Công an Việt Nam 'sẵn sàng hy sinh bảo vệ Đảng' (BBC, 02/02/2018)
Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Thượng tướng Tô Lâm viết rằng công an Việt Nam 'sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng Cộng sản' trong bài trước dịp kỷ niệm 88 năm thành lập đảng này.
Lực lượng Công an nhân dân trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam
Đảng Cộng sản Việt Nam là 'Nhân tố thắng lợi của công an nhân dân', theo bài viết nhân kỷ niệm 88 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2018), trên trang web Bộ Công an.
Ông viết : "Thực tiễn lịch sử anh hùng của Công an nhân dân Việt Nam cho thấy, quá trình xây dựng, lớn mạnh, trưởng thành, những chiến công, thành tích vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng"...
Bài viết điểm lại lịch sử hình thành, phát triển của Lực lượng công an nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1945 đến nay.
"Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng thì còn mình", ông Tô Lâm viết. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng... Ngoài mục tiêu đó ra, công an nhân dân không có mục tiêu nào khác".
Chống lại nhiều hình thức phá hoại
Bài cũng đề cập đến "các thế lực thù địch" hiện nay đang có nhiều "hình thức phá hoại" "nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam".
Và "một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân có biểu hiện phức tạp, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", bị lợi dụng".
Trong bối cảnh đó, Thượng tướng Tô Lâm kêu gọi các đảng viên phải "có khả năng tự bảo vệ, tự đề kháng", "tự soi, tự sửa".
Phát biểu chỉ đạo hôm 15/1 tại hội nghị ngành công an, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh "phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng Công an".
Ông đưa ra đánh giá về những "kết quả quan trọng" mà lực lượng công an đã làm trong năm 2017 và đưa ra định hướng cho ngành này.
Đó là công an cần "bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa nhiều âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước.
Giữ vững an ninh tại các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ".
Từ tháng 8/2016, ông Nguyễn Phú Trọng đã tham gia Thường vụ Đảng ủy Bộ Công an.
Ông cũng nêu ra nhiều lần rằng "công an phải làm tốt công tác bảo vệ Đảng", thậm chí chống xâm nhập.
"Bảo vệ các cơ quan đầu não, không để sơ hở, không để kẻ địch, bọn phản động, phần tử xấu thâm nhập"...
Cả hai câu 'Công an phải bảo vệ Đảng' và 'Công an chỉ biết còn Đảng còn mình' tuy được nhắc lại khá đều đặn gần đây nhưng không phải là ý tưởng gì mới.
Hồi năm 1959, cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã nói :
"Đảng giao cho Công an nhiệm vụ bảo vệ Đảng. Công an phải thấy Đảng giao vận mệnh của Đảng cho mình. Vì vậy, Đảng lựa chọn Công an trong những người trung thành nhất với Đảng, những người chỉ biết sống chết với Đảng, chỉ biết còn Đảng thì còn mình".
Chú ý đến dư luận
Ông Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao quyết định thăng hàm Thượng tướng hồi tháng 9/2014.
Khi đó ông giữ chức Thứ trưởng phụ trách an ninh đối ngoại ở Bộ Công an.
Ông lên làm Bộ trưởng Công an từ tháng 4/2016 và được tiếng là cởi mở với báo chí, kể cả đài báo nước ngoài khi được phỏng vấn vào những dịp quan trọng.
Hồi tháng 2/2017, khi xảy ra vụ công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương bị bắt vì vụ Kim Jong-nam, ông Tô Lâm đã trả lời BBC Tiếng Việt về vụ việc.
Đánh giá sự kiện này, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Singapore cho rằng các phát biểu của ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đưa ra là "phù hợp, hợp lý".
******************
Việt Nam lo sợ đầu tư nước ngoài giảm vì luật thuế mới của Mỹ (VOA, 02/02/2018)
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể bị ảnh hưởng đi khi Mỹ cắt giảm sâu thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 21%.
Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các nhà đầu tư Mỹ có thể sẽ quay trở lại Mỹ để hưởng lợi từ việc cắt giảm sâu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Luật thuế mới của Mỹ được Tổng thống Donald Trump ký ban hành hôm 22/12/2017 cho phép giảm thuế TNDN từ 35% xuống còn 21%. Bên cạnh đó các khoản đầu tư nước ngoài của các nhà đầu tư Mỹ mà chuyển về nước cũng chỉ bị đánh thuế 10.5%.
Điều này dẫn đến lo ngại rằng các doanh nghiệp của Mỹ lâu nay hoạt động ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam, sẽ chuyển tiền về nước thay vì giữ lại để tái đầu tư, theo nhận định của Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, với Tuổi Trẻ.
Việc cắt giảm thuế TNDN của Mỹ, theo Tiến sĩ kinh tế Phạm Đỗ Chí, sẽ làm cho các hãng giảm đầu tư ra ngoài nước Mỹ và bớt gia công sản xuất hàng hóa ở nước ngoài.
Tổng thống Donald Trump ký ban hành luật thuế mới hôm 22/12/2017.
"(Các doanh nghiệp) sẽ đem về Mỹ để sản xuất vì thuế ở đây rất thấp. Ví dụ, ở Ireland sản xuất có lời vì thuế bên đó là 12% nhưng bây giờ giảm thuế rất mạnh từ 35% xuống 21% thì các hãng sẽ đem tiền lời từ thuế về đây để đầu tư".
Chính phủ của Tổng thống Trump hy vọng luật thuế mới sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chuyển về Mỹ và tạo công ăn việc làm thêm cho người Mỹ. Đây cũng là lời hứa của ông Trump với các cử tri Mỹ khi còn trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016.
Kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu nhiều doanh nghiệp Mỹ theo xu hướng này, theo Tiến sĩ Ngoạn.
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh cho rằng việc cảnh báo này là cần thiết cho những người điều hành nền kinh tế Việt Nam.
"Theo tôi đấy là một lo ngại có căn cứ. Như chúng ta thấy là tập đoàn Apple sau khi có mức (thuế) thay đổi, họ đã quyết định chuyển một phần lớn vốn của họ về Hoa Kỳ và hy vọng tạo thêm công ăn việc làm và được hưởng lợi", theo Tiến sĩ Doanh. "Với xu thế này cần phải tiếp tục theo dõi một cách rất cẩn trọng xem luồng vốn của Hoa Kỳ chảy trở lại Hoa Kỳ và luồng vốn của các tập đoàn khác đổ xô vào đầu tư ở Hoa Kỳ sẽ diễn ra đến mức độ nào".
Trong tháng 1/2018, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã giảm mạnh, theo Tiến sĩ Doanh, cựu viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ông nhận định, luật thuế mới của Mỹ với "động lực để thu được lợi nhuận tối đa với một mức thuế xuất thấp sẽ tác động đến luồng vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam".
Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Phúc lo ngại dòng vốn FDI sẽ rút khỏi Việt Nam vì tác động của chính sách cải tổ thuế của Mỹ.
Việt Nam được coi là rất thành công trong việc thu hút vốn FDI. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2014 cho thấy Việt Nam luôn giữ được FDI ở mức 10-12 tỷ USD mỗi năm trong những năm đầu thế kỷ 21 và đạt 15.8 tỷ USD vào năm 2016.
Nhưng điều đáng lo ngại hơn, theo Tiến sĩ Ngoạn – người dẫn đầu tổ tư vấn – nhận định với Tuổi Trẻ rằng khả năng một số nước phát triển có thể giảm thuế để cạnh tranh với Mỹ và làn sóng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ nên cần phải theo dõi.
Theo Tiến sĩ Ngoạn, Trung Quốc đã hành động kịp thời sau khi Mỹ có động thái như nêu trên. Đó là khuyến khích doanh nghiệp của Mỹ có vốn tái đầu tư sẽ được miễn thuế. Trái lại, nếu các nhà đầu tư chuyển vốn ra ngoài Trung Quốc, họ tuyên bố sẽ có những biện pháp kiểm soát ngoại tệ nhằm hạn chế việc thoái vốn.
Hiện mức thuế TNDN phổ thông ở Việt Nam là 20%, vẫn thấp hơn 1% so với mức thuế mới của Mỹ đánh vào thu nhập của các doanh nghiệp. Nhưng theo các chuyên gia, môi trường đầu tư ở Việt Nam còn nhiều bất cập và nạn tham nhũng tràn lan đang làm nản lòng những nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó môi trường kinh doanh của Mỹ rất khác với Việt Nam vì nó ổn định và công khai minh bạch rõ ràng hơn, theo Tiến sĩ Doanh.
"Nỗ lực ngay bây giờ là Việt Nam cần cải cách để cải thiện môi trường đầu tư bằng cách phải xây dựng kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực".
Phí bôi trơn, theo Tiến sĩ Doanh, là một trong những điều làm cản trở các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016, có khoảng 66% doanh nghiệp phải chấp nhận những khoản chi không chính thức cho các quan chức địa phương để giúp việc kinh doanh thuận tiện.
Việt Nam đứng thứ 113 trên 176 nước trong bảng xếp hạng về chỉ số tham nhũng của Transperancy International.
******************
Dự án đường hầm xuyên biển đầu tiên tại Hạ Long (VOA, 02/02/2018)
Chính quyền tỉnh Quảng Ninh cho biết "đang nghiên cứu và khẩn trương hoàn thiện" dự án đầu tư đường hầm ngầm dưới nước dài hơn 1,3 km ở cửa ngõ vịnh Hạ Long để báo cáo Thủ tướng, sau đó sẽ công bố công khai dự án và "xin ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân".
Du khách đi thuyền thăm Vịnh Hạ Long.
Theo trang tin của Chính phủ Việt Nam, đường hầm xuyên biển là một công trình hầm cấp đặc biệt, với 6 làn xe, được thiết kế theo tiêu chuẩn xây dựng mà Việt Nam đưa ra năm 2007.
Đường hầm dài 2.140 m sẽ nối hai trục đường chính trên hai bờ vịnh Hạ Long, thuộc khu vực Cửa Lục, thành phố Hạ Long, với mục tiêu "nâng cao năng lực kết nối, thông thương đường bộ" giữa các khu vực, và giảm tải cho cây cầu độc nhất Bãi Cháy đã quá tải, liên tục bị ách tắc giao thông, nhất là vào thời điểm mưa bão.
Chính quyền tỉnh Quảng Ninh nói đây là một dự án trọng điểm, nhưng mới chỉ trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Sau khi báo cáo cho Thủ tướng, dự án sẽ được công bố công khai và lấy ý kiến đóng góp từ người dân.
Tổng mức dự kiến đầu tư cho dự án là 7.875 tỷ đồng (346.57 triệu đôla), trong đó chi phí xây dựng chiếm gần 5.000 tỷ đồng.
Hạ Long là địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam được thế giới biết tiếng.
Năm ngoái, khu vực này đã nhận 6,93 triệu du khách đến tham quan, tăng 12,9% so với năm 2016.
Nếu dự án được thông qua, đường hầm xuyên biển đầu tiên tại Việt Nam sẽ được khởi công vào đầu năm 2019.