Đối phó với nguy cơ sụp đổ chế độ Đảng cộng sản đã tăng cường chiến dịch ‘đốt lò’, chống tham nhũng ‘không vùng cấm’, trong đó việc kiểm soát quyền lực bằng/thông qua đạo đức cách mạng được nhấn mạnh. Các Nghị quyết 4 Ban chấp hành trung ương sau mỗi kỳ Đại hội đảng toàn quốc 11 (năm 2011), 12 (năm 2016) và 13 (2021), sau Đại hội 13 vẫn nhận định tình hình suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên vẫn nghiêm trọng và bổ sung các biện pháp ‘ngăn ngừa và đẩy lùi’. Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng vẫn không đạt kết quả như mong muốn. Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng một trong những nguyên nhân chống tham nhũng đối diện với thách thức ngày càng lớn là việc kiểm soát quyền lực bằng đạo đức cách mạng lại không phải bắt đầu từ việc nhìn nhận đạo đức người làm cách mạng, phải tu dưỡng, rèn luyện’ làm ‘đầy tớ’ cho nhân dân’ (lời Hồ Chí Minh), mà đạo đức cách mạng ở đây lại gắn với chống 'tự diễn biến ; tự chuyển hóa' của đảng viên, nghĩa là xa rời tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê nguyên thủy như đã nêu ở phần trên.
Các lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam tại Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 31/1/2021 - AFP
Chống tham nhũng kết hợp với thanh trừng nội bộ tổ chức là chính sách của Đảng cộng sản để củng cố chế độ ‘Đảng-Nhà nước’. Đỉnh điểm của việc thực thi chính sách này là việc các ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước (2021-2023, nguyên Thủ tướng (2016-2021), Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam (nguyên Phó thủ tướng (2016-2021) và (2021-2023) đã từ chức vào đầu năm do phải chịu "trách nhiệm chính trị" khi để cho cấp dưới tham nhũng. Ba vị cựu lãnh đạo trong ‘vùng cấm’ được cho là 'những nhà kỹ trị thực dụng’ nỗ lực tìm cách đưa Việt Nam vào quỹ đạo ổn định kinh tế vĩ mô. Những bình luận ban đầu về tác động của ‘sự kiện chính trị chưa từng có’ nêu trên tới hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng, ổn định xã hội và phát triển kinh tế còn ‘sơ sài’, nhưng thực tế đang chứng tỏ. Chẳng hạn như việc nhận định rằng Việt Nam sẽ có "môi trường chính trị thận trọng, vì các chính trị gia phải rút ra bài học từ những diễn biến gần đây" và, hậu quả là bộ máy đã trở nên ‘trì trệ’ ! "Các doanh nghiệp cần chuẩn bị để có ‘đường đi tránh xa’, hoặc giảm thiểu rủi ro vì một làn sóng tiềm tàng các vụ điều tra chống tham nhũng có động cơ chính trị"…
Tuy nhiên, kiểm soát quyền lực bằng đạo đức cách mạng ngày càng gặp thách thức khi Đảng cộng sản ‘vũ khí hoá’ tham nhũng, buộc phải duy trì nghịch lý tăng trưởng cao và tham nhũng tràn lan trong thời gian dài. Thực tế đang cho thấy rằng việc tăng cường chống tham nhũng bằng đạo đức, tư tưởng cách mạng sẽ có tác động ‘tiêu cực’ đến tăng trưởng kinh tế khi các quan chức ‘co lại’, ‘giấu mình chờ thời’ và doanh nghiệp ‘lo ngại’ môi trường đầu tư kinh doanh ‘xấu đi’. Trong bối cảnh sụt giảm tăng trưởng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng những số liệu từ Báo cáo về Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2023 ‘củng cố’ mối liên hệ nêu trên. Theo đó, toàn ngành thanh tra đã triển khai 4.224 cuộc thanh tra hành chính và 94.797 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 178.863 tỷ đồng và 404 ha đất… và đã kiến nghị thu hồi 148.062 tỷ đồng và 9 ha đất ; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 30.800 tỷ đồng và 395 ha đất ; ban hành 60.319 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 2.873 tỷ đồng ; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 784 tập thể và 2.912 cá nhân ; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 208 vụ ; 316 đối tượng…". Báo cáo trên nhấn mạnh vi phạm về xây dựng, quản lý đất đai diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương và ‘tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp’ vẫn còn nghiêm trọng.
Những bản tin về trục lợi, tham nhũng và những hiện tượng lừa đảo… đang thống trị các phương tiện truyền thông tại Việt Nam khiến giới lãnh đạo và người dân ‘lo lắng’. Adam Smith (1723-1790) không chỉ nổi tiếng là cha đẻ của kinh tế học cổ điển qua tác phẩm kinh điển "Sự giàu có của các quốc gia" (năm 1776), trong đó ông đã ‘lường trước’ về ảnh hưởng đạo đức của sự trục lợi (rent-seeking) trong giai đoạn ‘nguyên thủy’ của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, trước đó trong cuốn "Lý thuyết về các cảm xúc luân lý" (năm 1759) ông đã bảo vệ đã bảo vệ chủ nghĩa tư bản tiêu dùng bởi vì nó mang lại nhiều lợi ích cho người nghèo hơn là những xã hội cống hiến cho những lý tưởng cao cả. Nếu phát triển đúng đắn, chủ nghĩa tư bản không chỉ tạo ra thặng dư sự giàu có cho phép các xã hội chăm sóc những thành viên yếu nhất của họ mà còn phục vụ nhu cầu vật chất cơ bản của chúng ta và khi kích thích tiêu dùng sẽ làm cho tiền từ hàng hóa và dịch vụ mang lại sự thỏa mãn thực sự.
Phiên tòa xét xử 54 bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu" tại Hà Nội hôm 11/7/2023. AFP
Ngoài ra, từ khía cạnh đạo đức Adam Smith cho rằng tiền không phải là thứ mà người giàu thực sự quan tâm mà đó là danh dự và sự tôn trọng. Khi đã giàu các doanh nhân kiếm tiền không phải vì tham lam, mà chủ yếu là để được yêu thích và chấp thuận. Do đó, họ nên trao cho người giàu nhiều danh dự và địa vị - để đáp lại việc làm tất cả những điều tốt đẹp mà những ‘người tự ái này’ thường không bận tâm, chẳng hạn như tài trợ cho trường học, bệnh viện và người nghèo. Như ông ấy từng nói, "Bí mật tuyệt vời của giáo dục là hướng sự phù phiếm đến những đối tượng thích hợp". Ngoài ra, một xã hội tư bản tốt không chỉ cung cấp cho khách hàng sự lựa chọn, nó còn dạy mọi người thực hiện sự lựa chọn này một cách sáng suốt. Theo A. Smith, chủ nghĩa tư bản có thể, được cứu bằng cách nâng cao chất lượng theo yêu cầu của người tiêu dùng. Tóm lại, Adam Smith đã cống hiến những ý tưởng về làm thế nào các giá trị con người có thể được dung hòa với nhu cầu của doanh nghiệp.
Tư tưởng của A. Smith đã thúc đẩy thế giới nói chung tư bản nói riêng phát triển, không chỉ kinh tế mà cả thể chế. Tuy nhiên, một điều mà Adam Smith ‘lo lắng’ về khả năng xuất hiện của "Người đàn ông của hệ thống" để đối phó với hành vi đạo đức ‘tiêu cực’ này. Hắn ta sẽ ‘tiếp cận’ với những cá nhân khác trong xã hội như ‘những quân cờ trên bàn cờ vua’, họ không được tôn trọng và bị di chuyển theo ý chủ quan. Hậu quả là xã hội dân sự bị huỷ hoại. ‘Bóng hình’ của "Người đàn ông của hệ thống" in đậm trong các chế độ độc tài, chuyên chế. ‘Hắn ta’, về mặt kinh tế, tìm cách tiêu diệt doanh nghiệp tự do, sự phân công lao động, cạnh tranh và công cụ khuyến thích của thị trường. Về mặt chính trị, nó tìm cách phá hủy pháp quyền, tam quyền phân lập và tự do ngôn luận. Về mặt đạo đức, nó tìm cách tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân, tự do tôn giáo và tư tưởng độc lập. Và trên đống đổ nát này, nó xây dựng một Nhà nước toàn trị bởi một ‘tầng lớp tinh hoa’ đặc quyền, đặc lợi.
Như đã biết, sau này xuất hiện một Nhà nước toàn trị Trung Quốc ‘thân hữu’ với tư bản theo tư tưởng thực dụng, nhưng bản chất ‘cách mạng’ vẫn không thay đổi. Thời kỳ ‘hoàng kim’ sau 30 năm ‘thực dụng’ của mô hình này đã qua, "Người đàn ông của hệ thống" đã trở lại và ‘trỗi dậy’ hung hăng. Việt Nam là phiên bản của mô hình trên nhưng liệu người dân có hy vọng rằng cải cách có thể tạo ra được khác biệt ?
Tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đang diễn biến phức tạp, nhưng nếu coi đích đến là hạnh phúc của người dân thì ưu tiên hàng đầu của cải cách là làm thế nào để tạo ra một nền kinh tế vừa có lợi nhuận vừa văn minh. Thế nhưng, quyền lực và giám sát quyền lực thế nào khi chuyển đổi kinh tế thị trường đang thách thức chế độ trong bối cảnh cạnh tranh thể chế, ý thức hệ trên thế giới ngày càng gay gắt ?
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 15/08/2023