Doanh nghiệp ngoại cảnh báo ‘thiệt hại kinh tế nghiêm trọng’ do Luật an ninh mạng (VOA, 04/12/2018)
Đại diện các doanh nghiệp Mỹ và Châu Âu hôm 4/12 cảnh báo việc thực thi Luật an ninh mạng có thể gây ra "thiệt hại kinh tế nghiêm trọng", cũng như "ảnh hưởng" đến sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của Việt Nam.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018 diễn ra hôm 4/12 ở Hà Nội
Những cảnh báo trên được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam ở Hà Nội, một sự kiện thường niên, theo tin trên các báo mạng Một Thế Giới, Tin Tức, Vietnam Finance và Bnews.
Các bài tường thuật của báo chí trong nước cho hay đại diện cho Phòng Thương mại Hoa Kỳ, AmCham, tại sự kiện là ông Michael Kelly, chủ tịch của hiệp hội này tại Việt Nam. Đại diện cho Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam là các ông Chủ tịch Denis Brunetti và Đồng Chủ tịch Nicolas Audier.
Một trích đoạn phát biểu của đại diện AmCham, được báo chí trong nước đăng lại, nêu ra lo ngại rằng Luật an ninh mạng và một dự thảo nghị định liên quan nếu được thi hành sẽ "buộc cục bộ hoá dữ liệu", đồng nghĩa với "cản trở luồng dữ liệu tự do", mà điều này có thể gây ra "thiệt hại nghiêm trọng" cho nền kinh tế Việt Nam.
Luật an ninh mạng gây nhiều tranh cãi, lo lắng, được ban hành hồi tháng 6/2018, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019 sắp tới. Một dự thảo nghị định về thực thi luật được công bố vào đầu tháng 10/2018 với một số điều khoản bị xem là "xâm phạm không gian riêng tư" càng làm gia tăng sự phản đối từ nhiều giới.
Có hai điểm trong dự thảo nghị định bị giới kinh doanh và công chúng xem là "cực kỳ nghiêm trọng".
Thứ nhất, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ internet phải lưu trữ dữ liệu người dùng và cung cấp theo yêu cầu từ Cục an ninh mạng, Bộ Công an.
Dữ liệu đó gồm thông tin cá nhân, kể cả số thẻ tín dụng, hồ sơ y tế, hồ sơ tài chính, quan điểm chính trị ; dữ liệu do cá nhân tạo ra như nội dung tương tác, thông tin tải lên ; và dữ liệu về mối quan hệ của cá nhân.
Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ internet phải lưu trữ thông tin trong suốt thời gian hoạt động hoặc đến khi không còn cung cấp dịch vụ. Quy định này, nếu chính thức được áp dụng, sẽ "tạo nên gánh nặng lớn" về kinh tế cho doanh nghiệp, đặc biệt với các nhóm khởi nghiệp.
"Việc ngăn chặn luồng dữ liệu tự do khiến cho sự kết nối trở nên tốn kém hơn cho người dân và doanh nghiệp … Sự ngăn chặn này cũng làm suy yếu khả năng tồn tại và sự tin cậy của các dịch vụ dựa trên các ‘đám mây’ [điện toán] trong một loạt lĩnh vực kinh doanh cần thiết cho nền kinh tế số hiện đại", đại diện của AmCham nêu ý kiến tại Diễn đàn Doanh nghiệp hôm 4/12, theo Một Thế Giới.
Đại diện của EuroCham chỉ ra thực tế là các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam đang vận dụng tối đa các cải tiến của công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh và thương mại xuyên biên giới. Theo lời của vị đại diện này, nhiều công ty đang sử dụng điện toán đám mây, mạng xã hội, thanh toán trực tuyến và các công nghệ thông minh để vận hành doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đại diện của EuroCham lưu ý rằng những công nghệ đó được cung cấp bởi các nhà cung cấp nước ngoài, hầu hết không có cơ sở hay chi nhánh tại Việt Nam. Vì vậy, vị đại diện nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp nêu trên "cần có khả năng chuyển tải dữ liệu xuyên quốc gia".
Đánh giá Việt Nam trong bối cảnh chung của các nước ASEAN, đại diện EuroCham cho rằng "Nghị định Hướng dẫn Luật an ninh mạng sẽ tạo sự ảnh hưởng nhất định đến sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh trong tương lai của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, theo hướng công nghệ cao và đổi mới sáng tạo", theo tin trên các báo.
Việt Nam sẽ sớm trở thành "quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á yêu cầu lưu trữ tất cả dữ liệu trong nội địa", vị đại diện nêu ra nhận xét.
Trong hoàn cảnh như vậy, đại diện của EuroCham khuyến nghị rằng để đảm bảo khả năng cạnh tranh bền vững của Việt Nam trong khu vực, phù hợp với thực tiễn và các tiêu chuẩn bảo mật ngày càng cao của quốc tế, "Việt Nam nên áp dụng hệ thống phân loại dữ liệu mà chỉ những dữ liệu có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng sẽ phải lưu trữ tại Việt Nam".
Vị đại diện nói thêm rằng một số quốc gia trong đó có Indonesia cũng đang áp dụng cách tiếp cận này.
Internet, mạng xã hội ngày càng có nhiều người sử dụng ở Việt Nam
Luật sư Trần Vũ Hải, chủ hãng luật có hợp đồng với nhiều công ty ở Việt Nam, chia sẻ với VOA góc nhìn của ông về tác động của Luật an ninh mạng đối với doanh nghiệp nước ngoài :
"Các công ty dịch vụ đấy họ thấy rằng tốn kém quá, tự nhiên phải có rất nhiều người, phải kiểm soát nội dung, phải liên lạc với nhà chức trách, phải mở văn phòng đại diện, và chi phí đội lên. Và người ta bảo ‘Thôi, tôi không mở dịch vụ trên nền tảng internet ở Việt Nam nữa, hoặc nếu chúng tôi làm mà bị chặn thì tốt nhất là chúng tôi không làm".
Ông Hải đưa ra nhận định rằng do "ngao ngán" với các rào cản và chi phí ở Việt Nam, các công ty công nghệ của nhiều nước sẽ tránh làm ăn, và như vậy "có lẽ chỉ có những công ty công nghệ Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế trong không gian mạng Việt Nam".
Riêng về các đại công ty như Facebook, Google và YouTube của Mỹ, vị luật sư dự đoán rằng họ "chưa chắc đã chịu" tuân thủ các quy định của Luật an ninh mạng, mà thay vào đó họ sẽ vận động để giới chức Mỹ can thiệp thông qua "những thoả thuận song phương".
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp hôm 4/12, đại diện EuroCham nhắc nhở rằng Luật an ninh mạng của Việt Nam có thể tác động đến số phận của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, EVFTA.
Các báo Tin Tức và BNews cho biết Đồng Chủ tịch ông Nicolas Audier đã phát biểu tại diễn đàn rằng mới đây Ủy ban Châu Âu đã trình dự thảo hiệp định lên Hội đồng và Nghị viện Châu Âu để phê chuẩn. Mặc dù ông Audier xem đó là "bước tiến tích cực", song ông cảnh báo là quy trình phê chuẩn "chưa kết thúc" vì còn "nhiều thách thức" đang chờ ở phía trước.
Ông lưu ý rằng qua phiên điều trần trước Ủy ban Thương mại Quốc tế, "vấn đề liên quan tới Luật an ninh mạng sẽ là một trong những thảo luận thiết yếu ở Nghị viện Châu Âu", theo các bản tin.
Về vấn đề này, luật sư Trần Vũ Hải nhận định với VOA :
"Nghị viện Châu Âu sẽ có cuộc tranh luận về Luật an ninh mạng. Và họ cho rằng Luật an ninh mạng là cản trở, và dẫn tới có khả năng là sẽ có nhiều người họ không ủng hộ luật đó. Và nếu không thông qua [EVFTA], Việt Nam phải mất thêm 1, 2 năm để vận động, và cũng chưa biết nó thế nào".
Đại diện của EuroCham, ông Nicolas Audier, khuyến nghị chính phủ Việt Nam "nên đánh giá rộng hơn" mức độ ảnh hưởng của Luật An ninh Nạng tới giới đầu tư trực tiếp nước ngoài và nền kinh tế.
Trong khi đó, đại diên AmCham bày tỏ hy vọng "được làm việc với các lãnh đạo Việt Nam" về các tiếp cận chính sách nhằm "thúc đẩy các mục tiêu cơ bản" của Luật an ninh mạng, đồng thời "giảm thiểu sự gián đoạn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam".
Theo dõi các ý kiến được hai hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài quan trọng ở Việt Nam nêu ra tại Diễn dàn Doanh nghiệp, luật sư Trần Vũ Hải nói chính phủ Việt nam cần có đề xuất với quốc hội về việc "hoãn hiệu lực" của luật này vào ngày 1/1/2019 tới, hay ít nhất cũng nên "sớm đề xuất sửa" luật này.
Trong khi đó, 26 tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã đưa lên mạng 3 bản kiến nghị phản đối Luật an ninh mạng, thu hút được hơn 110.000 chữ ký trong gần 5 tháng trở lại đây, theo thông tin đăng trong diễn đàn Góc nhìn Báo chí-Công dân trên nền tảng Facebook.
Một nhóm có tên Save NET cho biết hôm 1/12 họ đã chuyển danh sách chữ ký của bản kiến nghị cuối cùng, với yêu cầu quốc hội "hoãn thi hành" Luật an ninh mạng, đến các văn phòng đại biểu.
Save NET nhấn mạnh rằng "đây chưa phải là điểm dừng" và họ sẽ tiếp tục phản đối Luật an ninh mạng chừng nào luật này "còn đe dọa tới sự tự do biểu đạt của người dân".
******************
Người dân Thủ Thiêm về dựng lều trên đất giải tỏa (RFA, 04/12/2018)
Một số người dân ở Thủ Thiêm, quận 2 đã về dựng lều ngay trên phần đất cũ của mình, chứng tỏ vấn đề Thủ Thiêm chưa được giải quyết căn cơ và chưa làm yên lòng dân.
Toàn cảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Screen Capture
Truyền thông trong nước dẫn lời phát biểu của Bí thư thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân tại kỳ họp thứ 12 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa IX như vừa nêu.
Theo ông Nhân, từ tháng 4 và 5/2018 đoàn đại biểu Quốc hội đã tập hợp tất cả khiếu nại của bà con báo cáo Thường vụ Quốc hội và tiến hành thanh tra. Sau khi có kết luận của thanh tra vào tháng 9, chính phủ đã có thông báo 1483 về việc giải quyết các vấn đề khiếu nại của người dân tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Nhân nhấn mạnh, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã có 22 năm kể từ khi Thủ tướng phê duyệt từ năm 1996 nên rất khó có thể giải quyết nhanh được nên thành phố đã định hướng trước khi có kết luận thanh tra và khi có thông báo kết luận thì tiến hành giải quyết ngay.
Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân còn cho rằng, những ngày qua một số bà con đã trở về dựng lều trên phần đất cũ của mình nhưng đó không phải là giải pháp căn cơ, chính sách đền bù bao nhiêu thì phải làm đúng quy trình. Ông hy vọng qua kỳ họp này, các đại biểu sẽ tìm ra hướng giải quyết cũng như chính sách bồi thường thỏa đáng cho bà con Thủ Thiêm.
Ngoài ra, theo yêu cầu của thanh tra chính phủ, thành phố đã có 10 phiên họp, 3 cuộc làm việc với các Chủ tịch, phó chủ tịch thành phố qua 4 nhiệm kỳ để làm rõ trách nhiệm vấn đề liên quan Thủ Thiêm.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một siêu dự án có gần 15.000 hộ dân thuộc diện đền bù và giải tỏa hơn 60.000 hộ dân. Từ khi Thủ tướng ký quyết định 367 phê duyêt quy hoạch Thủ Thiêm vào 4/6/1996 đến nay, quá trình triển khai dự án đã trải qua 4 đời chủ tịch như vừa nêu.
Nhiều người dân Thủ Thiêm phải đi khiếu kiện suốt hơn 20 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Tình cảnh của họ được cho biết rất khốn đốn.
********************
Tổng Giáo Phận Hà Nội phản đối chính quyền xây dựng trên đất của giáo hội (RFA, 04/12/2018)
17 linh mục thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội đã đến Ủy Ban Nhân Dân Quận Hoàn Kiếm vào trưa ngày 3/12 yêu cầu chính quyền dừng việc thi công tại số 29 phố Nhà Chung do quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư, cũng như giải quyết đơn khiếu nại liên quan đến vụ việc đã gửi trước đó.
Khu vực số 29 phố Nhà Chung nhìn từ cổng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Courtesy of nhathothaiha.net
Trang mạng của Dòng Chúa Cứu Thế - Giáo Xứ Thái Hà loan tin trên cho biết trong số 17 linh mục có vị chánh văn phòng Tòa Tổng Giám mục Anphongsô Phạm Hùng.
Tin cho hay khi đến Ủy Ban Nhân Dân Quận Hoàn Kiếm, các vị linh mục không được gặp lãnh đạo Quận với lý do tất cả bận họp theo lịch. Linh mục Phạm Hùng thì cho biết ông đã gọi điện thoại báo trước.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, trưởng Ban Tiếp công dân Quận, thay mặt trao đổi và một người được giới thiệu là ông Quang, thuộc Ban nội vụ của Quận cũng tham gia cuộc gặp.
Các linh mục đã nhấn mạnh 4 nội dung chính với bà Hoa và ông Quang gồm đơn thư khẩn cấp của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội chưa được giải quyết ; hai là chính quyền vẫn tiếp tục thi công công trình trên khu đất ; ba là đề nghị Quận Hoàn Kiếm có cuộc đối thoại với Tòa Tổng Giám Mục trước ngày 18/12 ; bốn là yêu cầu Quận Hoàn Kiếm cho dừng việc thi công công trình tại số 29 số Nhà Chung ngay lập tức.
Tại buổi làm việc, bà Hoa cũng đã cung cấp cho các linh mục 2 văn bản gồm văn bản Ban Tiếp công dân chuyển đến Giám đốc ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Quận liên quan đến khiếu nại của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội ; tờ còn lại là bản sao gửi lại cho Tòa Tổng Giám mục Hà Nội có chữ ký của nữ tu trực văn phòng đã nhận.
Linh mục Giuse Đỗ Văn Tuyến có mặt tại buổi làm việc nói với bà Hoa rằng việc làm này của Ủy ban chỉ nhằm kéo dài thời gian và lảng tránh trách nhiệm.
Hơn 3 giờ chiều, bà Hoa cho biết ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Quận không thể về kịp. Các linh mục được mời ký vào sổ kiến nghị tiếp công dân và ra về.
Vào ngày 5/11/2018, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã Đơn Kiến nghị khẩn cấp gửi đến Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan chính quyền Hà Nội phản đối việc chính quyền ngang nhiên xây dựng công trình Trường Tiểu học Tràng An tại số 29 phố Nhà Chung.
Trước kia đây là cơ sở Trường Dũng Lạc nằm trên khu đất thuộc quyền sở hữu của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, có chứng nhận bằng khoán điền thổ số 1794, quyển 9, trang 191.
Tòa Tổng Giám mục Hà Nội khẳng định chưa hề có bất cứ một văn bản nào về việc hiến, tặng, cho hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất và tài sản tại đây cho bất cứ ai.
Các vụ cơ sở, đất đai tôn giáo bị phía chính quyền, cơ quan chức năng thay đổi chức năng sử dụng, phá hủy, sang nhượng xảy ra lâu nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Có thể điểm lại một số vụ như cơ sở Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Thánh Phaolô Hà Nội, Thánh đường Hồi Giáo ở Quận 3 - Sài Gòn, Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm - Sài Gòn, Đan viện Thiên An - Huế…
****************
Việt Nam tìm kiếm giải pháp cho an toàn thực phẩm (VOA, 04/12/2018)
Giống như bất cứ một thanh niên nào của thế hệ Y, Bích Ngọc đam mê những tấm hình chụp đồ ăn, thức uống trên Instagram. Nhưng không phải chỉ là sự cám dỗ vì những bức hình đẹp, cô lên mạng xã hội còn để kiểm tra xem những cách nấu nướng nào là an toàn. Cô gái 18 tuổi này là một trong số nhiều những người Việt đang ngày càng trở nên thận trọng hơn về những hiểm họa đang ẩn núp trong những món ăn của họ. Ngọc theo dõi những người nổi tiếng trên mạng xã hội cũng như đọc các phần bình luận trong các bài viết trên trang web Foody để quyết định xem có nên tin tưởng một nhà hàng, một thương hiệu hay một món nào đó hay không.
Một phụ nữ bán hải sản ở một chợ truyền thống ở thành phố Bảo Lộc ở Tây Nguyên. An toàn thực phẩm đang là mối lo hàng đầu của người dân Việt Nam, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới.
"Theo như tôi hiểu, sức khỏe của chúng ta là rất quan trọng", Ngọc nói. "Nếu tôi bị đau bụng, đau nhẹ thì ok nhưng nếu đau nặng thì tôi phải đi chữa trị. Do đó tốt hơn là phòng tránh để không bị bệnh".
Các vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm xảy ra thường xuyên ở Việt Nam và các doanh nghiệp cũng như những người tiêu dùng đang tìm kiếm các giải pháp trong khi ngày một nhiều các vụ việc như vậy. Những người bán hàng rong thường tái sử dụng các loại dầu ăn nhiều lần đến nỗi nó trở nên độc hại. Các đoạn video được chia sẻ trên mạng cho thấy một người bán hàng nhuộm phẩm các loại rau để chúng trông tươi ngon hơn. Và gần đây, vụ trộn hóa chất từ pin vào cà phê và hạt tiêu đã dẫn đến việc năm người bị bắt giam vào tháng 4 vừa qua.
Thực phẩm bẩn tràn lan
Các vấn đề về an toàn thực phẩm khiến Việt Nam phải tiêu tốn 740 triệu USD và nó trở thành nỗi lo hàng đầu của công chúng, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank). Có thể kể đến nhiều lý do gây tổn thất sản lượng, từ việc người lao động bị ốm phải nghỉ làm, cho tới việc nông dân phải tiêu hủy hoa màu nhiễm bệnh hoặc gia cầm chết non.
Từ vụ rau xà lách nhiễm khuẩn ở California cho tới vụ dâu tây có kim khâu ở Úc, không có nơi nào trên thế giới là không bị các nguy cơ về an toàn thực phẩm. Nhưng ở Việt Nam, những nguy cơ này thường được coi là một thực tế phổ biến đáng buồn hơn là một sự may rủi. Ở quốc gia có khoảng 100 triệu dân này, hiếm có ai đi ăn ngoài mà chưa một lần bị ngộ độc thức ăn. Ngộ độc thức ăn có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, dù là ăn ngoài đường hay ăn trong một khách sạn 5 sao.
Cửa hàng máy lạnh so với quán ăn ngoài đường
Những mối lo ngại này phản ánh sự thay đổi trong ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam. Chuỗi nhà hàng Phở Ông Hùng hay Thai Express đang ngày một phát triển mạnh. Và cũng đang có một sự bùng nổ các cửa hàng tiện ích, với việc 7-Eleven vào thị trường của quốc gia Cộng sản năm 2017 để cạnh tranh với các chuỗi cửa hàng như Circle K của Mỹ, Family Mart của Nhật Bản và Coopmart của Việt Nam.
Người tiêu dùng nhận ra các nhãn hàng và tin rằng, dù đúng hoặc không đúng, các sản phẩm như sò ngao hay đậu nhớt đóng gói ni lông từ các cửa hàng có điều hòa máy lạnh vẫn an toàn hơn từ các chợ ngoài đường.
Tương tự như vậy, việc mạng lưới các cửa hàng tạp hóa có đủ mọi thứ phát triển khắp nơi cho người mua sắm một sự đảm bảo về tính nhất quán.
"Vấn đề là làm thế nào để thích ứng với nhu cầu của khách hàng", Lê Thị Minh Trang, giám đốc chất lượng tại các siêu thị của Auchan Việt Nam cho biết.
Theo bà Trang, 90% lượng hàng của công ty bà có nguồn gốc trong nước và công ty này kiểm soát chất lượng bằng cách yêu cầu các nhà cung cấp đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định. Ví dụ, một số phải có chứng nhận nông nghiệp sạch, hay chứng nhận GAP, và các bảo đảm khác đối chiếu với dành mục hàng bị cấm của công ty.
Các doanh nghiệp khác thì đang cố gắng cải thiện mức độ vệ sinh. Một trong số đó là CP Việt Nam, Công ty cổ phần chăn nuôi được biết tiếng với các sản phẩm nông nghiệp như trứng và thịt vịt. Công ty này tập trung vào việc truy xuất nguồn gốc để mọi người có thể theo dõi việc mua hàng của họ trong suốt chuỗi cung ứng.
Lạm dụng hóa chất
Ngoài ra còn có Phoenix, một công ty kinh doanh lớn mặt hàng gạo, đang tìm giải pháp cho các cánh đồng lúa bị phun thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ một cách bừa bãi. Công ty này đang làm việc với các nông dân để làm các cánh đồng thoát nước sớm hơn do đó họ không cần dùng nhiều thuốc diệt nấm để diệt nấm mốc.
"Rất nhiều loại hóa chất nông nghiệp đang được sử dụng ở Việt Nam", Vivek Sharma, phó chủ tịch Phoenix ở Đông Nam Á, cho biết vào tuần trước tại một hội nghị an toàn thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh do Công ty Tài chính Quốc tế của Ngân hàng Thế giới tổ chức.
Nhưng cũng có một nguy cơ của việc phải chạy theo xu thế quá mức, hoặc chịu sức ép phải làm cho thực phẩm "trông" an toàn hơn. Giống như các nhà cung cấp dán nhãn "thực phẩm hữu cơ" ở Mỹ, các cửa hàng của Việt Nam cũng chạy theo nhãn thực phẩm "xanh và sạch", nhưng không có gì đảm bảo là thực phẩm ở bên trong có đúng chất lượng như quảng cáo trên bao bì hay không.
Chợ ngoài đường vẫn được ưa chuộng
Tuy nhiên theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, người Việt Nam vẫn mua 80% lượng thực phẩm từ các chợ truyền thống.
Một trong số những người đó là Nguyễn Ngân, một người bán đồ ăn nhẹ như viên cá và trứng chim cút từ một "cửa hàng rong" trên xe máy của mình. Là một người mua sắm, ông Ngân nói rằng ông không có khả năng mua đồ ở siêu thị, nhưng cũng thích các chợ ngoài trời vì ông có thể mua các sản phẩm tươi sống trực tiếp từ nông dân và ngư dân.
"Tôi nghĩ rằng cá có chất lượng tốt, tôi ăn nó và không có bất kỳ vấn đề gì", người đàn ông 51 tuổi nói.
Nhưng Việt Nam vẫn chưa bằng Thái Lan, nơi thức ăn đường phố có giá cả phải chăng và được coi là tương đối an toàn. Do đó, người Việt Nam sẽ tìm kiếm các lựa chọn sạch sẽ, đặc biệt là lựa chọn thay thế cho những gì họ cho là đồ nhập khẩu giá rẻ và không an toàn từ Trung Quốc. Các cuộc khảo sát người tiêu dùng cho thấy người Việt Nam ngày càng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho thực phẩm an toàn. Theo Ngân hàng Thế giới, đây là mối quan tâm lớn nhất đối với người dân địa phương, thậm chí còn quan trọng hơn các vấn đề như tham nhũng hay chi phí sinh hoạt.
Ha Nguyen
*******************
Việt Nam thiết lập đường dây điện thoại nóng giúp tố cáo tham nhũng (RFI, 04/12/2018)
Reuters hôm 04/12/2018, trích dẫn truyền thông trong nước, Việt Nam đã cho thiết lập một đường dây điện thoại nóng để người dân tố cáo tệ nạn tham nhũng của ngành công an, trong bối cảnh hàng chục viên chức đã bị ngồi tù.
Công an Việt Nam trên đường phố Hà Hội. Ảnh minh họa. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam
Một viên chức phụ trách trả lời điện thoại cho Reuters biết là số điện thoại đỏ này ban đầu được dự kiến dùng cho các trường hợp liên quan đến công an giao thông, nhưng bây giờ thì được mở ra để nhận tố cáo tham nhũng trong toàn ngành.
Viên chức trên tuy nhiên không cho biết là đã nhận bao nhiêu cú điện thoại trong một ngày.
Theo thông cáo của Bộ Công An, người tố cáo phải cho biết đầy đủ họ tên, địa chỉ, số điện thoại của mình, còn thông tin phải đầy đủ, không mơ hồ, bằng không thì lời tố cáo không được ghi nhận.
Theo hãng Reuters, hiện nay Việt Nam đang trong chiến dịch chống tham nhũng. Trong ngành công an, thứ Sáu vừa qua, có hai viên chức cao cấp bị án đến 10 năm tù vì tổ chức cờ bạc trái phép huy động đến hàng trăm triệu đô la.
Trong khi đó thì việc người dân đi đường phải nộp tiền cho công an vì những sơ xuất nhỏ là chuyện thường thấy.
Mai Vân