Nội dung công văn thứ hai của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai ban hành hôm 29/6 yêu cầu mọi người đi/về/đến Đồng Nai từ Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bình Dương phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 có hiệu lực trong bảy ngày, tính từ ngày có kết quả xét nghiệm. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 0 giờ ngày 5/7 đến khi có văn bản mới.
Reuters
Trước đó, hôm 4/6, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành văn bản về việc cách ly người về, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh để tăng cường phòng chống dịch Covid-19, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa phương. Tuy nhiên, sau đó, địa phương này phải nới lỏng qui định sau khi không chỉ Đồng Nai mà hàng loạt địa phương khác thực hiện qui định "phong thành" với người từ vùng dịch như Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh.v.v.
Một ngày sau khi Đồng Nai và các địa phương khác ra văn bản cách ly người từ vùng dịch, Văn phòng Chính phủ đã có công điện số 789/CĐ-TTg về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép.
Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nêu rõ : "vừa qua một số địa phương đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, cực đoan gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn".
Do đó, theo nội dung công điện, Thủ tướng Việt Nam chỉ đạo các địa phương cần thống nhất áp dụng quản lý vận tải, đảm bảo kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không "ngăn sông cấm chợ", không gây ách tắc ảnh hưởng tiêu cực sản xuất kinh doanh.
Công điện có hiệu lực chưa đầy một tháng thì chính quyền Đồng Nai lại có văn bản mới. Một người dân không muốn nêu tên, hiện sống tại Biên Hòa - Đồng Nai, khi trả lời RFA hôm 30/6 cho biết, ông không đồng tình với biện pháp ngăn sông cấm chợ của tỉnh Đồng Nai :
"Có rất lý do tôi không đồng tình, thứ nhất nói về phát triển kinh tế mà Chính phủ Việt Nam đưa ra phải thực hiện mục tiêu kép, mà vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế thì mới gọi là mục tiêu kép... Nếu Đồng Nai ra văn bản đó, thì dưới góc độ người dân của tui, theo trình độ hiểu biết của tui thì tui không đồng tình. Vì như vậy sẽ làm đứt gãy chuỗi sản xuất, như vậy thì những nhân công, hay chuyên viên, kỹ sư... mà lên Đồng Nai phải cách ly thì mất nguồn lao động thì làm sao làm được ? Nếu như vậy là trái với chỉ thị của Thủ tướng... văn bản đầu tiên của Đồng Nai là có ngăn sông cấm chợ, còn mới đây quy định phải có giấy xét nghiệm thì tui thấy tốt, tui đồng tình".
Trả lời báo chí nhà nước mới đây, ông Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, Phó trưởng Ban phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai giải thích rằng Đồng Nai không có ‘ngăn sông cấm chợ’ như một số luồng ý kiến đang hiểu sai văn bản của tỉnh. Ông Vũ cho rằng, những người từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng Nai làm việc có thể chọn ở Đồng Nai làm việc hoặc ở Thành phố Hồ Chí Minh làm việc online nếu không có giấy xét nghiệm.
Ông Phan Huy Anh Vũ, đồng thời cũng phân trần, do địa phương của ông có số chuyên gia, lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh làm việc ở Đồng Nai rất lớn, trên 10.000 người, do đó, nếu để số lượng lớn lao động đi đi về về trong tình hình hiện nay chắc chắn Đồng Nai sẽ có những ổ dịch.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA hôm 30/6, nhận định :
"Các địa phương thì có lợi ích của riêng mình, để bảo vệ sản xuất công nghiệp của mình, bảo vệ người lao động của mình... cho nên một số địa phương đã có các yêu cầu phải có tiêm vắc-xin này, rồi có giấy chứng nhận xét nghiệm... Các điều này thì nó không dẫn đến ngăn sông cấm chợ như trước đây, nhưng nó đòi hỏi thêm các yêu cầu. Tôi được biết Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhắc nhở các địa phương là cần phải hợp tác, bàn bạc với nhau, để có thể là tránh các khó khăn cho người lao động, và bảo đảm sản xuất của địa phương mình".
Liên quan trường hợp giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết :
"Như tôi được biết là Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có tiếp xúc và bàn bạc với tỉnh Đồng Nai để tìm ra các giải pháp phù hợp, để vừa bảo đảm kiểm soát dịch bệnh, nhưng đồng thời cũng tiếp tục bảo đảm sản xuất, điều này là cần thiết cho cả tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh".
Trước đây, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nay là Chủ tịch nước có hô hào khẩu hiệu Việt Nam phải "chống dịch như chống giặc". Và với phương châm đó, Chỉ thị 16 ra đời cũng áp dụng khá nhiều biện pháp cứng rắn trong công tác phòng, chống dịch.
Ban đầu các biện pháp truy vết, khoanh vùng, dập dịch của Việt Nam được quốc tế hết lời tán thưởng, ca ngợi khi Việt Nam đã gần như ngăn chặn sự lây lan của dịch ra cộng đồng rất tốt. Tuy nhiên ở đợt bùng phát dịch lần thứ tư này, với con số lây lan nhanh ra 48 tỉnh, thành và các ca nhiễm tăng đều mỗi ngày dường như biện pháp "chống dịch như chống giặt" của Việt Nam đã không thành công.
Mới đây, nhiều lãnh đạo địa phương tại Việt Nam trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh- đang là một trong ba tâm dịch của đợt bùng phát thứ tư đã phải tính đến phương án chuyển sang trạng thái mới "sống chung với dịch" và cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, giao thương trong điều kiện có thể.
Trở lại với văn bản mới của Đồng Nai, ông Thiệu, một người dân sinh sống ở Sài Gòn nói với RFA hôm 30/6 :
"Nói chung vấn đề ở đây kiểu như là lãnh chúa địa phương, lợi ích cục bộ và thành tích... ví dụ như trong cơn đại dịch này một tỉnh muốn giữ đạt thành tích. Bệnh thành tích mà, muốn giữ cho tỉnh mình ít bệnh nhất, thì họ đưa ra một biện pháp rất cực đoan như vậy. Tất nhiên giải pháp này không đúng tình hình xã hội và nó làm tổn thất rất nhiều về mặt giao thương, kinh tế các thứ... gây thiệt hại cho xã hội rất nhiều. Chính vì giữ thành tích cho tỉnh mình nên họ mới làm điều đó, mà chính điều đó là vi phạm nhân quyền".
Ông Thiệu cũng cho rằng giải pháp mà lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đưa ra dường như không hiệu quả :
"Giả dụ có xét nghiệm xong rồi, hôm nay xét nghiệm nhưng ngày mai ra cũng có thể bị vướng, bị dính bệnh... chứ đâu phải xét nghiệm xong là an toàn 100% đâu ? Có thể hôm nay test rồi nhưng hai ba ngày sau di chuyển trên đường bị lây nhiễm, thì cái test rồi nó không nói lên điều gì. Vấn đề này là vi phạm nhân quyền đó, nhưng người ta vì lợi ích cục bộ của tỉnh cho nên họ đưa ra những giải pháp rất cực đoan, không có lợi cho xã hội... Trong cơn đại dịch này mà đưa ra giải pháp như vậy thì không làm lợi cho xã hội chút nào, không có giảm được tỷ lệ nhiễm bệnh".
Dự án 88, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ và khuyến khích tự do ngôn luận ở Việt Nam, trong một báo cáo vào năm 2020 cho rằng, đại dịch Covid-19 đã dẫn đến việc chính quyền tăng cường giám sát công dân chặt chẽ hơn qua nhiều hình thức.
Nguồn : RFA, 30/06/2021
Thăm dò dư luận : Gần 80% dân Việt Nam không tin vào Trung Quốc (RFI, 17/01/2020)
Theo thăm dò dư luận do một học viện có uy tín của Singapore tiến hành, gần 80% dân Việt Nam không tin tưởng là Trung Quốc, với tư cách siêu cường, sẽ "hành động đúng đắn" đóng góp cho hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị.
Báo cáo thăm dò dư luận tại 10 nước Đông Nam Á 2020 của Học viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore (Chụp từ internet) RFI tiếng Việt
Ngày 16/01/2020, Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc Học viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, đã cho công bố báo cáo khảo sát các quốc gia Đông Nam Á. Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 12/11 đến 01/12/2019. Tổng cộng có 1308 người, ở 10 nước thành viên ASEAN đã tham gia trả lời 58 câu hỏi trong bản thăm dò. Những người được hỏi thuộc 5 lĩnh vực : nghiên cứu, kinh doanh và tài chính, lĩnh vực công, xã hội dân sự và truyền thông.
Trong câu hỏi thứ 41 : "Bạn có tin tưởng là Trung Quốc sẽ "làm đúng" để đóng góp vào hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị ?" Hơn 60% số người được hỏi tại 10 quốc gia Đông Nam Á cho biết chỉ "tin tưởng một chút" và 18,7% "không tin tưởng". Riêng tại Việt Nam, đối với năm 2020, có tới 38,2% "không tin tưởng" và 38,8% "tin tưởng một chút". Trong năm 2019, tỉ lệ này lần lượt là 37,9% và 35,5%.
Câu hỏi thứ 43 "Tại sao bạn không tin tưởng vào Trung Quốc ?" nêu ra những lý do, giúp hiểu rõ hơn thái độ "không tin tưởng" vào Trung Quốc : Tại Việt Nam, 56,4% số người được hỏi giải thích : Vì "sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc có thể được sử dụng để đe dọa lợi ích và chủ quyền của nước tôi". 31,6% khẳng định : "Tôi không coi Trung Quốc là một cường quốc đáng tin cậy".
Đối với các tác giả bản khảo sát, cái nhìn bi quan về Trung Quốc bao gồm thái độ "không tin tưởng" và "tin tưởng một chút", theo đó, tại Đông Nam Á, Philippines là nước có tỉ lệ bi quan về Trung Quốc cao nhất, 78,9%, đứng hàng thứ hai là Việt Nam 77%, tiếp theo là Indonesia 70,3%, Thái Lan 62,5% và Singapore 59%.
Đức Tâm
*******************
Đồng Nai : Kiên quyết xử lý tình trạng phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp (RFA, 17/01/2020)
Trước tình trạng phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp tại tỉnh Đồng Nai có những diễn biến phức tạp trong năm 2019, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường trong năm 2020 phải kiên quyết xử lý triệt để tình trạng bị cho là mua bán trái phép này.
Năm 2019 Đồng Nai là điểm nóng về phân lô, bán nền đất trái phép khi công ty Alibaba bị người dân khiếu kiện - Courtesy of Báo Đồng Nai
Truyền thông trong nước loan tin này vào ngày 17/1 trích chỉ đạo của Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, ngoài việc xử lý tình trạng mua bán đất trái phép, ông Võ văn Chánh còn yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện theo Luật Quy hoạch những quy hoạch ngành hết hạn vào cuối năm nay như Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khoáng sản và quy hoạch tài nguyên nước…
Được biết, năm 2019, Đồng Nai là một trong những địa phương nóng nhất về tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp trái phép. Đơn cử là các dự án "ma" của Công ty địa ốc Alibaba, khiến chính quyền đã đưa ra nhiều biện pháp cưỡng chế các dự án sai phạm.
Vào ngày 13/1 Đại tá Nguyễn Mạnh Kim Phó giám đốc công an Đồng Nai cũng thừa nhận hiện nay tỉnh Đồng Nai có nhiều vụ khiếu kiện tranh chấp đất đai, cộng với tình hình công nhân diễn biến phức tạp do địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn. Do đó, cũng trong ngày 13/1 Bộ Công an đã điều động 400 cảnh sát về tỉnh Đồng Nai để tăng cường hỗ trợ, trấn áp tội phạm từ nay đến hết tháng 2/2020.
******************
Khoảng 300 công nhân may cầu cứu công an vì công ty không trả lương (RFA, 17/01/2020)
Gần 300 công nhân thuộc Công ty cổ phần May xuất khẩu Kỳ Anh ở phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vào chiều ngày 17/1 đã kéo lên trụ sở Công an Thị xã Kỳ Anh cầu cứu vì công ty này đã nhiều lần thất hẹn trả lương cho công nhân.
Các công nhân Công ty cổ phần May xuất khẩu Kỳ Anh tập trung trước công xưởng vào ngày 13/1/2020. Coutersy of báo Hà Tĩnh
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày trích lời ông Dương Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần May xuất khẩu Kỳ Anh, nói rằng đơn vị này mới đi vào hoạt động nên không đủ nguồn vốn huy động, dẫn đến khó khăn trong việc chi trả lương cho công nhân.
Trước đó vào ngày 13/1, gần 300 công nhân nói trên đã đình công, tập trung trước cổng công ty này để đòi lương.
Một công nhân nói với báo trong nước rằng công ty may Kỳ Anh cam kết việc trả lương cho công nhân theo quy định sẽ diễn ra từ mùng 5 đến mùng 10 hàng tháng nhưng từ 2 tháng nay họ vẫn chưa được trả.
Công ty may Kỳ Anh bị nói đã thất hẹn rất nhiều lần, hai lần gần đây nhất là mùng 8/1 và 16/1.
Bản cam kết mà công ty may Kỳ Anh hứa trả lương cho công nhân vào ngày 16/1 có chữ ký của người đại diện công ty là ông Dương Quốc Thịnh. Tuy nhiên đến ngày 17/1, ông Thịnh lại nói bản thân không ký hẹn trả lương vào ngày 16/1 mà là do Phó giám đốc công ty ký và ông không biết.
Ông Trần Quang Hạnh, Trưởng phòng Lao động, thương binh và xã hội thị xã Kỳ Anh cho hay đơn vị này đã nắm được thông tin vụ việc và đã lập biên bản với các bên. Công ty Kỳ Anh thêm một lần nữa hứa sẽ trả lương cho công nhân đến ngày 24/2.
Toàn bộ tài sản của công ty như máy may, nguyên liệu được cho biết đã bị niêm phong để tránh bị tuồn tháo ra ngoài.
Người đại diện phòng Lao động, thương binh và xã hội thị xã Kỳ Anh cho biết những công nhân đòi lương đang làm việc theo hợp đồng miệng chứ chưa có giấy tờ ký kết và nói sẽ kiểm tra, xử lý công ty nếu sử dụng sai lao động.
Công ty cổ phần May xuất khẩu Kỳ Anh đi vào hoạt động từ tháng 7/2019.
Bộ Công an điều 400 cảnh sát cơ động đến Đồng Nai (RFA, 14/01/2020)
Bộ Công an ngày 13/1 đã điều động 400 cảnh sát cơ động về tỉnh Đồng Nai. Lý do được cho biết nhằm tăng cường hỗ trợ tấn công trấn áp tội phạm tại địa phương trong dịp Tết nguyên đán sắp tới, dự kiến đến hết tháng 2.
Một trong số các bạn trẻ tham gia biểu tình tại Đồng Nai được tự do hôm 10/4/2019. Edited from FB Nguyen Thuy Hanh
Tin từ truyền thông trong nước loan đi ngày 14/1cho biết, trong số 400 cảnh sát cơ động này, tỉnh sẽ bố trí 200 người thường trực chiến đấu tại đơn vị, xử lý các tình huống đột xuất và tuần tra vũ trang trong địa bàn tỉnh Đồng Nai. Một nửa còn lại được đưa về các đơn vị trực thuộc công an tỉnh và địa phương cấp huyện.
Trong buổi lễ nhận quân, Đại tá Nguyễn Mạnh Kim – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết hiện nay tỉnh Đồng Nai có nhiều vụ khiếu kiện tranh chấp đất đai, cộng với tình hình công nhân diễn biến phức tạp nên cần cương quyết xử lý các đối tượng có hành vi chống đối.
Đồng Nai được biết đến như một khu công nghiệp lớn ở miền Nam với rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… ước tính có hơn hàng chục ngàn công nhân làm việc tại đây. Việc nợ lương và thưởng khi dịp Tết cận kề luôn là nguyên nhân dẫn đến các cuộc đình công.
Bên cạnh đó, vào năm 2014 và 2018 vừa qua, hàng chục ngàn công nhân ở Đồng Nai đã xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam ở Biển Đông, hay phản đối dự luật An ninh mạng và Đặc khu kinh tế. Hàng chục người đã bị bỏ tù chỉ vì biểu tình ôn hòa.
Ngoài ra, ngày càng nhiều người Trung Quốc đến Đồng Nai buôn bán, hoạt động bất hợp pháp. Mới đây, một loạt quan chức cao cấp Sở Công an tỉnh này bị kỷ luật vì tham nhũng hoặc cấu kết với tội phạm.
******************
Một đường dây cờ bạc hàng nghìn tỷ qua mạng vừa bị triệt phá (RFA, 14/01/2020)
Đường dây đánh bạc qua trang mạng Kxxx.com với hàng nghìn tài khoản đăng ký ở Việt Nam, có lượng tiền giao dịch đánh bạc lên đến hàng nghìn tỷ đồng vừa bị cơ quan chức năng Việt Nam triệt phá vào rạng sáng ngày 8/1/20.
Hàng loạt chứng minh thư được các đối tượng tổ chức đánh bạc sử dụng mở tài khaorn ngân hàng ở Việt Nam. Courtesy : tienphong.vn
Truyền thông quốc nội dẫn nguồn từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thuộc Bộ Công an ngày 14/1 cho biết thông tin vừa nêu.
Cơ quan này cho biết đã phối hợp với Cảnh sát hình sự tiến hành khám xét khẩn cấp tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, và 3 tỉnh gồm Hải Dương, Đồng Nai và Bình Dương. Lực lượng chức năng sau đó đã thu giữ 132 thẻ ngân hàng các loại, 65 thiết bị vi tính và điện thoại di động, một lượng lớn tiền mặt cùng nhiều chứng minh thư nhân dân giả mạo.
Trang mạng đánh bạc Kxxx.com được xác định thuộc một tập đoàn giải trí có hệ thống cá cược trực tuyến hiện đại và quy mô lớn, đồng thời có văn phòng đại diện tại gần 50 quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, một số người nước ngoài đã cấu kết với nhiều người Việt Nam lập tài khỏan đại lý để quảng cáo, thu hút và lôi kéo khách hàng tham gia. Các đối tượng này được nói là có dấu hiệu làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức cũng như làm giả giấy chứng minh nhân dân hoặc thuê người để mở hàng trăm tài khoản ngân hàng ở Việt Nam cho việc chuyển và nhận tiền đánh bạc cho nhà cái nước ngoài.
Trong lần triệt phá vào rạng sáng ngày 8/1, Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã bắt giữ 10 người, trong đó có 5 đối tượng tổ chức đánh bạc và 5 đối tượng còn lại là người tham gia đánh bạc.
Trước đó hồi cuối/11 năm 2018, Tòa án tỉnh Phú Thọ đã xét xử một vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng và có hai cựu Trung tướng công an Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục phòng chống Tội phạm Công nghệ cao lần lượt bị tuyên 9 và 10 năm tù giam vì những liên can trong đường dây đánh bạc này.
*********************
Hàng chục lao động Trung Quốc làm việc trái phép ở thung lũng Tình Yêu (RFA, 14/01/2020)
Gần 30 lao động Trung Quốc bị phát hiện làm việc trái phép tại Khu du lịch Thung lũng Tình yêu, thành phố Đà Lạt do Công ty cổ phần Du lịch Thành Thành Công làm chủ đầu tư.
Công trình cầu đáy kính 7D tại thung lũng Tình Yêu - Photo : bao moi
Theo tin truyền thông trong nước loan đi hôm 14/1/2020, số lao động này từ Trung Quốc đến Đà Lạt để thi công phần kính của công trình cầu đáy kính. Đây là công trình không có giấy phép với 2 mố neo 10x15 mét, chiều cao 10 mét ; 2 trụ đỡ có kích thước 8x8 mét, cao 20 mét. Ngoài ra, tại công trình này, chủ đầu tư còn lắp dựng khung sắt lắp ghép nhà chờ rộng 8 mét, dài 80 mét, cao 4 mét.
Tại thời điểm kiểm tra, số lao động này đã không còn ở địa phương.
Ngoài việc thuê nhân công nước ngoài làm việc không phép ; xây dựng cầu đáy kính không phép, cơ quan chức năng còn phát hiện chủ đầu tư đốn hạ trái phép 6 cây thông ba lá trong khu du lịch, thiệt hại 270m2 rừng phòng hộ. UBND phường 8, Thành phố Đà Lạt yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng công trình này.
Tình trạng công nhân phổ thông Trung Quốc sang Việt Nam làm việc không được kiểm soát chặt chẽ gây quan ngại cho nhiều người. Đơn cử thực tế hàng ngàn lao động Trung Quốc làm việc tại dự án Bauxite Tây Nguyên, hàng nghìn lao động Trung Quốc ở Bình Dương… Bên cạnh đó là tình trạng du khách Trung Quốc theo ‘Tour 0 đồng’ tràn ngập Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang...
Ban Bí thư của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa công bố quyết định kỷ luật ông Huỳnh Tiến Mạnh, Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. Theo đó, ông Mạnh bị tước bỏ tất cả các chức vụ trong đảng (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, Bí thư Đảng ủy Công an Đồng Nai). Đồng thời yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định kỷ luật ông Mạnh về mặt hành chính tương ứng với mức kỷ luật của đảng (1).
Huỳnh Tiến Mạnh (Hình trích xuất từ báo Tuổi Trẻ)
Cách đây hai tháng, y ban Kiểm tra của Ban Chấp hành trung ương chỉ thông báo chung chung rằng cần "xem xét kỷ luật" ông Mạnh, vì người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2015 – 2020 (vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra để xảy ra nhiều khuyết điểm trong hoạt động điều tra - xử lý các vụ án, vụ việc, trong quản lý - sử dụng vũ khí, đất đai, tài chính, tài sản và công tác cán bộ để nhiều cán bộ, chiến sĩ bị xử lý hình sự) (2).
Giờ, trong quyết định kỷ luật ông Mạnh, ngoài những lý do mà Ủy ban Kiểm tra đã nêu, Ban Bí thư của Ban Chấp hành trung ương còn bổ sung thêm những vi phạm khác của ông Mạnh trong quá khứ : Bởi từng là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, ông Mạnh phải cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2010-2015. Khi trực tiếp phụ trách Phòng Cảnh sát giao thông (Cảnh sát giao thông), ông Mạnh đã để cơ quan này "xảy ra nhiều vi phạm kéo dài nhiều năm, có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng".
***
Phòng Cảnh sát giao thông của Công an tỉnh Đồng Nai vốn là "lá cờ đầu" về… mãi lộ. Trong hai thập niên vừa qua, Cảnh sát giao thông của Công an tỉnh Đồng Nai góp vô số scandal về nhũng nhiễu, bảo kê các phương tiện chở hàng, chở khách, sử dụng côn đồ để thu tiền mãi lộ, răn đe những người phản kháng mãi lộ và khi cần, tấn công để dằn mặt thiên hạ. Phòng Cảnh sát giao thông của Công an tỉnh Đồng Nai còn là "lá cờ đầu" trong chuyện thanh toán lẫn nhau, kể cả bắn lẫn nhau ngay tại nơi làm việc do bất đồng trong chia chác.
Ông Mạnh là người mà quá trình công tác gắn liền với tất cả những scandal làm dư luận toàn quốc rúng động đó suốt từ đầu thập niên 2000 và vừa luôn luôn thoát nạn, vừa tiến… mạnh hơn : Đội phó Đội Cảnh sát giao thông Dầu Giây (2000), Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Quốc lộ 51 (2001), Phó phòng (2003) rồi Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Đồng Nai (2005), Phó Giám đốc (2012) rồi Giám đốc Công an Đồng Nai (2015).
Năm 2015, sau khi ông Mạnh trở thành Giám đốc Công an Đồng Nai, người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam đã từng chuyền cho nhau xem Thư ngỏ của một sĩ quan Cảnh sát giao thông Công an Đồng Nai gửi "Cộng đồng quần chúng nhân dân". Lá thư dài 1.800 chữ này vạch trần hoạt động của "cộng đồng Cảnh sát giao thông ở Đồng Nai", thừa nhận Cảnh sát giao thông là một "công việc tủi nhục". Sở dĩ "cộng đồng Cảnh sát giao thông ở Đồng Nai" bị dân chúng khinh bỉ, báo chí soi mói, từng phải quỳ lạy phóng viên là vì… ông Mạnh.
Ông Mạnh – người đã thành "tinh" – chính là người dạy Cảnh sát giao thông đòi mãi lộ, bảo kê, sử dụng côn đồ làm trung gian, buộc chung chi cho ông và để ông chia lại cho thượng cấp. Tuy Thư ngỏ bộc lộ sự cay cú khi nhiều sĩ quan Cảnh sát giao thông bị tân Giám đốc Huỳnh Tiến Mạnh điều chuyển sang các lĩnh vực khác nhưng vẫn có khá nhiều chi tiết mà các cơ quan hữu trách có thể kiểm tra để xử lý ông Mạnh…
Đó là dưới thời ông Mạnh, Cảnh sát giao thông ở Đồng Nai chỉ chặn xe thu tiền, sau đó mới lập biên bản vi phạm – xử lý vi phạm khống và dùng một phần tiền thu được từ mãi lộ để nộp phạt nhằm chứng minh… hiệu quả hoạt động của Cảnh sát giao thông ở Đồng Nai. Người (hoặc những người) viết Thư ngỏ khẳng định, nếu kiểm tra những biên bản vi phạm – xử lý vi phạm trong kho lưu trữ chắc chắn sẽ thấy, tên – địa chỉ - lỗi vi phạm đếu… khống !
Thư ngỏ liệt kê cả thu nhập của Cảnh sát giao thông (lính khoảng 300 triệu/tháng, chỉ huy khoảng 700 triệu/tháng). Để có được mức thu nhập như vậy, tất nhiên phải cống nạp và những người gửi Thư ngỏ ước đoán thu nhập ngoài lương của ông Mạnh không dưới 5 tỉ/tháng. Nguồn tài chính dồi dào này là lý do ông Mạnh thường xuyên phải sang Campuchia đá gà, đánh bài. Nếu chẳng may ông thua, thuộc cấp – những người mà ông Mạnh buộc phải gọi ông là "đại ca" - sẽ bị ông "chửi như… chó" (3) !
***
Trong vài ngày vừa qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội đã "tái bản" Thư ngỏ vừa kể. Có thể do bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố, một số cơ quan truyền thông của hệ thống truyền thông chính thức chỉ giới thiệu "quá trình công tác" của ông Mạnh như một cách nhắc nhở công chúng rằng các scandal liên quan tới Cảnh sát giao thông của Công an Đồng Nai không ngăn được ông Mạnh tiến… mạnh !
Trong việc "xử lý kỷ luật" ông Mạnh, tuy Ban Bí thư có bước xa hơn một chút so với Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam : Truy cứu thêm trách nhiệm của ông Mạnh, lúc ông trực tiếp phụ trách Phòng Cảnh sát giao thông đã để cơ quan này "xảy ra nhiều vi phạm kéo dài nhiều năm, có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng" nhưng chỉ "tước bỏ tất cả các chức vụ trong đảng" và yêu cầu các cơ quan hữu trách có hình thức xử lý tương ứng về mặt hành chính vẫn là cố tình… "sót người, lọt tội".
Khoan bàn đến chuyện điều tra – truy cứu trách nhiệm cá nhân của ông Mạnh, chỉ riêng chuyện lựa chọn – sắp đặt một người như ông Mạnh vào các vị trí cao hơn đã rất đáng để làm tới nơi, tới chốn. Chẳng lẽ lại có thể tha những người đã cất nhắc ông Mạnh từ Đội phó lên Đội trưởng, từ Phó phòng lên Trưởng phòng, từ Phó Giám đốc lên Giám đốc Công an Đồng Nai ? "Quy hoạch" một người như ông Mạnh làm "nhân sự chủ chốt" là vì lợi ích của đảng, của nhân dân hay vì tiền ?
Đã thề chống "chạy chức, chạy quyền", rà soát, chấn chỉnh "qui hoạch nhân sự" thì tại sao lại bỏ qua những trường hợp bất thường như ông Mạnh ? Những ai ở Đồng Nai bán "ghế" cho ông Mạnh ? Nghiêm trọng hơn, Giám đốc Công an một tỉnh không phải do hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Đồng Nai quyết định, vậy thì những ai trong Bộ Công an, trong Ban Chấp hành trung ương đảng, Ban Bí thư tham gia "qui hoạch" ông Mạnh ? Chẳng lẽ chống "chạy chức, chạy quyền" chỉ chống cấp dưới bán "ghế" để dành đặc quyền đó cho cấp cao hơn ?
***
Ngoài Huỳnh Tiến Mạnh, Đồng Nai còn có Hồ Văn Năm cũng vừa bị Ban Bí thư quyết định cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ông Năm thôi làm Đại biểu quốc hội. Chẳng phải chỉ có Ủy ban Kiểm tra mà Ban Bí thư của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cũng úp úp, mở mở về lý do kỷ luật ông Năm : Lợi dụng cương vị Trưởng đoàn Đại biểu của Đồng Nai tại Quốc hội can thiệp vào hoạt động của cơ quan chức năng giải quyết vụ án hình sự (4).
Tuy nhiên đó không phải là lý do duy nhất, ông Năm bị xử lý kỷ luật còn vì từng "chỉ đạo, xử lý nhiều vụ án, vụ việc không đúng quy định pháp luật khi giữ cương vị Bí thư Ban cán sự Đảng kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát Đồng Nai" và vì là người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm chính đới với những vi phạm, khuyết điểm của Viện Kiểm sát Đồng Nai ! Tại sao lại đặt một người như thế vào ghế Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, giao thêm cả ghế Trưởng đoàn Đại biểu của Đồng Nai tại Quốc hội ?
Nhiệm kỳ của Quốc hội khóa 14 bắt đầu từ 2016 đến 2021. Chỉ mới ba năm, riêng Đồng Nai đã có hai Trưởng đoàn Đại biểu tại Quốc hội đã và sắp bị miễn nhiệm. Bà Phan Thị Mỹ Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy - người tiền nhiệm của ông Năm cũng bị kỷ luật vì lợi dụng chức vụ, quyền hạn, dành đủ thứ ưu đãi trái pháp luật cho công ty của gia đình mình. Bà Thanh đã làm điều đó từ giữa thập niên 2000 nhưng vẫn liên tục được nhấc lên, đặt vào những cái ghế cao hơn (4).
Chắc chắn không phải tự nhiên mà những người đầy tì vết như các ông Huỳnh Tiến Mạnh, Hồ Văn Năm,… như bà Phan Thị Mỹ Thanh,… được qui hoạch làm nhân sự chủ chốt ở Đồng Nai. Có thể xem là bình thường khi không có ai bị truy cứu trách nhiệm, buộc phải chịu trách nhiệm về việc lựa chọn – sắp đặt những cá nhân bất xứng như vậy ? Cứ như vậy thì làm sao chống được "chạy chức, chạy quyền" và quan trọng hơn là tại sao cố tình để sót những người đã chọn ông Mạnh, ông Năm, bà Thanh làm "nhân sự chủ chốt", tiếp tục qui hoạch nhân sự từ cấp chiến lược cho đến tận phường, xã ?
Vận hành công tác quy hoạch nhân sự như thế thì làm sao "xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên" ? Nên khóc hay nên cười khi trước nay, lúc nào đảng cũng bảo đảm nhân sự lãnh đạo cả đảng lẫn quốc gia "đúng quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch" ?
Có phải vì vậy mà đầu tháng này, tại cuộc họp của Tiểu ban Văn kiện chuẩn bị cho Đại hội đảng khóa 13, khi tự đánh giá về nhiệm kỳ hiện nay của Ban Chấp hành trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng bảo rằng "đoàn kết, thống nhất nội bộ rất tốt". Nếu "đoàn kết, thống nhất nội bộ" theo hướng như thế mà khen là "rất tốt" thì nên trưng cầu dân ý rồi hãy khẳng định "lòng dân" ra sao ông Trọng ạ (5) !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 12/09/2019
Chú thích :
(3) https://www.facebook.com/viettan/photos/a.10151333017390620/10154531046435620/ ?type=3&theater