Tổ chức nhân quyền Những người Bảo vệ tuyến đầu (Front Line Defenders - FLD) đưa nhà báo công dân Đỗ Công Đương của Việt Nam vào danh sách 401 người hoạt động nhân quyền trên thế giới bị giết trong năm 2022.
Ông Đỗ Công Đương trong một bài nói chuyện về sai phạm đất đai trước khi bị bắt năm 2018 - Ảnh chụp màn hình video
Ông Đỗ Công Đương chết không rõ nguyên nhân trong Trại giam số 6 (Nghệ An) đầu tháng 8 năm ngoái trong khi đang thi hành án tù tám năm, thi thể của ông không được giao cho gia đình mai táng mà phải chôn luôn ngay trong nghĩa trang của trại.
Tổ chức quốc tế có trụ sở tại Dublin, Ireland ghi tên ông Đương trong phần tưởng nhớ các nhà hoạt động nhân quyền bỏ mạng trong báo cáo về tình hình nhân quyền của thế giới năm vừa qua mang tựa đề Global Analysis 2022 công bố ngày 04/4.
Ông Đương, sinh năm 1964, hoàn toàn khoẻ mạnh trước khi bị bắt giữ năm 2018 về cáo buộc "chống người thi hành công vụ" và "lợi dụng quyền tự do dân chủ." Ông là một trong số nhiều tù nhân lương tâm chết trong thời gian thi hành án tù trong vài năm gần đây. Những người khác được ghi nhận là cựu giáo chức Đào Quang Thực, mục sư Đinh Diêm, ông Phan Văn Thu và Đoàn Đình Nam.
Việt Nam phải cải thiện điều kiện giam giữ tù nhân lương tâm
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải (tức Hải Điếu cày), người từng bị giam giữ ở hơn 10 trại giam ở Việt Nam bao gồm cả Trại giam Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Trại giam số 6 nơi xảy ra cái chết của nhiều tù nhân lương tâm, nói điều kiện chăm sóc y tế kém và hình thức đối xử tàn bạo đối với tù nhân lương tâm là nguyên nhân gây ra những cái chết trên.
Từ California, ông Hải cho rằng, chính quyền Việt Nam cần cải thiện điều kiện giam giữ và chăm sóc y tế đối với tù nhân lương tâm để bảo vệ tính mạng của họ. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại ngày 5/4 :
"Giam giữ tù nhân chính trị như mọi tù nhân hình sự khác. Những người mắc bệnh hiểm nghèo cần được phép giữ một cơ số thuốc nhất định để phòng trường hợp đột quỵ hoặc bệnh trở nặng thì họ có thuốc uống.
Cái thứ ba là phải cải thiện đường dây liên lạc giữa khu giam giữ tù chính trị với bộ phận chăm sóc y tế. Khi người tù có bệnh nặng phải đưa đi chữa trị."
Luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng có hai lần bị cầm tù vì hoạt động dân chủ và nhân quyền, cho biết Chính phủ Việt Nam có chính sách không chỉ tước đoạt tự do của tù nhân lương tâm mà còn áp dụng mọi biện pháp để tước đoạt sức khoẻ của họ.
"Để mà ngăn chặn chính sách độc ác này của Nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam, chúng ta cần sự phối hợp của các chính phủ và các tổ chức quốc tế, phải lên án mạnh mẽ chính sách vô nhân đạo của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với các tù nhân lương tâm.
Đồng thời, gia đình các tù nhân lương tâm phải thường xuyên thăm hỏi và đưa tin về tình trạng đàn áp trong tù đối với người thân của mình."
Phóng viên đã gọi điện cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về báo cáo của Những người Bảo vệ tuyến đầu nhưng không có ai nghe máy. Chúng tôi có gửi email cho cơ quan này nhưng chưa nhận được phản hồi.
Bỏ tù người hoạt động nhân quyền
Trong báo cáo công bố vào thứ ba, Những người Bảo vệ tuyến đầu nói trong năm 2022, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp người hoạt động nhân quyền, bắt giữ và tiếp tục cầm tù dài hạn nhiều người đấu tranh cho quyền con người bên cạnh việc sử dụng công cụ luật pháp để kiểm soát quyền truy cập thông tin và ngăn chặn quyền tự do ngôn luận trực tuyến.
Việt Nam và nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác ở Châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, và Sri Lanka sử dụng luật an ninh quốc gia và chống khủng bố như công cụ để hình sự hóa, bức hại và bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền.
Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng luật pháp và các biện pháp đàn áp khác để nhắm mục tiêu vào người bảo vệ nhân quyền, bao gồm bắt giữ và giam giữ tùy tiện, sách nhiễu, giám sát và hạn chế quyền tự do đi lại của nhiều nhà hoạt động.
Những người Bảo vệ tuyến đầu cũng nhắc lại trường hợp nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng đã bị bắt giữ với cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự với mức án có thể lên đến 20 năm tù giam.
Tổ chức này nói Hà Nội vi phạm quy trình tố tụng và quyền được xét xử công bằng của ông Nguyễn Lân Thắng khi biệt giam ông trong thời gian dài mà không được gặp luật sư và người thân trong khi sức khỏe của ông xấu đi.
Những người Bảo vệ tuyến đầu đưa ra trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức như một minh chứng về việc Nhà nước Việt Nam tiếp tục giam giữ người hoạt động với án tù dài hạn. Ông Thức, 57 tuổi, đang thụ án tù năm thứ 15 về tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" chỉ vì các hoạt động nhằm cổ suý nhân quyền và dân chủ.
Sử dụng công cụ luật pháp để hạn chế quyền tự do thông tin
Phúc trình của Những người Bảo vệ tuyến đầu nói, việc đe dọa và giám sát kỹ thuật số phổ biến trong khu vực Châu Á, ngoài ra các chủ thể nhà nước và phi nhà nước sử dụng giám sát kỹ thuật số như một phương tiện để kiểm soát và trừng phạt những người bất đồng chính kiến.
Nhiều chính phủ đã tìm cách tăng phạm vi và năng lực giám sát của họ thông qua một loạt các sửa đổi luật ở Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Trong nỗ lực lâu dài nhằm kiểm soát quyền truy cập thông tin và ngăn chặn quyền tự do ngôn luận trực tuyến, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 53 điều chỉnh Luật An ninh mạng 2018. Theo quy định mới, các công ty công nghệ bị yêu cầu lưu trữ dữ liệu người dùng trong thời gian tối thiểu 24 tháng và bàn giao dữ liệu cá nhân cho chính phủ nếu có yêu cầu.
Báo cáo dài 88 trang nói những điều khoản như vậy gây rủi ro nghiêm trọng cho các nhà hoạt động và người bảo vệ nhân quyền, đồng thời làm tăng nguy cơ các công ty công nghệ thông đồng lạm dụng chống lại họ.
Vi phạm quyền không bị trục xuất của người tị nạn
Những người Bảo vệ tuyến đầu nói trong năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã vi phạm quyền không bị trục xuất của người tị nạn trong trường hợp ông Đổng Quảng Bình (Dong Guangping), một nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc.
Ông Đổng Quảng Bình, 65 tuổi, bị chính quyền Trung Quốc bỏ tù ba lần vì các hoạt động đòi hỏi nhân quyền và dân chủ ở trong nước, trong đó có việc vận động tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Ông được cho là bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt giữ vào cuối tháng 8/2022 sau gần ba năm lánh nạn ở Hà Nội để chờ được định cư ở Canada như một người tị nạn và đoàn tụ với gia đình ở đó.
Tháng trước, trong công văn phản hồi chất vấn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) về ông Đổng Quảng Bình, Hà Nội nói không có thông tin gì liên quan đến việc ông Đổng Quảng Bình có mặt tại Việt Nam.
Những người Bảo vệ tuyến đầu cho rằng ông đã bị cưỡng chế trục xuất về Trung Quốc, hoặc sắp có nguy cơ bị trục xuất như vậy. Bằng việc trục xuất ông về Hoa Lục, Việt Nam đã vi phạm nghĩa vụ không được từ chối người tị nạn, một quy định nghiêm cấm việc đưa bất kỳ người nào trở lại một quốc gia nơi họ thực sự có nguy cơ bị vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Hành động trên của Hà Nội cũng là biểu hiện của việc tham gia đàn áp xuyên quốc gia đối với người hoạt động nhân quyền, Những người Bảo vệ tuyến đầu nói.
HRW nói Việt Nam đang giam giữ 160 tù nhân chính trị
Ngày 03/4, trong thông cáo báo chí, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói hơn 160 tù nhân chính trị đang giam giữ ở Việt Nam chỉ vì thực hành các quyền cơ bản.
Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) nói blogger và nhà hoạt động nhân quyền phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa, theo dõi và thẩm vấn của công an hàng ngày.
Nhà nước cảnh sát không dung thứ bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động phải đối mặt với thời gian dài bị giam giữ trước khi xét xử, không được tiếp cận với luật sư hoặc gia đình, HRW nói.
HRW cũng kêu gọi các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế hành động để buộc Hà Nội chấm dứt cuộc đàn áp có hệ thống đối với những người chỉ trích ôn hòa và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị cầm tù chỉ vì đã thực hiện các quyền của họ một cách ôn hòa.
Nguồn : RFA, 05/04/2023
HRW : Cuộc xét xử Huỳnh Thục Vy là một sự nhạo báng công lý (VOA, 21/11/2018)
Nhân vật bất đồng chính kiến Huỳnh Thục Vy sẽ phải ra trước Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ để bị xét xử về cáo buộc "xúc phạm lá cờ quốc gia" về tội xịt sơn trắng lên lá cờ đỏ sao vàng, rồi đăng ảnh lên Facebook một ngày trước Ngày Quốc khánh 2 tháng 9. Cô Huỳnh Thục Vy giải thích lý do cô làm điều đó trên trang mạng xã hội : "Đất nước đang bị nhấn chìm dưới núi nợ nần ! Không có gì để gọi là ăn mừng : nào là Formosa ; nạn ô nhiễm ; ung thư ; thuốc giả ; tù nhân lương tâm ; vi phạm nhân quyền…".
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy. Facebook Nguyen Van Dai
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) nói chính quyền Việt Nam nên hủy bỏ tất cả các cáo buộc chống lại cô Huỳnh Thục Vy. Phó Giám đốc đặc trách Châu Á của HRW, ông Phil Robertson, nói trong thời gian qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã "tìm mọi lý do để trừng phạt Huỳnh Thục Vy vì những hoạt động của cô, vận động cho nhân quyền và dân chủ.
Nếu bị kết án, người sáng lập ra Hội Phụ nữ Việt Nam vì Nhân quyền, cũng là mẹ của một em bé mới khoảng 1 tuổi, sẽ phải đối mặt với bản án 3 năm tù giam. Phiên tòa đã được ấn định vào ngày 22/11, hôm qua đột nhiên bị hoãn lại cho tới ngày 30/11.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ sáng ngày 20/11 giờ Washington, ông Robertson nói :
"Chúng tôi rất quan tâm đến những trường hợp như thế. Cô Huỳnh Thục Vy lẽ ra không nên bị đưa ra tòa xét xử về những tội danh đó. Thật là "nực cười" khi chính quyền Việt Nam cố tình khép cô Vy vào tội ‘xúc phạm lá cờ quốc gia’. Rõ ràng nhà nước Việt Nam coi trọng các biểu tượng hơn là quyền làm người của nhân dân của chính họ. Phải hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Thục Vy, và nếu chính quyền cứ tiếp tục truy tố và bỏ tù cô, thì đó là điều mà các đối tác thương mại của Việt Nam, và các nước cấp viện cho Việt Nam, cần nêu lên với Việt Nam để đòi Hà nội trả tự do cho cô".
Tư liệu - Phil Robertson, trái, Phó Giám đốc Human Rights Watch đặc trách Châu Á, tại một cuộc họp báo ở Phnom Penh, Cambodia vào tháng Ba 2015.
Ông Robertson nói rõ ràng Việt Nam chưa tuân thủ các cam kết về nhân quyền đã được ghi trong thỏa thuận thương mại tự do EU-Việt Nam.
"Quan điểm của chúng tôi là còn quá sớm để chung kết thỏa thuận này. Việt Nam phải được cho biết là nước này phải cải thiện tình trạng nhân quyền trước khi EU tưởng thưởng cho Việt Nam với một thỏa thuận thương mại tự do như thế".
Được hỏi thế ông không cho hành động của Huỳnh Thục Vy, xịt sơn trắng lên lá cờ Việt Nam, là một hành động có tính cách xúc phạm ? Ông Robertson trả lời :
"Hành vi đó không nên được coi như một tội hình sự. Chắc chắn không phải một hành động đáng bị bỏ tù. Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã phản ứng quá mức. Họ lẽ ra phải thừa nhận rằng đây là một hành vi nhằm thể hiện quan điểm chính trị, rằng Thục Vy có quyền nói lên quan điểm của mình. Cô ấy đã làm điều đó một cách ôn hòa, không làm hại ai, và chính quyền Việt Nam không nên bỏ tù cô vì hành vi đó".
Ông Robertson nói trong thời gian qua, không những Thục Vy mà cả gia đình cô, cha và em cô… đã trở thành mục tiêu bị chính quyền sách nhiễu, phân biệt đối xử, trấn áp tinh thần, thậm chí, bị đàn áp có hệ thống. Cha của Huỳnh Thục Vy, ông Huỳnh Ngọc Tuấn, là một tù nhân chính trị đã từng bị giam cầm nhiều năm. Ông Robertson nói :
"Gia đình của Vy đều nói lên những gì họ suy nghĩ, họ đã thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, và đứng lên đòi hỏi các quyền của họ, hậu quả là họ đã bị chính quyền nhắm tới và bị đối xử tàn tệ. Việt Nam cần ngưng ngay những hành động sách nhiễu đối với gia đình này".
Phó Giám Đốc HRW đặc trách Châu Á còn nói rằng lẽ ra chính quyền Việt Nam phải cảm ơn gia đình họ Huỳnh và các công dân khác đã chỉ ra các vấn đề mà đất nước đang đối mặt, chẳng hạn như nạn tham nhũng dưới nhiều hình thức, nạn ô nhiễm môi trường vv.. để có cách đối phó hay giải quyết :
"Chính quyền Việt Nam lại tìm cách che đậy những hành vi sai trái, và vi phạm các quyền của dân thay vì lắng nghe sự thật từ các bloggers và các công dân khác cũng quan tâm tới tình hình đất nước".
Ông Robertson bày tỏ quan tâm là phiên tòa diễn ra tại Dắk lắk, nhà cầm quyền khó có thể chấp thuận cho các nhà ngoại giao và các bên quan tâm khác tới theo dõi phiên tòa.
"Tôi tin rằng điều quan trọng là mọi người phải chú ý tới vụ xét xử để bảo đảm chính quyền không vi phạm các quyền căn bản của Thục Vy, tôi cho rằng cả vụ xét xử này là một trò nhạo báng công lý".
Huỳnh Thục Vy là kẻ phản động ?
Nhưng dưới con mắt của nhà cầm quyền Việt Nam thì Huỳnh Thục Vy hình như đã được xếp vào thành phần ‘phản động’.
Trong một bài báo tải lên trang mạng Việt Nam Thời Luận vào tháng Ba năm 2018, tác giả Tứ Hoàng gọi Huỳnh Thục Vy là một kẻ phản động. Tác giả bài báo giải thích rằng phản động là "thuật ngữ dành cho những kẻ có hành động chống đối đảng, Nhà nước, những kẻ bán nước, hại dân, phản bội dân tộc", viện những hoạt động của Thục Vy biểu tình chống Trung Quốc ở Sài Gòn, tham gia các khóa huấn luyện xuống đường đấu tranh bất bạo động "để lật đổ chính quyền Việt Nam". Bài báo còn chỉ trích "Hội Phụ nữ nhân quyền" do Huỳnh Thục Vy và Trần Thị Nga đồng sáng lập là một tổ chức được một số nhân viên sứ quán Mỹ, phương Tây hậu thuẫn để thúc đẩy phát triển "lực lượng đối lập" trong phái nữ.
Một số nhà hoạt động cũng dùng các phương tiện truyền thông xã hội để bênh vực Huỳnh Thục Vy và hỗ trợ bà Trần Thị Nga, đồng sáng lập Hội Phụ nữ Việt Nam vì Nhân quyền, đang thi hành bản án tù 9 năm về tội "tuyên truyền chống nhà nước".
Về bà Trần Thị Nga, Phó Giám Đốc đặc trách Châu Á của HRW Phil Robertson nói :
"Bà Trần Thị Nga đang thọ án tù chỉ vì đã nói lên quan điểm của mình một cách ôn hòa, vì đã dám phát biểu, dám đứng dậy trước cường quyền, và vì bà đã đòi các quyền cho chính mình và cho nhân dân Việt Nam. Chúng tôi không thấy bà làm bất cứ điều gì để đáng bị trừng phạt với bản án tù như thế, và chúng tôi sẽ kêu gọi để bà được trả tự do".
***************
Xử phúc thẩm nhà báo độc lập Đỗ Công Đương : Y án 4 năm tù giam (RFA, 21/11/2018)
Phiên tòa phúc thẩm xử nhà báo độc lập Đỗ Công Đương với cáo buộc "Gây rối trật tự công cộng" diễn ra vào sáng 21/11/2018 và kết thúc lúc 13h10 phút với kết quả bị tuyên y án 4 năm tù giam.
Ông Đỗ Công Đương trong một bài nói chuyện phát trên FB cá nhân Ảnh chụp màn hình, courtesy FB
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Đỗ Công Đương cho rằng ông Đương không vi phạm điều luật này vì nơi xảy ra vụ việc không phải là không gian công cộng. Ông Sơn nói qua điện thoại như sau :
"Bài bào chữa của tôi tại tòa ngày hôm nay, tóm lại là cái hiện trường nơi mà người ta cho rằng ông ấy gây rối trật tự công cộng là cái công trường chứ không phải công cộng như pháp luật. Họ quanh co nói rằng ông ấy gây ách tắc giao thông nhưng không có bằng chứng và họ cũng kết án như vậy thôi".
Trong bài bào chữa của mình được đăng tải trên Facebook cá nhân sau phiên tòa, luật sư Sơn nhận định đã có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng ở cấp sơ thẩm :
Cụ thể là sau khi xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân thị xã Từ Sơn không gửi bản án cho người bào chữa, Luật sư Hà Huy Sơn mặc dù ông này đã có văn bản đề nghị.
Điều này vi phạm vào khoản 1 điều 262 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Theo luận cứ bào chữa, ông Đương không phải là người tổ chức hay chủ mưu, cầm đầu, vụ việc.
"Sự việc khoảng 30 người dân xóm Chúc, thôn Dương Sơn, xã Tam Sơn chuẩn bị ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc, băng rôn … phản đối thu hồi đất ngày 24/01/2018, không do bị cáo, tổ chức, chỉ huy, xúi giục, giúp sức", ông Sơn khẳng định.
******************
Tại sao khó xử lý tài sản bất minh ? (RFA, 20/11/2018)
Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi lần thứ 4. Cũng như những lần sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng trước đây, Quốc hội lần này đã quyết định không chọn phương án mới nào cho việc xử lý tài sản bất minh, vấn đề được cho là rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng.
Ảnh minh họa. AFP
Trước khi quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày về việc "xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc", theo đó việc xử lý tài sản thu nhập này là vấn đề mới và lần đầu tiên Quốc hội đặt vấn đề xử lý đối với loại này nên rất khó đưa ra quy định xử lý tại kỳ họp lần này.
Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với phương án xử lý thông qua thu thuế. Những ý kiến khác đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành, theo đó tài sản, thu nhập này sẽ bị xử lý khi cơ quan chức năng chứng minh được là do phạm tội và vi phạm pháp luật mà có.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng đây cũng là vấn đề khó để Quốc hội đưa ra quyết định bởi vì có hai quan điểm khác nhau :
"Bản thân cá nhân tôi cũng thông cảm cái việc xử lý các nguồn ý kiến khác nhau này của quốc hội. Theo thông lệ của Việt Nam nếu thường không giải quyết được thì đều cho là giải quyết vào đợt sau. Tôi cho rằng quy định xử lý tài sản này nếu cần phải chống tham nhũng thì cần có những quyết định thật chặt chẻ bởi vì mọi tài sản đều phải được giải thích từ nguồn gốc nếu không giải thích được thì nó có thể bắt nguồn từ việc hình thành tài sản không đúng với sức lao động của mình. Tôi thì tôi buồn khi mà quốc hội không đưa ra được quyết định cuối cùng trong luật phòng chống tham nhũng về các tài sản bất minh".
Đồng ý với điều này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam giải thích với chúng tôi rằng khi đưa ra điều luật mà không chứng minh và không thực hiện được thì thật sự rất khó. Phải chứng minh các tài sản đó là bất minh bằng cách xác định rõ mới xử lý được.
"Nếu mình đưa những tài sản là bất minh thì có thể sẽ xảy ra tình trạng mượn cớ để lạm quyền nên rất là khó. Theo tôi thấy riêng cái này thì cần phải có thời gian, bởi vì khi dự thảo vấn đề này thì nó phải mang tính thực tiễn, phải rõ ràng, khi mình định tội một người nào đó thì phải làm cho người đó tâm phục khẩu phục. Chứ giờ mình đưa ra một điều mà không thể thì không được".
Theo kết quả, có 209/456 ý kiến đại biểu tương đương 43,09% tổng số đại biểu tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án. 156/456 ý kiến đại biểu, khoảng 32,16% đại biểu đồng ý với phương án thu thuế. 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.
Như vậy, kết quả ý kiến không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số đại biểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật.
Anh Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội và là một blogger tại Hà Nội trao đổi với chúng tôi rằng, để trả lời vì sao quốc hội không đưa ra quy định xử lý tài sản bất minh tại kỳ họp này thì nên lật ngược lại quá trình bầu cử cách đây vài năm.
"Tất cả những người là ứng cử viên tự do là những người có đủ năng lực pháp lý để có thể tự ra ứng cử thì đều bị chính quyền Việt Nam đấu tố, làm khó và rất nhiều hành động để ngăn chặn các đại biểu tự do cho nên quyết định của quốc hội cũng không có gì là ngạc nhiên cả, bởi vì học đã dàn xếp hết rồi toàn là người của họ hết. Đương nhiên với một thể chế của Việt Nam hiện nay thì họ ăn cây nào rào cây đấy, bảo vệ lợi ích và quyền lợi mà họ đang có. Cho nên kết quả của quốc hội nó đúng như những gì chúng tôi đã từng chứng kiến trong các kỳ bầu cử quốc hội".
Sau cuộc họp Quốc hội, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp ông Nguyễn Mạnh Cường cho báo chí biết, bỏ nội dung này không có nghĩa là không xử lý mà vẫn xử lý tài sản bất minh nếu phát hiện và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào về việc xử lý vấn đề này. Ông giải thích rằng, từ thời bao cấp trước đây cũng có xử lý là kiểm tra hành chính và nếu không giải thích được tài sản hình thành như thế nào thì nhà nước sẽ tịch thu. Nhưng :
"Từ khi đổi mới cho đến nay đã hơn 30 năm, do hoàn cảnh khi đổi mới Việt Nam kêu gọi các nguồn đầu tư của các thành phần kinh tế và cũng không cần xem xét nguồn gốc tài chính đó như thế nào. Đến lúc này, Việt Nam cũng đã phát triển được quảng đường khá dài thì cũng là lúc chúng ta nghĩ đến chuyện tham nhũng vừa rồi được đánh giá là cái quốc nạn, nếu không xử lý thì nó lại kiềm hãm phát triển, tôi cho rằng đáng lý ra thời điểm này là điểm cần phải thảo luận tới cùng về việc đưa ra giải pháp xử lý".
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, để phát hiện tham nhũng, xác định các tài sản bất minh, cần phải có sự tham gia tích cực của cơ quan truyền thông và người dân.
"Bởi vì người dân tai mắt lắm nên không thể giấu được và với sự giám sát của người dân là chính xác. Thường thường các vụ tham nhũng xuất phát từ báo chí và dư luận nhiều hơn, bởi vì người nói không có lửa sao có khói, người dân là không thể qua mặt được họ, cho nên cơ chế dân biết, dân làm, dân kiểm tra là hay nhất".
Blogger Nguyễn Lân Thắng cho rằng dù có phát hiện tài sản bất minh đi nữa, nếu có ý kiến chỉ đạo từ trung ương thì mọi chuyện cũng bị chìm.
"Một cơ chế độc đảng mà đảng lại không có cơ chế pháp luật điểu chỉnh các hoạt động của đảng. Cho nên khi mọi người quan sát thấy các vụ trọng án thì người ta không xử theo pháp luật mà người ta xử lý theo nghị quyết xử lý theo chỉ đạo từ trung ương. Nếu như có phát hiện một tài sản bất minh thì ngay cả những người trong hệ thống nếu như thật sự người ta muốn làm cho nó đúng theo pháp luật thì cũng rất là khó. Cho dù đưa ra các bằng chứng thông tin như thế nào mà có ý kiến từ trung ương đảng thì nó cũng bị chìm".
Kết luận Thanh tra Chính phủ vào năm 2017 đã phát hiện ông Phạm Sỹ Quý nguyên giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái đã kê khai tài sản thiếu trung thực hàng ngàn m2 đất, nhiều nhà cửa, biệt phủ và tiền bạc với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng, ông Quý khai rằng có nhiều tiền như vậy là nhờ ông buôn bán chổi đót. Tuy nhiên, hình thức xử lý đối với ông Quý là chỉ gián chức từ giám đốc sở Tài nguyên Môi trường xuống cấp phó.
Ngoài ra, có nhiều vụ việc bị người dân phát hiện tố cáo tham nhũng nhưng hình xử lý đối với các trường hợp này thì chỉ giơ cao đánh khẽ giống như vụ ông Quý.
Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong số các nước có tình trạng tham nhũng cao trong bảng xếp hạng Chỉ số Nhận thức Tham Nhũng năm 2017 được công bố đầu năm nay, Việt Nam được 33/100 điểm, là quốc gia đứng thứ 133/176 trên bảng