Đối phó với nguy cơ sụp đổ chế độ Đảng cộng sản đã tăng cường chiến dịch ‘đốt lò’, chống tham nhũng ‘không vùng cấm’, trong đó việc kiểm soát quyền lực bằng/thông qua đạo đức cách mạng được nhấn mạnh. Các Nghị quyết 4 Ban chấp hành trung ương sau mỗi kỳ Đại hội đảng toàn quốc 11 (năm 2011), 12 (năm 2016) và 13 (2021), sau Đại hội 13 vẫn nhận định tình hình suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên vẫn nghiêm trọng và bổ sung các biện pháp ‘ngăn ngừa và đẩy lùi’. Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng vẫn không đạt kết quả như mong muốn. Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng một trong những nguyên nhân chống tham nhũng đối diện với thách thức ngày càng lớn là việc kiểm soát quyền lực bằng đạo đức cách mạng lại không phải bắt đầu từ việc nhìn nhận đạo đức người làm cách mạng, phải tu dưỡng, rèn luyện’ làm ‘đầy tớ’ cho nhân dân’ (lời Hồ Chí Minh), mà đạo đức cách mạng ở đây lại gắn với chống 'tự diễn biến ; tự chuyển hóa' của đảng viên, nghĩa là xa rời tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê nguyên thủy như đã nêu ở phần trên.
Các lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam tại Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 31/1/2021 - AFP
Chống tham nhũng kết hợp với thanh trừng nội bộ tổ chức là chính sách của Đảng cộng sản để củng cố chế độ ‘Đảng-Nhà nước’. Đỉnh điểm của việc thực thi chính sách này là việc các ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước (2021-2023, nguyên Thủ tướng (2016-2021), Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam (nguyên Phó thủ tướng (2016-2021) và (2021-2023) đã từ chức vào đầu năm do phải chịu "trách nhiệm chính trị" khi để cho cấp dưới tham nhũng. Ba vị cựu lãnh đạo trong ‘vùng cấm’ được cho là 'những nhà kỹ trị thực dụng’ nỗ lực tìm cách đưa Việt Nam vào quỹ đạo ổn định kinh tế vĩ mô. Những bình luận ban đầu về tác động của ‘sự kiện chính trị chưa từng có’ nêu trên tới hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng, ổn định xã hội và phát triển kinh tế còn ‘sơ sài’, nhưng thực tế đang chứng tỏ. Chẳng hạn như việc nhận định rằng Việt Nam sẽ có "môi trường chính trị thận trọng, vì các chính trị gia phải rút ra bài học từ những diễn biến gần đây" và, hậu quả là bộ máy đã trở nên ‘trì trệ’ ! "Các doanh nghiệp cần chuẩn bị để có ‘đường đi tránh xa’, hoặc giảm thiểu rủi ro vì một làn sóng tiềm tàng các vụ điều tra chống tham nhũng có động cơ chính trị"…
Tuy nhiên, kiểm soát quyền lực bằng đạo đức cách mạng ngày càng gặp thách thức khi Đảng cộng sản ‘vũ khí hoá’ tham nhũng, buộc phải duy trì nghịch lý tăng trưởng cao và tham nhũng tràn lan trong thời gian dài. Thực tế đang cho thấy rằng việc tăng cường chống tham nhũng bằng đạo đức, tư tưởng cách mạng sẽ có tác động ‘tiêu cực’ đến tăng trưởng kinh tế khi các quan chức ‘co lại’, ‘giấu mình chờ thời’ và doanh nghiệp ‘lo ngại’ môi trường đầu tư kinh doanh ‘xấu đi’. Trong bối cảnh sụt giảm tăng trưởng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng những số liệu từ Báo cáo về Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2023 ‘củng cố’ mối liên hệ nêu trên. Theo đó, toàn ngành thanh tra đã triển khai 4.224 cuộc thanh tra hành chính và 94.797 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 178.863 tỷ đồng và 404 ha đất… và đã kiến nghị thu hồi 148.062 tỷ đồng và 9 ha đất ; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 30.800 tỷ đồng và 395 ha đất ; ban hành 60.319 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 2.873 tỷ đồng ; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 784 tập thể và 2.912 cá nhân ; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 208 vụ ; 316 đối tượng…". Báo cáo trên nhấn mạnh vi phạm về xây dựng, quản lý đất đai diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương và ‘tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp’ vẫn còn nghiêm trọng.
Những bản tin về trục lợi, tham nhũng và những hiện tượng lừa đảo… đang thống trị các phương tiện truyền thông tại Việt Nam khiến giới lãnh đạo và người dân ‘lo lắng’. Adam Smith (1723-1790) không chỉ nổi tiếng là cha đẻ của kinh tế học cổ điển qua tác phẩm kinh điển "Sự giàu có của các quốc gia" (năm 1776), trong đó ông đã ‘lường trước’ về ảnh hưởng đạo đức của sự trục lợi (rent-seeking) trong giai đoạn ‘nguyên thủy’ của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, trước đó trong cuốn "Lý thuyết về các cảm xúc luân lý" (năm 1759) ông đã bảo vệ đã bảo vệ chủ nghĩa tư bản tiêu dùng bởi vì nó mang lại nhiều lợi ích cho người nghèo hơn là những xã hội cống hiến cho những lý tưởng cao cả. Nếu phát triển đúng đắn, chủ nghĩa tư bản không chỉ tạo ra thặng dư sự giàu có cho phép các xã hội chăm sóc những thành viên yếu nhất của họ mà còn phục vụ nhu cầu vật chất cơ bản của chúng ta và khi kích thích tiêu dùng sẽ làm cho tiền từ hàng hóa và dịch vụ mang lại sự thỏa mãn thực sự.
Phiên tòa xét xử 54 bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu" tại Hà Nội hôm 11/7/2023. AFP
Ngoài ra, từ khía cạnh đạo đức Adam Smith cho rằng tiền không phải là thứ mà người giàu thực sự quan tâm mà đó là danh dự và sự tôn trọng. Khi đã giàu các doanh nhân kiếm tiền không phải vì tham lam, mà chủ yếu là để được yêu thích và chấp thuận. Do đó, họ nên trao cho người giàu nhiều danh dự và địa vị - để đáp lại việc làm tất cả những điều tốt đẹp mà những ‘người tự ái này’ thường không bận tâm, chẳng hạn như tài trợ cho trường học, bệnh viện và người nghèo. Như ông ấy từng nói, "Bí mật tuyệt vời của giáo dục là hướng sự phù phiếm đến những đối tượng thích hợp". Ngoài ra, một xã hội tư bản tốt không chỉ cung cấp cho khách hàng sự lựa chọn, nó còn dạy mọi người thực hiện sự lựa chọn này một cách sáng suốt. Theo A. Smith, chủ nghĩa tư bản có thể, được cứu bằng cách nâng cao chất lượng theo yêu cầu của người tiêu dùng. Tóm lại, Adam Smith đã cống hiến những ý tưởng về làm thế nào các giá trị con người có thể được dung hòa với nhu cầu của doanh nghiệp.
Tư tưởng của A. Smith đã thúc đẩy thế giới nói chung tư bản nói riêng phát triển, không chỉ kinh tế mà cả thể chế. Tuy nhiên, một điều mà Adam Smith ‘lo lắng’ về khả năng xuất hiện của "Người đàn ông của hệ thống" để đối phó với hành vi đạo đức ‘tiêu cực’ này. Hắn ta sẽ ‘tiếp cận’ với những cá nhân khác trong xã hội như ‘những quân cờ trên bàn cờ vua’, họ không được tôn trọng và bị di chuyển theo ý chủ quan. Hậu quả là xã hội dân sự bị huỷ hoại. ‘Bóng hình’ của "Người đàn ông của hệ thống" in đậm trong các chế độ độc tài, chuyên chế. ‘Hắn ta’, về mặt kinh tế, tìm cách tiêu diệt doanh nghiệp tự do, sự phân công lao động, cạnh tranh và công cụ khuyến thích của thị trường. Về mặt chính trị, nó tìm cách phá hủy pháp quyền, tam quyền phân lập và tự do ngôn luận. Về mặt đạo đức, nó tìm cách tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân, tự do tôn giáo và tư tưởng độc lập. Và trên đống đổ nát này, nó xây dựng một Nhà nước toàn trị bởi một ‘tầng lớp tinh hoa’ đặc quyền, đặc lợi.
Như đã biết, sau này xuất hiện một Nhà nước toàn trị Trung Quốc ‘thân hữu’ với tư bản theo tư tưởng thực dụng, nhưng bản chất ‘cách mạng’ vẫn không thay đổi. Thời kỳ ‘hoàng kim’ sau 30 năm ‘thực dụng’ của mô hình này đã qua, "Người đàn ông của hệ thống" đã trở lại và ‘trỗi dậy’ hung hăng. Việt Nam là phiên bản của mô hình trên nhưng liệu người dân có hy vọng rằng cải cách có thể tạo ra được khác biệt ?
Tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đang diễn biến phức tạp, nhưng nếu coi đích đến là hạnh phúc của người dân thì ưu tiên hàng đầu của cải cách là làm thế nào để tạo ra một nền kinh tế vừa có lợi nhuận vừa văn minh. Thế nhưng, quyền lực và giám sát quyền lực thế nào khi chuyển đổi kinh tế thị trường đang thách thức chế độ trong bối cảnh cạnh tranh thể chế, ý thức hệ trên thế giới ngày càng gay gắt ?
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 15/08/2023
Người Trung Quốc gom đất tại Sài Gòn, tòa xử người Việt thua kiện (Tiếng Dân, 31/10/2018)
Phát hiện người Trung Quốc đứng đằng sau giao dịch mua đất, người đàn ông hủy hợp đồng nhưng bị tòa xử thua kiện. Gần 1000 m2 đất nằm vị trọng yếu tại Sài Gòn rơi vào tay "người nước lạ".
Gần 1000 m2 đất nằm vị trọng yếu tại Sài Gòn rơi vào tay "người nước lạ". Ảnh minh họa
Núp bóng doanh nghiệp Việt Nam mua đất
Ngày 18 tháng 11 năm 1992, ông Nguyễn Văn Điển (sinh năm 1942) lập hợp đồng mua bán căn nhà và quyền sử dụng đất tại số 99/8 Nơ Trang Long (phường 11, quận Bình Thạnh) cho Xí nghiệp Liên hiệp Luyện cán thép Việt Nam (nay là Tổng Công ty Thép Việt Nam, viết tắt SSU). Toàn bộ diện tích 880 m2.
Tuy nhiên, thực chất SSU chỉ đứng tên trên danh nghĩa, quyền sở hữu thực sự của căn nhà thuộc về Công ty Xây Lắp Luyện kim Trung Quốc (China Metallurgical Construction Corpation, gọi tắt MCC Overseas Ltd), có trụ sở tại Bắc Kinh.
Điều này được thể hiện rõ qua các bản thỏa thuận, hợp đồng giữa SSU và ông Lý Đông Y, đại diện của MCC Overseas Ltd. Cụ thể :
Tại bản hợp đồng số 92–MCC–V–001 ký ngày 20/05/1992 ghi rõ MCC đã cấp số tiền 210.000 USD để SSU đứng tên mua một căn nhà. Quyền sử dụng diện tích đất và căn nhà hoàn toàn thuộc về doanh nghiệp Trung Quốc.
Toàn bộ giấy tờ pháp lý căn nhà đều do MCC nắm và bị đưa về trụ sở Bắc Kinh cất giữ.
Các văn bản xác nhận giữa đại diện 2 bên đều xác nhận rõ SSU chỉ đứng tên giúp MCC Overseas Ltd.
Gần 1000 m2 đất này đều không nằm trong danh mục tài sản của SSU kể từ khi đứng tên mua căn nhà.
Người Việt chỉ 16 tuổi góp vốn trong MCC, gần 1000 m2 đất thuộc về người Trung Quốc.
Ngay sau khi phát hiện chủ thể mua đất là doanh nghiệp của Trung Quốc, ông Điển xin hoàn trả toàn bộ số tiền, hủy hợp đồng mua bán đã ký kết với SSU.
Nhiều lần làm việc với Ban giám đốc của SSU thì ông Điển được trả lời rằng : MCC bỏ tiền mua căn nhà và toàn bộ giấy tờ chính căn nhà họ đưa về Trung Quốc. SSU ra văn bản xác nhận chỉ đứng tên giúp, không thừa nhận các quyền và nghĩa vụ pháp lý với diện tích nhà đất trên. Đồng thời đồng ý hủy hợp đồng mua bán đã ký kết với ông Điển.
Năm 2014, ông Điển gởi đơn lên tòa án Bình Thạnh để giải quyết vụ việc.
Mặc dù có đầy đủ giấy tờ để chứng minh doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu đất tại 99/8 là trái với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên tại phiên sơ thẩm ngày 07/08/2017, tòa án Bình Thạnh tuyên án toàn bộ diện tích căn nhà thuộc về một nhân viên người Việt Nam làm việc cho MCC, bà Đỗ Hoàng Vinh (sn 1976).
Tại phiên tòa, đại diện MCC cho biết thời điểm mua đất, phần lớn trong số tiền 210.000 USD có vốn góp của bà Vinh. Mặc dù vào năm 1992, bà Vinh chỉ mới 16 tuổi (???).
Đặc biệt hơn, mọi giấy tờ ủy quyền chủ hữu đất tại 99/8 Nơ Trang Long của bà Vinh chỉ MCC được ký ngay trước thời điểm người phụ nữ trẻ này có đơn yêu cầu tham gia phiên tòa sơ thẩm chỉ vài ngày…
Thực trạng người Việt đứng tên gom đất cho người Trung Quốc
Trong những năm gần đây, tình trạng người Trung Quốc núp bóng gom đất tại nhiều khu vực trọng điểm về an ninh-quốc phòng như khu vực ven biển quanh sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng) Nha Trang, Vân Phong (Khánh Hòa) Vân Đồn (Quảng Ninh) Phú Quốc (Kiên Giang).. đã được nhiều chuyên gia, phương tiện truyền thông, mạng xã hội phản ánh khá mạnh mẽ nhưng việc xử lý của các cơ quan chức năng Việt Nam hầu như… biết mà không đáng kể.
Một trong những chiêu trò tinh vi được người Trung Quốc sử dụng triệt để nhằm lách luật là sử dụng công dân hoặc doanh nghiệp Việt Nam đứng tên nhằm thực hiện các thủ tục theo quy định để sở hữu nhà, đất.
Qua trường hợp gần 1000m2 đất tại 99/8 Nơ Trang Long thì không biết đã có bao nhiêu đất đai tại Sài Gòn do người Trung Quốc đứng đằng sau sở hữu ?
Cần nhắc lại, tại phiên trả lời chất vấn hôm 05 tháng 06, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường cho rằng chưa phát hiện người nước ngoài mua đất ở Việt Nam (?) và nếu phát hiện thì báo cho Bộ.
Dương Đại Triều Lâm
**************
Phê duyệt cưỡng chế 18 công trình trên đất rừng Sóc Sơn (RFA, 31/10/2018)
Huyện Sóc Sơn, Hà Nội vừa phê duyệt cưỡng chế 18 công trình bị kết luận xây dựng sai phạm trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn, thuộc khu vực xã Minh Phú. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 31/10/2018.
Khu biệt thự của ca sĩ Mỹ Linh ở Sóc Sơn chụp từ trên cao - Courtesy Đỗ Nam Trung
Trả lời báo chí cùng ngày, Đội phó Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn cho biết thêm, hiện ở xã Minh Phú có 3 hộ đang tự động tháo dỡ và đang vận động 15 hộ tự tháo dỡ. Trong tháng 11, nếu các công trình không tháo dỡ, huyện sẽ cưỡng chế.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch xã Minh Phú đã bị đình chỉ công tác 30 ngày, để phục vụ quá trình thanh tra sai phạm trên đất rừng phòng hộ ở xã Minh Phú.
Vào ngày 30 tháng 10, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ra thông báo để các hộ dân vi phạm tự tháo dỡ, nếu không sẽ cưỡng chế bất kể là ai.
Trả lời báo Dân Trí hôm 31 tháng 10, Phó bí thư xã Minh Phú, bà Vũ Thị Tuyết Lan cho biết, trong 18 hộ vi phạm tại xã này, có 2 hộ là người lâm trường, còn lại là người từ Hà Nội và các tỉnh mua đất xây nhà ở đây. Theo Bà Lan, những vi phạm này đã có từ lâu, từ những nhiệm kì trước.
Bà Lan cũng cho biết, cần xem xét sổ lâm bạ cấp cho các hộ dân trước hay sau thời điểm quy hoạch. Vì các hộ vi phạm có "địa vị xã hội, có ảnh hưởng" nên am tường các qui định của luật.
Trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện còn 45 trường hợp vi phạm, trong đó xã Minh Phú có 18 công trình và xã Minh Trí có 27 công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Vụ việc sẻ đất rừng phòng hộ Sóc Sơn để xây biệt phủ đã rộ lên khoảng 1 tháng nay sau khi mạng xã hội và báo chí vào cuộc phanh phui nhà của ca sĩ Mỹ Linh được xây trên đất rừng ở Sóc Sơn. Không rõ trong lần cưỡng chế này có nhà của ca sĩ Mỹ Linh hay không.
Cũng liên quan việc cưỡng chế đất xây dựng trái phép, vào sáng ngày 31 tháng 10, Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Liên Chiểu, Đà Nẵng đã đến kiểm tra hiện trạng việc tháo dỡ công trình xây dựng biệt phủ trái phép của đại gia vàng Ngô Văn Quang, ở khu vực rừng đặc dụng dưới chân núi Hải Vân, nhưng đành bất lực quay về vì không được mở cửa, dù bên trong nhà có nhiều người.
Vào cuối năm 2014 Đà Nẵng phát hiện 2 quần thể biệt thự xây dựng trái phép dưới chân núi Hải Vân, trong đó có biệt phủ của đại gia vàng Ngô Văn Quang. Đến đầu năm 2015, Ủy ban nhân dân quận Liên Chiểu đã ra quyết định xử phạt hành chính và buộc phải tháo dỡ công trình trái phép này.
Ông Ngô Văn Quang, Giám đốc Công ty vàng Phước Minh, tỉnh Quảng Nam, sau đó xin tự nguyện tháo dỡ, nhưng sau 3 năm, công trình này vẫn chưa được tháo dỡ hoàn toàn.
********************
Tịch thu kim cương, phạt tiệm vàng : Cần Thơ tiếp tục vòng vo (VOA, 31/10/2018)
Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ hôm 30/10 tổ chức họp báo về vụ việc gây nhiều chỉ trích hơn một tuần qua, trong đó công an địa phương phạt nặng một tiệm vàng do "đổi 100 đô la trái phép" và thu giữ kim cương, đá quý từ tiệm này.
Tiệm vàng Thảo Lực, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, 10/2018
Theo báo chí Việt Nam, đại diện chính quyền thành phố không "trả lời thỏa đáng" các câu hỏi từ đông đảo phóng viên.
Như tin đã đưa, hôm 23/10, chính quyền thành phố Cần Thơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê vì đã mang đổi 100 đôla lấy 2,3 triệu đồng vào ngày 30/1 năm nay tại tiệm vàng Thảo Lực, nơi không có giấy phép để đổi ngoại tệ.
Chính quyền cũng phạt tiệm vàng của ông chủ có tên là Lê Hồng Lực 180 triệu đồng trong vụ này. Các bản tin cho hay, ngoài việc công an bắt quả tang vụ đổi đô la trái phép, họ còn khám nhà và thu giữ của tiệm vàng 20 viên kim cương và nhiều đồ quý giá khác.
Vụ việc "gây bão" trong dư luận một mặt vì số tiền phạt quá lớn so với giao dịch đổi tiền. Mặt khác, nó làm nhiều người đặt nghi vấn về sự lạm quyền và mờ ám của công an.
Báo chí trong nước tường thuật rằng, tại cuộc họp báo hôm 30/10, đại diện Sở Thông tin và truyền thông thành phố Cần Thơ thừa nhận chỉ trong 7 ngày qua, đã có hơn 280 tin bài liên quan đến vụ việc, chưa kể vô số các bài viết đăng trên mạng xã hội và các diễn đàn trên internet.
Báo giới và dư luận chỉ ra sự bất cập của nghị định số 96/2014/NĐ-CP liên quan đến quản lý ngoại hối, và đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi nghị định. Bên cạnh đó, họ cũng đặt ra nhiều câu hỏi như vì sao công an lại tịch thu 20 viên kim cương của vợ chồng ông Lực, chủ tiệm vàng, để trong tủ của gia đình ; hay lệnh khám nhà của chính quyền địa phương là đúng hay sai.
Tại cuộc họp báo ngày 30/10, đại diện chính quyền Cần Thơ "đã không trả lời cụ thể câu hỏi của nhiều cơ quan báo chí", theo các bản tin trong nước.
Báo chí trong tuần qua dẫn ý kiến các chuyên gia pháp lý chỉ ra một số điều bất hợp lý rõ rệt trong quy trình phát hiện, xử phạt và thu giữ tài sản tại tiệm vàng Thảo Lực.
Thứ nhất, công an phát hiện việc ông Rê mang 100 đô la đến đổi tại tiệm vàng vào ngày 30/1, nhưng phải đến hơn 7 tháng sau, vào ngày 13/8, công an mới lập biên bản vi phạm hành chính. Về việc này, luật sư Trần Thu Nam nói với VOA :
"Biên bản vi phạm hành chính không được lập vào ngày khám xét, cái ngày bắt quả tang ấy, mà biên bản đó lại lập sau 8 tháng, như thế đã là không phù hợp rồi, đã là trái luật về vi phạm hành chính rồi".
Chung quan điểm với luật sư Nam, một luật sư khác không nêu tên nói trên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh hôm 31/10 rằng "quyết định xử phạt dựa trên biên bản làm sai thì quyết định này không có giá trị pháp lý, cơ quan có thẩm quyền cần thu hồi".
Công an Thành phố Cần Thơ họp báo chiều ngày 24/10/2018. Photo PLO
Thứ hai, sau khi công an ập vào bắt quả tang hành vi đổi tiền, họ đã tiến hành khám xét tiệm vàng ngay. Việc này bị báo chí và dự luận xem là "có dấu hiệu mờ ám" vì thông tin báo giới thu thập được cho thấy quyết định khám nhà đã được chính quyền địa phương ban hành từ hôm 24/1, trước khi vụ việc xảy ra tới gần 1 tuần. Luật sư Trần Thu Nam phân tích thêm với VOA :
"Ra một cái quyết định khám nhà mà cái quyết định đó nó đã ký trước 6 ngày, sau đó có dấu hiệu ghi khống ngày, có nghĩa là để trống ngày thực hiện và sau đó người thực hiện ghi ngày tháng năm vào. Thế thì quyết định khám xét đó không hợp lệ rồi".
Vấn đề thứ ba báo chí và công luận bày tỏ bất bình là ngoài việc thu giữ tờ 100 đôla của ông Rê, công an còn "tịch thu tang vật" là 20 viên kim cương và rất nhiều hạt đá nhân tạo của vợ chồng Lực.
Ý kiến của những người am hiểu pháp luật thể hiện trên báo chí hoặc mạng xã hội nhìn chung cho rằng những gì công an gọi là tang vật thực chất là tài sản riêng của chủ tiệm vàng, nên việc tịch thu "cần được hủy bỏ", và số tài sản phải được "trả về cho chủ sở hữu ban đầu".
Luật sư Nam đồng ý với quan điểm này. Ông nói với VOA :
"Hai mươi viên kim cương đó đang nằm trong két của nhà ông ấy. Đây là tài sản cá nhân hai vợ chồng tiết kiệm được, chứ không tham gia một giao dịch nào cả. Và người dân không có nghĩa vụ phải chứng minh đây là tài sản trong sạch. Ông chủ tiệm vàng đó có quyền khởi kiện cái quyết định xử phạt hành chính đó ra tòa án để yêu cầu hủy quyết định xử phạt và trả lại số tài sản đã thu giữ của ông ấy".
Trước tất cả những thắc mắc được nêu ra đó, cho đến nay, chính quyền Cần Thơ vẫn đưa ra những câu trả lời vòng vo.
Ngoài cuộc họp báo hôm 30/10, ông Trần Việt Trường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, nói với báo Tuổi Trẻ trong một cuộc phỏng vấn riêng về vụ việc rằng lãnh đạo chính quyền thành phố đã chỉ đạo công an và các cơ quan liên quan "phải rà soát thật kỹ" quy trình kiểm tra, xử lý tiệm vàng Thảo Lực để có hướng xử lý "hợp tình, hợp lý và đúng quy định của pháp luật".
Ông Trường nói "các nhà báo cần bình tĩnh chờ thêm vài ngày nữa sẽ có kết quả", theo Tuổi Trẻ. Người đứng đầu cơ quan tuyên giáo của thành phố nói thêm rằng "Vụ việc này xảy ra rất đáng tiếc, thành phố có bài học kinh nghiệm sâu sắc".
Vụ việc không chỉ "gây bão" trong dư luận mà còn làm nóng các tranh luận tại quốc hội Việt Nam.
Cùng ngày 30/10, sau khi Bộ trưởng Công an trình bày về vụ việc tại quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói Bộ Công an phải khám nhà đúng luật và phải thực hiện đúng thời gian phạt hành chính. "Đừng để 6 tháng, 9 tháng sau mới đưa ra quyết định", bà nói.
Bà Ngân cũng được báo chí trích lời nói rằng bà đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi quy định liên quan đến quản lý ngoại hối. Bà nhấn mạnh : "Còn quy định nào mà chưa hợp lý thì phải sửa cho dân nhờ".
Trước đó, tin tức hôm 28/10 cho hay Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Ngân hàng Nhà nước "nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý" của mức tiền phạt lên đến tổng cộng 270 triệu đồng đối với ông Rê và tiệm vàng Thảo Lực.
Về phần mình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nói với báo chí hôm 26/10 rằng cơ quan của ông "đang có kế hoạch" sửa đổi nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong năm nay.
********************
Tài xế taxi nghi bị cán bộ bắn, rồi cho xe hơi cán qua người (Người Việt, 31/10/2018)
Một ông chạy xe hơi Mazda CX5 đã nổ súng bắn đạn cao su và cho xe cán qua người một tài xế taxi sau một vụ va chạm giao thông nhỏ trên đường phố Hà Nội.
Tài xế xe taxi bị thương nặng sau khi bị đánh và cán xe qua người. (Hình : Người Lao Động)
Theo tin báo Người Lao Động, khoảng 20 giờ tối hôm 30 tháng Mười, tại đường Dương Quảng Hàm (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội), xảy ra vụ va chạm giao thông giữa chiếc xe taxi Hà Nội 30A-368.78 và xe hơi Mazda CX5 mang bảng số 30E–926.48.
Trong lúc giải quyết va chạm, tài xế taxi Nguyễn Đức Tiến (38 tuổi, ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) bất ngờ bị một số người trên xe Mazda CX5 lao xuống rút súng bắn đạn cao su vào bụng, nhặt bóng đèn tuýp bên đường vụt vào mặt rồi lái xe hơi chèn qua người ông Tiến, rồi bỏ chạy khỏi hiện trường.
Một nhân chứng ở hiện trường nói hay, vào thời điểm trên, hai bên có cãi vã to tiếng, tài xế Mazda dọa tài xế taxi dẹp xe ra không sẽ bị bắn chết. Khi ông Tiến đứng trước xe CX5 thì tài xế xe này tăng ga tông thẳng vào người ông Tiến rồi chèn qua người nạn nhân. Ngay sau đó, người dân đã gọi xe cấp cứu.
Nói với báo VietNamNet, ông Nguyễn Đức Mạnh (39 tuổi), anh trai ông Tiến cho biết : "Đến giờ các bác sĩ vẫn chưa lấy được viên đạn ra, vì đạn găm vào một bên hông. Tiến bị bắn thủng trực tràng nên các bác sĩ phải nối lại, sau đó mới phẫu thuật gắp viên đạn ra. Hiện Tiến vẫn đang nằm trong phòng cách ly, người nhà chưa vào thăm được," ông Mạnh nói.
Anh Mạnh nói thêm, nhiều nhân chứng đã thấy tài xế ô tô Mazda CX5 lái xe chèn qua người khiến anh Tiến bị cày mặt xuống đường, rồi lùi lại tiếp tục chèn qua.
Theo tờ Tuổi Trẻ, một cán bộ Công An quận Cầu Giấy cho biết : "Hiện tại, vẫn chưa xác định được đối tượng. Lực lượng công an đang tích cực xác minh, điều tra, truy tìm đối tượng".
Dư luận cho rằng, rất có thể người bắn ông Tiến là cán bộ "cỡ bự" hoặc là liên quan đến công an, vì người này dùng súng bắn đạn cao su, xe hơi đã bị ghi bảng số kiểm soát nhưng cho đến giờ vẫn chưa công bố tên tuổi, mặc dù công an loan tin "đang tích cực xác minh, điều tra". (Tr.N)
*******************
Bộ trưởng Văn hóa đổ tội ‘đạo đức xã hội xuống cấp’ do… kinh tế (Người Việt, 30/10/2018)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cộng sản Việt Nam đổ tội cho "đạo đức xã hội xuống cấp" ngày một tệ hại hơn "phát xuất từ cái gốc kinh tế".
Nơi trẻ sơ sinh bị bà mẹ ném xuống từ tầng 31 chúng cư Linh Đàm, Hà Nội, làm thiệt mạng. (Hình : Tiền Phong)
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, trả lời chất vấn tại Quốc hội hôm thứ Ba, 30 tháng Mười, 2018, trước trách nhiệm của bộ ông đứng đầu để "khắc phục tình trạng xuống cấp trầm trọng của đạo đức xã hội, gia đình".
Theo báo Kiến Thức, ông Thiện nhìn nhận "…đạo đức truyền thống, lối sống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang bị mai một. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong xã hội và trong cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng. Đạo đức nghề nghiệp sa sút, gian lận trong học hành, bằng cấp, các thủ đoạn chạy chức, chạy quyền… bạo lực gia đình nhất là bạo lực với người cao tuổi".
Ông Thiện cho hay, có nhiều nguyên nhân làm cho đạo đức xã hội xuống cấp nhưng "xét cho cùng xuất phát từ cái gốc kinh tế nên nếu bỏ qua kinh tế thì không xử lý được," tức không nâng đạo đức xã hội lên được.
Cuộc chất vấn ông Thiện diễn ra sau một tuần lễ của chuyện một cô nữ sinh viên ném bỏ đứa con sơ sinh mới một ngày tuổi, từ tầng lầu 31 chúng cư Linh Đàm, Hà Nội, xuống đất. Cô nữ sinh viên tên ĐTVA. 21 tuổi, của một đại học ở Hà Nội giết con làm dư luận xã hội bàng hoàng.
Chỉ một ngày trước đó, có tin một ông ở xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, nhẫn tâm giết bà mẹ nuôi, vất xác xuống giếng, rồi dùng đứa con 4 tuổi của ông ta làm con tin khi bị vây bắt.
Tuần qua, người ta cũng thấy tin một thiếu niên 13 tuổi hiếp rồi giết thiếu nữ 14 tuổi, vất xác trong rừng, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.
Ngày 27 tháng Mười, khi thảo luận về các vấn đề kinh tế-xã hội, báo chí trong nước tường thuật một số ông bà đại biểu đã "bày tỏ sự đau lòng trước biểu hiện đạo đức xuống cấp". Khóa họp trước hồi tháng Sáu, cũng thấy có những lời kêu ca tương tự.
Trong một kỳ họp Quốc hội năm ngoái, ông Nguyễn Ngọc Thiện sau khi báo động xã hội vẫn cứ tiếp tục băng hoại đã báo động là nếu không ngăn chặn được thì sẽ "mất gốc". Nay ông chỉ đích danh một trong những người phải chịu trách nhiệm "đạo đức xã hội xuống cấp" là… kinh tế.
Trong khóa họp Quốc hội đầu năm diễn ra ngày 8 tháng Sáu, 2018, báo VOV kể rằng : "Ngay ở phiên khai mạc, trong số hơn 3.500 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, vấn đề văn hóa, đạo đức xã hội đã được nhắc tới với tâm trạng bất an".
Quốc hội cộng sản Việt Nam hôm thứ Ba làm thiên hạ cười sằng sặc khi bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng Bộ Y Tế, giới thiệu kế hoạch "ba chân" mà bà nói cái chân thứ ba "không thể không có" để giúp cho nền y tế của Việt Nam khá hơn. Đoạn video clip lời bà nói có thể tìm thấy trên YouTube hoặc ngay trên báo mạng Zing. (TN)