Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/07/2022

Đánh chết đồng đội lãnh án tù, nộp tiền tham nhũng để nhẹ tội

RFI, RFA

Năm bị cáo đánh chết quân nhân Nguyễn Văn Thiên bị tuyên 41 năm tù

RFA, 01/07/2022

Tòa án Quân sự khu vực I Quân khu 5 hôm 27/6 tuyên năm bị cáo với tổng cộng 41 năm tù giam vì "cố ý gây thương tích" dẫn đến cái chết cho quân nhân Nguyễn Văn Thiên tại Trung đoàn Bộ binh 991 hồi tháng 11 năm ngoái. 

vn1

Quân nhân Nguyễn Văn Thiên (ảnh trái) và di ảnh được đưa ra trước phiên tòa (ảnh phải) – Người nhà nạn nhân

Trong đó, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Vô tuyến điện Trần Đức Lợi bị tuyên tám năm tù giam ; bốn bị cáo còn lại đều là Binh nhất thuộc Trung đội thông tin gồm : Nguyễn Đình Tâm (người khởi xướng vụ việc) bị tuyên 9 năm 6 tháng tù giam ; Trần Văn Mạo (người được cho là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của bị hại) bị tuyên 9 năm 6 tháng tù giam.

Hai bị cáo còn lại là Ksor Đim và Rmah Tùy bị tuyên cùng mức án bảy năm tù. 

Binh nhất Nguyễn Văn Thiên, sinh năm 1998, ở thôn 2, xã Nghĩa An, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai, nhập ngũ theo diện nghĩa vụ hồi tháng 2 năm 2020, nhưng bị đánh chết ở nhà tắm của đơn vị khi chỉ còn một tháng nữa là ra quân. 

Tuy nhiên, ngay sau đó, đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai lại khẳng định, các vết bầm trên thi thể là do quân nhân Thiên tự té ngã và do mổ khám nghiệm tử thi gây nên chứ không phải là xô xát, đánh nhau.  

Ông Nguyễn Văn Lâm, cha của bị hại nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại cho rằng, gia đình cảm thấy không thỏa mãn về phiên tòa này. Ông nói : 

"Tuyên ra 5 người đây, bản án thì… nghĩ là nó đưa ra không hợp lệ vì những hung khí này nọ, vì những cái xô nhựa nhẹ vậy thì cũng không thể đánh chết người được. 

Còn những bị cáo nói tư thế đánh cũng không đúng, theo các luật sư diễn tả thì không thể dùng xô nhựa mà đánh chết được do đó cái chết này mình cũng chưa rõ nguyên nhân là ai đánh chết".

Báo chí nhà nước cho đến ngày 1/7/2022 vẫn không đưa tin tức gì về phiên tòa. 

Theo cáo trạng của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực 52 ban hành ngày 25/4/2022 thì ba quân nhân Nguyễn Văn Thiên, Huỳnh Văn Trung và Nguyễn Văn Hưng rủ nhau bỏ đơn vị ra ngoài chơi và uống rượu vào 15 giờ ngày 29/11/2021. 

Chỉ huy đơn vị sau đó kiểm tra quân số và phát hiện sự vắng mặt của những quân nhân này nên tổ chức đi tìm và đến khoảng 19 giờ cùng ngày khi cùng xem tivi thì bị cáo Nguyễn Đình Tâm nói chuyện với các quân nhân khác bàn về hình thức cả đơn vị bị kỷ luật và cần đánh ba quân nhân trên để trả thù. 

Hai quân nhân trong đó có Nguyễn Văn Thiên được đơn vị phát hiện và đưa về doanh trại, đến 21 giờ thì Thiên lên giường nằm và bị gọi ra nhà tắm, tại đây bị hại Thiên bị năm bị cáo đánh đập đến bất tỉnh. 

Sau đó các bị cáo làm mọi cách để nạn nhân tỉnh lại nhưng không được nên đưa về giường nằm vì tưởng bị hại đang ngủ vì say rượu.

Một lúc sau một quân nhân đi ngang và thấy Thiên nằm sủi bọt mép nên đã gọi đơn vị đi cấp cứu nhưng tử vong khi đang trên đường cấp cứu. 

Luật sư Lê Xuân Anh Phú, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho phía bị hại cho RFA biết, nội dung cáo trạng thì mô tả Trần Văn Mạo là người cầm xô nhựa đánh phần cạnh đáy xô vào đầu của bị hại rồi trượt ngã, tuy nhiên ở phiên tòa thì bị cáo nói là trượt ngã rồi cái xô mới đập vào đầu của nạn nhân. 

Việc khác nhau của hai tư thế đánh cùng với việc nhận định cái xô nhựa 5 lít không thể là nguyên nhân gây ra chấn thương sọ não cho quân nhân Nguyễn Văn Thiên nên các luật sư yêu cầu trả hồ sơ để điều tra lại nhưng không được chấp nhận. Luật sư Phú nói :

"Họ không thực nghiệm điều tra, họ chỉ dựng lại hiện trường và viện kiểm sát tranh luận cho rằng việc đánh đó xảy ra trước nhiều nhân chứng, và các bị cáo cũng khai như vậy cho nên là đủ căn cứ để kết luận bị cáo đánh. 

Còn mình bảo là nếu vậy phải thực nghiệm điều tra cho nó thuyết phục chứ, phải cho các bị cáo tâm phục khẩu phục và cũng cho gia đình bị hại thấy thoải mái nếu như là nếu có thực nghiệm sáng tỏ hơn thì họ sẽ thấy thoải mái hơn về tư tưởng".

Luật sư Phú cũng cho biết, chiếc xô nhựa 5 lít làm bằng chứng trước tòa chỉ là vật đồng dạng, không phải là hung khí gây án do không tìm thấy trong quá trình điều tra. 

Đại diện Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai trong phiên tòa cho biết, liên quan đến vụ án thì đã xử lý kỷ luật hơn 20 cán bộ, nhưng không tiết lộ gì hem. 

Riêng luật sư Lê Xuân Anh Phú cho rằng, quy chế quản lý quân nhân bằng cách cho cả tiểu đội bị phạt khi có một quân nhân trong đơn vị vi phạm kỷ luật là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết cho bị hại Nguyễn Văn Thiên, cho nên cần xem xét lại quy chế kỷ luật này. 

vn4

Nguyễn Văn Thiên tử vong ngày 29/11/2021 nhưng tới ngày 15/01/2022 gia đình mới nhận được kết quả giám định

Cha của quân nhân Thiên cũng cho biết sẽ có yêu cầu để làm sáng tỏ nguyên nhân khách quan của vụ án và sự thật ai đã gây nên cái chết của con trai ông. 

**********************

Cán bộ nộp tiền tham ô để tránh án hình sự : Công lý ở đâu ?

RFA, 01/07/2022

Tạo thêm cơ hội cho tham nhũng hoành hành

Ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đưa ra đề xuất, cho cán bộ sai phạm nộp tiền khắc phục hậu quả để tránh xét xử hình sự, khi Tham gia Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng sáng 30/6/2022.

vn2

Ảnh minh họa chụp tại một ngân hàng. A FP PHOTO

Đề xuất của vị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo nhận định của Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trao đổi với RFA từ Sài Gòn hôm 1/7, là "có vẻ như tạo môi trường thuận lợi hơn cho nạn tham nhũng…" :

"Tôi thật sự kinh ngạc về đề xuất của ông Lê Minh Trí. Vì lẽ, ông ấy đang chủ trương áp dụng quy định riêng biệt cho cán bộ khi họ phạm tội, theo hướng nương nhẹ cho tội phạm. Điều này hoàn toàn đi ngược với mọi nỗ lực bảo đảm về quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật đã được ghi nhận theo hiến pháp và bộ luật hình sự.

Không chỉ dưới khía cạnh pháp luật, mà thực tế, đề xuất của ông Trí có vẻ như tạo môi trường thuận lợi hơn cho nạn tham nhũng hoành hành trong xã hội. Vì người tham nhũng biết rõ, cứ tham nhũng, nếu bị phát hiện thì chỉ cần trả lại là thoát tội!

Thế nên, tôi mong đề xuất của ông Lê Minh Trí sẽ không được chấp thuận để trở thành chính sách".

Tuy vậy, để biện luận cho đề xuất trên là có cơ sở và hoàn toàn có lý, ông Trí nói với cách làm theo đề nghị của ông, nhà nước sẽ thu hồi được phần lớn tài sản thất thoát do người vi phạm chủ động khắc phục để không bị xử lý. Ngoài ra, theo ông Trí, với cách này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ không phải băn khoăn nhiều về việc phải xử lý cán bộ, đồng chí của mình như ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng "than thở" khi hai ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long bị bắt tạm giam và khởi tố : "Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Rất đau xót, điều này nhiều lần tôi nói rồi, nhưng buộc phải làm…".

Có ý kiến về cùng đề tài trên, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, nói với RFA hôm 1/7/2022 :

"Vấn đề đền tiền khắc phục hậu quả để không bị xử lý hình sự, thì gần như là người tham nhũng không bị gì. Vì trong suốt đời công tác, họ tham nhũng rất nhiều, nhưng sơ suất bị lộ ra thì không nhiều, chỉ một hai vụ. Có thể chỉ là những vụ nhỏ so với toàn bộ quá trình tham nhũng, ví dụ tiền khắc phục hậu quả của vụ đó chỉ năm mười tỷ, trong khi những vụ khác cả ngàn tỳ thì gần như không bị gì. Cả quá trình công tác của họ, nếu không có tiền thì làm sao mà lên chức được. Cho nên việc này đi ngược lại tinh thần chống tham nhũng là phải trừng trị và răn đe, phải có án tử hình như ông tướng Chung ‘con’ nói mới đúng. Chứ không phải lùi lại bằng cách dùng tiền khắc phục hậu quả, tiền của các ông là tiền tấn, khắc phục hậu quả thì coi như các ổng không việc gì".

vn3

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí. Courtesy kiemsat.vn

Đi ngược lại tư duy pháp quyền

Bộ luật Hình sự 2015 tại khoản C Điều 40 về hình phạt tử hình quy định rằng người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc điều tra thì không thi hành án tử hình. Điều luật này trước đây chỉ được áp dụng riêng cho những ‘tham quan’ bị tuyên án tử hình, nhưng sau đó đã được sửa đổi bằng Nghị quyết 3/2020 và kể từ ngày 15/2/2021, bất kể mức án tham nhũng nào cũng được áp dụng việc không thi hành mức án cao nhất khung nếu nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng.

Dù Nghị quyết 3/2020 chỉ giúp cán bộ tham nhũng thoát án tử hình, nhưng khi trả lời RFA vào thời điểm Nghị quyết này sắp có hiệu lực, Luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội cho rằng (chúng tôi trích đăng lại ) :

"Có thể người ta đưa ra quy định này để khuyến khích người khác nộp lại tài sản tham ô để nhà nước thu hồi được tiền đó. Tuy nhiên tôi nghĩ đó là một cửa để lách cho những người phạm tội. Nếu đúng nguyên tắc pháp luật thì đó là một quy định sai lầm".

Trở lại với đề xuất của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí hôm 30/6 về việc cho cán bộ sai phạm nộp tiền khắc phục hậu quả để tránh xét xử hình sự... nhiều người còn cho rằng nếu đề xuất này thành chính sách sẽ đẩy công cuộc chống tham nhũng trở lại vị trí xuất phát.

vn0

Trả lời RFA từ Na Uy hôm 1/7/2022, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định :

"Theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, tất cả các cá nhân đều công bằng trước pháp luật. Nếu một người bị vi phạm thì bất kể họ là ai phải bị chế tài về mặt pháp luật như tất cả những người khác. Tham nhũng là một tội theo quy định của pháp luật. Và người tham nhũng vì vậy phải bị xử lý hình sự theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật".

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng đề xuất của ông Trí thể hiện một tư duy đi ngược lại nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Nếu những cán bộ vi phạm tham nhũng được quyền nộp tiền để khắc phục, thì ngoài xã hội trộm cướp cũng được quyền nộp lại tài sản để khắc phục hậu quả cho nạn nhân (!?).

Tiến sĩ Vũ qua đó nhấn mạnh một xã hội mà ai cũng có quyền nộp tiền để khỏi bị truy tố đối với các hành động vi phạm pháp luật của mình cuối cùng nó sẽ dẫn đến một xã hội vô pháp luật. Ông Vũ kết luận :

"Ông Viện trưởng có thể viện dẫn rằng chế độ nộp tiền khắc phục hành động vi phạm pháp luật chỉ dành cho các cán bộ, và như vậy, một cách chính thức ông công nhận rằng giới cầm quyền thuộc một tầng lớp khác, thượng đẳng hơn, được có nhiều đặc quyền hơn thậm chí trước pháp luật, còn nhân dân bị trị bên dưới thuộc một tầng lớp khác phải chịu đựng một sự cai trị hà khắc hơn".

Nói tóm lại theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, tư duy của ông Viện trưởng là tư duy đảng quyền - đảng cộng sản và các thành viên của nó sẽ có những đặc quyền riêng - nó đi ngược lại tư duy pháp quyền trong đó nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật và bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi công dân.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt, RFA tiếng Việt
Read 447 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)