RFA, 01/07/2022
Tòa án Quân sự khu vực I Quân khu 5 hôm 27/6 tuyên năm bị cáo với tổng cộng 41 năm tù giam vì "cố ý gây thương tích" dẫn đến cái chết cho quân nhân Nguyễn Văn Thiên tại Trung đoàn Bộ binh 991 hồi tháng 11 năm ngoái.
Người nhà nạn nhân
Trong đó, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Vô tuyến điện Trần Đức Lợi bị tuyên tám năm tù giam ; bốn bị cáo còn lại đều là Binh nhất thuộc Trung đội thông tin gồm : Nguyễn Đình Tâm (người khởi xướng vụ việc) bị tuyên 9 năm 6 tháng tù giam ; Trần Văn Mạo (người được cho là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của bị hại) bị tuyên 9 năm 6 tháng tù giam.
Hai bị cáo còn lại là Ksor Đim và Rmah Tùy bị tuyên cùng mức án bảy năm tù.
Binh nhất Nguyễn Văn Thiên, sinh năm 1998, ở thôn 2, xã Nghĩa An, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai, nhập ngũ theo diện nghĩa vụ hồi tháng 2 năm 2020, nhưng bị đánh chết ở nhà tắm của đơn vị khi chỉ còn một tháng nữa là ra quân.
Tuy nhiên, ngay sau đó, đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai lại khẳng định, các vết bầm trên thi thể là do quân nhân Thiên tự té ngã và do mổ khám nghiệm tử thi gây nên chứ không phải là xô xát, đánh nhau.
Ông Nguyễn Văn Lâm, cha của bị hại nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại cho rằng, gia đình cảm thấy không thỏa mãn về phiên tòa này. Ông nói :
"Tuyên ra 5 người đây, bản án thì… nghĩ là nó đưa ra không hợp lệ vì những hung khí này nọ, vì những cái xô nhựa nhẹ vậy thì cũng không thể đánh chết người được.
Còn những bị cáo nói tư thế đánh cũng không đúng, theo các luật sư diễn tả thì không thể dùng xô nhựa mà đánh chết được do đó cái chết này mình cũng chưa rõ nguyên nhân là ai đánh chết".
Báo chí nhà nước cho đến ngày 1/7/2022 vẫn không đưa tin tức gì về phiên tòa.
Theo cáo trạng của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực 52 ban hành ngày 25/4/2022 thì ba quân nhân Nguyễn Văn Thiên, Huỳnh Văn Trung và Nguyễn Văn Hưng rủ nhau bỏ đơn vị ra ngoài chơi và uống rượu vào 15 giờ ngày 29/11/2021.
Chỉ huy đơn vị sau đó kiểm tra quân số và phát hiện sự vắng mặt của những quân nhân này nên tổ chức đi tìm và đến khoảng 19 giờ cùng ngày khi cùng xem tivi thì bị cáo Nguyễn Đình Tâm nói chuyện với các quân nhân khác bàn về hình thức cả đơn vị bị kỷ luật và cần đánh ba quân nhân trên để trả thù.
Hai quân nhân trong đó có Nguyễn Văn Thiên được đơn vị phát hiện và đưa về doanh trại, đến 21 giờ thì Thiên lên giường nằm và bị gọi ra nhà tắm, tại đây bị hại Thiên bị năm bị cáo đánh đập đến bất tỉnh.
Sau đó các bị cáo làm mọi cách để nạn nhân tỉnh lại nhưng không được nên đưa về giường nằm vì tưởng bị hại đang ngủ vì say rượu.
Một lúc sau một quân nhân đi ngang và thấy Thiên nằm sủi bọt mép nên đã gọi đơn vị đi cấp cứu nhưng tử vong khi đang trên đường cấp cứu.
Luật sư Lê Xuân Anh Phú, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho phía bị hại cho RFA biết, nội dung cáo trạng thì mô tả Trần Văn Mạo là người cầm xô nhựa đánh phần cạnh đáy xô vào đầu của bị hại rồi trượt ngã, tuy nhiên ở phiên tòa thì bị cáo nói là trượt ngã rồi cái xô mới đập vào đầu của nạn nhân.
Việc khác nhau của hai tư thế đánh cùng với việc nhận định cái xô nhựa 5 lít không thể là nguyên nhân gây ra chấn thương sọ não cho quân nhân Nguyễn Văn Thiên nên các luật sư yêu cầu trả hồ sơ để điều tra lại nhưng không được chấp nhận. Luật sư Phú nói :
"Họ không thực nghiệm điều tra, họ chỉ dựng lại hiện trường và viện kiểm sát tranh luận cho rằng việc đánh đó xảy ra trước nhiều nhân chứng, và các bị cáo cũng khai như vậy cho nên là đủ căn cứ để kết luận bị cáo đánh.
Còn mình bảo là nếu vậy phải thực nghiệm điều tra cho nó thuyết phục chứ, phải cho các bị cáo tâm phục khẩu phục và cũng cho gia đình bị hại thấy thoải mái nếu như là nếu có thực nghiệm sáng tỏ hơn thì họ sẽ thấy thoải mái hơn về tư tưởng".
Luật sư Phú cũng cho biết, chiếc xô nhựa 5 lít làm bằng chứng trước tòa chỉ là vật đồng dạng, không phải là hung khí gây án do không tìm thấy trong quá trình điều tra.
Đại diện Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai trong phiên tòa cho biết, liên quan đến vụ án thì đã xử lý kỷ luật hơn 20 cán bộ, nhưng không tiết lộ gì hem.
Riêng luật sư Lê Xuân Anh Phú cho rằng, quy chế quản lý quân nhân bằng cách cho cả tiểu đội bị phạt khi có một quân nhân trong đơn vị vi phạm kỷ luật là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết cho bị hại Nguyễn Văn Thiên, cho nên cần xem xét lại quy chế kỷ luật này.
Nguyễn Văn Thiên tử vong ngày 29/11/2021 nhưng tới ngày 15/01/2022 gia đình mới nhận được kết quả giám định
Cha của quân nhân Thiên cũng cho biết sẽ có yêu cầu để làm sáng tỏ nguyên nhân khách quan của vụ án và sự thật ai đã gây nên cái chết của con trai ông.
**********************
RFA, 01/07/2022
Ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đưa ra đề xuất, cho cán bộ sai phạm nộp tiền khắc phục hậu quả để tránh xét xử hình sự, khi Tham gia Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng sáng 30/6/2022.
FP PHOTO
Đề xuất của vị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo nhận định của Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trao đổi với RFA từ Sài Gòn hôm 1/7, là "có vẻ như tạo môi trường thuận lợi hơn cho nạn tham nhũng…" :
"Tôi thật sự kinh ngạc về đề xuất của ông Lê Minh Trí. Vì lẽ, ông ấy đang chủ trương áp dụng quy định riêng biệt cho cán bộ khi họ phạm tội, theo hướng nương nhẹ cho tội phạm. Điều này hoàn toàn đi ngược với mọi nỗ lực bảo đảm về quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật đã được ghi nhận theo hiến pháp và bộ luật hình sự.
Không chỉ dưới khía cạnh pháp luật, mà thực tế, đề xuất của ông Trí có vẻ như tạo môi trường thuận lợi hơn cho nạn tham nhũng hoành hành trong xã hội. Vì người tham nhũng biết rõ, cứ tham nhũng, nếu bị phát hiện thì chỉ cần trả lại là thoát tội!
Thế nên, tôi mong đề xuất của ông Lê Minh Trí sẽ không được chấp thuận để trở thành chính sách".
Tuy vậy, để biện luận cho đề xuất trên là có cơ sở và hoàn toàn có lý, ông Trí nói với cách làm theo đề nghị của ông, nhà nước sẽ thu hồi được phần lớn tài sản thất thoát do người vi phạm chủ động khắc phục để không bị xử lý. Ngoài ra, theo ông Trí, với cách này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ không phải băn khoăn nhiều về việc phải xử lý cán bộ, đồng chí của mình như ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng "than thở" khi hai ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long bị bắt tạm giam và khởi tố : "Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Rất đau xót, điều này nhiều lần tôi nói rồi, nhưng buộc phải làm…".
Có ý kiến về cùng đề tài trên, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, nói với RFA hôm 1/7/2022 :
"Vấn đề đền tiền khắc phục hậu quả để không bị xử lý hình sự, thì gần như là người tham nhũng không bị gì. Vì trong suốt đời công tác, họ tham nhũng rất nhiều, nhưng sơ suất bị lộ ra thì không nhiều, chỉ một hai vụ. Có thể chỉ là những vụ nhỏ so với toàn bộ quá trình tham nhũng, ví dụ tiền khắc phục hậu quả của vụ đó chỉ năm mười tỷ, trong khi những vụ khác cả ngàn tỳ thì gần như không bị gì. Cả quá trình công tác của họ, nếu không có tiền thì làm sao mà lên chức được. Cho nên việc này đi ngược lại tinh thần chống tham nhũng là phải trừng trị và răn đe, phải có án tử hình như ông tướng Chung ‘con’ nói mới đúng. Chứ không phải lùi lại bằng cách dùng tiền khắc phục hậu quả, tiền của các ông là tiền tấn, khắc phục hậu quả thì coi như các ổng không việc gì".
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí. Courtesy kiemsat.vn
Bộ luật Hình sự 2015 tại khoản C Điều 40 về hình phạt tử hình quy định rằng người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc điều tra thì không thi hành án tử hình. Điều luật này trước đây chỉ được áp dụng riêng cho những ‘tham quan’ bị tuyên án tử hình, nhưng sau đó đã được sửa đổi bằng Nghị quyết 3/2020 và kể từ ngày 15/2/2021, bất kể mức án tham nhũng nào cũng được áp dụng việc không thi hành mức án cao nhất khung nếu nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng.
Dù Nghị quyết 3/2020 chỉ giúp cán bộ tham nhũng thoát án tử hình, nhưng khi trả lời RFA vào thời điểm Nghị quyết này sắp có hiệu lực, Luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội cho rằng (chúng tôi trích đăng lại ) :
"Có thể người ta đưa ra quy định này để khuyến khích người khác nộp lại tài sản tham ô để nhà nước thu hồi được tiền đó. Tuy nhiên tôi nghĩ đó là một cửa để lách cho những người phạm tội. Nếu đúng nguyên tắc pháp luật thì đó là một quy định sai lầm".
Trở lại với đề xuất của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí hôm 30/6 về việc cho cán bộ sai phạm nộp tiền khắc phục hậu quả để tránh xét xử hình sự... nhiều người còn cho rằng nếu đề xuất này thành chính sách sẽ đẩy công cuộc chống tham nhũng trở lại vị trí xuất phát.
Trả lời RFA từ Na Uy hôm 1/7/2022, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định :
"Theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, tất cả các cá nhân đều công bằng trước pháp luật. Nếu một người bị vi phạm thì bất kể họ là ai phải bị chế tài về mặt pháp luật như tất cả những người khác. Tham nhũng là một tội theo quy định của pháp luật. Và người tham nhũng vì vậy phải bị xử lý hình sự theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật".
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng đề xuất của ông Trí thể hiện một tư duy đi ngược lại nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Nếu những cán bộ vi phạm tham nhũng được quyền nộp tiền để khắc phục, thì ngoài xã hội trộm cướp cũng được quyền nộp lại tài sản để khắc phục hậu quả cho nạn nhân (!?).
Tiến sĩ Vũ qua đó nhấn mạnh một xã hội mà ai cũng có quyền nộp tiền để khỏi bị truy tố đối với các hành động vi phạm pháp luật của mình cuối cùng nó sẽ dẫn đến một xã hội vô pháp luật. Ông Vũ kết luận :
"Ông Viện trưởng có thể viện dẫn rằng chế độ nộp tiền khắc phục hành động vi phạm pháp luật chỉ dành cho các cán bộ, và như vậy, một cách chính thức ông công nhận rằng giới cầm quyền thuộc một tầng lớp khác, thượng đẳng hơn, được có nhiều đặc quyền hơn thậm chí trước pháp luật, còn nhân dân bị trị bên dưới thuộc một tầng lớp khác phải chịu đựng một sự cai trị hà khắc hơn".
Nói tóm lại theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, tư duy của ông Viện trưởng là tư duy đảng quyền - đảng cộng sản và các thành viên của nó sẽ có những đặc quyền riêng - nó đi ngược lại tư duy pháp quyền trong đó nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật và bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi công dân.
Vì sao liên tục có nghi án công an đánh chết dân ? (RFA, 04/01/2017)
Cảnh sát cơ động Việt Nam. AFP photo
Chỉ trong 3 ngày đầu tiên của năm 2017 đã xảy ra hai sự việc liên quan đến hành xử của những người mặc sắc phục công an gây phẫn nộ trong dư luận cả nước, đặc biệt là cộng đồng mạng.
Đuổi và đánh
Một đoạn video nhanh chóng được lan truyền khắp cộng đồng mạng vào rạng sáng ngày 2 tháng 1 cho thấy hình ảnh hai người mặc sắc phục công an bị người dân địa phương bắt giữ và hành hung 2 thành viên trong tổ tuần tra, bắt hai người này quỳ gối xin lỗi trước thi thể một thanh niên đã tử vong.
Sự việc này được cho là liên quan đến công an tỉnh Bình Định trong lúc thực hiện công tác tuần tra, truy bắt một nhóm người chơi bầu cua ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Người tử vong là Phạm Đặng Toàn, 24 tuổi.
Theo lời của ông Phạm Đặng Tiến, anh trai nạn nhân thuật lại là nhóm người này không phải tụ tập để đánh bạc lớn, chỉ là hình thức trò chơi "bầu cua cá cọp"
"Đại khái không phải là đánh bạc gì lớn, mà là đánh bầu cua nhỏ nhỏ, 10 ngàn, 20 ngàn. Khi công an ập vô, nó (người thiệt mạng) có tiền nhiều, nó sợ công an bắt nó nên nó chạy trốn. công an rượt theo đánh nó".
Nhiều báo chí trong nước ngay sau đó loan tin này, cùng với tường trình sự việc là Tổ công tác Công an Huyện Tuy Phước đi tuần tra trên các đoạn đường thuộc địa bàn huyện. Đến 22 giờ 15 phút cùng ngày, Tổ tuần tra phát hiện một nhóm thanh niên khoảng 20 - 30 người đang tụ tập tại khu vực chợ Định Thiện đang đánh bầu cua.
Trong một diễn tiến khác xảy ra ngay ngày đầu năm mới được cộng đồng mạng truyền nhau nhanh chóng, vào lúc 0 giờ 24 phút ngày 1/1/2017, tại cổng B trường đại học Cần Thơ đường 3/2 ; phường Xuân Khánh ; Quận Ninh Kiều ; thành phố Cần Thơ, một thanh niên bị cho là ngừng xe trên đường gây lấn chiếm lòng lề đường bị 2 cảnh sát cơ động đánh gây tổn thương nặng.
Bao che, bưng bít
Sự việc trên hoàn toàn không được báo chí trong nước nhắc đến.
Còn đối với cái chết của nạn nhân Phạm Đặng Toàn thì cách truyền tin của báo chí trong nước về sự việc này đã đẩy sự phẫn nộ của người dân lên đến tột đỉnh.
Thiếu tướng Nguyễn Bá Nhiên, giám đốc Công an tỉnh Bình Định được trích dẫn bởi những truyền thông chính thống nói rằng, Trung tâm Pháp y tỉnh đã khám nghiệm tử thi để điều tra nguyên nhân cái chết của anh Toàn. Và theo kết quả mới nhất được loan đi ngày 4 tháng 1 kết luận rằng, nạn nhân Phạm Đặng Toàn chết do chạy quá sức.
Anh của nạn nhân Toàn kể lại :
"Sáng nay khám nghiệm tử thi xong rồi thì công an tỉnh Bình Định nói là đem về tỉnh để xét xử nhưng mà có xét xử hay không cũng không biết rõ được".
Cơ quan pháp y tỉnh Bình Định kết luận anh Phạm Đăng Toàn chết do chạy quá sức. Courtesy of sbtn
Luật sư Võ An Đôn cho biết gia đình nạn nhân ngay sau xảy sự việc có liên lạc với ông để trình bày, và ông sẽ sẵn sàng hỗ trợ pháp lý miễn phí cho gia đình nếu cần thiết.
Tuy nhiên, ông không nghĩ rằng pháp luật sẽ đứng về phía gia đình nạn nhân, cho dù theo ông, trong suốt thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ việc công an đánh chết dân ở nhiều nơi :
"Nhưng khi báo chí đăng rồi, trang mạng lên thì không thấy các cơ quan nhà nước vào cuộc. Mà đã vào cuộc rồi thì cũng im xuôi. Theo tôi được biết, cảm nhận cá nhân cũng như quá trình làm việc, kinh nghiệm cho thấy những vụ việc này đa số là bên phía nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố, bưng bít thông tin, bao che. Và chính tình trạng bao che này nên xảy ra tình trạng đánh chết dân là tất nhiên rồi".
Ngày sau khi câu chuyện nghi án công an Bình Định đánh chết người được lan truyền khắp mạng xã hội cùng với phản ứng mạnh mẽ của người dân, bà Nguyễn Thị Thắm, người đưa đoạn phim lên trang facebook cá nhân đã lên tiếng xin lỗi cộng đồng mạng với lý do đưa tin sai sự thật. Bà Thắm thừa nhận mình là người quay và đăng tải 2 đoạn phim ngắn cảnh 2 công an huyện Tuy Phước bị hành hung.
Tuy nhiên, điều này lại một lần nữa làm cộng đồng mạng nổi giận với hàng loạt những chia sẻ cho thấy họ không tin đây là hành động được thực hiện bởi chủ ý cá nhân của bà Thắm.
Khó giải quyết
Những lý do khác khiến người dân ngày càng bức xúc là những câu chuyện liên quan đến hành xử của công an trong lúc thực hiện việc được gọi là "thi hành công vụ" hoặc người dân tử vong sau khi ra khỏi phường, nhập viện sau khi lên phường làm việc đã không được điều tra và có câu trả lời thoả đáng. Hầu như tất cả nghi án đều đi đến một kết luận là vụ việc đang được tiến hành điều tra, hoặc người bị tố thực hiện hành vi đó bị đình chỉ công tác.
Anh Võ Hướng, người bị công an huyện Tuy Đức đánh liệt nửa người vì cho là có liên quan đến vụ ghi số đề tại nhà vào ngày 8 tháng 11 năm 2016 cho biết, sau 3 tháng, chính quyền địa phương vẫn đang điều tra, chưa thấy thông báo gì cho gia đình.
"Cách đây khoảng 1 tuần 10 ngày, người ta có mời người nhà ra làm việc, hỏi thì người ta nói là đang trong quá trình điều tra, chưa có hồ sơ gì cả".
Luật sư, tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân nói rằng ông rất lo ngại khi những câu chuyện tương tự như thế diễn ra ngày càng phức tạp hơn.
"Bất cứ nơi đâu còn việc đánh thì nó đánh, nó đánh cả luật sư Nam, luật sư Quân. Nhiều thứ nó gây chìm xuồng lắm".
Ông nhận xét về những hành vi của lực lượng công an là "sự ngang nhiên không có pháp quyền và vô pháp luật".
Luật sư Quân cho biết rất khó để mà giải quyết vì trong con người đó và chính lời của họ nói ra, họ đã thừa nhận mình đang phục vụ cho một hệ thống không có pháp luật. Trong hệ thống đó, công an và côn đồ, không phân biệt được.
Kể lại một sự việc đã xảy ra khi ông nhận lời mời đến buổi chiêu đãi ở Đại sứ quán Mỹ, ông đã bị ngăn chặn bởi lực lượng công an. Lúc đầu là những lời lẽ rất lịch sự bởi những người xưng là công an. Nhưng sau đó :
"Nhưng sau khi lý luận một hồi, tôi vẫn cứ đi thì họ xô vào và nói tao là côn đồ đây, mày không được đi. Đi ra là đánh".
Cho đến giờ phút này, chưa có kết luận nào khác do cơ quan chức năng đưa về vụ việc của nạn nhân Phạm Đặng Toàn ngoài kết quả "chết vì chạy quá sức". Trong khi đó, rất nhiều ý kiến tiếp tục chia sẻ truyền nhau trên cộng đồng mạng cho biết họ đang chờ Bộ trưởng Bộ công an có câu trả lời thoả đáng cho sự việc này.
Cát Linh, phóng viên RFA
********************
Cơ quan công an tỉnh Bình Định hôm 4/1 công bố kết quả sơ bộ về nguyên nhân gây ra cái chết của anh Phạm Đặng Toàn (29 tuổi) trong clip "Công an đánh chết dân" là do chạy quá sức dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho phổi, dẫn tới phù phổi và phù não.
Trước đó 1 ngày, dư luận trong nước xôn xao về một clip video quay cảnh nhiều người dân vây quanh hai công an và bắt họ quỳ trước thi thể một thanh niên, được cho là do 2 viên công an trên cùng 6 đồng nghiệp khác đánh chết.
Theo những người sử dụng mạng xã hội, đoạn video kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ đã được quay trực tiếp từ hiện trường là nhà xác của một bệnh viện ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Sau khi video clip lan truyền nhanh chóng trên mạng, ngay trong ngày 4/1, chủ nhân đăng clip là chị Thắm Nguyễn, đã gỡ đoạn clip xuống và đăng một video clip khác, trong đó chị Thắm giải trình rằng thông tin trong clip là không chính xác và gửi lời xin lỗi đến công luận. Kèm theo đó là một văn bản giải trình có chữ ký Thắm Nguyễn.
Tuy nhiên, cả lời giải thích của chị Thắm lẫn kết luận của cơ quan công an đều không thuyết phục được công chúng.
Chị Kim Tiến, con gái của ông Trịnh Thanh Tùng, một nạn nhân bị công an đánh chết vì vi phạm lỗi giao thông vào năm 2011, nói với VOA :
"Trong clip em thấy rõ ràng có những tiếng nói của những người trong vụ việc, họ nói rất rõ trong đó, và hình ảnh 2 người công an quỳ gối rất rõ. Nếu họ không đánh người thì họ sẽ không bao giờ quỳ và cũng không có việc người dân bức xúc tới mức độ phải đuổi theo để bắt công an lại".
Theo giải trình của cơ quan công an Bình Định hôm 3/1, khi đi tuần tra theo kế hoạch trấn áp tội phạm kể từ dịp Tết dương lịch đến Tết âm lịch, tổ công an thấy hàng chục thanh niên tụ tập đánh bạc. Phát hiện ra công an, nhóm thanh niên, trong đó có anh Phạm Đặng Toàn, đã bỏ chạy và để lại dụng cụ xóc bầu cua và một số tiền mặt. Trong lúc kiểm tra hiện trường, công an phát hiện ra anh Toàn ngồi gục trước nhà dân trong tình trạng tím tái nên đưa đi cấp cứu, nhưng anh Toàn đã tử vong trước khi tới trung tâm y tế.
Ông Nguyễn Quang Phục, bố của anh Nguyễn Quốc Bảo - một nạn nhân nghi bị công an đánh chết năm 2010, nhận xét quá trình xét nghiệm, điều tra, công bố nguyên nhân của cơ quan chức năng trong các vụ án như thế này là "lố bịch". Ông nói :
"Điều tra hình sự của mình quả thật là hơi bị lố bịch. Ngành hình sự của Việt Nam không hiểu họ điều tra kiểu gì ? Cũng như vụ án của con tôi và nhiều vụ án tôi tham gia khác, họ chỉ bao che cho nhau thôi. Họ không nói lên sự thật".
Theo ông Phục, việc công bố những kết luận không hợp lý, gây tranh cãi và để "chìm xuồng" những vụ án nghi bị công an đánh chết có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn nơi lòng tin của người dân.
"Việt Nam mà cứ để cho ngành hành pháp họ làm như thế này rồi thì sẽ mất lòng tin của người dân, nhất là họ chà đạp lên nhân quyền của người dân nhiều quá".
Trong khi đó, với kinh nghiệm đấu tranh vất vả để đòi công lý cho cha, chị Kim Tiến đưa ra lời khuyên cho những nạn nhân của nạn bạo hành từ công an :
"Quan trọng nhất là họ phải kết hợp giữa truyền thông và pháp lý. Họ phải đấu tranh song song cả hai phương diện này để có thể đưa vụ án ra ánh sáng. Vì em đã trải qua một quá trình và em đã tìm hiểu rất nhiều vụ bị công an đánh chết, quan trọng về mặt truyền thông là họ phải kể lại vụ việc rõ ràng. Họ phải quay lại hình ảnh người thân mình với những chứng tích, lời khai của nhân chứng, cũng như trong toàn bộ quá trình làm việc với cơ quan công an. Về pháp lý, họ cần phải tìm một luật sư. Một người luật sư có tâm sẽ hướng dẫn họ về mặt pháp lý một cách đúng đắn".
Mặc dù thừa nhận có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại trong việc ghi lại bằng chứng, dấu vết trong các vụ án, nhưng tất cả những người được VOA phỏng vấn đều cho rằng vụ "Công an đánh chết dân" lần này rồi cũng sẽ chìm xuồng như những vụ trước.
Luật sư Võ An Đôn, người có nhiều kinh nghiệm trong những vụ án tương tự, nhận xét :
"Tình trạng người dân chết trong đồn công an hay chết khi đang làm việc với công an xảy ra rất nhiều. Đa số nạn nhân của các vụ việc hay nhờ đến em. Nhưng em cũng chỉ tư vấn về pháp luật, theo đúng luật pháp thôi, nên đa số những vụ này đều bị chìm xuồng hết, đều bị các cơ quan nhà nước cố tình bao che, không làm ra đúng sự thật, gây bức xúc dư luận dữ lắm".
Theo Luật sư Đôn, nhiều luật sư ở Việt Nam rất ngại nhận những vụ án có liên quan đến lực lượng công an vì sợ liên lụy đến công việc làm ăn hoặc bị trả thù.
Hồi năm 2014, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã đưa ra một phúc trình về tình trạng gia tăng nạn nhân chết trong lúc bị giam giữ hay trong thời gian đang làm việc với công an. Phúc trình này chỉ trích lực lượng công an Việt Nam đã tra tấn, đánh đập nghi phạm trong lúc giam giữ, dẫn tới những cái chết oan của nghi phạm khi họ chưa hề được định tội.
********************
Bình Định : Thanh niên chết vì chạy quá sức hay công an đánh ? (BBC, 04/01/2017)
Người dân ở huyện Tuy Phước, Bình Định, vây đánh hai công an viên vì nghi họ làm chết một thanh niên địa phương nhưng công an nói anh này chạy quá sức chết.
Sự việc xảy ra hôm 2/1 đang gây tranh cãi trong dư luận mấy ngày nay.
Theo truyền thông trong nước, vào tối 2/1 tổ công tác của công an huyện Tuy Phước gồm sáu người đi tuần tra trên các đoạn đường thuộc địa bàn huyện theo "kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán".
Tổ công tác này phát hiện thấy một nhóm người đang đánh bầu cua (một hình thức cờ bạc), khi thấy công an thì bỏ chạy.
Một trong những người tham gia đánh bạc, anh Phạm Đăng Toàn, 29 tuổi, sau đó bị phát hiện đã chết trong tình trạng tím tái.
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Phạm Đặng Tiến, anh ruột của anh Toàn, cho hay "khi thấy công an triệt phá sòng bầu cua, anh Toàn có bỏ chạy nhưng bị bắt lại và sau đó tử vong".
Nghi anh Toàn bị công an đánh, người dân đã vây đuổi và đánh hai công an viên bị thương.
Clip mà một người dân quay tại hiện trường sau đó đăng lên Facebook và YouTube trước khi gỡ đi cho thấy công an đang bị người dân tấn công.
//www.flickr.com/photos/145347866@N03/32022517221/in/photostream/" title="ca5" data-flickr-embed="true" data-mce-href="https://www.flickr.com/photos/145347866@N03/32022517221/in/photostream/" style="font-family: Verdana, sans-serif; font-size: 21.3333px; text-align: center;">
Chị Nguyễn Thị Thắm ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, xin lỗi vì "đăng clip gây hiểu nhầm"
Ngày 4/1, cơ quan pháp y tỉnh Bình Định công bố kết quả khám nghiệm tử thi anh Phạm Đăng Toàn, kết luận anh này tử vong là "do chạy quá sức dẫn đến không đủ oxy cung cấp cho phổi... dẫn đến phù phổi, phù não ; hoàn toàn không có dấu vết của tác động ngoại lực".
Người quay clip công an bị dân đánh, chị Nguyễn Thị Thắm ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, cũng lên mạng "xin lỗi bà con quê hương và toàn bộ những người tham gia Facebook" về việc đã đăng clip gây hiểu nhầm là công an đánh chết anh Toàn.
Tuy nhiên kết luận pháp y và lời xin lỗi này không đủ dập tắt nghi vấn anh Phạm Đăng Toàn bị đánh chết vì thanh niên này được biết còn trẻ, khỏe, không có tiền sử bệnh tật và quãng đường được cho là đã chạy trốn công an từ nơi có sòng bầu cua tới nơi được phát hiện ngã gục quá ngắn (trên 100m) để bị quá sức.
Một yếu tố thêm vào đó là dư luận lâu nay khá bức xúc về tình trạng bạo hành của công an.
Phúc trình hồi tháng 9/2014 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) nói có "bốn nạn nhân mất mạng và bốn người chết không rõ nguyên do, sáu người được cho là 'tự tử' và bốn người nữa chết 'vì bệnh'" trong các trại giam và đồn công an.