quan chức năng "phải huy động được lực lượng rộng rãi đẩy mạnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch và những thông tin giả, xấu, độc, bịa đặt, xuyên tạc trên mạng xã hội, Internet, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng".
Tuy nhiên, vì còn tình trạng thượng bất chính, hạ tắc loạn nên ông Trọng đã nhìn nhận : "Vẫn còn cấp ủy chưa khẳng định được trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, còn thụ động, trông chờ, ỷ lại, thờ ơ trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân ; có biểu hiện "trên nóng dưới lạnh", "trên có chính sách, dưới có đối sách" ; dù có điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi nhưng chưa khai thác, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí còn để xảy ra tiêu cực, vi phạm pháp luật".
Phai nhạt muôn năm
Nhưng mặc cho ông Trọng kêu gào và kiên định, rất nhiều đảng viên đã tự đặt mình ra ngoài vòng cương tỏa của Đảng để tự do suy nghĩ và tự do hành động theo ý muốn.
Một bài viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 27/11/2019 cho ta thấy mặt trái không thật của những điều Đảng khoe như : thành công trong chống tham nhũng, đoàn kết trong nội bộ, thống nhất lãnh đạo, quyết chí một lòng theo đảng, tuyệt đối trung thành với đảng, và kiên định, giữ vững và bảo vệ nhà nước xã hội chủ nghĩa do đảng lãnh đạo.
Nội dung bài viết "Nhạt phai lý tưởng cách mạng - "đường gần" dẫn đến suy thoái" đã phơi ra trắng đen giữa thật và giả trong tình hình cán bộ, đảng viên trước Đại hội đảng XIII.
Một số đoạn sau đây đã nói lên tất cả tình hình cán bộ, đảng viên, trong hơn một năm còn lại của Khóa đáng XII (2016-2021) :
"Trước những diễn biến phức tạp của thời cuộc và mặt trái kinh tế thị trường phần nào làm nhạt phai lý tưởng cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Sự nhạt phai đó biểu hiện dưới nhiều khía cạnh chệch choạc. Thay vì đề cao lý tưởng "Tổ quốc là trên hết", nhiều người chỉ nhăm nhăm chăm lo quyền lợi cá nhân, bảo kê lợi ích nhóm, bất chấp pháp luật, chà đạp đạo lý để co kéo lợi ích tối đa về bản thân, gia đình và bộ phận nhỏ nhoi của mình…
Một bộ phận cán bộ do tham nhũng, vơ vét mà sa đà vào lối sống vinh thân phì gia, xa hoa, cách biệt với người dân, không quan tâm đến cuộc sống vất vả của biết bao người lao động và dân nghèo.
Thay vì thực hiện phương châm "sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật", một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tìm mọi kẽ hở của cơ chế, "khe hổng" của chính sách, luật pháp để bòn rút của công, gây nhiễu nhương, phiền hà doanh nghiệp và người dân mà thực chất là muốn người khác phải lót tay cho mình thì mới giải quyết công việc hanh thông".
Thay vì "nói đi đôi với làm", "nói đúng quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng", thì một bộ phận cán bộ, đảng viên lại nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo, phát ngôn vô tổ chức, vô ý thức kỷ luật, gây tổn hại đến uy tín, danh dự của Đảng, tác động xấu đến dư luận xã hội. Rồi tình trạng một số cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao khi đăng đàn, viết báo, viết sách thì lên mặt "đức cao vọng trọng" để khuyên răn, chỉ bảo, giáo huấn cấp dưới và nhân dân phải đề cao lý tưởng, coi trọng đạo đức, nâng tầm văn hóa, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng phía sau những lời hay ý đẹp, mỹ từ ấy là một tâm địa ích kỷ, nhỏ nhen, ham hố tầm thường của chính người trong cuộc".
Nguyên Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn vừa bị công an kết luận điều tra là đã nhận hối lộ 200.000 USD từ Mobifone. Đây chỉ là một phần nhỏ bị lộ hàng trong sự nghiệp "tự diễn biến", tự chuyển hoá" của đa số các quan tham khác.
Vẫn như cũ
Ngoài ra, cũng nên nhìn qua nội dung một bài viết khác về tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị của đảng viên trong báo Quản lý Nhà nước ngày 16/06/2019.
Bài viết mở đầu : "Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đến nay, do tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên diễn biến phức tạp".
Báo này nhắc lại rằng từ Đại hội Đảng XII năm 2016, Trung ương đã nhấn mạnh : "Không ít cán bộ, đảng viên có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên".
Đến Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XII), Đảng thừa nhận : "Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên không những không được đẩy lùi mà còn biểu hiện rõ nét hơn. Vì vậy, Đảng đã ra nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".
Vậy suy thoái về tư tưởng chính trị của đảng viên là gì ?
Báo Quản lý Nhà nước giải thích : "Trước hết, sự suy thoái về tư tưởng chính trị có thể nhận diện qua một số biểu hiện cụ thể như : phai nhạt lý tưởng cách mạng ; nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị ; không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng ; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác ; khi có khuyết điểm thì giấu giếm, thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật".
Ngoài ra báo này cũng nêu lên những đặc tính xấu của cán bộ, đảng viên như là : "Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh ; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng. Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức. Vướng vào "tư duy nhiệm kỳ", chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình ; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Thiếu gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, đơn vị và đời sống sinh hoạt hằng ngày".
Trước mắt ông Nguyễn Phú Trọng
Vậy tình hình hiện nay, sau 10 Hội nghị Trung ương, có gì thay đổi khá hơn trong đạo đức, lối sống và tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên không ?
Bài viết trả lời thay cho Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng : "Thực tế hiện nay, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên chưa bị đẩy lùi mà còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Một số cán bộ sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, cơ hội ; không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng ; sa sút ý chí phấn đấu, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình trục lợi. Có nơi bổ nhiệm cán bộ tràn lan, sai nguyên tắc, gây bức xúc trong xã hội, điển hình như vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ; vụ ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 người thì 44 người là cán bộ lãnh đạo quản lý…
Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu ; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật…".
Như thế thì tình hình có nhiễu nhương, rối ren không hay toàn là chuyện do các Thế lực thù địch trong và ngoài nước đã cấu kết với nhau tung ra vu khống cho đảng ?
Hai ông Nguyễn Phú Trọng và Võ Văn Thưởng phải nói sao cho dân xuôi tai, dừng để cho "diễn biến hòa bình" giật mất lá cờ thi đua thì nguy to.
Phạm Trần
(05/12/2019)