Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/08/2023

Vì sao nhiều quốc gia muốn xa lánh đô la Mỹ ?

Thanh Hà

Tại Trung Quốc và Nga, nhân dân tệ được cho là đã soán ngôi đô la để thanh toán các khoản trao đổi mậu dịch. Mặc dù hiện tại mới chỉ có 2% trao đổi mậu dịch thế giới được thanh toán bằng tiền của Trung Quốc, nhưng tỷ lệ này đã không ngừng gia tăng. Tại sao ngày càng có nhiều quốc gia muốn xa lánh đơn vị tiền tệ của Mỹ ? Và nhân dân tệ đủ tư cách để được trọng dụng hơn hay chưa ?

dola1

Đồng đô la Mỹ và đồng yuan Trung Quốc. Reuters/Thomas White

Theo hãng tin Anh Reuters, tháng 3/2023 tổng trao đổi mậu dịch hai chiều của Trung Quốc bằng nhân dân tệ đạt kỷ lục 550 tỷ đô la. Đơn vị tiền tệ Trung Quốc được sử dụng trong 48,4% các thương vụ. Vai trò của đô la bị thu hẹp lại còn có 46,7%. Ba tháng sau, đến lượt Nga loan báo lần đầu tiên trong các giao dịch của mình, nhân dân tệ của Trung Quốc qua mặt đô la Mỹ. Nhật báo tài chính Kommersant hôm 07/07/2023 đưa tin trên 100 thương vụ giao dịch, 41 trường hợp được tính bằng tiền Trung Quốc, 40 ca được thanh toán bằng đô la và đồng tiền chung Châu Âu chỉ được sử dụng trong 19 trường hợp mà thôi. Điều này dễ hiểu khi mà Âu Mỹ liên tiếp trừng phạt kinh tế Nga, giảm trao đổi mậu dịch với các tập đoàn của Nga. Trong đà này giới phân tích tại Moskva phấn khởi dự báo chỉ hai năm nữa thôi, nhân dân tệ sẽ chiếm từ 50 đến 60% tổng kim ngạch mậu dịch của Nga.

Đà tiến của nhân dân tệ

Từ đầu năm 2023, hai nước Châu Mỹ Latinh là Brazil và Argentina cùng thông báo muốn "xa rời đô la". Hôm 29/03/2023 vài tuần trước khi tổng thống Lula da Silva hội kiến ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Brazil và Trung Quốc đã thông qua thỏa thuận "đẩy mạnh trao đổi mậu dịch và đầu tư hai chiều" bằng nhân dân tệ. Đặt chân đến Bắc Kinh hồi mùa xuân vừa qua, tổng thống Lula da Silva không những đã xác định muốn sử dụng đồng tiền của Trung Quốc nhiều hơn trong các khoản trao đổi mậu dịch hai chiều với Bắc Kinh, mà còn vận động để cho ra đời một đơn vị tiền tệ chung được sử dụng giữa 5 thành viên trong nhóm BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Ông tuyên bố :

"Chúng ta cần có một đơn vị tiền tệ cho phép các quốc gia được thanh thản hơn thay vì cứ phải mải miết chạy theo đô la. Chúng ta hoàn toàn có thể dùng đồng tiền của chính mình để thanh toán các khoản xuất nhập khẩu. Chắc chắn là các Ngân Hàng Trung Ương phải làm được chuyện này. Tại sao các ngân hàng của khối BRICS lại không thể sử dụng một đồng tiền chung để thanh toán giữa các thành viên, thí dụ như là giữa Trung Quốc với Brazil hay giữa Brazil với bất kỳ một thành viên nào trong khối ? Cái khó ở đây là chúng ta đã quá lệ thuộc vào đô la Mỹ và xem đó như một đồng tiên duy nhất trên đời !"

Cuối tháng 5/2023 bộ trưởng Tài chính Argentina, Sergio Massa đến Bắc Kinh để đàm phán vay thêm tín dụng của Trung Quốc, tránh để Buenos Aires phải tuyên bố vỡ nợ. Đổi lại Argentina cam kết mua hàng của Trung Quốc bằng nhân dân tệ. Hôm 07/08/2023 Argentina vừa huy động 1,7 tỷ nhân dân tệ để thanh toán nợ đáo hạn.

Trên đài RFI chuyên gia về tiền tệ Carl Grekou Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế CEPII của Pháp giải thích về trường hợp đặc biệt của Argentina muốn thoát khỏi ảnh hưởng của đô la Mỹ :

"Argentina từ khoảng những năm 2000 đã trải qua một cuộc khủng hoảng tiền tệ nghiêm trọng, từ đó cả nước bị lạm phát ngựa phi. Hiện tại khó khăn của quốc gia Nam Mỹ này xuất phát từ hai yếu tố cùng lúc. Thứ nhất là do Argentina quá lệ thuộc vào đồng đô la Mỹ và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến cán cân thương mại, đến khả năng tài chính của Buenos Aires. Yếu tố thứ hai là Argentina quản lý kinh tế quá tồi, đến nỗi một nền kinh tế lớn như vậy mà không có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, không đủ năng động để thu hút ngoại tệ.

Trong hoàn cảnh đó, chỉ cần một Ngân hàng Trung ương như của Mỹ hay Châu Âu chẳng hạn, tăng lãi suất chỉ đạo, vốn đầu tư sẽ nhanh chóng rút khỏi Argentina. Bị thiếu hụt tiền mặt, lạm phát lại tăng mạnh và tình hình lại càng tồi tệ hơn khi quốc gia này đã mang nợ chồng chất.

Argentina phải trả cái giá đắt về mặt xã hội. Argentina không là một trường hợp riêng lẻ. Lebanon hay Venezuela cũng tương tự và đơn vị tiền tệ của các nước này đã mất một nửa trị giá". 

Nước chảy chỗ trũng

Chính vấn đề nợ nần như trong trường hợp của Argentina lại càng thúc đẩy một số quốc gia mang nợ xa lánh đô la. Năm 2012 chẳng hạn chỉ cần có 4 pesos Argentina đủ để mua vào 1 đô la Mỹ. Hiện tại thì phải mất đến 253 pesos. Theo giáo sư Vincent Pons, cộng tác viên với đại học kinh doanh Harvard khi mà một đơn vị tiền tệ bị phá giá đến mức độ này, thì điều dễ hiểu là Buenos Aires không còn muốn phải lệ thuộc vào đô la, vào hệ thống tiền tệ IMF.

Trong khi đó, do làm chủ đồng đô la, Hoa Kỳ tự cho mình những quyền lợi mà các nước nghèo khó có thể chấp nhận được. Mỹ cũng nợ nần chồng chất, nhưng chỉ cần "in tiền" là giải quyết được tất cả. Cũng vì đô la và kinh tế của Hoa Kỳ vững chắc và được tín nhiệm mà chính quyền Liên Bang luôn đi vay với lãi suất thấp. Những nước nghèo không được hưởng những "ưu đãi" đó !

Carl Grekou trung tâm CEPII ghi nhận hệ thống tiền tệ thế giới hiện nay với vị thế áp đảo của đô la là một cái bẫy :

"Đây là cả một hệ thống mà tự nó đã nuôi dưỡng nó hiểu theo nghĩa là ai cũng sử dụng đồng đô la và đấy là một giải pháp đơn giản. Thậm chí mức nợ của các nền kinh tế cũng được tính bằng đô la, bởi họ phải đi vay bằng đô la. Đơn giản là khi đã cần đi vay, người ta không thể đem đơn vị tiền tệ quốc gia ra để bảo đảm, vì sẽ không mấy ai tín nhiệm cái đồng tiền đó cả.

Nhìn đến thâm hụt mậu dịch đương nhiên khoản này cũng được tính bằng đô la. Thành thử một quốc gia trong tình trạng nhập siêu thì trước sau gì cũng phải huy động đô la để thanh toán cho nhà cung cấp. Tất cả những yếu tố vừa nêu châm thêm củi lửa cho những nhà tiên tri dự báo hệ thống tiền tệ quốc tế sắp sửa chuyển sang mô hình lưỡng cực mà ở đó đô la không còn độc quyền mà sẽ phải chia sẻ vị thế áp đảo với một đơn vị tiền tệ khác.

Hiện tại người ta nghĩ là đồng nhân dân tệ sẽ chia sẻ vị trí áp đảo đó của đô la. Nhưng đừng quên là trong quá khứ đã có nhiều dự báo là đô la bị thì bị đồng yen của Nhật, Deutch Mark của Đức đe dọa như trong thập niên 1980. Khi đồng tiền chung Châu Âu ra đời người ta cũng đã nghĩ rằng euro sẽ là đối thủ của đô la và bây giờ trong bối cảnh Trung Quốc đang vươn lên rất mạnh ai cũng nghĩ rằng nhân dân tệ sẽ soán ngôi đô la".

Vậy câu hỏi kế tiếp là đồng tiền Trung Quốc có "đủ điều kiện" để trở thành một đơn vị tiền tệ quốc tế như đô la hay chưa, theo giáo sư Pons đại học kinh doanh Harvard, thì câu trả lời là chưa :

"Một trật tự tiền tệ quốc tế khác hoàn toàn có thể chào đời nhưng tôi thiển nghĩ đồng euro sẽ là đơn vị tiền tệ thay thế tốt hơn cả - với điều kiện là các thành viên Châu Âu phải đồng ý phát hành nhiều hơn công trái phiếu bằng euro.

Về giải pháp thành lập một đơn vị tiền tệ chung cho nhóm BRICS, tôi không mấy tin tưởng, bởi điều đó có nghĩa là 5 nước thành viên phải đồng ý về một tỷ lệ hối đoái nhất định và không một bên nào được quyền điều chỉnh tỉ giá hối đoái đó. Vấn đề đặt ra là kinh tế các nước này, từ Brazil đến Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ, Nam Phi đều trồi sụt thất thường. Do vậy ít có khả năng họ sẽ giữ được cam kết là không điều chỉnh tỉ giá hối đoái, không phá giá đồng tiền và cũng không tự động tăng giá của đơn vị tiền tệ chung để giải quyết những khó khăn riêng của một thành viên nào đó trong khối. Hiện thời người ta nhắc nhiều đến nhân dân tệ nhưng đồng tiền Trung Quốc này không đủ tư cách để được các nhà đầu tư quốc tế tín nhiệm, do vậy nhân dân tệ không đủ sức thay thế đô la".

Kinh tế Trung Quốc báo động đỏ

Hãng tin Reuters hôm 01/08/2023 tiết lộ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc được lệnh bán đô la để giữ giá cho nhân dân tệ, "hoãn hoặc hủy các kế hoạch mua vào đô la" tránh để đơn vị tiền tệ quốc gia bị "phá giá" vào lúc mà các "tin xấu" về nền kinh tế thứ hai toàn cầu dồn dập ập xuống.

Tỉ lệ thất nghiệp chính thức của giới trẻ dưới 25 tuổi lên tới 21% nhưng nhiều nhà quan sát ghi nhận : 1 người trên 2 không tìm được việc làm. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7/2023 giảm trong 10 tháng liên tiếp, lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm.

Nhìn đến xuất khẩu, tháng 7 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm hơn 14% và đây là mức sa sút mạnh nhất từ 1 năm qua. Hệ quả kèm theo là "hàng chục ngàn hãng xưởng hoạt động chậm lại".

Tiêu thụ trong nước, xuất khẩu hai đầu máy tăng trưởng của Trung Quốc đều bị đóng băng. Vào lúc mà Âu Mỹ phải đối mặt với lạm phát, thì trái lại Trung Quốc bị giảm phát, điều đó báo trước các chương trình kích cầu sẽ không còn hiệu quả.

Báo Financial Times tiết lộ chưa tìm ra giải pháp để kích thích kinh tế các giới chức tại Bắc Kinh "gây sức ép" và khuyến khích các chuyên gia Trung Quốc kín tiếng về tình hình kinh tế, tránh nêu lên những vấn đề tiêu cực của nền kinh tế thứ hai toàn cầu.

Tháng 6/2023 cơ quan môi giới China Merchants Securities, trụ sở tại Thâm Quyến, được "nhắc nhở" sau khi dự báo "thị trường tài chính Trung Quốc đang mất đi tính năng động trong những năm sắp tới". Viễn cảnh bị giảm phát càng khiến những bài phân tích về tình hình kinh tế Trung Quốc, về nguy cơ vốn đầu tư rút khỏi Hoa Lục trở thành "những đề tài cấm kỵ".

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 15/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 301 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)