Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/08/2023

Chúng ta nên sợ Trung Quốc đến mức nào ?

Stephen M. Walt

Một vấn đề quan trọng trong các cuộc tranh luận hiện nay về đại chiến lược của Mỹ là các ưu tiên của nước này trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Mỹ nên dành bao nhiêu nguồn lực (tiền bạc, con người, thời gian, sự chú ý…) cho vấn đề này ? Liệu Trung Quốc có phải là thách thức địa chính trị lớn nhất mà Mỹ từng đối mặt, hay chỉ là gã khổng lồ với đôi chân bằng đất sét ? Việc chống lại Trung Quốc có nên được ưu tiên hơn tất cả các vấn đề khác (như Ukraine, biến đổi khí hậu, di cư, Iran…), hay nó chỉ nên là một trong số nhiều vấn đề và không nhất thiết phải quan trọng nhất ?

trungquoc1

Một chú gấu trúc con khổng lồ trong Chương trình nhân giống lớn nhất của Trung Quốc tại Cơ sở nghiên cứu nhân giống gấu trúc khổng lồ Thành Đô vào ngày 19/9/2007 tại Thành Đô, Trung Quốc.

Đối với một số nhà quan sát – chẳng hạn như Elbridge Colby – chống lại Trung Quốc là ưu tiên cao nhất, và các nhà lãnh đạo Mỹ không được để mình bị phân tâm bởi Ukraine hoặc bất kỳ vấn đề chính sách đối ngoại nào khác. John Mearsheimer, người thỉnh thoảng là đồng tác giả với tôi, và Graham Allison, đồng nghiệp Harvard của tôi, đều quan tâm đến thách thức Trung Quốc, và đặc biệt đến những gì họ coi là nguy cơ chiến tranh đang gia tăng. Một nhóm cố vấn của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại gần đây đã lập luận rằng các xu hướng quân sự ở Châu Á đang thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc, và kêu gọi nỗ lực gấp đôi để củng cố khả năng răn đe, đặc biệt là tại Eo biển Đài Loan. Hal Brands và Michael Beckley cho rằng sức mạnh của Trung Quốc đang gần đạt đến đỉnh, và Bắc Kinh sẽ chẳng thể làm gì để ngăn chặn sự suy tàn sau cùng của mình, nhưng họ coi khả năng này là một vấn đề cần cảnh giác hơn là một sự trấn an. Ngược lại, Michael Swaine, đồng nghiệp tại Viện Quincy của tôi, và Jessica Chen Weiss, học giả Đại học Cornell, cho rằng chúng ta đang phóng đại mối nguy mà Trung Quốc gây ra và lo lắng rằng hai nước sẽ rơi vào vòng xoáy tự ngờ vực, theo đó khiến cả hai bên cùng thiệt hại bất kể ai là người chiến thắng cuối cùng.

Những đánh giá khác nhau này chỉ là một ví dụ nhỏ về các ý kiến mà bạn có thể tìm thấy nhằm dự đoán quỹ đạo tương lai của Trung Quốc. Tôi không biết ai đúng – và bạn cũng vậy – và tôi thừa nhận rằng một vài trong số các nhà quan sát này biết nhiều về Trung Quốc hơn tôi. Tất nhiên, tôi có linh cảm của mình, nhưng tôi khá thất vọng khi cộng đồng các nhà quan sát Trung Quốc không đạt được sự đồng thuận. Do đó, như một hành động công ích (và hy vọng có thể truyền cảm hứng cho họ), tôi xin nêu năm câu hỏi lớn hàng đầu của tôi về Trung Quốc. Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ cho bạn biết rõ hơn mình nên lo sợ đến mức nào.

1. Tương lai kinh tế của Trung Quốc sáng sủa, đen tối, hay ở đâu đó giữa hai thái cực này ?

Quyền lực trong chính trị quốc tế sau cùng vẫn dựa trên kinh tế. Cứ nói tất cả những gì bạn muốn về "sức mạnh mềm", tài năng của các nhà lãnh đạo cá nhân, tầm quan trọng của "bản sắc dân tộc", vai trò của cơ hội, và hơn thế nữa. Nhưng khả năng để một quốc gia tự bảo vệ mình và định hình môi trường rộng lớn hơn vẫn phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế của nó. Bạn cần một dân số đông để trở thành một cường quốc, nhưng bạn cũng cần một lượng của cải đáng kể, cùng một nền kinh tế đa dạng và phát triển. Sức mạnh kinh tế cứng là thứ cho phép một quốc gia chế tạo nhiều vũ khí tiên tiến và huấn luyện một quân đội hạng nhất, cung cấp loại hàng hóa và dịch vụ mà những nước khác muốn mua, từ đó nâng cao cuộc sống của chính các công dân nước đó, đồng thời tạo ra thặng dư có thể được sử dụng để xây dựng ảnh hưởng khắp thế giới. Được nước khác công nhận là có năng lực và thành công về kinh tế cũng là một cách để giành được sự tôn trọng của họ, khiến họ lắng nghe lời khuyên của bạn, và nâng cao sức hấp dẫn cho mô hình chính trị của bạn.

Thành tích kinh tế của Trung Quốc trong 40 năm qua thật phi thường, và không một nhà phân tích nghiêm túc nào tin rằng nền kinh tế nước này sẽ suy thoái đến mức bị tụt khỏi hàng ngũ các cường quốc. Tuy nhiên, như sự phục hồi chậm chạp sau Covid đã cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những cơn gió ngược ngày càng mạnh và khó mà yếu đi. Dân số nước này đang già đi và giảm dần, nghĩa là lượng người lao động ngày càng ít sẽ phải hỗ trợ lượng người về hưu ngày càng nhiều. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là hơn 21%, và tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp (Total Factor Productivity, TFP) đã giảm mạnh trong thập niên vừa qua. Hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn còn thiếu minh bạch và ngập trong nợ, trong khi lĩnh vực bất động sản – từng là một nguồn tăng trưởng chính – cũng gặp khó khăn lớn. Tổng hợp những điều này lại với nhau, chúng ta sẽ hiểu tại sao nhiều nhà phân tích lại bi quan về triển vọng dài hạn của Trung Quốc. Như tôi sẽ thảo luận dưới đây, chính sách của Mỹ và chất lượng lãnh đạo của Trung Quốc có thể làm cho những vấn đề này trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, tin vào thất bại của Trung Quốc sẽ là một vụ cá cược rủi ro. Các ngành công nghiệp của nước này đang thống trị một số lĩnh vực quan trọng – bao gồm công nghệ năng lượng mặt trời và gió – và ngành xe điện của họ cũng vượt trội hơn phần còn lại của thế giới. Ba trong số các công ty xây dựng hàng đầu thế giới (gồm cả công ty có doanh thu hàng năm lớn nhất) là của Trung Quốc. Nước này đã tìm đủ mọi cách để đảm bảo quyền tiếp cận các khoáng sản và kim loại quan trọng, và dần dần có thể ở vào vị trí từ chối quyền tiếp cận của những nước khác. Có đủ mọi lý do để kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục là một chủ thể kinh tế lớn trong tương lai xa. Nhưng câu hỏi lớn là liệu họ có vượt qua được Mỹ, và để Mỹ vĩnh viễn tụt lại phía sau trong hầu hết các khía cạnh của sức mạnh kinh tế, hay hai bên sẽ ngang hàng với nhau. Ngay cả khi biết câu trả lời cho câu hỏi này, bạn vẫn còn lâu mới biết mình nên lo lắng đến mức nào.

2. Các biện pháp soát xuất khẩu của Mỹ có hiệu quả không ?

Cách bạn trả lời câu hỏi đầu tiên phụ thuộc một phần vào việc bạn có tin rằng cuộc thương chiến của chính quyền Biden chống lại Trung Quốc sẽ thành công hay không. Bằng cách ngăn Trung Quốc tiếp cận chất bán dẫn tiên tiến (và các công nghệ liên quan), Mỹ đang hy vọng duy trì ưu thế công nghệ trong lĩnh vực quan trọng này. Dù các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng những biện pháp này chỉ giới hạn trong các quan ngại an ninh quốc gia hẹp (điều mà Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan mô tả là "sân nhỏ và hàng rào cao"), mục đích thực sự có lẽ là làm chậm bước tiến công nghệ của Trung Quốc trên diện rộng.

Câu hỏi đặt ra là liệu chiến dịch này có thành công trong dài hạn hay không. Ngay cả việc phân tách một phần cũng đòi hỏi sự trả giá, và những hạn chế này sẽ làm chậm sự đổi mới ở Mỹ, chưa kể, các quốc gia khác phải tuân theo thì chiến dịch của Mỹ mới có thể hoạt động. Các rào cản công nghệ không bao giờ hiệu quả 100%, và chính sách này mang lại cho Trung Quốc một động lực lớn để dần trở nên tự chủ hơn. Vì lý do này và những lý do khác, các chuyên gia thường không đồng ý về mức độ hiệu quả của các biện pháp này.

Đừng quên rằng khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu phát huy tác dụng – như trường hợp Nhật Bản năm 1941 – thì quốc gia bị nhắm mục tiêu sẽ không khoanh tay chịu đựng. Trung Quốc đã sẵn sàng trả đũa các công ty và đồng minh của Mỹ, và các biện pháp đối phó của họ có thể không dừng lại ở đó.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt là nếu bạn tin rằng chiến dịch này sẽ hoạt động hiệu quả, thì bạn sẽ bớt lo lắng hơn về thách thức dài hạn mà Trung Quốc đặt ra đối với vị thế bá chủ của Mỹ hoặc với trật tự toàn cầu hiện có. Nếu bạn tin rằng chiến dịch này chỉ hiệu quả trong một thời gian chứ không phải mãi mãi, hoặc nó cuối cùng sẽ gây ra phản ứng dữ dội ở Trung Quốc và một số quốc gia quan trọng khác, thì bạn nên lo lắng nhiều hơn.

3. Tập Cận Bình là Mao Trạch Đông hay Lý Quang Diệu mới ?

Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đã bắt đầu dưới "sự lãnh đạo tập thể" thời hậu Mao, dù thực ra Đặng Tiểu Bình là "người đứng đầu trong số những người ngang hàng" trong hệ thống phân cấp của Đảng cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày nay, Tập đã tập trung quyền lực ở một mức độ chưa từng thấy kể từ thời Mao, và đã nuôi dưỡng một sự sùng bái cá nhân giống như Mao, theo đó những ý tưởng của ông được cho là không thể sai lầm và những quyết định của ông là không thể bị nghi ngờ.

Để cho một người nắm giữ quyền lực không được kiểm soát trong một quốc gia thường là công thức dẫn đến thảm họa. Không có con người nào lại không thể sai lầm, và việc để một người đầy tham vọng và quyết tâm tự do hành động mà không bị kiểm soát sẽ làm tăng khả năng mắc phải những sai lầm lớn và không được sửa chữa trong một thời gian dài. Bạn chỉ cần nghĩ tới Đại Nhảy Vọt đầy thiếu sót của Mao (gây ra nạn đói giết chết hàng triệu người), hoặc thiệt hại mà Trung Quốc phải gánh chịu trong Cách mạng Văn hóa. Nếu những ví dụ này chưa đủ, hãy xem cái giá phải trả cho những quan điểm tai hại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về chính sách tiền tệ, hoặc mớ hỗn độn xảy ra sau khi Elon Musk tiếp quản mạng xã hội trước đây được gọi là Twitter.

Chắc chắn, vẫn có một số cá nhân đặc biệt, những người liên tục đánh bại thị trường và không bao giờ mắc sai lầm nghiêm trọng. Các nhân vật như Warren Buffett hoặc Lý Quang Diệu đã tiệm cận mức độ thông thái này, nhưng phần lớn các nhà lãnh đạo đều còn thiếu sót. Quan điểm của tôi là tương lai gần và trung hạn của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu Tập Cận Bình có khôn ngoan bằng một nửa những gì ông ta nghĩ hay không. Ông rõ ràng là một thiên tài trong việc củng cố quyền lực – như được thấy trong cuộc thanh trừng gần đây đối với cựu Ngoại trưởng Tần Cương và một số sĩ quan quân đội hàng đầu – nhưng ông cũng mắc sai lầm trong quản lý đại dịch, kìm hãm một số ngôi sao sáng nhất của nền kinh tế Trung Quốc, và đã chứng kiến sự suy giảm hình ảnh toàn cầu của nước này. Và càng tích lũy được nhiều quyền lực, thì các quyết định chính sách của ông dường như càng tồi tệ hơn. Những người bi quan về triển vọng kinh tế của Trung Quốc có lẽ đã lưu tâm đến thực tế rằng Tập có thể sẽ giữ chức vụ này cả đời.

4. Liệu Châu Á có cân bằng hiệu quả ?

Một trong những thất bại lớn của Tập Cận Bình là đã không làm nhiều hơn để ngăn cản các nước láng giềng của Trung Quốc tham gia vào lực lượng đối trọng với Bắc Kinh. Sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn khiến các quốc gia Châu Á khác lo ngại, nhưng việc công khai tuyên bố tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, áp dụng "chính sách ngoại giao chiến lang", phản ứng thái quá trước những hành vi được cho là xem thường, và sử dụng chiến thuật cắt lát salami hung hăng ở Đài Loan và Biển Đông đã khiến vấn đề trở nên càng tồi tệ hơn.

Kết quả là gì ? Ấn Độ và Mỹ tiếp tục xích lại gần nhau hơn, và giờ đây, họ cùng với Nhật Bản và Australia tham gia Đối thoại An ninh Bốn bên. Thỏa thuận AUKUS đã củng cố quan hệ chiến lược (và hợp tác an ninh) giữa Mỹ, Australia, và Vương quốc Anh. Nhật Bản đang nhanh chóng tăng chi tiêu quốc phòng và hàn gắn quan hệ với Hàn Quốc. Xa hơn, Liên Hiệp Châu Âu dần ít hứng thú với đầu tư từ Trung Quốc, và dư luận ở Châu Âu và Châu Á đã trở nên thận trọng hơn nhiều đối với vai trò toàn cầu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ hiệu quả cuối cùng của các biện pháp này. Như tôi từng nhận xét, một liên minh cân bằng ở Châu Á sẽ phải đối mặt với các vấn đề quan trọng về hành động tập thể, và Châu Âu sẽ không đảm nhận vai trò chiến lược chính ở đây. Khoảng cách địa lý giữa các quốc gia này là rất lớn (có thể khiến một số nước quyết định rút lui nếu rắc rối ở xa họ), không ai muốn mất hoàn toàn quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc, và các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản có một quá khứ đầy rắc rối. Nhiều quốc gia trong số này có thể muốn để Chú Sam xử lý Trung Quốc trong khi họ chỉ là kẻ ăn theo, điều này sẽ làm suy yếu khả năng răn đe, và cuối cùng có thể dẫn đến phản ứng dữ dội tại Mỹ. Cũng chính những quốc gia này thường có xu hướng lo lắng nếu Mỹ trở nên quá đối đầu, bởi họ không muốn chịu thiệt hại trong một cuộc đụng độ Mỹ-Trung.

Ngày nay, Mỹ và các đối tác Châu Á của họ đang tích cực cân bằng – như kỳ vọng của lý thuyết cân bằng quyền lực/ cân bằng đe dọa – nhưng liệu họ có làm đủ hay không thì gần như không thể đoán trước. Nếu câu trả lời là đủ, Trung Quốc sẽ khó mà trở thành bá quyền Châu Á và nguy cơ chiến tranh sẽ giảm xuống. Nếu câu trả lời là không đủ, có lẽ bạn nên lo lắng hơn một chút. Phần lớn vấn đề phụ thuộc vào việc liệu Mỹ có thể lãnh đạo một liên minh dễ bị chia rẽ và tìm ra điểm cân bằng giữa làm quá nhiều và làm quá ít hay không. Và ai sẽ muốn đặt cược vào điều đó ?

5. Phần còn lại của thế giới sẽ làm gì ?

Vấn đề sau cùng không phải là về Trung Quốc, mà là về cách phần còn lại của thế giới sẽ phản ứng. Một mô hình rõ ràng đang nổi lên : Các quốc gia Châu Á lo lắng nhất về Trung Quốc đang xích lại gần nhau và hướng về Mỹ ; phần lớn Châu Âu miễn cưỡng đi theo sự dẫn dắt của Mỹ, bởi họ vẫn phụ thuộc vào sự bảo vệ của Mỹ và do đó không có nhiều sự lựa chọn ; Nga cũng có rất ít sự lựa chọn ngoài việc gắn bó với cường quốc đối tác duy nhất của mình ; và các cường quốc tầm trung trên khắp thế giới đang phòng bị nước đôi, tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng chiến lược (về thương mại và đầu tư, quan hệ ngoại giao và hỗ trợ quân sự), đồng thời cố gắng tránh phải chọn phe. Đối với Nam Phi, Ả Rập Saudi, Brazil, và một số quốc gia khác, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ là cơ hội để hai cường quốc này loại bỏ lẫn nhau, còn họ thì hưởng lợi từ mối quan hệ với cả hai.

Quan trọng là ai trong hai cường quốc mạnh nhất sẽ chơi trò chơi mới này một cách hiệu quả nhất. Trong 30 năm qua, Mỹ đã nhiều lần bỏ lỡ thiện chí ở các nước đang phát triển, và những thất bại của họ đã tạo cơ hội cho Trung Quốc. Nhưng các hành động của chính Trung Quốc – bao gồm Sáng kiến Vành đai và Con đường được ca tụng – lại không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi mà nhiều người mong đợi. Nhìn về phía trước, chúng ta sẽ thấy một trật tự thế giới trông giống thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh đến mức đáng ngạc nhiên : Mỹ liên kết với Châu Âu, phần lớn Đông Á và Thái Bình Dương, Trung Quốc liên kết với Nga và một số nước đang phát triển chủ chốt, trong khi các cường quốc tầm trung khác dao động giữa hai bên. Đội hình cuối cùng sẽ không phải là một đội hình hoàn hảo, và một số người chơi sẽ đổi đội, nhưng mô hình tổng thể giống với mô hình mà chúng ta từng thấy trước đây.

Ngoài ra, vẫn còn những điều ta chưa biết được. Nếu bạn thực sự muốn lo lắng về Trung Quốc, hoặc nếu thổi phồng mối đe dọa là một phần trong mô tả công việc của bạn, thì bạn luôn có thể tin vào những tình huống đáng sợ mà người ngoài gần như không thể hiểu được. Nỗi sợ Cộng sản (Red Scare) hồi thập niên 1950 là một ví dụ điển hình : Nhiều người Mỹ thực sự tin rằng xã hội của họ đang bị xâm nhập và phá hoại bởi rất nhiều người giả vờ là công dân yêu nước, nhưng thực chất lại bí mật trung thành với các lãnh chúa độc ác của Điện Kremlin. Những nỗi sợ kiểu này đã bị thổi phồng quá mức nhưng cũng khó bác bỏ, vì làm sao ta có thể biết được những suy nghĩ và lòng trung thành sâu kín nhất của người khác ?

Dưới góc độ này, chúng ta nên hiểu như thế nào về câu chuyện gần đây trên tờ New York Times mô tả những nỗ lực của Mỹ nhằm tìm kiếm và loại bỏ mã độc mà tin tặc Trung Quốc được cho là đã bí mật cài vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, có lẽ là để làm gián đoạn hoặc trì hoãn phản ứng quân sự của Mỹ trước một cuộc xung đột trong tương lai ? Những lo ngại về một Trân Châu Cảng trên không gian mạng đã xuất hiện từ lâu, nhưng bài báo cho rằng mối nguy đang thực sự hiện hữu. Tuy nhiên, rất khó để biết chúng ta nên lo lắng đến mức nào vì không ai biết mức độ hiệu quả của loại mã độc này, và không ai có thể chắc chắn 100% rằng không có những mã độc thậm chí còn nguy hiểm hơn đang ẩn nấp đâu đó mà các chuyên gia an ninh mạng của chúng ta vẫn chưa tìm thấy.

Có lẽ chúng ta nên thực sự lo lắng, nhưng điều gây ấn tượng với tôi về bài viết của tờ Times, dựa trên các cuộc phỏng vấn với các quan chức chính quyền cấp cao giấu tên (nghĩa là rò rỉ thông tin một cách chính thức), là nó hầu như không nhắc đến những nỗ lực của Mỹ để làm điều tương tự ở Trung Quốc. Bài báo có trích lời một quan chức Trung Quốc phàn nàn về các cuộc tấn công mạng mà nước này phải đối mặt, mà ông nói rằng hầu hết đến từ "các nguồn ở Mỹ", nhưng còn lại thì bài báo không đề cập đến điều mà các chiến binh mạng của Mỹ đang làm. Thật khó để tin rằng Trung Quốc đã cài đặt phần mềm độc hại trong cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ suốt nhiều năm, nhưng những thiên tài được tài trợ dư dả ở Cơ quan An ninh Quốc gia hoặc Bộ Tư lệnh Mạng Mỹ lại chỉ đang chơi trò phòng thủ. Nếu sự thực đúng là vậy, thì chúng ta nên lo lắng về một vấn đề khác, lớn hơn.

Tóm lại thì, ta nên sợ hãi đến mức nào ? Tôi không biết. Nếu lịch sử là một bài học, thì Mỹ nhiều khả năng đang phản ứng thái quá, hơn là phản ứng dưới mức, trước một thách thức có thể đến từ Trung Quốc, và sự nhiệt tình hiện tại của lưỡng đảng trong việc đối đầu với Trung Quốc trên nhiều mặt trận đã củng cố dự đoán này. Nhưng việc bạn nghĩ chúng ta đang làm quá nhiều hay quá ít phụ thuộc phần lớn vào cách bạn trả lời năm câu hỏi được liệt kê ở trên. Tôi sẽ vô cùng biết ơn nếu một số chuyên gia về Trung Quốc cùng nhau cố gắng thu hẹp phạm vi bất đồng. Sẽ tốt hơn nữa nếu họ làm như vậy một cách công khai và trình bày nguồn gốc cũng như lý do của họ càng chi tiết càng tốt, để những người quan tâm đến các câu hỏi này có thể có những cuộc tranh luận đầy đủ thông tin hơn về câu hỏi chiến lược quan trọng này.

Stephen M. Walt

Nguyên tác : "Here’s How Scared of China You Should Be", Foreign Policy, 07/08/2023

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 16/08/2023

Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Stephen M. Walt, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 908 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)